Nhiều mô hình hay giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

07:16 11/12/2023

Thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hoà nhập cộng đồng (Nghị định 49), năm qua, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (THAHS&HTTP) Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực tham mưu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các nội dung, biện pháp giúp người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, góp phần ngăn chặn tình trạng tái phạm tội…

Cách nay 6 năm, chiều 22/11/2017, Phạm Văn K. rủ Phạm Văn C. và Phạm Văn H. (cùng ở thôn Nước Giáp, xã Ba Khâm) đến nhà uống rượu. Khi đã ngà ngà men rượu, họ nhắc đến chuyện nghi bà Phạm Thị H. (ở cùng thôn) có "đồ độc" (?). Và thế là cả ba cùng đi tìm rồi đánh bà H đến tử vong…

Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, cả ba anh K, C và H đều không có việc làm, cuộc sống gặp khó khăn. Qua nắm tình hình, Công an xã Ba Khâm đã tham mưu xây dựng mô hình "Vận động, quyên góp hỗ trợ con giống cho người tái hòa nhập cộng đồng". Từ số tiền quyên góp đã trích 15 triệu đồng mua 3 đôi heo giống, hỗ trợ kinh phí làm chuồng, thức ăn 10 ngày đầu tiên cho gia đình ba thanh niên nói trên. Qua một năm chăm nuôi, đến nay heo giống của ba gia đình đã sinh được 12 heo con. "Lúc mới về lại địa phương, không có việc làm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi thấy rất bế tắc. Nhờ sự động viên của chính quyền, bà con, đặc biệt là Công an xã đã giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, cố gắng làm ăn, khôi phục kinh tế gia đình", anh C xúc động cho biết.

Thượng tá Thới Văn Lực, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ngãi trao giấy chứng nhận cho các phạm nhân tham gia lớp học nghề "trồng rau an toàn".

Tính đến nay, Quảng Ngãi có 1.363 người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (gọi chung là người chấp hành xong án phạt tù) về cư trú tại các địa phương trong tỉnh. Ngay sau khi Nghị định 49 có hiệu lực, với chức năng là cơ quan thường trực, Phòng Cảnh sát THAHS&HTTP Công an tỉnh đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; điều tra khảo sát, xác định nội dung, tiến độ, phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị liên quan... Qua đó, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, xác định rõ công tác tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt.

Theo đó, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức 106 lượt tuyên truyền công tác tái hòa nhập cộng đồng, có hơn 2.400 lượt người tham dự. Đăng tải, phát sóng 48 tin, bài, phóng sự phát trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh huyện… nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, hội đoàn thể, các tầng lớp nhân dân không kỳ thị, xa lánh người tái hòa nhập cộng đồng.

Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an thực hiện tốt việc tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống, phân công người trực tiếp giám sát, quản lý, giáo dục; giới thiệu hoặc tạo điều kiện tiếp nhận, bố trí giải quyết việc làm trong các tổ chức, doanh nghiệp; hướng dẫn việc vay vốn hoặc liên kết sản xuất kinh doanh… giúp người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn có vốn sản xuất, làm ăn, ổn định cuộc sống.

Trên cơ sở nắm tình hình, Công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng 26 mô hình tái hòa nhập cộng đồng hoạt động hiệu quả thiết thực. Điển hình như: Mô hình "Tiếp sức hoàn lương" (huyện Nghĩa Hành) vận động cộng đồng tặng 19 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 1 triệu đồng), 19 xe đạp, 4 con nghé trị giá 48 triệu đồng cho người tái hòa nhập cộng đồng; mô hình "Vì quê hương Đức Phổ bình yên" (thị xã Đức Phổ) vận động cộng đồng ủng hộ 484,5 triệu đồng để hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện làm ăn, tặng 2 con bò, 1 con nghé trị giá 39 triệu đồng, tặng 26 phần quà cho học sinh là con của những người chấp hành xong án phạt tù có thành tích học tập tốt; mô hình "Xã Trà Thủy không có người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái phạm và vi phạm pháp luật" (huyện Trà Bồng) giúp đỡ 1 người có việc làm ổn định, tư vấn nghề cho 2 người, giới thiệu việc làm cho 3 người; mô hình "Hướng về cơ sở, giúp đỡ người lầm lỡ" (huyện Sơn Tịnh) đã liên hệ với các doanh nghiệp tiếp nhận 16 người vào làm việc, 4 trường hợp được vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống; mô hình "Chung tay xây dựng cuộc sống tươi đẹp" (TP Quảng Ngãi) tặng 30 xe máy trị giá trên 130 triệu đồng cho người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn; "Vận động quyên góp, hỗ trợ con giống cho người tái hòa nhập cộng đồng" (xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ)…

Nhân các dịp lễ, Tết, công an các đơn vị, địa phương đều phối hợp tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà động viên các trường hợp tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn. Cùng với đó, lực lượng Công an còn hướng dẫn hồ sơ, thủ tục hỗ trợ cho 13 trường hợp có nhu cầu vay vốn với tổng số tiền 880 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh.

Anh Đinh Văn S. (ở thôn Tà Ngàm, xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây) sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về nhà trong hoàn cảnh rất khó khăn. Anh S có nhu cầu vay vốn để làm ăn và đã được hướng dẫn vay 50 triệu đồng. "Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của chính quyền, nhất là các anh Công an xã. Với số tiền được vay, tôi sẽ trồng keo và nuôi heo để cải thiện đời sống của gia đình. Tôi sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời, không làm những việc bậy bạ như trước nữa", anh S bộc bạch.

Thượng tá Huỳnh Ngọc Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát THAHS&HTTP Công an tỉnh, chia sẻ, năm qua, đơn vị đã chủ động tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ban hành các kế hoạch, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trong việc tạo môi trường an toàn, thân thiện, giúp người tái hòa nhập cộng đồng sớm ổn định cuộc sống. Đặc biệt đã thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, hạn chế tỷ lệ tái phạm, vi phạm pháp luật và những vấn đề xã hội khác có liên quan đến đối tượng này.

"Hiện đơn vị tiếp tục tham mưu phục vụ Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là một trong những chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta nhằm tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vay vốn để học nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh, tích cực vươn lên làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội", Thượng tá Huỳnh Ngọc Dũng thông tin thêm.

Tấn Thành

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文