Ông Putin người không thể thiếu của nước Nga

12:04 16/08/2019
20 năm trước, ông Vladimir Putin mới chỉ là người đứng đầu cơ quan tình báo an ninh ít được mọi người biết tới và được cho là ít kinh nghiệm chính trường nhưng đã được Tổng thống Nga Boris Yeltsin tín nhiệm và trao quyền lãnh đạo nước Nga.

Sự tin tưởng này đã giúp nước Nga có được một nhà lãnh đạo tài năng, đưa nước Nga vượt qua mọi sóng gió, giúp nước Nga trở nên hùng cường hơn, cá nhân ông trở thành một nhân vật quyền lực không chỉ ở nước Nga mà Tổng thống Putin đã thực sự đóng vai trò chủ chốt trong các vấn đề của thế giới.

Trong 20 năm qua, Tổng thống Putin đã chèo lái đưa nước Nga qua những thời khắc khó khăn nhất. Ảnh: PRI.

Gian nan ngày đầu

Rất ít người có thể đoán định được rằng, suốt 2 thập niên ông Putin vẫn là nhà lãnh đạo đầy quyền lực của nước Nga nói riêng và trên trường thế giới nói chung. Ngày nay, dù nước Nga đang phải đối diện với nhiều thách thức mới nhưng tỷ lệ tín nhiệm ông có thể khiến bất cứ vị lãnh đạo phương Tây nào cũng phải ghen tị. Nhìn vào chặng đường sự nghiệp của ông Putin có thể hiểu được vì sao.

Cuối năm 1999, đầu năm 2000, ông Yeltsin chuyển giao quyền bính cho ông Putin. Tháng 5-2000, ông được bầu làm Tổng thống Nga. Sau sự tái đắc cử oanh liệt năm ngoái, ông Putin có thể cầm quyền cho tới năm 2024. 20 năm quyền lực vừa qua của ông Putin là vô cùng rực rỡ khi đặt trong bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội ở nước Nga và vị thế của nước Nga trên thế giới vào thời điểm ông Putin lên cầm quyền.

Tổng thống Boris Yeltsin đã để lại cho ông Putin một nước Nga yếu kém và thiếu tự tin về mọi phương diện. Kinh tế sa sút, mức sống của người dân giảm, chính trị mất ổn định, nội bộ xã hội phân rẽ, rối ren, vị thế và ảnh hưởng quốc tế đi xuống, hoài nghi và lo ngại về tương lai gia tăng. Các cuộc cải cách cần thiết về chính trị xã hội, thể chế và kinh tế không được tiến hành hoặc tiến hành không được triệt để.

Người dân Nga muốn có thay đổi cơ bản và cụ thể, muốn tìm lại niềm tự hào dân tộc và khôi phục ảnh hưởng thế giới của nước Nga. Họ muốn có người lãnh đạo đất nước trái ngược với ông Yeltsin, trẻ và năng động, quyết đoán và không bị ràng buộc hay chi phối bởi các thời trước. Họ muốn đổi mới và khác biệt hoàn toàn so với trước.

Tổng thống Putin đã trở thành biểu tượng kiên cường của nước Nga. Ảnh: France24.

Trong khi đó, chủ trương của Tổng thống Yeltsin dựa vào Mỹ và phương Tây để phát triển nước Nga đã hoàn toàn bị phá sản và đặt toàn bộ sự nghiệp chính trị của ông trước nguy cơ đổ vỡ. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng số 1 khi đó của Tổng thống Nga Yeltsin là tìm người kế vị, vừa bảo vệ tính mạng ông, vừa cứu được nước Nga.

Ngày 8-8-1999, Tổng thống Yeltsin ký quyết định bổ nhiệm V. Putin - Cục trưởng Cục An ninh Liên bang Nga (chức vụ tương tự Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô), làm Thủ tướng Nga. Quyết định này chính thức đưa ông V. Putin bước lên vũ đài chính trị của Nga.

Chỉ 4 tháng sau, ngày 31-12 đã đi vào lịch sử nước Nga và thế giới không chỉ là thời khắc cuối cùng của thế kỷ XX mà còn đánh dấu một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Liên Xô trước đây cũng như lịch sử nước Nga từ xưa tới nay: Yeltsin, vị tổng thống đầu tiên của nước Nga sau khi Liên Xô giải thể, hoàn toàn tự nguyện trao quyền lãnh đạo tối cao của quốc gia cho Thủ tướng Nga V. Putin.

Khi đó ông V. Putin phải đối mặt với vô vàn thách thức. Trước hết là các hoạt động khủng bố đang lan rộng và bùng phát ở nhiều nơi trên lãnh thổ Liên bang Nga. Do vậy, quyết định đầu tiên và cấp bách nhất của quyền Tổng thống Nga khi đó là tiếp tục chiến dịch chống khủng bố mà ông đã khởi xướng sau khi được bổ nhiệm chức thủ tướng.

Theo đó, ông tập hợp một lực lượng vũ trang tinh nhuệ và trực tiếp chỉ huy để đánh bại các lực lượng khủng bố đang hoành hành. Thắng lợi quan trọng đó có ý nghĩa đầy sức thuyết phục đối với công chúng Nga cũng như thế giới về Putin. Chính vì vậy, trong cuộc bầu cử ngày 26-3-2000, ông Putin đã giành được số phiếu ủng hộ cao nhất trong số 10 ứng cử viên.

Kể từ khi Tổng thống Putin lên cầm quyền, thiết chế chính trị đa đảng ở nước Nga đã được điều tiết theo hướng khắc phục tình trạng quá nhiều đảng, tập trung vào các đảng có khả năng cạnh tranh cao, lựa chọn một hoặc một số đảng mạnh, đảng “của chính quyền”, đóng vai trò hậu thuẫn, ủng hộ đường hướng, kế hoạch phát triển đất nước của chính quyền Nga. Những cải cách này đã mang lại kết quả tích cực rõ rệt.

Thời khắc ông Yeltsin chuyển giao quyền lực cho ông Putin.

Không những ổn định về chính trị, cuộc sống người dân cũng được cải thiện rõ rệt. Đây là những thành công đáng kể mà ông Putin gây dựng được từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong giai đoạn 2000-2008, từ quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 22 thế giới, Nga đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Năm 2011, Nga là nước có nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới và là nước có tốc độ phát triển nhanh thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Năm 2012, Nga trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...

Trong nhiệm kỳ Tổng thống Nga 2018-2024, ông Putin cam kết đưa nước Nga vững bước trên con đường phát triển, trở thành một "nước Nga mạnh mẽ”, có khả năng “tự quyết định tương lai của mình”. Ông đặt ra mục tiêu đưa nước Nga gia nhập nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.  

Chèo lái con thuyền Nga

Vấn đề của mọi vấn đề và có ý nghĩa quan trọng hàng đầu mà ông Putin phải giải quyết sau khi nhậm chức tổng thống vào đầu năm 2000 là định hình con đường phát triển của nước Nga. Ông Ptin đã lựa chọn phát triển nước Nga dựa trên 5 trụ cột: Một là, sự đồng thuận xã hội. Hai là, chủ nghĩa yêu nước. Ba là, nước Nga có vị thế cường quốc. Bốn là, vai trò quyết định của nhà nước. Năm là, sự đoàn kết xã hội.

Năm 2015, nhân dịp tròn 15 năm cầm quyền của Tổng thống Putin, Hãng thông tấn Nga TASS thực hiện đề án mang tên “15 năm của Putin: Mở đầu kỷ nguyên mới” để đánh giá toàn diện về những đóng góp của Tổng thống Putin đối với nước Nga trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, khoa học - công nghệ, giáo dục và văn hóa.

Dù xuất phát từ quan điểm chính trị nào, dư luận cũng như giới phân tích trong và ngoài nước Nga đều đánh giá cao, không thể không thừa nhận những đóng góp to lớn, vô cùng quan trọng của Tổng thống Putin đối với nước Nga trong những năm cầm quyền của ông.

Tổng thống Putin được hầu hết người dân Nga yêu mến và biết ơn. Ảnh: PRI.

Những đóng góp đó được thể hiện qua những con số rất ấn tượng: hệ thống chính trị ổn định; nền kinh tế vươn lên vị trí thứ năm trên thế giới; nước Nga trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu và có uy tín nhất thế giới, trong đó đã xuất khẩu vũ khí tới 65 nước và ký hiệp định hợp tác kỹ thuật - quân sự với 89 nước; nền nông nghiệp vươn lên vị trí hàng đầu thế giới: sản lượng ngũ cốc tăng từ 64,4 triệu tấn năm 2000 lên 140 triệu tấn năm 2017; đầu tư cho khoa học từ ngân sách liên bang tăng 20 lần; tổ hợp công nghiệp - quân sự Nga được phục hồi và phát triển trên cơ sở cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, Nga trở thành quốc gia được xếp hạng là cường quốc quân sự hùng mạnh thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Không chùn bước trước cường quyền của phương Tây

Chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới công bằng hơn được ông Putin đề cập tới trong bài phát biểu rất nổi tiếng và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị An ninh quốc tế ở Munich (Đức) năm 2007. Trong bài phát biểu này, Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh Lạnh, bởi theo ông, trật tự đó trái với nguyên tắc dân chủ mà chính Mỹ và các nước phương Tây vẫn cổ xúy.

Những quan điểm cơ bản của Tổng thống Nga Putin về chính trị quốc tế và trật tự kinh tế thế giới mới phản ánh quy luật phát triển của thế giới trong thế kỷ XXI. Nhận định về Hội nghị An ninh quốc tế Munich năm 2018, giới phân tích cho rằng, tiên đoán của Tổng thống Nga Putin về sự cáo chung tất yếu của trật tự thế giới đơn cực đang trở thành hiện thực với sự rút lui dần của Mỹ khỏi vai trò lãnh đạo thế giới dưới thời cầm quyền của đương kim Tổng thống Mỹ D.Trump.

Ông tuyên bố rằng, nước Nga sẽ đi đầu trong cuộc đấu tranh để xây dựng trật tự thế giới mới bình đẳng, công bằng, tính tới lợi ích của tất cả các quốc gia, dù giàu hay nghèo, dù mạnh hay yếu, dù lớn hay nhỏ. Với sự khẳng định công khai và mạnh mẽ đó, bài phát biểu của Tổng thống Nga tại Hội nghị An ninh quốc tế ở Munich được đánh giá là “cương lĩnh chính trị của nước Nga trong thế kỷ XXI”.

Không chỉ đề xuất quan điểm hay ý tưởng, Tổng thống Putin còn đưa ra nhiều chủ trương xây dựng cấu trúc kinh tế và chính trị thế giới mới. Điển hình là sáng kiến xây dựng Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU); đề xuất liên kết EAEU với Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng không gian kinh tế thống nhất trên lục địa Á - Âu.

Ngoài ra, Nga cùng các nước trong Nhóm Các nước có nền kinh tế mới nổi - BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) - đang xây dựng hệ thống kinh tế - tài chính mới nhằm hạn chế tác động tiêu cực của hệ thống kinh tế thế giới dựa trên quyền kiểm soát của Mỹ.

Đặc biệt, thực hiện nghị quyết về chống khủng bố của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Putin đã phát động và chỉ đạo chiến dịch quân sự ở Syria theo đề nghị của tổng thống nước này B.A.Assad, để chống lại các tổ chức khủng bố, đứng đầu là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, góp phần quyết định và rất quan trọng trong cuộc đấu tranh nhằm loại bỏ hiểm họa khủng bố ra khỏi đời sống quốc tế.

Có thể khẳng định, nắm quyền lãnh đạo nước Nga trong một giai đoạn lịch sử có tính bước ngoặt, Tổng thống Putin đã có những đóng góp rất lớn và đóng vai trò có ý nghĩa quyết định trong việc giữ vững nền độc lập cũng như chủ quyền quốc gia và dần đưa nước Nga lấy lại vị thế một cường quốc, hướng tới trật tự thế giới công bằng, bình đẳng hơn. Tạp chí Forbes của Mỹ 4 năm liền bình chọn Tổng thống Putin là “người quyền lực nhất thế giới”.

Ngày nay, đa số người dân Nga vẫn coi ông Putin là người vực dậy đất nước sau sự sụp đổ của Liên Xô và là người bảo đảm cho sự ổn định của nước Nga sau này. Bằng tầm nhìn của một nhà cải cách và sự quyết đoán của một nhà lãnh đạo cứng rắn, Tổng thống Putin đã tận dụng và phát triển các nguồn lực của nước Nga: Công nghệ cao, vũ khí mạnh và công nghiệp phát triển. Ông đã chứng tỏ cho thế giới thấy rằng nước Nga không dễ bị đánh bại.

Nước Nga dưới thời ông Putin cũng vượt qua khủng hoảng kinh tế và thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong nước. Vai trò và vị thế của nước Nga đang ngày càng được nâng cao qua nhiều sự kiện quốc tế, từ giải quyết xung đột tại các điểm nóng thế giới đến việc tổ chức thành công World Cup 2018, những sự kiện quốc tế mang đậm dấu ấn Nga và dấu ấn của Tổng thống Putin.

Có thể thấy rõ, dưới sự chèo lái của Tổng thống Putin, hình ảnh nước Nga thật sự thay đổi và không ai có thể phủ nhận những đóng góp của ông, một chính khách lão luyện, người đã được phần lớn nhân dân Nga trao gửi niềm tin về khả năng duy trì được trật tự xã hội, mang lại đời sống thịnh vượng cho người dân và không ngừng nâng tầm vị thế nước Nga trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi, sứ mệnh đặt lên vai người đứng đầu nước Nga cũng rất nặng nề khi những thách thức cả về đối nội và đối ngoại là rất lớn.

Hoa Huyền

Đêm 21/11 rạng sáng 22/11, các tổ công tác của Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai lực lượng tuần tra, xử lý xe quá tải lưu thông trên địa bàn đơn vị quản lý. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị phát hiện xử lý, cánh tài xế “méo mặt” bởi mức phạt nặng.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文