Guatemala: Đại phẫu tham nhũng

12:39 04/06/2015
Những kết quả điều tra của một phái bộ chống tham nhũng thuộc Liên Hiệp Quốc tại Guatemala đã bóc gỡ một mảng lớn tham nhũng, buộc Tổng thống Otto Perez Molina phải xử lý mạnh tay với ngay cả những phụ tá thân tín nhất của mình. Cuộc đại phẫu tham nhũng còn đang tiếp tục, hứa hẹn sẽ cất thêm những mẻ lưới lớn.

Một phái bộ của Liên Hiệp Quốc thể hiện quyền năng

Hàng chục ngàn người dân xuống đường biểu tình trong hòa bình dưới trời mưa to để kêu gọi Tổng thống Perez Molina phải mạnh tay hơn nữa với tham nhũng, nếu không được thì từ chức. Cuộc biểu tình là biểu hiện cho sự phẫn nộ của công chúng trước hàng loạt vụ bê bối tham nhũng được phơi bày từ cuộc điều tra của phái bộ điều tra tội phạm do LHQ thành lập tại Guatemala, trong đó đặc biệt nổi cộm là mạng lưới tham nhũng, gian lận hải quan mang hỗn danh là "La Linea" (Đường dây).

Phái bộ điều tra tội phạm do LHQ thành lập tại Guatemala có tên gọi là Phái bộ Quốc tế chống miễn trừ tội phạm tại Guatemala (CICIG), là một tổ chức đa phương được thành lập từ năm 2007 theo yêu cầu của Chính phủ Guatemala, với sứ mệnh ban đầu là điều tra tội phạm có tổ chức và huấn luyện nghiệp vụ cho các công tố viên địa phương.

CICIG hoạt động bên cạnh các tổ chức, định chế nhà nước của Guatemala, phối hợp và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức này trong công tác điều tra tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, gian lận thương mại, tội phạm chức vụ trong các tổ chức, cơ quan công quyền.

Tổng thống Perez Molina.

Với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan điều tra Guatemala, CICIG đã gặt hái được một số thành công. Cụ thể như, năm 2010, CICIG đã khám phá và giải quyết dứt điểm vụ án luật sư Rodrigo Rosenberg “bị sát hại”. CICIG đã phát hiện luật sư Rosenberg tự dàn dựng vụ ám sát mình nhằm mục đích gây bất ổn cho chính quyền của Tổng thống Perez Molina.

Hai năm sau, CICIG lại bắt giữ cảnh sát trưởng Marlene Blanco Lapola, với cáo buộc tội điều hành một “biệt đội thần chết” chuyên thực hiện các vụ ám sát chính trị và giết thuê.

Mặc dù CICIG đã đạt những kết quả cụ thể như trên và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của toàn xã hội, Tổng thống Perez Molina vẫn không muốn tổ chức này tiếp tục hiện diện tại Guatemala.

Theo báo chí quốc tế, thái độ không tốt của Tổng thống Perez Molina đối với CICIG xuất phát từ vụ án diệt chủng trong quá khứ, trong đó nhà độc tài Efrain Rios Montt bị đưa ra xét xử vào năm 2013. Việc xét xử này đã làm bộc lộ những thông tin không tốt đẹp về quá khứ tham gia quân đội của Tổng thống Perez Molina.

Sau khi án quyết buộc tội diệt chủng đối với tướng Rios Montt bị tuyên hủy do vấn đề kỹ thuật pháp lý, CICIG lên tiếng nói rằng, Guatemala cần phải tiếp tục theo đuổi việc xét xử tướng Rios Montt nhằm bảo đảm tinh thần độc lập tư pháp. Động thái này của CICIG đã chọc giận chính quyền của Tổng thống Perez Molina cũng như giới doanh nghiệp.

Roberto Castanheda, cựu Chủ tịch Tổ chức vận động hành lang giới doanh nghiệp tư nhân (CACIF) cho biết: "Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không muốn nhìn thấy các sĩ quan quân đội đi tù. Họ lo ngại chuyện đó sẽ làm lộ ra tên tuổi của các vị chủ đất đã từng bảo vệ tài sản của họ trong chiến tranh".

Bộ trưởng Nội vụ Mauricio Lopez Bonilla, phụ tá thân cận của Tổng thống Perez Molina cũng bị cách chức.

"Chiến tranh" mà ông Castanheda nói đến chính là cuộc nội chiến bắt đầu từ năm 1960 và kết thúc vào đầu năm 1996, tức hơn 3 thập niên với khoảng từ 140.000 - 200.000 người chết hoặc mất tích. Guatemala là một trong những quốc gia Mỹ Latinh có nội chiến kéo dài nhất và chế độ quân phiệt cai trị lâu nhất, và số người chết và mất tích nhiều nhất.

Cuộc nội chiến Guatemala cũng là một trong những cuộc chiến lôi kéo nhiều bên, nhiều quốc gia tham gia nhất, trong đó quan trọng nhất là cuộc đối đầu Chiến tranh lạnh giữa một bên là quân đội Guatemala được Mỹ và các đồng minh (Israel, Đài Loan, Chile, Argentina, Nam Phi) ủng hộ với các tổ chức du kích cánh tả Guatemala do Liên Xô, Cuba, Nicaragua và FMLN ủng hộ.

Sự phản đối của Tổng thống Perez Molina khiến cho hoạt động của CICIG tại Guatemala gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu chuyển biến theo chiều hướng mới kể từ khi CICIG công bố thêm kết quả điều tra mới vào cuối tháng 4/2015 làm lộ ra mạng lưới La Linea.

Trong quá trình điều tra mạng lưới này, các nhà điều tra của CICIG và Guatemala đã phải sử dụng đến 60.000 cuộc nghe lén các trao đổi thông tin giữa các đối tượng phạm tội để làm rõ kế hoạch phạm tội.

Theo đó, để được nhận tiền hối lộ, các quan chức hải quan Guatemala đã lập một kế hoạch chi trả phí hải quan song song, làm lợi cho các doanh nghiệp địa phương.

Trong các đoạn băng ghi âm nghe lén có những nội dung đề cập đến các nhân vật như "La Dos" (Số 2) và một nhân vật nữa mà các nhà điều tra CICIG tin rằng, đó có thể là "nguyên thủ quốc gia", tức Tổng thống Guatemala.

Chuyện nhận hối lộ của Thống đốc Ngân hàng Trung ương

Ngay trong buổi sáng ngày 21/5, các nhân viên đặc nhiệm trực thuộc Bộ Nội vụ Guatemala đã ập vào tòa nhà trụ sở Ngân hàng Trung ương, bắt giữ ông Julio Suarez, 61 tuổi, đương kim Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này về tội nhận hối lộ.

Theo một nguồn tin thân cận với Văn phòng Viện Công tố Tối cao Guatemala, cùng bị bắt giữ với ông J. Suarez là 14 người khác, trong đó gồm các nhân vật cộm cán là ông Juan de Dios Rodriguez, cựu thư ký riêng của J. Perez hiện là Viện trưởng Viện An sinh xã hội Guatemala (NOI), trong khi Thống đốc J. Suarez cũng là một thành viên trong Hội đồng quản trị NOI, một tổ chức cấp trung ương trực thuộc Chính phủ Guatemala.

Cảnh sát dẫn giải ông Julio Suarez về nơi giam giữ.

Nhóm quan chức biến chất nêu trên đã phạm phải các tội danh như gian lận, lạm dụng quyền lực để nhận khoản "hoa hồng" bất hợp pháp số tiền lên tới 14,5 triệu USD. Theo ông Ivan Velasquez, Chủ tịch CICIG thì vụ việc được phát giác tình cờ vào cuối năm 2014, khi CICIG tỏ ý nghi ngờ có sự mập mờ gian lận trong việc đấu thầu cung cấp thuốc của Công ty Dược phẩm Pisa ở Mexico cho Viện NOI.

"Chúng tôi đã thu thập được các bằng chứng khó phủ nhận, trong đó có cả băng ghi âm các cuộc trao đổi điện thoại, cho thấy tất cả 14 thành viên Hội đồng đấu thầu thuộc NOI đã cố tình làm sai quy định, nhằm nhận được khoản phần trăm hoa hồng đáng kể từ Hãng Pisa", Chủ tịch I. Velasquez cho biết thêm.

Nhân đây cũng cần nhắc đến một nhân vật thân cận với Tổng thống O. Molina là nữ Phó tổng thống Roxana Baldetti, đã phải ngậm ngùi đệ đơn từ chức ngày 8/5 vì liên quan đến tham nhũng.

Chính một chuyên viên điều tra thuộc CICIG đã phát giác vụ việc khuất tất của bà Phó tổng thống: Trong một chuyến công du nước ngoài vào cuối tháng 4/2015, bà Baldetti đã mua một chiếc nhẫn đính hột xoàn đắt tiền, khi trở về nước đã cố tình không khai báo hải quan hòng trốn thuế, cũng là một dạng tham nhũng khiến ngân sách nhà nước thất thu. Ngoài ra CICIG cũng đặt nghi vấn về số gia sản khổng lồ, bao gồm nhiều nhà cửa và đất đai trị giá hàng triệu USD của vợ chồng Phó tổng thống R. Baldetti mà không có nguồn gốc rõ ràng.

Phó Tổng thống Roxana Baldetti từ chức hôm 8/5 vì dính líu đến vụ bê bối La Linea.

Cho đến nay, đã có 29 quan chức trong bộ máy chính quyền Guatemala bị bắt, một số bị cách chức hoặc buộc phải từ chức. Chẳng hạn, ngày 21/5, Tổng thống Perez Molina buộc phải tiến hành "thanh lý môn hộ" bằng việc cách chức cựu phụ tá thân cận, Bộ trưởng Nội vụ Mauricio Lopez Bonilla, người từng chỉ huy chiến dịch tranh cử tổng thống thành công cho ông Perez Molina và là thành viên cấp cao của đảng Yêu nước (PP) cầm quyền. Cùng bị cách chức còn có Bộ trưởng Môi trường Michelle Martinez và Ulises Anzueto, người đứng đầu Cơ quan tình báo chiến lược.

Việc phơi bày các vụ bê bối tham nhũng, nhất là vụ La Linea, vào thời điểm này đang gây ra những hậu quả bất lợi cho Tổng thống Perez Molina.

Trước các bằng chứng rõ như ban ngày, CACIF - vốn ủng hộ giới doanh nghiệp và ủng hộ quan điểm của Tổng thống Perez Molina chống lại các cuộc điều tra của CICIG - không còn cách nào khác đành phải thể hiện thái độ ủng hộ hoàn toàn CICIG, lên tiếng kêu gọi một cuộc "thập tự chinh toàn quốc chống tham nhũng".

Vụ việc đang giúp đoàn kết các thành phần chống đối Tổng thống Perez Molina, đòi ông từ chức và buộc ông phải chấp thuận gia hạn thời gian hoạt động của CICIG thêm 2 năm nữa.

An Châu - Qung Phú (tổng hợp)

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

Sáng ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự phát biểu chỉ đạo. Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề "Ứng dụng dữ liệu dân cư hỗ trợ phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn trong chuyển đổi số ngân hàng"...

Thanh tra Bộ Giáo dục- Đào tạo vừa có kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (gọi tắt Công ty IDP) có trụ sở đặt tại số 161-161A, đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Tàu cá mang số hiệu QB 92198 TS của ngư dân Quảng Bình đang đánh bắt trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ thì bất ngờ bốc cháy dữ dội. Trên tàu có 7 ngư dân may mắn đã được cứu nạn an toàn.

Không chỉ sử dụng chữ ký “khô” (dấu chữ ký) của GS Trần Phương – Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường để điều hành các hoạt động, HUBT hiện cũng chưa hoàn thành việc chuyển đổi mô hình từ trường đại học dân lập sang mô hình đại học tư thục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng chưa thành lập được Hội đồng trường (HĐT) theo quy định. Điều đó dẫn tới việc HUBT nhiều năm nay rơi vào tình trạng khủng hoảng công tác quản trị, nội bộ mất đoàn kết; các vụ tố cáo, khiếu nại kéo dài.

70 năm về trước, phát huy truyền thống của quê hương Xôviết anh hùng, bằng ý chí, quyết tâm, quân và dân xứ Nghệ đã cùng dốc sức đồng lòng, góp máu xương làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều đã cao tuổi, song ký ức về năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, về chiến tranh khốc liệt mà hào hùng và cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn nhớ như in...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文