Đằng sau cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka

09:31 29/04/2022

Theo Cục Thống kê và Điều tra Sri Lanka, lạm phát tại nước này đã chạm mức cao kỷ lục trong tháng thứ sáu liên tiếp. Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng tại Sri Lanka đã dẫn đến các cuộc biểu tình trên toàn quốc nhằm kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Chính phủ Sri Lanka cũng đã tuyên bố vỡ nợ nước ngoài.

Cuộc khủng hoảng chưa từng thấy

Sri Lanka đang đối mặt với khoản nợ quá sức với khoảng 4 tỉ USD đáo hạn trong năm 2022 trong khi dự trữ ngoại hối chỉ còn 2,3 tỉ USD, giảm 70% trong hai năm qua. Sự thiếu hụt tiền khiến việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu bị đình trệ và đồng nội tệ mất giá.

Hệ quả là các mặt hàng thiết yếu bị thiếu hụt trầm trọng, giá cả leo thang, cắt điện triền miên. Trong nhiều tuần qua, người dân phải xếp hàng nhiều giờ để mua nhu yếu phẩm và chịu cảnh mất điện 13 giờ mỗi ngày vì cạn sạch nguồn năng lượng thủy điện do thiếu tiền mua dầu để vận hành các nhà máy điện. Các trường học phải hoãn thi cử vì thiếu giấy, trong khi đã có một số người thiệt mạng vì xếp hàng dưới trời nắng nóng để mua nhiên liệu.

Sri Lanka lún sâu vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử

Sự khan hiếm của các mặt hàng như thực phẩm, nhiên liệu đã đẩy giá cả tiêu dùng lên mức chót vót. Bộ Tài chính Sri Lanka mới đây đã phải xin các nước láng giềng cho vay để mua nhiên liệu và sữa bột, trong khi ngân hàng phải thanh toán cho dầu mua từ Iran bằng lá trà.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa áp đặt lệnh giới nghiêm từ chiều 2-4, một ngày sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, để đối phó với bất ổn lan rộng và nguy cơ biểu tình tiếp diễn từ tuần trước, trong đó gồm vụ ném gạch và đốt xe buýt trước nhà riêng của tổng thống tại thủ đô Colombo.

Vấn đề tồn tại nhiều năm

Ngay từ năm 2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cảnh báo: "Sri Lanka là một nền kinh tế thâm hụt kép điển hình. Thâm hụt kép là tín hiệu cho thấy chi tiêu của một quốc gia vượt quá thu nhập và việc sản xuất không tương xứng các hàng hóa, dịch vụ có thể bán được".

Những năm gần đây, Sri Lanka lại bị tàn phá bởi các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 liên quan đến lĩnh vực du lịch, cũng như chịu ảnh hưởng từ vụ đánh bom vào ngày lễ Phục sinh năm 2019 đã làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như khách du lịch, trong khi nhiều người dân Sri Lanka phụ thuộc vào ngành du lịch trị giá 4,4 tỷ USD. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nền kinh tế Sri Lanka đã mất hơn 3 tỷ USD trong giai đoạn tháng 1-2021 đến tháng 8-2021.

Cách thức ứng phó khó khăn của Chính phủ Sri Lanka cũng được đánh giá là thiếu hiệu quả. Việc Ngân hàng Trung ương nước này in thêm tiền và tích trữ USD, đẩy lạm phát tăng lên mức kỷ lục 17,5% vào tháng 2-2022. Trong khi ngân sách cạn kiệt, Chính phủ Sri Lanka đã ban hành gói cứu trợ trị giá 1 tỷ USD gây tranh cãi, giúp tăng lương cho địa phương, đồng thời xóa bỏ thuế đánh vào thực phẩm và thuốc men, cung cấp hỗ trợ tiền mặt cho những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Việc giảm nguồn thu từ du lịch, cùng gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm nguồn thu từ thuế và cả quyết định tùy tiện chuyển sang canh tác hữu cơ của Chính phủ Sri Lanka đã khiến vấn đề trả nợ các khoản vay trở nên tồi tệ hơn. Mặc dù đã chuyển đổi sang một quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng Sri Lanka không thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc đa dạng hóa và cải thiện nguồn thu từ xuất khẩu. Chính phủ Sri Lanka thay vào đó duy trì sự phát triển thông qua Trái phiếu chủ quyền quốc tế (ISB) và bằng cách vay từ các quốc gia khác - thường ở lãi suất cao và thời gian hoàn vốn ngắn đã dẫn đến khoản nợ nước ngoài 35 tỷ USD vào năm 2021.

Chính phủ bắt đầu hành động

Đối mặt với tình hình kinh tế xấu đi nhanh chóng, Chính phủ Tổng thống Rajapaksa mới đầu đã chọn cách chờ đợi, thay vì nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các nguồn khác. Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, sau khi các nhà lãnh đạo phe đối lập và các chuyên gia nước này thúc giục chính phủ hành động, Chính phủ Sri Lanka đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc.

Chính phủ Sri Lanka nỗ lực tìm kiếm trợ giúp từ quốc tế

Tháng 12-2021, Bộ trưởng Tài chính nước này đã đến New Delhi để thu xếp các hạn mức tín dụng và hoán đổi 1,9 tỷ USD từ Ấn Độ. Reuters cho biết Ấn Độ sẵn sàng cung cấp cho nước láng giềng thêm 2 tỷ USD. Sri Lanka cũng đã đề xuất thêm một hạn mức tín dụng trị giá 500 triệu USD từ Ấn Độ cho ngành nhiên liệu của nước này.

Tổng thống Rajapaksa đã đề nghị chính quyền Bắc Kinh tái cơ cấu các khoản nợ trị giá khoảng 3,5 tỷ USD để giúp Sri Lanka vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng tồi tệ. Thêm vào đó, Colombo cũng yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ gói tín dụng 2,5 tỷ USD, gồm khoản vay 1 tỷ USD để thanh toán nợ đến hạn và hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD để nhập hàng hóa từ nền kinh tế số 2 thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay vẫn chưa đưa ra câu trả lời cụ thể về vấn đề này.

Mới đây nhất, theo thông báo của chính quyền Sri Lanka, nước này sẽ bắt đầu đàm phán với IMF về chương trình cho vay vào ngày 18-4. Hai bên sẽ thảo luận về gói cho vay lên tới 3 tỷ USD trong vòng 3 năm. Chương trình cho vay này dự kiến sẽ giúp Sri Lanka thu hút thêm 1 tỷ USD hỗ trợ từ các thể chế đa phương khác như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á. Tổng cộng, quốc gia này cần khoảng 3 tỷ USD hỗ trợ để hàn gắn hệ thống tài chính trong vòng 6 tháng tới, nhằm nối lại nguồn cung các mặt hàng thiết yếu.

Bích Hạnh (Tổng hợp)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文