Vụ bê bối cưỡng bức triệt sản ở Peru
Đầu những năm 1990, chính quyền Peru đứng đầu là Tổng thống Fujimori đã phát động một chiến dịch nhằm giảm tỉ lệ sinh trong cả nước. Kết quả là đến năm 2000, đã có khoảng 300.000 phụ nữ bị buộc phải triệt sản, trong đó rất nhiều người mới chỉ có 1 hoặc 2 con.
Năm 2018, ông Pedro Chávarry Vallejos,Tổng chưởng lý Viện Công tố tối cao Peru thay mặt cho các nạn nhân mở một vụ kiện mà ông gọi là “tội ác chống lại loài người”…
Nguồn gốc của việc cưỡng bức triệt sản
Tháng 6/1992, Mamerita Mestanza, 33 tuổi, là mẹ của 3 đứa con đến trạm y tế địa phương nơi cô cư ngụ để thăm khám vì những cơn ho dai dẳng. Thế nhưng trong quá trình hỏi han tiền sử bệnh tật, một bác sĩ ở đây nói với Mamerita: “Này cô, theo luật mới cô có thể bị bỏ tù vì cô đã sinh hơn 2 đứa. Vì vậy, cô nên triệt sản để khỏi rắc rối về sau này”.
Nhằm chứng minh lời nói của mình, bác sĩ cho Mamerita xem một sắc lệnh do chính Tổng thống Fujimori ký, gọi là “Chương trình dân số quốc gia nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo”, có hiệu lực từ tháng 1/1991. Theo đó tất cả những phụ nữ đã có 2 con đều phải tự nguyện triệt sản. Nếu ai không chấp hành sẽ bị xử lý trước pháp luật.
Vài ngày sau, Mamerita lên bàn mổ. Ca phẫu thuật cắt ống dẫn trứng diễn ra nhanh chóng nhưng chỉ được 9 ngày, Mamerita chết vì nhiễm trùng máu. Alvarez, chồng cô nói: “Không ai hỏi ý kiến tôi về việc vợ tôi triệt sản, họ không giải thích vì sao vợ tôi chết và họ cũng không bồi thường, kể cả tiền mai táng”.
Mamerita chỉ là 1 trong 300.000 ca triệt sản cưỡng bách diễn ra từ giữa năm 1991 đến gần cuối năm 2000, là thời điểm ông Fujimori thôi làm tổng thống Peru, chưa kể hơn 20.000 người đàn ông khác ký đơn “tự nguyện thắt ống dẫn tinh” nhằm tránh để vợ mình phải lên bàn mổ. Một báo cáo do Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ công bố cho thấy tuyệt đại đa số những phụ nữ bị cưỡng bách triệt sản đều là những người nghèo, thuộc nhóm dân thiểu số nói tiếng Quechua.
Các nạn nhân lúc ra làm chứng trước Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ đều khai rằng sau khi chính quyền địa phương lập danh sách những người đã sinh trên 2 con thì chỉ vài ngày, họ lần lượt bị lùa lên xe tải dưới sự canh chừng của cảnh sát rồi được đưa đến những cơ sở y tế. Tại đó, họ bị triệt sản mà không hề được hỏi ý kiến. Bà Gianella, một trong những nạn nhân cho biết khi ca phẫu thuật hoàn tất, bác sĩ đưa cho bà một tờ giấy yêu cầu ký tên. Bà nói: “Chúng tôi không được đọc những gì viết ở mặt trước tờ giấy, chỉ ký vào mặt sau. Mãi đến khi Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ công bố bản báo cáo, chúng tôi mới biết tờ giấy ấy là “đơn tình nguyện triệt sản”.
Ngược dòng thời gian, sau sự sụp đổ của chính quyền quân sự Peru năm 1980, trước vấn nạn nghèo đói gia tăng, tỉ lệ sinh vượt quá mức kiểm soát, 1/4 trẻ ra đời suy dinh dưỡng, tổng thống mới nhậm chức là ông Fernando Belaúnde đã thực hiện những nỗ lực nhằm mở rộng quyền tiếp cận các biện pháp kiểm soát dân số. Theo đó, Hội đồng Dân số quốc gia được thành lập và Chương trình Kế hoạch hóa gia đình được áp dụng ở tất cả các cơ sở y tế dưới hình thức tự nguyện, bao gồm các phương pháp đặt vòng tránh thai, uống thuốc ngừa thai, hủy thai khi thai dưới 4 tuần tuổi. Đến khi ông Alan García lên thay ông Fernando Belaúnde làm tổng thống, những nỗ lực ấy vẫn được tiếp tục nhưng cuối năm 1986, quân đội Peru ngày càng thất vọng trước việc Tổng thống Alan García không thể giải quyết các cuộc khủng hoảng về kinh tế và chính trị của đất nước. Do đó ngày 27/7/1990 họ tiến hành đảo chính, đưa ông Alberto Fujimori lên nắm quyền.
Trở thành người đứng đầu Peru, ông Fujimori chịu ảnh hưởng sâu sắc của “thuyết Malthus” về kinh tế. Theo thuyết này, dân số thế giới cứ 25 năm lại tăng theo cấp số nhân 2, 4, 8, 16, 32, 64, 128, 256... trong lúc độ màu mỡ của đất đai và tài nguyên thiên nhiên giảm dần nên của cải vật chất làm ra chỉ tăng theo cấp số cộng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9… Vì thế, cách giải quyết tốt nhất của Peru là kìm hãm đà gia tăng dân số thông qua một chương trình được ông Fujimori gọi là “Kế hoạch Verde”, trong đó triệt sản phụ nữ là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên đối tượng triệt sản lại không phải là những phụ nữ thuộc nhóm Creoles - là hậu duệ trực tiếp của người Tây Ban Nha, sinh ra ở Peru hay nhóm Mestizos, Mulattoes, Cholo…, gốc Tây Ban Nha lai Ấn Độ, chiếm đa số ở Peru mà là những nhóm dân bản địa như Kokamila, Inca, Aymara, Khowaru, Amahoaca, Ticona… Theo định nghĩa của “Kế hoạch Verde”, nhóm dân bản địa này được đánh giá là “lạc hậu về văn hóa”, là “gánh nặng cho nền kinh tế đất nước” nên vì thế “cần thiết phải hạ mức sinh của họ bằng 0".
Chính sách khử trùng
Thoạt đầu, “Kế hoạch Verde” được các quan chức của Bộ Y tế Peru gọi là “Chính sách khử trùng”, thực hiện mỗi tháng 1 lần ở các cơ sở y tế cấp quận, thành phố. Khi ấy tất cả mọi phụ nữ bản địa đã có 2 con đều được mời lên, chỉ trừ những người trên 60 tuổi. Đến năm 1993, “Chính sách khử trùng” mở rộng đến từng trạm y tế thôn xã với quy định “nếu nhân viên y tế không thực hiện thì sẽ bị sa thải”. Trong suốt 8 năm - từ 1991 đến 1998, nó được sự hỗ trợ tài chính của một số quốc gia vì họ tin rằng việc kiểm soát dân số ở Peru sẽ giúp nước này thoát nghèo.
Nhớ lại giai đoạn ấy, Tiến sĩ Albert thuộc Tổ chức Y tế thế giới nói: “Tôi đã 3 lần đến Peru. Tại các trung tâm kiểm soát dân số, tôi đã được các bác sĩ ở đây cho xem hàng chồng đơn tự nguyện triệt sản mà về sau tôi mới biết những người ký là người mù chữ! Thậm chí họ còn cho tôi gặp một số phụ nữ và qua lời phiên dịch của họ, những phụ nữ nêu trên đều xác nhận rằng họ hoàn toàn không bị ép buộc. Tuy nhiên vì không hiểu ngôn ngữ của họ, tôi chẳng biết người phiên dịch có nói đúng hay không…”.
Một trong những người hăng hái nhất trong việc thực hiện “Chiến dịch khử trùng” là ông Eduardo Yong Motta, Bộ trưởng Y tế. Nếu như từ 1991 đến 1995, phụ nữ bị cưỡng bách triệt sản chủ yếu là người có nguy cơ về sức khỏe như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, suy giảm miễn dịch hoặc đã có 3 con thì từ 1996 trở đi, đối tượng triệt sản ngoài phụ nữ bản địa, còn có những người thuộc các cộng đồng nghèo. Báo cáo của Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ cho thấy đích thân ông Eduardo Yong Motta đã gây sức ép với các nhà lãnh đạo ở từng địa phương để họ phải thực hiện những yêu cầu của ông. Chính vì thế, từ 1991 đến 1995, mỗi năm bình quân Peru có 15.000 trường hợp triệt sản cưỡng bách thì năm 1996, con số này là 67.000 còn năm 1997, nó là 115.000! Chưa hết, nhiều nhân viên y tế tham gia “Chiến dịch khử trùng” không được đào tạo đầy đủ về chuyên môn, dụng cụ thực hiện triệt sản đa số đã lỗi thời nên đã dẫn đến cái chết của ít nhất là 24.000 người!
Vẫn theo báo cáo của Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ, trong quá trình thực hiện triệt sản ở Peru, nhiều mánh khóe đã được áp dụng nhằm đánh lừa nạn nhân, chẳng hạn như trường hợp của Magarita, 26 tuổi. Cô đến bệnh viện để thăm khám vì những cơn đau quặn ở bụng dưới. Lúc biết Magarita đã có 1 con, bác sĩ trực tiếp thăm khám cho cô giải thích rằng cô bị khối u đại tràng và cần phải mổ. Kể lại chuyện này, Magarita cho biết cô không ngờ họ đã cắt bỏ cả 2 ống dẫn trứng của cô trong lúc thực tế thì cô chỉ bị rối loạn tiêu hóa. Một số phụ nữ khác do sinh khó, phải mổ thì trong quá trình mổ bắt con, bác sĩ cắt luôn cả tử cung. Ngay cả một phụ nữ là Anna, 30 tuổi, chỉ bị viêm dạ dày cũng được đưa vào phòng phẫu thuật để triệt sản.
Ai sẽ chịu trách nhiệm ?
Năm 2020, sau báo cáo của Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ và nhất là sau phán quyết của Liên hợp quốc về việc cưỡng bức phụ nữ triệt sản ở Peru là “tội ác chống lại loài người” đồng thời yêu cầu phải bồi thường cho các nạn nhân thì Chính phủ Peru mới chính thức thừa nhận. Thời điểm này, ông Fujimori đã thôi làm tổng thống sau 3 nhiệm kỳ liên tiếp, người kế nhiệm ông là Valentín Paniagua. Theo Ủy ban Liên hợp quốc về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ, triệt sản cưỡng bức là “một phần trong chương trình do cựu tổng thống Peru Fujimori thực hiện trước khi ông thôi chức sau hơn một thập kỷ nắm quyền” nhưng đến nay, chính phủ của Tổng thống Valentín Paniagua hầu như vẫn chưa có một động thái nào nhằm sửa sai những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Cuối cùng là cựu Tổng thống Fujimori. Chiếc ghế tổng thống của ông bắt đầu lung lay hồi tháng 9/2000 khi người đứng đầu cơ quan tình báo Peru là Vladimiro Montesinos dính líu đến một vụ tham nhũng... Sau khi bị sa thải, Montesinos chạy qua tị nạn ở Panama.
Tháng 11/2000, trong khi Fujimorri đang ở nước ngoài để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thương mại vành đai Thái Bình Dương thì ở Peru, các đảng đối lập chiếm quyền kiểm soát quốc hội. Từ Nhật Bản, Fujimori thông báo rằng ông sẽ từ chức tổng thống nhưng Quốc hội Peru không chấp nhận mà thay vào đó, quốc hội bỏ phiếu phế truất Fujimori đồng thời ra lệnh bắt giữ ông.
Năm 2003, di sản chính trị của Fujimori tan thành mây khói khi Ủy ban Hòa giải và sự thật Peru do chính phủ thành lập, đã điều tra các lạm dụng về nhân quyền trong suốt thời gian ông Fujimori làm tổng thống. Vì có cha mẹ là người Nhật nên ngày 12/12/2000 ông Fujimori được Nhật Bản công nhận là có quốc tịch Nhật. Điều đó bảo đảm cho ông không bị dẫn độ về Peru.
Đáp lại, Chính phủ Peru ra lệnh truy nã quốc tế với ông Fujimori vì vi phạm nhân quyền. Ngày 7/11/2005, khi đến Santiago, Chile, ông Fujimori bị bắt và bị giam tại Chile. Để cứu ông, ngày 28/6/2007 ông Shizuka Kamei, Chủ tịch đảng Tân Nhân dân (PNP), Nhật Bản thông báo “Fujimori đã được đảng của ông đưa vào danh sách ứng cử thượng viện tại Nhật Bản”. Có lẽ vì thế mà ngày 11/7/2007, ông Orlando Álvarez, thẩm phán Tòa án Tối cao Chile từ chối cho Peru dẫn độ Fujimori. Chỉ đến khi Ủy ban Liên hợp quốc về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ và Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ lên tiếng cộng với tuyên bố của ông ông Pedro Chávarry Vallejos,Tổng chưởng lý Viện Công tố tối cao Peru, thay mặt cho các nạn nhân bị cưỡng bức triệt sản là sẽ tiến hành vụ kiện “tội ác chống lại loài người” thì ngày 21/9/2017, Tòa án Tối cao Chile mới đồng ý cho phép dẫn độ Fujimori.
Ngày 22/9/2017, ông Fujimori về đến Peru và bị giam trong nhà tù của Tổng hành dinh Cảnh sát đặc biệt ở Dinoes với cáo buộc gồm 18 tội danh, gồm tham nhũng, tra tấn, giết người, cưỡng bức triệt sản, lạm dụng quyền lực… Từ đó đến năm 2021, ông lần lượt bị tòa án Peru tuyên phạt 25 năm tù vì vi phạm nhân quyền, giết người, bắt cóc, 6 năm tù vì lạm dụng quyền lực, 7,5 năm tù vì biển thủ công quỹ và 6 năm tù vì tham nhũng, nhận hối lộ. Tổng hình phạt đành cho ông là 44,5 năm tù.
Ngày 11/9/2024, ông Fujimori chết vì bệnh ung thư. Dẫu vậy, ngày 26/11/2024 Bộ Tư pháp Peru tiếp tục mở phiên điều trần để quyết định xem những người trực tiếp thực hiện triệt sản cưỡng bức là Alejandro Aguinaga, Marino Costa Bauer và Eduardo Yong Motta, đã từng giữ chức Bộ trưởng Y tế Peru dưới thời Fujimori sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào…