Ai đã sát hại ngôi sao hip hop Tupac Shakur?

07:48 29/08/2023

Vào thập niên 1990 thế kỷ trước, khi nền văn hóa của người Mỹ gốc Phi đang ở đỉnh cao sáng tạo thì bất kỳ ai yêu thích loại nhạc hip-hop đều biết đến ca sĩ Tupac Shakur. Với 75 triệu đĩa hát bán ra và là vai chính trong 6 bộ phim, Tupac được giới phê bình Mỹ đặt ngang hàng với ca sĩ, diễn viên huyền thoại Elvis Presley.

Ngày 7/9/1996, Tupac bị bắn chết ở Las Vegas nhưng cảnh sát không bắt được thủ phạm. Mãi đến tháng 7/2023, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) mới tìm thấy một số bằng chứng khả dĩ có thể đưa kẻ giết người ra trước công lý…

Cái chết của Tupac Shakur

5 giờ chiều ngày 7/9/1996, Tupac đến Las Vegas, bang Nevada để dự tiệc sinh nhật của Tracy Danilelle Robinson, là đối tác kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông rồi sau đó đi xem trận quyền Anh giữa võ sĩ Mike Tyson và Bruce Seldon tại võ đài của hãng phim MGM.

22 giờ, Tupac quay về khách sạn rồi cùng một người bạn là Suge Knight đến hộp đêm Death Row do Suge làm chủ trên chiếc xe hơi màu đen hiệu BMW 750iL. Khoảng 23 giờ, xe của Tupac và Suge bị cảnh sát chặn lại trên đại lộ Las Vegas vì mở nhạc quá lớn, xe lại không có biển số. Khi Suge xuất trình biển số cất trong cốp xe kèm theo lời giải thích “ốc vít bị lỏng” rồi khi biết người ngồi trên xe là ca sĩ, diễn viên Tupac, cảnh sát chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt. 

23 giờ 15 phút, chiếc BMW 750iL dừng lại trước ngã tư đường East Flamingo vì đèn đỏ thì một chiếc Cadillac màu trắng áp sát. Từ trong chiếc Cadillac, một kẻ lạ mặt bắn liên tiếp 8 phát vào Tupac: 1 trúng cánh tay, 1 trúng vào đùi và 2 phát vào ngực. Thời điểm ấy, Frank Alexander, vệ sĩ của Tupac không có mặt vì anh ta đang lái xe cho Kidada Jones, bạn gái Tupac!

Cảnh sát phong tỏa hiện tường nơi Tupac bị bắn.

Được đưa vào Phòng chăm sóc đặc biệt Trung tâm Y tế Đại học South Nevada, Tupac chết lúc 16 giờ 3 phút chiều 13/9/1996. Biên bản tử vong cho thấy 1 trong 2 viên đạn bắn vào ngực đã làm đứt động mạch phổi, dẫn đến xuất huyết ồ ạt. Thi thể của Tupac được hỏa táng ngay hôm sau và một trong những người ái mộ Tupac đã lấy một nắm tro cốt của Tupac rồi đem về trộn với bột cần sa vì một đoạn trong bài hát “Black Jesus” do Tupac sáng tác, có những lời nhắc đến việc này!

Theo lời khai của nhân chứng Yaki Kadafi với cảnh sát thì lúc xảy ra án mạng, anh ta cũng dừng chờ đèn đỏ phía sau xe Tupac. Vì kẻ bắn Tupac ngồi trong chiếc Cadillac mui trần nên Yaki tin rằng có thể xác định được tên sát nhân. Thế nhưng cảnh sát chỉ ghi nhận lời khai của anh ta mà không có bất kỳ một động thái gì. Hai tháng sau, Yaki bị bắn chết ở New York!

 Vì sao Tupac bị giết?

Sau cái chết của Tupac, trên các phương tiện truyền thông Mỹ xuất hiện tràn ngập những giả thuyết, nói về nguyên nhân đã khiến thảm kịch xảy ra và một trong những nguyên nhân được nhiều người chấp nhận nhất là hầu hết những bài hát do Tupac sáng tác đều chứa đầy sự tức giận trước nghèo đói, bất công, kỳ thị chủng tộc cùng những bạo lực giữa người da màu và các cơ quan bảo vệ pháp luật Mỹ, diễn ra từ lúc Tupac mới chỉ là một thiếu niên. Những bài hát ấy đã khiến một thiểu số người da trắng có khuynh hường cực đoan tức giận nên họ đã ra tay vì họ không muốn âm nhạc Tupac trở thành vết dầu loang trong vấn đề bình đẳng.

Tuy nhiên, một giả thuyết khác cũng gây ra sự chú ý. Năm 1995, Tupac bị bắt và bị kết án tù vì tội lạm dụng tình dục một phụ nữ hâm mộ anh ta. Điều này dẫn đến các đại gia Mỹ trong ngành sản xuất phim ảnh, đĩa nhạc tỏ ra e dè trong việc ký hợp đồng với Tupac. Tuy nhiên Suge Knight, chủ hộp đêm Death Row, là bạn thân với Tupac đã bỏ ra 1,7 triệu USD  đóng tiền thế chân để anh ta được tại ngoại. Điều này có thể dẫn đến sự tức giận của những người thân thuộc hoặc bạn bè với cô gái bị Tupac lạm dụng tình dục nên họ đã ra tay!

Tupac trên chiếc BMW vào đêm bị giết, người lái xe là Suge Knight.

Một giả thuyết nữa: Năm 1994, nghĩa là 2 năm trước khi Tupac bị giết, đã xảy ra một vụ đấu súng dữ dội giữa những thành viên thuộc băng nhóm xã hội đen Compton Crip, cầm đầu bởi Anderson và Wallace với vệ sĩ của Suge Knight và Tupac. Tuy nhiên cả hai ông trùm đều khẳng định rằng họ không liên quan, trong đó Wallace đưa ra bằng chứng ngoại phạm và đã được cảnh sát xác nhận. Trả lời phỏng vấn của tờ Los Angeles Times ngay sau vụ đấu súng, Tupac nói: “Tôi biết tôi sẽ rất khó sống. Tôi sẽ chết trong bạo lực nhưng tôi không sợ. Tất cả những người da đen muốn thay đổi thế giới đều chết vì bạo lực. Lũ khốn không để họ chết theo cách thông thường…”.

Câu nói của Tupac có nguyên nhân của nó: Tại thành phố Los Angeles, phố South Central là một khu ổ chuột, tạo ra bởi luật phân biệt chủng tộc Jim Crow. Khi lực lượng lao động người da đen ở miền Nam tràn xuống phía Bắc vào nửa đầu thế kỷ 20, họ bị  giới hạn trong các khu dân cư xung quanh Đại lộ Trung tâm, phía nam thành phố. Suốt hàng chục năm, họ đã phải đấu tranh để có nhà cửa tươm tất, có trường học và các tiện nghi cơ bản nhưng thật không may, tất cả những điều ấy đã tích hợp thành một tai họa. Nơi định cư của người da đen đã trở thành một khu vực có ranh giới nghiêm ngặt, bao quanh bởi các cộng đồng da trắng thù địch. Đến thời Tổng thống Reagan, sau khi các nguồn phúc lợi dành cho người da đen bị cắt giảm, ma túy tràn ngập South Central kéo theo cơn sóng thần bạo lực mà đỉnh điểm là năm 1992, có 803 cái chết liên quan đến băng nhóm chỉ riêng ở nơi này!

Suốt 6 năm sau cái chết của Tupac, việc điều tra của cảnh sát đi vào ngõ cụt. Họ không tìm ra manh mối nào dẫn đến vụ ám sát anh ta. Năm 2002, Chuck Philips, phóng viên điều tra của tờ Los Angeles Times trong một bài báo cho rằng câu nói của Tupac “Tôi sẽ chết trong bạo lực” hàm ý một nguyên nhân sâu xa: “Mẹ của Tupac là bà Afeni Shakur, thành viên của tổ chức chống phân biệt chủng tộc theo đường lối cực đoan Black Panther - Báo Đen,  còn cha của Tupac là Legs Shakur, chết vì đau tim khi Tupac 15 tuổi. Trong những năm từ 1960 đến 1970, tổ chức Báo Đen là mục tiêu của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Nhiều thành viên cốt cán bị bắt hoặc bị ám sát, nội bộ Báo Đen chia rẽ, mất đoàn kết vì những thông tin giả do đặc vụ FBI cài vào. Khi không có sự lãnh đạo thống nhất, Báo Đen chia năm xẻ bảy, trở thành những băng nhóm tội phạm, mỗi nhóm hùng cứ một phương...”.

Vẫn theo phóng viên Chuck Philips, cuối năm 1969, ở Los Angeles nổi lên một băng nhóm, được gọi là Crips, căn cứ đặt tại quận Compton nên thường được gọi là Compton Crips. Crips cạnh tranh với Báo Đen bằng cách liên minh với những băng nhóm nhỏ hơn rồi nhanh chóng phát triển cho đến khi họ vấp phải sự phản kháng từ một băng nhóm có tên là Pirus. Phóng viên Chuck Philips viết: “Có những thông tin nội bộ nói rằng Tupac dành nhiều cảm tình với nhóm Prius vì bà Afeni Shakur, mẹ của Tupac giữ vai trò chỉ đạo đường lối hoạt động cho nhóm này. Điều ấy được chứng minh bằng vụ đấu súng giữa các thành viên của Compton Crips với vệ sĩ của Tupac và Suge Knight, xảy ra năm 1994”.

Thế nhưng với cảnh sát, bài điều tra của Chuck Philips cũng chỉ là một giả thuyết. Mãi đến 2011, dựa trên Đạo luật Tự do thông tin, họ mới công bố một phần hồ sơ trong  việc tìm hiểu về cái chết của Tupac. Theo cảnh sát, một nhóm khủng bố có tên là Liên đoàn phòng vệ đã dự định bắt cóc Tupac để đòi tiền chuôc nhưng không hiểu sao, thay vì bắt Tupac, họ lại bắn anh ta!

Orlando (giữa) nghi phạm được cho là đã giết Tupac.

Ai giết Tupac?

Tối ngày 18/7/2023, các đặc vụ thuộc Cục Điều tra liên bang (FBI) trên những chiếc xe bọc thép tiến vào một con phố ngoại ô yên tĩnh ở Henderson, bang Nevada trong cái nóng 40 độ C rồi dừng lại trước một ngôi nhà. Một sĩ quan FBI ra lệnh qua loa phóng thanh: “Tất cả mọi người trong nhà hãy ra ngoài với hai bàn tay không”.

Vài phút trôi qua, một người đàn ông tuổi trung niên và một phụ nữ xuất hiện rồi đi lùi về phía các đặc vụ. Đó là  Paula Clemons, vợ của Duane Davis, 60 tuổi, được biết đến với tư cách là cựu thủ lĩnh băng nhóm xã hội đen Compton Crips đồng thời cũng là cựu trùm buôn ma túy khét tiếng ở Los Angeles với biệt danh Keefe D.

Theo FBI, vào những năm 90, Keefe D đã thiết lập một mạng lưới buôn bán ma túy mà nguồn cung đến từ băng nhóm Cali, Mexico. Keefe D khoe: “Ở tầm vóc của tôi, mỗi tháng tôi đã phân phối 300 kg cocain đến nhiều bang ở Mỹ” nên vì thế, Compton Crips trở thành kẻ thù không đội trời chung với băng Pirus. Đỉnh điểm của vụ việc này là trong cuộc đối đầu ở trung tâm thương mại Lakewood xảy ra 1 ngày trước khi Tupac bị giết: Một thành viên Compton Crips đã giật sợi giây chuyền có hình biểu tượng Death Row, đeo trên cổ của một thành viên Prius là Travon “Tray” Lane.

Theo luật bất thành văn trong giới giang hồ Mỹ, giật giây chuyền là hành vi xúc phạm rất nặng nề, một kiểu hạ nhục mang tính tuyên chiến. FBI cho biết trong số những người có mặt tại trung tâm mua sắm Lakewood hôm đó, ngoài Tupac thì còn có một thanh niên là Orlando “Baby Lane” Anderson, cháu trai của trùm ma túy Keefe D. Khi thấy Travon “Tray” Lane bị giật sợi giây chuyền, Tupac đã bước đến trước mặt Orlando rồi tung một cú đấm vào thái dương bên trái khiến Orlando ngã xuống. Vụ việc được dàn xếp êm thắm nhưng theo FBI, ông trùm Keefe D đã treo thưởng 10.000 USD cho bất cứ thành viên nào trong nhóm Compton Crips, rửa được mối nhục này.

Tuy FBI không tiết lộ gì thêm ngoại trừ sau khi bị bắt, Keefe D thừa nhận đã đưa súng cho Orlando sau hôm xung đột với nhóm Prius nhưng một số nguồn thạo tin cho rằng Orlando chính là kẻ đã bắn ca sĩ Tupac bởi lẽ mẹ của Tupac là bà Afeni Shakur là người chỉ đạo đường lối hoạt động cho nhóm Prius.

Thế nên, thay vì giết bà Afeni, ông trùm Keefe D chọn Tupac vì “giết một biểu tượng âm nhạc của giới trẻ Mỹ - nhất là người Mỹ da đen sẽ có tác động lớn hơn nhiều với các thành viên băng nhóm Prius cùng những băng nhóm đối địch khác”.

Vẫn theo những nguồn thạo tin, sau khi Tupac bị giết, những ông trùm ma túy thuộc tập đoàn Cali ở Mexico quyết định loại Keefe D. ra khỏi cuộc chơi vì họ biết rằng Keefe D. đã nằm trong tầm ngắm của Cục Bài trừ ma túy Mỹ (FDA). Từ đó, Keefe D. chìm vào bóng tối cho đến năm 2018, chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà ông ta lại nhận lời phỏng vấn của Hãng phim Netflix. Trong buổi phỏng vấn, Keefe D. xác nhận có 4 người trên chiếc Cadillac màu trắng hôm xảy ra vụ bắn Tupac, gồm Terrence Brown, lái xe và Keefe D, còn ở băng ghế sau là De Andre Smith và Orlando nhưng như thường lệ, FBI vẫn không bình luận gì!

20 năm sau ngày Tupac chết, các đĩa thu những bài hát của người nghệ sĩ này vẫn bán được hơn 15 triệu bản, xếp hạng thứ 3 trên thang điểm Billboard - là chỉ số đánh giá sức thu hút của những ca, nhạc sĩ nổi tiếng, chỉ đứng sau nhóm nhạc Beatles và ông hoàng Elvis Presley. Theo Billboard, đĩa ghi bài hát “All Eyez on Me” do Tupac trình bày vẫn là “đĩa bạch kim” được nhiều người tìm mua nhất.

Vũ Cao (Theo FBI Files)

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, chiều 3/1, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã trao Huân chương Chiến công hạng Ba tặng Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an Đà Nẵng về thành tích triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ tiền giả quy mô lớn.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc ngày 3/1 thông báo gia hạn thêm một tuần đối với việc kiểm tra tất cả 101 máy bay Boeing 737-800 do các hãng hàng không nước này khai thác, trong bối cảnh cơ quan chức năng bắt đầu trục vớt xác máy bay của Jeju Air sau thảm họa hàng không xảy ra cuối tháng 12. 

Ngày 2/1, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với với Công an huyện Mèo Vạc, Đồn Biên phòng Xín Cái, tỉnh Hà Giang; Công an huyện Quảng Nam và huyện Phú Ninh, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tiến hành giải cứu thành công một người phụ nữ ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn sau 6 năm bị lừa bán.

Ngày 3/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, sau thời gian điều tra, củng cố chứng cứ, đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) về tội "Hành hạ người khác".

Ngày 3/1/2025, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với 5 đối tượng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, thu thập tài liệu chứng cứ, làm rõ vai trò, hành vi phạm tội của các đối tượng khác trong đường dây để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ nữ nhân viên ngân hàng nghi bị đánh ghen gây xôn xao dư luận những ngày qua, chiều 3/1, thông tin từ Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết: Hiện tại, sức khỏe chị N.N.N. (nữ nhân viên ngân hàng) ổn định và đang còn điều trị, chăm sóc tại cơ sở y tế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文