Kia
Mobifone

Ai đứng sau âm mưu ám sát Tổng thống Madagascar?

Thứ Năm, 05/08/2021, 10:56

Hôm 1-8, Madagascar thông báo đã bắt giữ thêm 5 tướng lĩnh cùng các sĩ quan cảnh sát cấp cao vì liên quan đến âm mưu ám sát Tổng thống Andry Rajoelina. Thông báo về vụ ám sát không thành thứ hai trong vòng 1 tháng được chính quyền Madagascar đưa ra trong bối cảnh nước này hỗn loạn bởi đại dịch COVID-19 và đang đối mặt với sự bùng phát của nạn đói ở miền Nam.

21 người bị bắt giữ

Trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng An ninh công cộng Madagascar Rodellys Randrianarison cho hay, đến nay, 21 người đã bị bắt và điều tra trong đó có 2 công dân Pháp vì tình nghi liên quan đến âm mưu này. Còn trong số các vụ bắt giữ mới nhất, 12 người là quân nhân và cảnh sát tại ngũ, bao gồm 5 tướng lĩnh, 2 đội trưởng và 5 hạ sĩ quan. 4 trong số những người bị bắt trước đó là nhân viên cảnh sát và quân đội trong nước, nước ngoài đã nghỉ hưu và 5 người là dân thường.

Nhà chức trách đã thu giữ 209.300 euro, 2 xe hơi và 1 khẩu súng ngắn. “Các bằng chứng vật chất trong tay các nhà điều tra là hữu hình và có thể xác định được những kẻ chủ mưu chính của hoạt động này”, Rodellys Randrianarison nói.

Ai đứng sau âm mưu ám sát Tổng thống Madagascar? -0
 Tổng thống Andry Rajoelina được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Reuters.

Báo chí đưa tin Madagascar vốn có lịch sử về bạo lực chính trị. Tổng thống Andry Rajoelina lần đầu tiên lên nắm quyền tại cựu thuộc địa nghèo đói của Pháp với 26 triệu người cũng là nhờ một cuộc đảo chính hồi tháng 3-2009, lật đổ tổng thống khi đó là Marc Ravalomanana. Andry Rajoelina tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Chính phủ lâm thời vào ngày 21-3-2009 tại sân vận động Mahamasina trước đám đông 40.000 người ủng hộ.

Khi nhậm chức, ông mới 35 tuổi, trở thành người đứng đầu chính phủ trẻ nhất trong lịch sử Madagascar cũng như trên thế giới vào thời điểm đó. Ông nắm giữ vị trí này trong khoảng thời gian 5 năm (2009-2014). Đến cuộc bầu cử năm 2018, Marc Ravalomanana đã thách thức Andry Rajoelina nhưng thua cuộc và không chấp nhận, cáo buộc gian lận. Sau khi Andry Rajoe chính thức trở thành tổng thống, Marc Ravalomanana có vẻ vẫn chưa nguôi mối thù bị cướp vị trí đối với Andry Rajoelina.

Công tố viên Berthine Razafiarivony thuộc Tòa phúc thẩm Antananarivo cho biết, nhiều năm qua, Tổng thống Andry Rajoelina đã trở thành mục tiêu hàng đầu trong các âm mưu ám sát. Tháng 6-2021, một âm mưu ám sát không thành nhằm vào quan chức cấp cao Madagascar đã bị phát hiện.

Ai đứng sau âm mưu ám sát Tổng thống Madagascar? -0
An ninh được thắt chặt. Ảnh: Getty.

Vụ việc xảy ra vào Ngày Độc lập của Madagascar (26-6) khi hiến binh thông báo họ tìm ra một vụ ám sát nhằm vào tướng Richard Ravalomanana - cánh tay phải của Tổng thống Andry Rajoelina. "Cảnh sát đã có thông tin trong vài tháng nhưng chỉ bây giờ mới có cơ hội để bắt giữ những kẻ này", thông báo của Bộ An ninh công cộng có đoạn viết. Còn công tố viên Berthine Razafiarivony thông tin: “Chi tiết về mức độ âm mưu ám sát tổng thống chưa thể được tiết lộ nhưng đây là một phần của cuộc điều tra về một cuộc tấn công nhằm vào an ninh quốc gia. Theo bằng chứng mà chúng tôi sở hữu, những cá nhân này đã nghĩ ra một kế hoạch để loại bỏ và vô hiệu hóa một số người bao gồm cả nguyên thủ quốc gia”.

10 triệu Euro tài trợ từ công ty dầu mỏ?

Theo thông tin độc quyền mà tờ Barron có được, dường như có một công ty dầu mỏ ở Madagascar liên quan đến vụ ám sát bất thành. Cụ thể, một trong 2 người Pháp bị bắt giữ vì lên kế hoạch ám sát Tổng thống Andry Rajoelina đã đòi Công ty Madagascar Oil tài trợ hàng triệu euro. Danh tính tên này được xác định là Paul Rafanoharana, một cựu quân nhân bị bắt ngày 20-7. Tên này đã tìm mọi cách liên hệ với Madagascar Oil để đòi được cung cấp khoản tiền 10 triệu euro. Đổi lại, hắn cam đoan sẽ làm trơn tru các hoạt động của công ty trong nước và giúp Madagascar Oil ký các hợp đồng làm ăn đang được đàm phán. “Khi Paul Rafanoharana liên hệ, Madagascar Oil không muốn phản hồi.

Ai đứng sau âm mưu ám sát Tổng thống Madagascar? -0
 Cảnh sát Madagascar đã bắt giữ 21 người có liên quan đến vụ ám sát. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, đến nay, câu hỏi về mối liên hệ giữa Madagascar Oil và các đại diện của công ty ở trong nước, đặc biệt là Russel Kelly và Kemrajsing Sewnundun - những người đã bị bắt vì liên quan đến vụ việc - vẫn chưa được giải đáp. Nhưng, có điều là trong 2 năm gần đây, hoạt động của Madagascar Oil liên tục gặp khó khăn do những quy định mới mà Tổng thống Andry Rajoelina đưa ra”, tờ Barron viết.

Đáng chú ý là Tập đoàn Benchmark Group, một cổ đông lớn của Madagascar Oil hôm 2-8 cũng cho biết họ đã được tiếp cận để xin tiền cho kế hoạch lật đổ Tổng thống Andry Rajoelina. Đại diện Tập đoàn khẳng định họ đã "nhận được email từ công dân Pháp gốc Madagasca, Paul Rafanoharana tham gia gây bất ổn chính trị ở Madagascar. Các email trao đổi này được bắt đầu từ tháng 10-2020. Các email cũng được tìm thấy trên máy tính của Paul Rafanoharana.

“Tập đoàn Benchmark có thể bị truy tố vì tội đồng lõa phá hoại an ninh nhà nước vì đã không thông báo cho chính quyền Madagasca. Cảnh sát đã triệu tập lãnh đạo Tập đoàn Benchmart và cả Giám đốc Điều hành Madagascar Oil như một phần của cuộc điều tra về kế hoạch ám sát tổng thống”, công tố viên Berthine Razafiarivony nói.

Tại một cuộc họp báo ngắn vào chiều tối 2-8, Benchmark Group đã cam kết "hỗ trợ hoàn toàn" cho Chính phủ Madagascar và lên án "mạnh mẽ bất kỳ hành động nào nhằm phá hoại an ninh của một quốc gia và chính quyền được bầu cử dân chủ".

Madagascar Oil được thành lập năm 2004 bởi kỹ sư người Canada Sam Malin và doanh nhân người Australia Alan Bond và là công ty dầu khí chính trên bờ ở Madagascar chuyên khai thác dầu mỏ và đất đai. Công ty mẹ của Madagascar ban đầu là Madagascar Oil Limited (Mauritius). Văn phòng hoạt động của Madagascar Oil đặt tại Antananarivo, Madagascar và có các văn phòng hành chính ở Singapore. Chủ tịch của Madagascar Oil là Al Njoo quốc tịch Indonesia. Trước đó, công ty có trụ sở tại Houston, Texas (Mỹ) và London, Anh. Mỏ dầu hàng đầu của công ty là Tsimiroro ở lưu vực Morondava, phía Tây Madagascar.

Tháng 3-2006, đồng thời với việc gây quỹ 60 triệu USD cho các quỹ đầu cơ được quản lý ở Bắc Mỹ, Mauritius được tổ chức lại thành Madagascar Oil Limited ở Bermuda. Năm 2006, Madagascar Oil khởi động vòng cấp phép đầu tiên liên quan đến 44 lô ngoài khơi trong lưu vực Morondava. Năm 2008, một thỏa thuận liên doanh đã được thực hiện với việc Total S.A. cấp cho công ty quyền điều hành và 60% lợi ích trong cát hắc ín Bemolanga.

Ai đứng sau âm mưu ám sát Tổng thống Madagascar? -0
Madagascar Oil là công ty dầu khí lớn của Madagascar. Ảnh: Getty.

Năm 2010, Madagascar Oil đã huy động được 50 triệu bảng Anh trong đợt IPO của mình để tài trợ cho một dự án thử nghiệm ở cánh đồng Tsimiroro. Madagascar Oil được niêm yết trên Thị trường đầu tư thay thế (AIM) của Sở Giao dịch chứng khoán London từ năm 2010 đến năm 2016.

Tháng 12-2010, giao dịch cổ phần của công ty bị đình chỉ sau khi Chính phủ Madagascar thông báo rằng hầu hết các giấy phép khai thác dầu của công ty sẽ bị hủy bỏ. Nhưng, tranh chấp đã được giải quyết và tháng 4-2015, Chính phủ Madagascar đã cấp cho công ty giấy phép 25 năm sản xuất dầu tại lô Tsimiroro 3104. Tháng 2-2019, Tổng thống Madagascar Andry Rajoelina lại hủy bỏ vòng cấp phép đang diễn ra liên quan đến 44 lô đất trong lưu vực Morondava cho đến khi có thông báo mới.

Tổng thống Andry Rajoelina năm nay 47 tuổi, là một chính trị gia và doanh nhân Madagascar. Ông từng là Chủ tịch Chính phủ lâm thời trong khoảng thời gian 2009-2014, sau một cuộc khủng hoảng chính trị và cuộc đảo chính do quân đội hậu thuẫn. Trước đó, ông từng giữ chức Thị trưởng Antananariv. Trước khi bước vào chính trường, Andry Rajoelina đã tham gia lĩnh vực kinh doanh tư nhân, bao gồm làm giám đốc một công ty in ấn và quảng cáo có tên Injet vào năm 1999 và mạng lưới phát thanh và truyền hình Viva vào năm 2007. Ông thành lập đảng chính trị Young Malagasies quyết tâm và được bầu làm Thị trưởng Antananarivo vào năm 2007. Khi ở cương vị này, ông đã lãnh đạo một phong trào đối lập chống lại tổng thống lúc bấy giờ là Marc Ravalomanana mà đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng chính trị năm 2009.

Andry Rajoelina được một hội đồng quân sự bổ nhiệm làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời hay còn gọi là Cơ quan chuyển tiếp cấp cao của Madagascar (HTA), trong một động thái được cộng đồng quốc tế coi là một cuộc đảo chính. Sau đó, Andry Rajoelina đã giải tán Thượng viện và Hạ viện, đồng thời chuyển giao quyền lực cho nhiều cơ cấu quản trị mới chịu trách nhiệm giám sát quá trình chuyển đổi sang cơ quan lập hiến mới.

Điều này mâu thuẫn với một quy trình trung gian quốc tế để thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Nhưng, cử tri Madagscar đã thông qua hiến pháp mới trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc gây tranh cãi vào tháng 11-2010, mở ra nền cộng hòa thứ tư cho nước này. Andry Rajoelina giữ chức Chủ tịch HTA cho đến khi tổng tuyển cử được tổ chức vào năm 2013 và từ chức vào năm 2014. Ông thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 và nhậm chức Tổng thống Madagascar ngày 19-1-2019.   

Sông Thương

.