Giúp người dân chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản trong mùa mưa bão
Trước mỗi đợt mưa bão xảy ra, lực lượng Công an các xã ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh nên một số người dân ở vùng ven sông, đầm phá vẫn liều mình đi ghe, thuyền để vớt củi, đánh bắt thủy sản giữa mưa lũ, dẫn đến những vụ việc đuối nước thương tâm.
Phường Hương Vân, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) có dòng sông Bồ uốn lượn chảy qua. Phía thượng nguồn con sông này là công trình hồ, đập thủy điện Hương Điền. Tận dụng lợi thế địa hình nên những năm qua, ngoài chú trọng phát triển các mô hình trồng cây ăn quả thì vào mùa mưa lũ, không ít hộ dân sống dọc 2 bên bờ sông Bồ còn lấy nghề bủa lưới, bủa lừ, đánh bắt tôm cá trên sông để mưu sinh. Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hương Vân cho biết, nắm bắt nhu cầu sinh kế của người dân và để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa lũ nên thời gian qua, chính quyền địa phương và lực lượng Công an đã tăng cường công tác tuyên truyền người dân không nên vượt lũ ra sông đánh bắt cá, vớt củi nhưng có một số hộ dân vẫn bất chấp cảnh báo.
Điển hình như mới đây, vào chiều 16/10, vợ chồng ông Trần Minh Đ.,(65 tuổi) cùng vợ là Võ Thị T., trú tổ dân phố Lại Bằng 2, phường Hương Vân bất chấp mưa to gió lớn chèo ghe ra sông Bồ, đoạn gần chân cầu vượt sông Bồ đang thi công để bủa lưới đánh cá. Đến chiều tối, người nhà không thấy vợ chồng ông Đ trở về nên trình báo chính quyền địa phương. Trung tá Nguyễn Viết Thắng, Phó trưởng Công an phường Hương Vân cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Công an cùng với chính quyền địa phương, người dân đã đến hiện trường tổ chức tìm kiếm nhưng chỉ tìm thấy chiếc ghe, còn 2 nạn nhân mất tích. Sau 2 ngày tìm kiếm, đến chiều 18/10, thi thể bà T được tìm thấy tại khu vực Hói Mít, đoạn sông Bồ chảy qua xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền. Tiếp đó, chiều 19/10, thi thể ông Đ cũng được lực lượng chức năng tìm thấy cách vị trí bị nạn khoảng 2km về phía hạ lưu sông Bồ.
Theo Trung tá Nguyễn Viết Thắng, trong thời gian xảy ra mưa bão, lực lượng Cảnh sát khu vực của Công an phường đã tích cực bám địa bàn, phối hợp với các đơn vị thực hiện di dời các hộ dân ở vùng thấp trũng ven sông Bồ đến nơi an toàn. Đối với các hộ dân làm nghề ngư, đánh bắt thủy sản trên sông nước, lực lượng Công an phường đã tích cực tuyên truyền, nhắc nhở, cấm người dân tham gia vớt củi, đánh bắt cá khi mưa lũ, nhất là thời điểm nhà máy thủy điện điều tiết xả lũ. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân bất chấp nguy hiểm, hành nghề mưu sinh trên sông nước lúc mưa bão dẫn đến các vụ việc thương tâm.
Trong khi đó, huyện Quảng Điền có hệ thống đầm phá Tam Giang khá rộng lớn, diện tích mặt nước 2.292ha với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Vì thế những năm qua, người dân ở các địa phương ở xã Quảng Lợi, Quảng Công, Quảng Ngạn… đã chú trọng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên đầm phá để phát triển kinh tế. Trong đó, chỉ tính riêng xã Quảng Lợi là địa phương có hơn 1.000ha diện tích mặt nước và hơn 3.000 nhân khẩu làm nghề ngư trên đầm phá Tam Giang.
Trước đây, vào mùa mưa bão, dù thời tiết không thuận lợi, người dân ở các thôn Ngư Mỹ Thạnh, Thủy Lập… xã Quảng Lợi vẫn đi ghe, đò ra đầm phá để giăng lưới, bủa lừ đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên thời gian trở lại đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của lực lượng Công an nên người dân đã có ý thức bảo vệ tính mạng, tài sản của mình trước mùa mưa bão. Anh Nguyễn Diệm (ở thôn Ngư Mỹ Thạnh) chuyên làm nghề khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang cho biết: “Trước đây, mỗi khi có mưa bão, dòng nước trên phá dâng cao, tôm cá về nhiều nên tôi và các hộ dân trong thôn thường liều mình đi đò máy ra phá bủa lưới, lừ để đánh bắt thủy sản. Do bất cẩn nên năm nào cũng có vụ chìm đò trên phá. Tuy nhiên gần đây, nhờ sự tuyên truyền của các cán bộ Công an xã và chính quyền địa phương, thấu hiểu được sự nguy hiểm khi vượt mưa bão ra phá đánh bắt hải sản nên chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành việc neo đậu ghe thuyền, không ra phá đánh bắt như trước nữa”.
Trung tá Võ Tiến Thảo, Trưởng Công an xã Quảng Lợi còn cho biết, khi vào mùa mưa lũ, lực lượng Công an xã thường xuyên đến từng hộ gia đình nhắc nhở bà con ngư dân không tham gia đánh bắt thủy sản trên vùng đầm phá. Đồng thời đã tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra tại khu vực người dân neo đậu đò máy, thuyền bè để kịp thời giải quyết, xử lý các tình huống phát sinh, giúp người dân bảo vệ tính mạng, tài sản trong mùa mưa bão.
Qua trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Công an thị xã Hương Trà và Công an huyện Quảng Điền đều cho hay, ngoài sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của lực lượng Công an làm nhiệm vụ ở cơ sở thì trên hết, mỗi người dân cần chủ động nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình trong mùa mưa lũ. Tuyệt đối cần chấp hành nghiêm các thông báo, khuyến cáo của địa phương và cơ quan chức năng trong thời điểm xảy ra mưa bão, lũ lụt, không di chuyển đến những vùng nguy hiểm đã được cảnh báo từ trước để đánh bắt thủy sản, vớt củi… nhằm tránh các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.