Vì sao Tổng thống Putin được mời tới Nhà Trắng?

16:20 09/04/2018
Bất chấp sự chỉ trích của chính giới và truyền thông Mỹ sau khi gọi điện chúc mừng Tổng thống Putin tái cử, Tổng thống Donald Trump tiếp tục ngỏ ý muốn mời người đồng nhiệm Nga tới Nhà Trắng.

Vì sao ông Trump lại muốn một cuộc họp thượng đỉnh với Nga trong bối cảnh Moskva đang bị phương Tây tẩy chay vì cho rằng liên quan đến vụ cha con điệp viên hai mang Skripal bị đầu độc ở Anh?

Nga tin rằng, một cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ sẽ có lợi cho cả đôi bên

Ngày 21-3-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện chúc mừng Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc ông tái đắc cử. Theo Điện Kremlin, cuộc trao đổi “mang tính xây dựng” giữa hai ông Trump và Putin, tập trung vào các vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ song phương, vốn đang ở mức thấp kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Ông Putin giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 15-3, kéo dài thời gian cầm quyền ở đất nước rộng lớn nhất thế giới thêm 6 năm nữa vào lúc mối quan hệ giữa Nga với phương Tây đang đi theo chiều hướng thù địch.

Một tuần trước cuộc điện đàm trên, chính quyền của ông Trump cáo buộc Nga xâm nhập lưới điện của Mỹ và chấp thuận các biện pháp chế tài đầu tiên nhắm vào các thực thể và cá nhân Nga vì cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ. Mỹ đã cùng Anh, Pháp và Đức lên tiếng đòi Nga giải thích về vụ tấn công bằng chất độc thần kinh cấp quân đội trên đất Anh nhắm vào Sergei Skripal, một cựu điệp viên người Nga và con gái của người này. Ông Trump tuần trước nói: “Có vẻ như người Nga đứng đằng sau” vụ việc.

Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Trump tại thượng đỉnh APEC tổ chức tại Đà Nẵng năm 2017.

Moscow và Washington bất đồng về Ukraine và Syria, trong khi những cáo buộc của Mỹ rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, điều mà Moscow phủ nhận, vẫn tiếp tục phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa hai nước. Ông Trump đã nói rằng không có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử tổng thống của ông và người Nga.

Trong cuộc điện đàm, hai ông Putin và Trump nhất trí về về việc cần phải hợp tác với nhau để tránh một cuộc chạy đua vũ trang có thể xảy ra, theo Điện Kremlin. Ông Putin nói rằng ông không muốn một cuộc chạy đua vũ trang và sẽ làm mọi thứ có thể để giải quyết những bất đồng với các nước khác. Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải trừ hạt nhân Bán đảo Triều Tiên” sau khi ông Trump đồng ý gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với hy vọng xóa bỏ mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng.

“Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ đối với việc phát triển sự hợp tác thực tiễn trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm những vấn đề về làm thế nào để đảm bảo sự ổn định chiến lược và chống khủng bố quốc tế”, Điện Kremlin nói trong một thông cáo.

Điểm được lưu ý nhất trong cuộc hội đàm giữa ông Trump và lãnh đạo Nga là khả năng gặp gỡ ở cấp cao nhất. Nói với các phóng viên tại Nhà Trắng trong khi hội kiến Thái tử Arập Xêút Mohammed bin Salman ngày 21-3, Tổng thống Donald Trump thông báo: “Cuộc hội đàm cũng đề cập đến việc chúng tôi có lẽ sẽ hội kiến trong tương lai không xa để có thể thảo luận về vũ khí, chúng tôi có thể thảo luận về cuộc chạy đua vũ trang”. Nhà Trắng sau đó nói không có kế hoạch cụ thể cho một cuộc họp thượng đỉnh.

Đến ngày 26-3, Mỹ tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga liên quan tới cái gọi là vụ đầu độc cựu điệp viên của Nga ở Anh. Tuy nhiên, ngày 28-3, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong một buổi họp báo qua điện thoại rằng Moscow đã không nhận được bất cứ một thông tin nào từ Washington về việc liệu cuộc gặp Trump-Putin có còn trong nghị trình nữa hay không. Nhưng Nga vẫn mở ngỏ khả năng cho một cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin, theo người phát ngôn.

Khả năng cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn được mở ngỏ.

Ông Peskov hi vọng nếu mọi thứ tiến triển tốt “phía Mỹ sẽ không nuốt lời, để ngỏ việc thảo luận khả năng tổ chức cuộc gặp”. “Nga tin rằng một cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ sẽ rất quan trọng, có lợi cho cả hai nước và cộng đồng quốc tế. Chúng tôi hi vọng một ngày, hay một thời điểm nào đó, chúng ta có thể đi đến bắt đầu đối thoại mang tính nghiêm túc và xây dựng”, người phát ngôn điện Kremlin kêu gọi.

Sự kiện Tổng thống Donald Trump chúc mừng người đồng cấp Nga đã bị chỉ trích ngay từ nội bộ đảng Cộng hòa. Thượng nghị sĩ John McCain đả kích ông Trump về cuộc gọi chúc mừng này. Truyền thông Mỹ la ó om sòm. Tờ The New York Times khẳng định cuộc gặp này chỉ có lợi cho phía Nga.

Theo tác giả bài báo, Moscow cần cuộc gặp này hơn Mỹ do Nga đang bị các nước phương Tây nghi ngờ gây ra vụ đầu độc Sergei Skripal. “Điện Kremlin tăng cường ảnh hưởng lên Tổng thống Mỹ. Đây là một điều nguy hiểm với chính sách của Mỹ”, bài báo kết luận.

Sarah E. Mendelson, cựu quan chức ngoại giao thời Barack Obama, thậm chí còn cho rằng cuộc gặp là “một phần chiến lược của người Nga” hòng “mua chuộc” Donald Trump. Max Boot, thành viên Hội đồng quan hệ quốc tế Mỹ, kịch liệt phản đối cuộc gặp này trong một cuộc trả lời phỏng vấn của kênh MSNBC. Theo Max Boot, tình cảm của ông Trump dành cho Tổng thống Putine phá hoại chính sách ngoại giao của Mỹ.

Nhưng việc ông Trump chủ động đề xuất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Nga tại Nhà Trắng không gây bất ngờ cho giới phân tích. Ông Trump, người tuyên bố sẽ cải thiện mối quan hệ với Nga khi nhậm chức 14 tháng trước, đã chịu áp lực từ Quốc hội, phe Dân chủ cũng như phe Cộng hòa, phải tỏ lập trường cứng rắn hơn đối với ông Putin, với những người thân cận của ông và hàng loạt các nhân vật chính trị Nga. Tuy nhiên nay ông Trump đã làm cho mọi người, nhất là các chính trị gia Cộng hòa, phải ngạc nhiên. Ông chứng tỏ nhiệm kỳ tổng thống của mình đã sang một giai đoạn mới, ông có thể quyết định một mình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi điện chúc mừng Tổng thống Putin tái đắc cử và nêu ra khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Nhà Trắng.

Nói cách khác, ông Donald Trump đã xác định vai trò tổng thống của chính mình, độc lập đối với đảng Cộng hòa. Trong năm đầu tiên, ông Trump làm tổng thống, nhiều cố vấn và người cộng sự xung quanh ông muốn đưa Trump vào “dòng chính” của đảng Cộng hòa.

Nay phần lớn đã ra đi: Gary Cohn về kinh tế, H.R. McMaster và Rex Tillerson về ngoại giao. Họ được thay thế bằng những người phù hợp với các quyết định dùng cảm tính của ông tổng thống. Mike Pompeo thành Bộ trưởng Ngoại giao và John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia. Ông Trump làm chủ trong Nhà Trắng và trong chính phủ.

Suốt năm 2017, đối với Quốc hội do Cộng hòa kiểm soát, ông Trump phải hợp tác, và tìm cách thỏa hiệp. Vì ông cần Quốc hội thông qua một số dự luật quan trọng, như cắt giảm thuế, lập ngân sách mới. Và ông cũng muốn xóa bỏ chương trình bảo hiểm Obamacare, dựng tường biên giới, hai điều này thì ông không thành công.

Năm nay, Tổng thống Trump không có nhu cầu lập pháp cấp bách nào cần lá phiếu của các dân biểu, nghị sĩ Cộng hòa, như năm ngoái. Cho nên ông không phải lắng nghe tiếng nói của những lãnh đạo trong Quốc hội. Năm nay, Tổng thống Donald Trump “hoàn toàn tự do” theo đuổi những ước mơ của mình, mà ông chú ý nhất là những điều ông đã hứa khi tranh cử năm 2016.

Những tuyên bố gây ngạc nhiên của Tổng thống D. Trump

Giai đoạn thứ nhì trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump bắt đầu. Ngoài chuyện muốn tổ chức thượng đỉnh với Nga, trong tuần qua, ông Trump còn có các tuyên bố gây ngạc nhiên khác. Thứ nhất, ông tuyên sẽ đưa quân đội tới canh gác biên giới Mỹ-Mexico. Thứ hai, chính phủ trình bày chi tiết các món hàng Trung Quốc bị đánh thuế nhập khẩu 25%.

Đưa quân tới gác biên giới Mexico, ông Trump đã thi hành lời hứa tranh cử năm 2016: ngăn chặn di dân lậu. Ông đã than phiền: “Các chính phủ Mỹ trước đây, Cộng hòa cũng như Dân chủ, chỉ lo đưa quân đi bảo vệ biên giới các nước khác từ châu Á tới châu Âu! Chỉ có biên giới nước Mỹ là họ bỏ ngỏ!”.

Quyết định quan trọng nhất của Tổng thống Trump, phát động cuộc chiến tranh mậu dịch, đi ngược với chính sách cố hữu của đảng Cộng hòa là tự do thương mại. Ngày 15-5 tới, giới doanh nhân trong đảng Cộng hòa sẽ phải nói cho chính phủ biết chiến tranh mậu dịch nguy hại cho kinh tế Mỹ như thế nào.

Các đại biểu Quốc hội cũng sẽ lên tiếng can ngăn, khi giới kinh doanh trong đơn vị của họ kêu cứu. Nhưng trong năm nay Tổng thống Trump có sẵn sàng nghe các đại biểu Cộng hòa trong Quốc hội hay không?

Thượng nghị sĩ John McCain đả kích việc ông Trump gọi điện chúc mừng Tổng thống Putin tái cử.

Hiện nay ông có thể rất tự tin. Vì trong mấy ngày qua, các cuộc nghiên cứu dư luận cho thấy số người ủng hộ các chính sách của ông đã lên cao hơn! Ông Trump thường không tin các cuộc nghiên cứu dư luận, trừ khi kết quả nghiên cứu cho thấy điểm của ông đang lên. Dư luận ủng hộ đang lên, như vậy thì có lý do nào khiến ông Trump phải lắng nghe các nhà chính trị Cộng hòa khác?

Hơn nữa, năm nay dân Mỹ sẽ không bầu lại tổng thống mà chỉ bầu lại quốc hội. Các dân biểu Hạ viện và một phần ba nghị sĩ sẽ lo tranh cử. Các đại biểu Cộng hòa sẽ cần được ông Trump hỗ trợ khi tái tranh cử, chứ ông không cần họ! Ông Trump biết mình đang lên giá!

Nếu đến Mỹ họp thượng đỉnh thì đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Nga tới Mỹ trong 8 năm qua. Năm 2010, Tổng thống Barack Obama đã tiếp người tiền nhiệm của ông Putin, Dmitri Medvedev tại Nhà Trắng.

Iouri Ouchakov, cố vấn Tổng thống Nga, không thông báo chính xác ngày giờ cho một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Putin và Trump mà chỉ nói rằng có thể sẽ diễn ra trong quý 4 năm nay, nhiều khả năng vào cuối mùa thu vì vào tháng 12, nước Mỹ chuẩn bị đón Noel nên chính trường Mỹ ít có các hoạt động ngoại giao lớn. Nếu cuộc gặp này không diễn ra, lãnh đạo Nga và Mỹ có thể sẽ có cuộc hội đàm bên lề thượng đỉnh G20 tại Argentina vào tháng 11 tới.

Ông Putin từng gặp gỡ hội đàm với ông Trump 2 lần. Vào tháng 7-2017, lãnh đạo Nga và Mỹ đã có cuộc gặp tại thượng đỉnh G20 ở Hamburg (Đức) bàn về các vấn đề hợp tác song phương, cuộc khủng hoảng Syria và Urkaine. Tháng 11-2017, Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Trump đã có cuộc tiếp xúc ngắn bên lền thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Tại cuộc họp, hai bên đã ra tuyên bố chung về vấn đề Syria. Sau đó, ông Trump và ông Putin còn có nhiều cuộc điện đàm khác. Theo giới phân tích, thật khó có thể dự đoán chính xác được chủ đề của cuộc gặp sắp tới giữa hai tổng thống Nga và Mỹ vì quan hệ giữa hai nước hiện được coi xấu như thời Chiến tranh Lạnh.

M.T. (tổng hợp)

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) đã cận kề. Góp phần vào thành công của lễ kỷ niệm là 11 khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND (9 khối đi và 2 khối đứng). Để thực hiện nhiệm vụ này, lãnh đạo Bộ Công an giao Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) tổ chức tuyển chọn hơn 1.300 CBCS tham gia luyện tập, trong đó đoàn viên, thanh niên các học viện, trường CAND là nòng cốt, phối hợp Công an một số đơn vị, địa phương, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị quan trọng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文