Chính phủ sụp đổ, Thủ tướng Hà Lan từ chức

16:11 07/06/2025

Ngày 3/6, Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof chính thức tuyên bố từ chức, chỉ vài tuần sau khi lãnh đạo đảng cực hữu Geert Wilders rút khỏi liên minh cầm quyền do bất đồng về chính sách nhập cư. Diễn biến này làm gia tăng lo ngại về sự ổn định chính trị tại Hà Lan, trong bối cảnh nước này chuẩn bị đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại The Hague và dự kiến đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng.

Bất đồng chưa thể hóa giải

Liên minh cầm quyền được thành lập sau cuộc bầu cử năm 2023, bao gồm 4 đảng: Đảng Tự do (PVV), đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (VVD), phong trào Nông dân - Công dân (BBB) và Hợp đồng Xã hội Mới (NSC). Mặc dù PVV giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội, ông Wilders đã không đảm nhận vị trí thủ tướng, thay vào đó đề cử ông Dick Schoof, một cựu giám đốc tình báo, làm người đứng đầu chính phủ.

Khủng hoảng nổ ra khi ông Wilders yêu cầu các đảng trong liên minh phải ngay lập tức chấp thuận “kế hoạch 10 điểm” của PVV, trong đó có nội dung đề xuất đóng cửa biên giới đối với người xin tị nạn. Khi đề xuất này bị các đối tác từ chối, ông Wilders tuyên bố không còn lựa chọn nào khác ngoài rút đảng khỏi liên minh và rút toàn bộ các bộ trưởng PVV khỏi chính phủ.

“Tôi đã hứa với cử tri về chính sách tị nạn nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay. Khi không đạt được điều đó, tôi không thể tiếp tục ủng hộ nội các này”, ông phát biểu.

Quyết định đơn phương rút lui của ông Wilders đã vấp phải phản ứng trái chiều từ các đảng còn lại trong liên minh. Bà Caroline van der Plas - lãnh đạo đảng Nông dân BBB chỉ trích đây là hành động thiếu trách nhiệm trong thời điểm nhạy cảm. Đại diện đảng NSC bày tỏ tiếc nuối vì quyết định được đưa ra một cách chóng vánh và thiếu sự tham vấn sâu rộng trong chính phủ. Bà Dilan Yesilgoz, lãnh đạo đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (VVD), cảnh báo việc PVV rút lui có thể khiến tình hình chính trị trở nên bất ổn hơn và cho rằng lập luận của ông Wilders chưa đủ sức thuyết phục.

Từ khi được thành lập, chính phủ liên minh tại Hà Lan luôn tồn tại những khác biệt căn bản giữa các đảng thành viên, đặc biệt liên quan đến chính sách nhập cư, định hướng đối ngoại và vai trò của Hà Lan trong các thể chế quốc tế. Ông Geert Wilders, với lập trường dân túy và xu hướng hoài nghi hội nhập, nhiều lần có quan điểm trái ngược với Thủ tướng Dick Schoof tại Quốc hội, nhất là trong các vấn đề như viện trợ cho Ukraine hay quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Israel.

Ông Rob Jetten, lãnh đạo đảng D66 đối lập nhận định: “Nếu không xảy ra hôm nay thì cũng sẽ xảy ra trong vài tuần tới”. Ông đồng thời chỉ trích chính phủ không đưa ra được các quyết sách hiệu quả và cho rằng các đối tác trong liên minh đã để PVV chi phối quá mức.

10.jpg -0
Thủ tướng Dick Schoof trong cuộc họp báo tại The Hague, ngày 3/6.

Hệ lụy dây chuyền

Sự kiện này diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO, dự kiến tổ chức tại The Hague trong ngày 24 và 25/6, thời điểm được đánh giá là mang tính bản lề cho nỗ lực củng cố năng lực phòng thủ tập thể của khối.

Là quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng, Hà Lan từ lâu được coi là trụ cột không thể thiếu trong cơ chế phòng thủ tập thể của NATO. Hà Lan không chỉ đóng góp về mặt quân sự mà còn tích cực tham gia các chiến dịch chung và chính sách ngoại giao đa phương. Tuy nhiên, với việc chính phủ chuyển sang chế độ tạm quyền, kèm theo sự rạn nứt chính trị sâu sắc, khả năng Hà Lan đảm bảo các cam kết chiến lược đang bị đặt dấu hỏi lớn.

Một trong những nội dung trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2025 là thảo luận về kế hoạch nâng mức chi tiêu quốc phòng lên tối thiểu 3,5% GDP vào năm 2032, nhằm tăng cường năng lực phòng thủ và đáp ứng những thách thức an ninh mới, trong đó có những nguy cơ từ các đối thủ chiến lược. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị bất ổn, việc Hà Lan có thể đưa ra quyết sách thống nhất về tăng ngân sách quốc phòng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến riêng Hà Lan mà còn tác động tới nỗ lực xây dựng một mặt trận thống nhất của NATO trong khu vực.

Bên cạnh đó, sự bất ổn chính trị còn làm gián đoạn tiến trình hoạch định và thực thi các chính sách đối ngoại quan trọng. Các quyết định liên quan đến việc điều phối quân sự, hợp tác tình báo và các cam kết an ninh chung đang trong tình trạng trì trệ, trong khi thời gian chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ngày càng cạn kiệt. Đây cũng là thách thức với các nhà hoạch định chính sách Hà Lan trong việc cân bằng giữa nhu cầu duy trì tính liên tục của chính sách quốc phòng và sức ép từ các lực lượng chính trị đa chiều trong nước.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy đảng Tự do (PVV) của ông Geert Wilders dù vẫn giữ được sự ủng hộ đáng kể, song chưa thể độc chiếm đa số trong Quốc hội. Trong khi đó, các đảng trung dung như đảng Dân chủ Tự do (VVD) và liên minh cánh tả do ông Frans Timmermans dẫn dắt đang có xu hướng tăng điểm, tạo tiền đề cho khả năng hình thành một liên minh chính trị mới, với hướng đi có thể khác biệt rõ rệt về chính sách đối nội và đối ngoại.

Hà Lan đang đứng trước áp lực phải chứng minh năng lực vượt qua những biến động hiện tại, đảm bảo sự nhất quán và bền vững trong chính sách quốc phòng cũng như các cam kết quốc tế. Nhìn rộng hơn, tình hình tại Hà Lan có thể được xem như một phép thử điển hình cho các nền dân chủ phương Tây đang đối mặt với nhiều thử thách từ áp lực nội bộ lẫn quốc tế. Việc một quốc gia thành viên quan trọng của NATO rơi vào khủng hoảng chính trị giữa lúc căng thẳng địa chính trị leo thang đặt ra câu hỏi lớn về khả năng thích ứng và quản trị khủng hoảng trong các thể chế dân chủ đa đảng. Đồng thời, điều này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định nội bộ như một điều kiện tiên quyết để bảo đảm hợp tác chiến lược và hiệu quả trong các cơ chế an ninh tập thể.

Hằng Minh

Để Hội nghị tổng kết phong trào thi đua dân vận khéo và biểu dương mô hình, điển hình dân vận khéo tiêu biểu của lực lượng CAND giai đoạn 2021-2025 được tổ chức thành công, đạt chất lượng, hiệu quả, chiều 30/6,  Thượng tướng  Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì cuộc họp lần 2 với Cục Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc (ANTQ) và các cục chức năng của Bộ Công an nhằm tiếp tục rà soát công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị.

Trong không khí hân hoan của những ngày cuối tháng Sáu, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người dân TP Hồ Chí Minh đang háo hức, phấn khởi chờ đón thời khắc lịch sử: Chính thức thực hiện mô hình chính quyền hai cấp từ ngày 1/7/2025. Đây không chỉ là dấu mốc lớn của riêng TP Hồ Chí Minh mà còn là bước đi quan trọng trong tiến trình xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiện đại, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Những ngày vừa qua, ở các tỉnh miền Bắc có mưa lớn liên tiếp, có nơi lượng mưa lên trên 100mm như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ... Mưa lớn đã khiến TP Thái Nguyên xuất hiện ngập lụt diện rộng. Đáng chú ý, trước đó, từ ngày 20-21/6, nhiều khu vực ở Thái Nguyên cũng đã bị ngập, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. 

Sáng 30/6, tại tỉnh Phú Thọ đã diễn ra Lễ công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện; thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các xã, phường. Lễ công bố diễn ra với hình thức trực tuyến từ điểm cầu cấp tỉnh đến 148 điểm cầu cấp xã mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Sáng 30/6, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Huế tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc kết thúc hoạt động đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; Quyết định thành lập Đảng bộ cấp xã; chỉ định nhân sự cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã.

Sáng 30/6, tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long tổ chức công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện; thành lập tổ chức Đảng, chỉ định Cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, xã, phường, đặc khu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.