Doanh nghiệp Công an đổi mới mạnh mẽ, phục vụ đắc lực công tác, chiến đấu
Những năm qua, sau khi sắp xếp lại tổ chức theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các doanh nghiệp Công an đã có sự đổi thay mạnh mẽ, bộ máy tổ chức gọn nhẹ, xây dựng thương hiệu, tìm ra hướng đi mới, sản xuất ra những sản phẩm có thế mạnh, cung ứng các sản phẩm phục vụ công tác, chiến đấu cho toàn lực lượng CAND.
Trước tác động của kinh tế thế giới và trong nước, các doanh nghiệp của Bộ Công an đã nỗ lực, vượt qua khó khăn, phát triển kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn tại doanh nghiệp; làm tốt hơn vai trò nòng cốt, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng CAND đến năm 2030.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Để cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về công nghiệp an ninh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA ngày 10/3/2022 về phát triển công nghiệp an ninh theo hướng hiện đại và sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong CAND.
Hiện Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo, quản lý 6 công ty hoạt động theo loại hình Công ty TNHH MTV trực tiếp phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng an ninh (doanh nghiệp an ninh). Trước tác động của kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục khó khăn, các doanh nghiệp của Bộ Công an nói chung và các doanh nghiệp thuộc Cục Công nghiệp an ninh nói riêng đã có những nỗ lực, vượt qua khó khăn, phát triển kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn tại doanh nghiệp, thực hiện tốt chính sách người lao động... Hoạt động của doanh nghiệp ngày càng công khai, minh bạch; doanh nghiệp làm tốt hơn vai trò nòng cốt, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Trang, Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh cho biết, xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh sẽ đảm bảo yếu tố chủ động, bí mật công tác Công an, từng bước giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, tham gia phát triển kinh tế-xã hội và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời gian qua, Bộ Công an đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong CAND. Phát huy vai trò là cơ quan tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an về lĩnh vực công nghiệp an ninh và trực tiếp quản lý 6 doanh nghiệp, thời gian qua, Cục Công nghiệp an ninh đã bám sát, triển khai Nghị quyết, Chỉ thị công tác của Bộ, chỉ tiêu công tác được giao, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phát triển công nghiệp an ninh, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu thường xuyên, đột xuất của các lực lượng trong CAND.
Cụ thể, Cục đã tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an ban hành các chương trình, kế hoạch; đồng thời, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công nghiệp an ninh đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND trong tình hình mới. Đặc biệt, để tạo hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp an ninh và quản lý doanh nghiệp, Cục Công nghiệp an ninh đã tập trung tham mưu cho Bộ Công an cùng với Bộ Quốc phòng và Chính phủ xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, được Quốc hội khóa XV thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025. Hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp CAND ngày càng được nâng cao, kịp thời báo cáo, tham mưu với lãnh đạo Bộ và các cấp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hiệu quả. Tốc độ doanh nghiệp phát triển nhanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được đảm bảo; thu nhập bình quân đầu người/tháng cao nhất ở Công ty TNHH MTV 19-5 là 15,3 triệu đồng, Công ty Thanh Bình - BCA là 15 triệu đồng, Công ty TNHH MTV BCA - Thăng Long là hơn 20,7 triệu đồng…
Cục Công nghiệp an ninh đã ban hành nhiều văn bản, quyết định về công tác chuyển đổi số các doanh nghiệp trong CAND. Theo Quyết định số 229/QĐ-H08-P4, Cục đã tăng cường công tác tuyên truyền, chương trình tập huấn; xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp trong CAND. Tổng Giám đốc các công ty trực tiếp chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuyển đổi số và bố trí nguồn lực để triển khai. Quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới đã thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác quản lý kỹ thuật, khoa học, công nghệ; hợp tác quốc tế và liên kết phát triển sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng, sản phẩm mới… được Cục chú trọng, đẩy mạnh nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Khai thác lợi thế đặc thù để phát triển tương xứng với tiềm năng
Nhóm PV đã ghi nhận không khí lao động sản xuất, những kết quả tích cực đạt được tại những doanh nghiệp top đầu của Bộ Công an. Tại xưởng sản xuất trang phục của Chi nhánh Chiến Thắng, thuộc Công ty 19-5, những công nhân đang thoăn thoắt đôi bàn tay trên những chiếc máy may công nghiệp có công suất lớn. Làm việc theo dây chuyền buộc phải có tính liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận và tinh thần kỷ luật cao.
Là một điển hình tiên tiến của công ty, công nhân lành nghề Trần Thị Minh chia sẻ: “Thời điểm các con còn bé, nheo nhóc nên đã có lúc tôi nghĩ đến việc rời công ty, làm kinh doanh ngoài để có nhiều thời gian hơn chăm lo cho gia đình. Nhưng khi suy xét lại, nhận thấy môi trường làm việc ở đây tốt, tôi đã từ bỏ ý định đó và gắn bó với công ty đã 25 năm. Với mức thu nhập bình quân từ 11-12 triệu đồng/tháng hiện cũng đủ để tôi trang trải các chi phí sinh hoạt cho gia đình và có chế độ hưu trí sau khi hết tuổi lao động”.
Trung tá Nguyễn Thị Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty 19-5, kiêm Giám đốc Chi nhánh Chiến Thắng cho biết, 100% công nhân hợp đồng được ký hợp đồng lao động phù hợp với công việc, năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của nhà nước như thưởng các dịp Lễ, Tết; chế độ thai sản, ốm đau, tăng ca… Đặc biệt, đối với những công nhân sử dụng máy móc, thiết bị có độ nguy hiểm cao được mua Bảo hiểm tai nạn lao động.
Tại Xí nghiệp Cơ khí trang phục, mặc dù nhà cách xa công ty hơn 17km, nhưng chị Nguyễn Thị Bình, Phó Quản đốc phân xưởng giày da, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ xí nghiệp cũng đã gắn bó với công ty trong nhiều năm qua. Bởi theo chị, làm việc ở các doanh nghiệp Công an rất ổn định, thu nhập và chế độ tốt. “Có người còn ở xa công ty 40km mà họ vẫn đi làm được nên mình sẽ cố gắng”, chị Bình tự động viên bản thân và chia sẻ với PV.
“Công ty đã tổ chức các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, khuyến khích người lao động có những sáng kiến mới nhằm cải tiến, tăng hiệu suất lao động”, Trung tá Lê Anh Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty 19-5, kiêm Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí trang phục cho biết thêm.
Trao đổi với PV, Đại tá Dương Mạnh Trường, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Công ty 19-5 chia sẻ: “Ngoài việc đẩy mạnh tiến độ sản xuất, đảm bảo đáp ứng kế hoạch thường xuyên, đột xuất của Bộ Công an về các sản phẩm quân trang, quân nhu phục vụ công tác chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND, công ty còn chủ động tìm kiếm các nguồn hàng thị trường, nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập của người lao động, đảm bảo ổn định và phát triển công ty”…
Gắn bó nhiều năm với Công ty Thanh Bình, từng nhiều lần được cử đi học tại Hàn Quốc và tham gia các khóa đào tạo ngắn ngày do Quân đội tổ chức, Phó Quản đốc phân xưởng 3 (thuộc Nhà máy E112), anh Dương Văn Dục tâm sự: “Dù có lúc doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi luôn tin tưởng vào tập thể lãnh đạo công ty sẽ không chỉ đưa doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn mà còn xây dựng doanh nghiệp trở nên vững mạnh”. Với thời gian 7 năm làm việc tại công ty, chị Vũ Thị Hoài Phương (Đội Dự án, Nhà máy E111, Công ty Thanh Bình) đã tìm hiểu, kết hôn và có một gia đình 3 người hạnh phúc cùng anh Trần Lâm (Phòng Kế hoạch - Kinh doanh xuất nhập khẩu, Công ty Thanh Bình).
Đại tá Nguyễn Quang Hoa, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình khẳng định: “Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục làm tốt việc phát triển sản phẩm công nghiệp an ninh, sản phẩm lưỡng dụng, tạo thương hiệu mạnh, mũi nhọn. Chủ động tích cực tham gia việc chuyển đổi số của ngành; đổi mới, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, nâng cao tỷ lệ nội địa gắn với việc xây dựng tiêu chuẩn, định mức quản lý chất lượng, hạn chế nhập khẩu, tiết kiệm cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa lực lượng CAND”.
Quá trình hơn 30 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Công ty Thăng Long đã phát huy được thế mạnh của doanh nghiệp an ninh với 4 ngành nghề kinh doanh chủ yếu: nhập khẩu ủy thác các trang thiết bị nghiệp vụ, phương tiện đặc chủng, chuyên dùng, vũ khí, khí tài, công cụ hỗ trợ phuc vụ công tác, chiến đấu của lực lượng CAND; tư vấn thiết kế, giám sát, thi công lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy và thiết bị bảo vệ; sản xuất biển số xe phản quang; cung ứng, dự trữ, cấp phát xăng dầu cho Công an các đơn vị, địa phương phục vụ công tác, chiến đấu.
“Công ty luôn chú trọng kiện toàn bộ máy tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu, chuyên môn hóa, thực hiện cải cách hành chính, số hóa trong quản lý, điều hành và các mặt công tác của doanh nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp an ninh, bảo đảm quy định theo Quyết định số 25/QĐ-TTG ngày 11/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực an ninh, quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tập trung mở rộng sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phục vụ phát triển công nghiệp an ninh”, Thượng tá Tống Thị Thu Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty Thăng Long cho biết thêm về định hướng phát triển của công ty trong thời gian tới.
Việc phát triển các sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng vừa tiêu thụ tại thị trường trong nước vừa mở hướng xuất khẩu là hướng đi hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương về xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh theo hướng hiện đại. Năm 2023, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trực thuộc Cục đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao, tổng doanh thu ước đạt trên 3.380 tỷ đồng. Thời gian tới, Cục Công nghiệp an ninh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp an ninh tập trung khai thác và thực hiện các dự án, hợp đồng kinh tế trong và ngoài ngành Công an, đẩy mạnh việc tìm kiếm, khai thác thị trường ngoài ngành; làm chủ công nghệ, sản xuất nhiều chủng loại phương tiện, trang thiết bị phục vụ ngành và dân sinh; đảm bảo tỷ suất lợi nhuận/doanh thu, bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước.
Ghi nhận thành tích xuất sắc năm 2023, Cục Công nghiệp an ninh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và 3 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 2 tập thể. Hàng chục tập thể, cá nhân được Bộ Công an tặng Bằng khen…