Vô tình tiếp tay cho tội phạm khi cho thuê, bán tài khoản ngân hàng
Việc thuê và thu mua tài khoản ngân hàng để bán cho người nước ngoài đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh tội phạm tài chính quốc tế ngày càng tinh vi. Những tài khoản này thường được sử dụng cho mục đích lừa đảo hoặc rửa tiền, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho cả cá nhân sở hữu tài khoản và hệ thống tài chính của quốc gia.
Hàng ngàn tỉ đồng được giao dịch qua tài khoản thuê, mua
Ngày 2/8, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng Phạm Văn Nghĩa (45 tuổi), Nguyễn Phú Yên (40 tuổi), cùng trú tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh; Ngọc Tuấn Anh (27 tuổi), Vương Thị Thanh Hoa (35 tuổi) cùng trú tại tỉnh Phú Thọ và Ngô Xuân Phương (28 tuổi), trú tại TP Hà Nội về các tội mua bán, trao đổi, thu thập trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền. Trong đó, Phạm Văn Nghĩa và Nguyễn Phú Yên là 2 kẻ cầm đầu.
Cụ thể, vào cuối năm 2022, Nghĩa và Yên cấu kết với các đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài tại Campuchia thực hiện hành vi thu mua tài khoản ngân hàng để cung cấp cho các băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng ở nước ngoài. Yên và Nghĩa đã mua hàng trăm tài khoản ngân hàng từ nhiều người dân trên địa bàn huyện Bến Cầu giao cho các đối tượng lừa đảo và rửa tiền tại Campuchia, hưởng lợi số tiền hàng tỉ đồng. Hai đối tượng này đã tiếp tay cho hoạt động tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Về phần các băng nhóm lừa đảo tại Campuchia, sau khi chiếm đoạt tiền từ bị hại chúng rửa tiền bằng cách thuê lao động người Việt Nam sang Campuchia trực tiếp thực hiện chuyển khoản nhanh qua nhiều tài khoản ngân hàng. Sau đó chuyển khoản mua tiền điện tử để xóa dấu vết tội phạm.
Trong đường dây này, Ngọc Tuấn Anh, Vương Thị Thanh Hoa có nhiệm vụ móc nối với nhóm đối tượng hoạt động mua bán tiền điện tử (USDT) trong nước do Ngô Xuân Phương cầm đầu. Tổng số tiền giao dịch mua bán USDT do nhóm Phương thực hiện trong thời gian từ tháng 11/2023 đến 5/2024 là trên 1,1 tỉ USDT, tương đương trên 25.000 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã thu giữ 4 ôtô, 2 môtô, 2 laptop, 14 máy tính để bàn, 17 điện thoại di động, 23 thẻ ngân hàng, hơn 400 triệu đồng và hàng ngàn trang tài liệu về hoạt động của các đối tượng.
Trước đó, vào tháng 10/2023, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đã phá thành công chuyên án, bắt 8 đối tượng trong đường dây mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng cầm đầu là Phạm Ngọc Đạt (SN 2002), trú tại thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn. 7 đối tượng khác, gồm: Ngô Đức Ý (sinh năm 1987), Nguyễn Trọng Đức (sinh năm 1995), Lê Văn Cường (sinh năm 1990), Hoàng Khắc Trung (sinh năm 2002), Nguyễn Văn Công, Nguyễn Văn Lập và Nguyễn Văn Lý (sinh năm 2004).
Năm 2020, nhóm của Đạt gặp nhiều người dân ở Nghệ An và một số tỉnh, thành, đặt vấn đề muốn mua tài khoản ngân hàng cá nhân để “chạy các chương trình quảng cáo” với giá 1,5 triệu đồng một tài khoản. Đạt sau đó liên hệ với một số đối tác ở nước ngoài bán lại giá 4 triệu đồng.
Đầu tháng 10, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Nghệ An) phát hiện ra manh mối vi phạm, xác định nhóm của Đạt đã lừa đảo, mua lại thông tin của 23 tài khoản, thu lợi bất chính hơn 55 triệu đồng.
Theo cơ quan điều tra, nhóm tội phạm ở nước ngoài khi mua thông tin tài khoản ngân hàng từ Đạt sẽ sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo qua mạng, cá độ, rửa tiền... Thời điểm triệt phá đường dây, cảnh sát ghi nhận mỗi tài khoản có lượng tiền giao dịch gần 200 tỷ đồng.
Đạt khai từng có thời gian làm việc tại Campuchia, biết được một số tội phạm tại đây có nhu cầu mua lại thông tin tài khoản ngân hàng của người khác với giá cao nên khi về nước đã lập đường dây mua bán tài khoản kiếm lời.
Tương tự, ngày 23/5/2023, Công an tỉnh Cao Bằng đã khởi tố, bắt tạm giam Hoàng Văn Nghĩa, 34 tuổi (trú tại thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An), để điều tra tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”, theo điều 291 Bộ luật Hình sự.
Theo điều tra, tháng 5/2022, Nghĩa được một phụ nữ ở Philipines liên lạc qua mạng xã hội nhờ mở tài khoản ngân hàng với tiền công 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) trên một tài khoản trong một tháng. Nghĩa đồng ý, dùng căn cước công dân của mình mua 3 số điện thoại sau đó mở 3 tài khoản. Thấy được nhận tiền hàng tháng, Nghĩa lấy giấy tờ cá nhân của anh em, họ hàng, bạn bè để mua thêm SIM điện thoại, mở tài khoản ngân hàng.
Cụ thể, Nghĩa đã mở và thuê, thu mua hơn 100 tài khoản ngân hàng. Hàng tháng, sau khi trừ tiền thuê tài khoản, Nghĩa hưởng lợi khoảng 60-70 triệu đồng.
Căn cứ kết quả sao kê của 9 tài khoản ngân hàng do Nghĩa thu thập, cảnh sát xác định từ tháng 11/2022 đến 4/2023 số tiền chuyển qua các tài khoản này là gần 1.000 tỷ đồng. Khám xét chỗ ở của Nghĩa, cảnh sát thu 123 sim, vỏ sim điện thoại, 58 thẻ ATM, 16 điện thoại, 120 triệu đồng và nhiều tài liệu khác.
Vô tình tiếp tay cho tội phạm
Theo Cục An toàn thông tin, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng hoặc tiếp cận với những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc sinh viên các trường cao đẳng, đại học nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá khoảng từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet Banking, SIM điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng. Đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản ngân hàng này vào các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, hiện nay các đối tượng còn sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác (thu mua từ cửa hàng cầm đồ, nhà nghỉ hoặc nhặt được...), thay ảnh để mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại. Các tài khoản thanh toán không chính chủ này được sử dụng chủ yếu cho mục đích luân chuyển dòng tiền trong các vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, xử lý của lực lượng chức năng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm rửa tiền, đánh bạc và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự.
Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ việc mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng cho mục đích lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý và cẩn trọng trong việc quản lý thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của mình, tránh việc tiếp tay cho tội phạm hoặc liên đới đến các hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với đó, người dân cần có những biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng với người lạ trên không gian mạng; nói không với mọi lời đề nghị “cho thuê” hoặc “bán” tài khoản ngân hàng để hưởng lợi ích tài chính. Khi phát hiện bị mất giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng, người dân cần trình báo cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ, thông báo cho ngân hàng để khóa thẻ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng không liên quan đến các giao dịch trong thời gian bị mất. Trong trường hợp phát hiện đối tượng chào mời cho thuê, cho mượn, mua, bán tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, người dân cần tố giác và cung cấp tài liệu, chứng cứ đến cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Thiếu tá Phí Văn Thanh - Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, khi người dân cho thuê, hoặc bán tài khoản ngân hàng thì họ có thể gặp phải một loạt các rủi ro nghiêm trọng, không chỉ về mặt pháp lý mà còn liên quan đến tài chính, uy tín và an ninh cá nhân. Đó là, người dùng có thể gặp rủi ro pháp lý như, theo Nghị định 143/2021/NĐCP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 88/2019/NĐCP, phạt tiền 40-50 triệu đồng những hành vi như thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản; mua bán tài khoản thanh toán từ một tài khoản cho đến dưới 10 tài khoản thanh toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người dùng có thể bị phạt tiền 50-100 triệu đồng về hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua bán tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thậm chí, có thể bị điều tra, truy tố về hành vi liên quan đến các giao dịch vi phạm pháp luật ngay cả khi không tham gia trực tiếp vào hoạt động lừa đảo họ vẫn có thể bị coi là đồng phạm hoặc có thể coi hành vi đó là tiếp tay cho tội phạm.
Với các đối tượng có thể bị xử lý về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. Điều này được quy định rất rõ trong điều 291 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Chính vì vậy, để tránh trở thành nạn nhân của các vụ việc mua bán tài khoản ngân hàng cho mục đích lừa đảo, người dân có thể áp dụng 4 biện pháp phòng ngừa: Cần có biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân với bất kỳ ai. Đặc biệt, qua số điện thoại, hoặc qua mạng xã hội.
Bên cạnh đó, cần tỉnh táo trước lời đề nghị kiếm tiền dễ dàng liên quan đến việc thuê, bán tài khoản ngân hàng, vì những đề nghị này thường là cái bẫy của các hoạt động lừa đảo. Kiểm tra định kỳ, theo dõi sát sao giao dịch trong tài khoản ngân hàng. Sử dụng các dịch vụ bảo mật do ngân hàng cung cấp như thông báo về các giao dịch bất thường. Các giao dịch trực tuyến cần thiết phải được nhận biết bằng sinh trắc học.
Nếu người dân phát hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào liên quan đến tài khoản ngân hàng của mình, cần báo ngay cho ngân hàng và cơ quan chức năng để được kịp thời xử lý và ngăn chặn hậu quả.
Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền và giáo dục người dân về những rủi ro liên quan đến việc thuê và bán tài khoản ngân hàng. Đồng thời, cần có những biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý các đối tượng vi phạm, bao gồm cả người bán và người mua tài khoản. Các ngân hàng cũng cần nâng cao ý thức về an ninh tài chính, cải tiến hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện và ngăn chặn các giao dịch đáng ngờ ngay từ đầu. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng, kết hợp với các biện pháp pháp lý và kỹ thuật chặt chẽ là cần thiết để bảo vệ hệ thống tài chính và giữ vững trật tự xã hội.