Mỹ vẫn cần NATO

11:12 27/07/2022

Việc Mỹ đảm bảo an ninh cho các đồng minh NATO là trọng tâm khuôn khổ quân sự - chính trị của liên minh. Do đó, Mỹ đã chi khá nhiều cho việc duy trì năng lực phòng thủ của NATO. Tuy nhiên, đây chưa bao giờ là thỏa thuận một chiều cả.

Tác giả Kathleen J. Melnnis, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), trong bài đánh giá về quan hệ giữa Mỹ và Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cho rằng một trong những câu hỏi đáng chú ý được đặt ra tại hội nghị của NATO tại Madrid, sau một loạt biến cố và bất đồng giữa Mỹ và NATO xảy ra thời gian vừa qua, rằng: Tại sao Mỹ vẫn cần NATO? Câu trả lời nằm ở cách thức vận hành của NATO, như đã được chứng minh trong thực tế, vì sự tiến bộ của cả Mỹ và châu Âu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29-6-2022.

Mục tiêu xoay vòng

Nhờ vai trò trung tâm của Mỹ trong các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và quốc tế mà NATO được củng cố và Mỹ có được sự thịnh vượng cũng như tự do đáng kể về kinh tế. Nói một cách thẳng thắn, Chính phủ Mỹ các nhiệm kỳ đã giành được đặc quyền trong những lĩnh vực như quan hệ đối tác thương mại và việc tiếp cận các căn cứ phần lớn là nhờ vai trò to lớn của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh. Mỹ cũng sẽ không thể duy trì được danh mục đầu tư đáng kể cho các hoạt động hợp tác công nghệ quốc phòng và mua bán khí tài quân sự nước ngoài nếu không có nền tảng chiến lược được thiết lập dựa trên vai trò là bên giữ vai trò chủ chốt trong việc bảo đảm an ninh cho NATO trong 7 thập kỷ qua.

Vị trí lãnh đạo này - được thể hiện ở sự hiện diện ở nước ngoài - cũng cho phép Mỹ thiết lập chương trình nghị sự an ninh quốc tế trên cả phương diện chính trị lẫn thực tế. Chẳng hạn, Mỹ sẽ không thể theo đuổi đến cùng các hoạt động viễn chinh và chống khủng bố ở Trung Đông và châu Phi nếu không có các căn cứ và thiết bị định vị trên lãnh thổ của các đồng minh châu Âu.

Những hoạt động của liên quân nhằm ổn định vùng Balkan hoặc tiến hành các nhiệm vụ chống cướp biển ngoài khơi vùng Sừng châu Phi sẽ không thể diễn ra một cách thuận lợi nếu không có những thỏa thuận tiêu chuẩn hóa khả năng tương tác cũng như các cuộc tập trận đa quốc gia mà qua đó các đồng minh có thể lập kế hoạch chung và phối hợp các hoạt động quân sự của họ. Các cấu trúc của NATO cũng giúp các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ có được kinh nghiệm trực tiếp để giải quyết những tình huống phức tạp trong việc chỉ huy các hoạt động quân sự địa phương.

Các cuộc tập trận Mỹ - NATO được cho là nền tảng của hợp tác chính trị, quân sự giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Sự can dự lâu dài của Mỹ ở châu Âu còn nhằm mục đích tạo điều kiện cho Mỹ có được chiều sâu chiến lược, với chủ trương “phòng thủ theo chiều sau”. Những bước phát triển về công nghệ quân sự và hoạt động của đối thủ trong các cuộc chiến tranh thế giới chứng tỏ Mỹ không còn được bảo vệ bởi hai đại dương. Do đó, việc Mỹ bố trí các lực lượng đồn trú ở nước ngoài được xem là một động thái thận trọng về mặt chiến lược nhằm đối phó với sự tấn công của kẻ thù, nếu không muốn nói là một cuộc xung đột toàn diện cách xa lục địa Mỹ. Điều này không chỉ giúp lục địa Mỹ giảm tối đa thiệt hại có thể có trong một cuộc chiến tranh toàn diện và việc bố trí lực lượng tiền phương cũng được coi là biện pháp tương đối hiệu quả về mặt chi phí - đặc biệt là trước nguy cơ nước này phải chịu những phí tổn đáng kể về kinh tế, chính trị và xã hội trong một cuộc chiến tranh diễn ra trên lục địa Mỹ. Sự bắt đầu của thời đại hạt nhân đã làm thay đổi phần nào tính toán đó: Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khiến Mỹ dễ bị tổn thương và một cuộc chiến tranh hạt nhân cũng có khả năng dẫn đến các cuộc xung đột vũ trang hỗn hợp ở khu vực châu Âu.

Chiến lược bất biến

Trong nhiều thập kỷ qua, cơ sở lý luận đó vẫn tồn tại ngay cả khi bối cảnh chiến lược đã thay đổi. Ví dụ, mục đích chính của các hoạt động chống khủng bố của Mỹ ở Trung Đông sau vụ tấn công 11-9 là nhằm tiêu diệt tận gốc các nhóm cực đoan bạo lực trước khi chúng có thể khôi phục năng lực và có đủ khả năng để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào lục địa Mỹ. Cuộc chiến ở Ukraine đang leo thang và những lo ngại về an ninh, quốc phòng trên lục địa châu Âu đang gia tăng. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng và hiệu quả tương đối về chi phí của sự hiện diện quân sự ở phía trước. Hơn nữa, các hoạt động của Mỹ nhằm duy trì lâu dài các liên minh này có thể mang lại cho Mỹ sự tín nhiệm.

Các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO, tháng 6-2022.

Trong khi độ tin cậy của Mỹ với tư cách là một đối tác an ninh thường xuyên bị nghi ngờ trước các sự kiện diễn ra hằng ngày, thì việc lùi lại một bước là điều đáng chú ý, cho thấy những cam kết của Mỹ với các đồng minh ở châu Âu đã vượt qua mọi cơn bão địa chính trị. Tất nhiên, việc kiểm soát các mối quan hệ liên minh hằng ngày là một công việc phức tạp. Nhưng, trong việc xây dựng và điều chỉnh các mối quan hệ an ninh với các quốc gia khác, bao gồm các mối quan hệ quan trọng ở châu Á, những thành tựu của Mỹ trong việc xây dựng và duy trì một liên minh lâu dài giúp củng cố uy tín của họ với các quốc gia khác.

Nói rộng hơn, NATO mang lại cho các thành viên sự linh hoạt đáng kể và có ý nghĩa quan trọng về chiến lược. Theo đó, kinh nghiệm của NATO trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã chứng tỏ năng lực tái tạo của liên minh này. Từ cuối những năm 1990 đến năm 2014, với sự thúc đẩy chủ yếu từ Mỹ, NATO đã chú trọng vào những vấn đề an ninh tập thể và quản lý khủng hoảng ở châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng về những lợi ích an ninh thu được từ việc thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu, bao gồm cả việc chống lại và tiêu diệt các nhóm khủng bố bên ngoài biên giới các nước đồng minh, NATO phải tìm cách để đối mặt với vô số thách thức an ninh.

Năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và bắt đầu có những động thái với Ukraine, vấn đề địa chính trị từ các đối thủ cũ đã quay trở lại. Vai trò của NATO lập tức được phục hồi, cho dù “chiến tuyến” đã được mở rộng đáng kể về phía Đông so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Các vấn đề trở nên phức tạp hơn khi mà bất chấp sự đảm bảo của Liên minh châu Âu (EU), Nga vẫn coi việc NATO mở rộng về phía Đông là hành động đi ngược lại lợi ích của mình và coi sự tồn tại của liên minh này là một mối đe dọa.

Tuy nhiên, có vẻ như NATO đang tìm cách giải quyết thách thức từ một nước Nga, cả với Trung Quốc hay vấn đề biến đổi khí hậu và các công nghệ đột phá tiên tiến. Nói rộng ra, ranh giới giữa chính sách đối ngoại và đối nội, chiến tranh và hòa bình, dân sự và quân sự, nhà nước và tư nhân đều đang ở trong tình trạng mờ nhạt, khiến các biện pháp tiếp cận lâu dài nhằm đối phó với những thách thức an ninh và quốc phòng trở thành vấn đề đáng bàn. Những thách thức an ninh phi truyền thống - bao gồm hoạt động truyền bá thông tin sai lệch, ứng phó với đại dịch, di trú và khủng bố - đã gây căng thẳng cho chính phủ các nước đồng minh ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Không một quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết những thách thức này, kể cả Mỹ.

 Vai trò khó thay thế

Trong bối cảnh đó, NATO đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các giải pháp cho những vấn đề phức tạp này. Ví dụ, NATO giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như việc xây dựng các kế hoạch bên lề Hội nghị thượng đỉnh năm 2014 tại Wales.

Sư đoàn không vận số 18 của Mỹ chuẩn bị hành lý để triển khai đến căn cứ ở Châu Âu, ngày 3-2-2022.

Như vậy, khả năng lãnh đạo chiến lược, chiều sâu chiến lược và sự linh hoạt trong chiến lược là lý do giải thích tại sao khó có thể phóng đại giá trị của NATO đối với người Mỹ. Đây là một khối hiệp ước về chính trị, quân sự đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể trong nhiều thập kỷ cũng như giá trị đối với các thành viên ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Vấn đề chiến lược nan giải đối với Mỹ và các đồng minh NATO là làm thế nào để đảm bảo hệ thống liên minh giữ nguyên vai trò là nền tảng cho những lợi ích xã hội, kinh tế và chính trị của các thành viên khi đối mặt với kẻ thù hung hãn nào đó? Trong mọi trường hợp, Mỹ cần phải bảo vệ các đồng minh cũ và mới, nếu không, Mỹ có nguy cơ đánh mất vị trí lãnh đạo và những lợi ích vốn không thể bỏ qua để duy trì sự thịnh vượng chung. Nói cách khác, an ninh của các đồng minh NATO gắn chặt với lợi ích của Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt NATO. Về vấn đề này, chuyên gia Kelly A. Grieco của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định rằng cuộc tấn công toàn diện của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy các đồng minh NATO đưa ra một màn thể hiện ấn tượng về sự đoàn kết và đóng góp to lớn của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc duy trì sự gắn kết và phối hợp của các đồng minh xứng đáng được ghi nhận, ngay cả khi những rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện trong 4 tháng qua. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cũng cho thấy NATO vẫn hoạt động như một liên minh do Mỹ dẫn đầu và tiếp tục được Mỹ trợ cấp để đảm bảo chi tiêu quốc phòng của châu Âu. Trong khi Mỹ và các thành viên Đông Âu của NATO đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ Ukraine thì các thành viên giàu có nhất của NATO ở châu Âu là Pháp, Đức và Italy lại tụt hậu về hỗ trợ tài chính, viện trợ nhân đạo và hỗ trợ quân sự cho cuộc chiến đang diễn ra.

Tóm lại, với tất cả những lý do kể trên, có thể nói Mỹ sẽ vẫn cần đến vai trò của NATO trong việc triển khai chiến lược dài hạn nhằm đối phó với Nga cũng như thể hiện vị thế siêu cường số 1 trên thế giới trong hiện tại và tương lai. Do đó, chính quyền ông Biden chắc chắn sẽ phải thúc đẩy một cách đồng bộ và nhất quán chính sách tăng cường quan hệ an ninh với NATO.

Huy Thông (Tổng hợp)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文