“Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực...”

21:41 19/07/2022

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Tô Lâm: “Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để không phải xử lý nhiều cán bộ, đảng viên”, CBCS Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (viết tắt là Cục Cảnh sát Kinh tế) đã chủ động nhận diện các hành vi sai phạm, tội phạm ở những lĩnh vực nhạy cảm, lựa chọn khâu đột phá trong từng lĩnh vực để có giải pháp đấu tranh phù hợp. Đây cũng là mục tiêu cao nhất của những người làm công tác điều tra án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ trong suốt thời gian qua. 

“Phát súng khai hỏa” sai phạm trong đấu thầu bệnh viện

Nhớ lại thời điểm đầu năm 2020, dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam (tháng 3/2020), trước yêu cầu đặt ra trong công tác phòng, chống dịch là phải nhanh chóng trang cấp máy xét nghiệm COVID-19, sớm phát hiện người nhiễm bệnh để áp dụng các biện pháp cách ly, chữa bệnh, Chính phủ đã bố trí ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng cho các địa phương chủ động tổ chức đấu thầu, mua sắm máy xét nghiệm COVID-19 từ nước ngoài. Qua công tác nắm tình hình, CBCS Cục Cảnh sát Kinh tế nhận thấy giá nhiều gói trúng thầu cao hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu, có nhiều dấu hiệu tiêu cực, trục lợi. Với mục tiêu, yêu cầu phải khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi sai phạm để răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực, Cục Cảnh sát Kinh tế đã cử hàng trăm lượt cán bộ tiến hành đồng loạt các biện pháp trinh sát để rà soát, xác minh hàng trăm gói thầu mua sắm máy xét nghiệm COVID-19 ở các tỉnh, thành liên tục trong nhiều tháng trời và xác định “điểm đột phá” là gói thầu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội. 

Sau 13 ngày đêm (từ 10/4/2020 đến 22/4/2020) quyết liệt, khẩn trương đấu tranh, Cơ quan điều tra đã xác định, làm rõ được hành vi “thông đồng” giữa lãnh đạo Trung tâm CDC Hà Nội với nhà thầu là Công ty MST để hợp thức hóa giá trúng thầu, nâng giá mua máy xét nghiệm từ 2,3 tỷ lên trên 7 tỷ đồng (gấp hơn 3 lần) bằng thủ đoạn mua bán “lòng vòng” qua 4 công ty khác nhau để chiếm đoạt tiền hưởng lợi. Sau khi củng cố tài liệu, chứng cứ, ngày 22/4/2020, Cục Cảnh sát Kinh tế đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, trong đó có Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính Kế toán CDC Hà Nội. Mở rộng vụ án, Cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 3 bị can gồm Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ; Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính và Hoàng Kim Thư, Kế toán trưởng, Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội; kết hợp với động viên các đối tượng khai báo thành khẩn, tự nguyện khắc phục hậu quả nên đã thu hồi toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt/hưởng lợi trong vụ án là trên 5,4 tỷ đồng.

Công an tỉnh Nam Định khám xét nhà đối tượng trong vụ án liên quan kit test Việt Á.

Có thể nói vụ án tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC Hà Nội là “phát súng khai hỏa” để tiếp tục phát hiện, điều tra, đưa ra ánh sáng hàng loạt vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm quy định về đấu thầu để tham nhũng, trục lợi xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Thủ Đức, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, CDC Hải Dương, Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế ...

Thành công nhất sau khi khám phá các vụ án trên, đó là đã kịp thời ngăn chặn sai phạm tương tự trong việc mua sắm máy xét nghiệm COVID-19, vật tư stent tim, thiết bị robot phẫu thuật… ở các bệnh viện, cơ sở y tế các tỉnh, thành trong cả nước, ngăn chặn thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng của Nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người bệnh, đưa chi phí khám chữa bệnh giảm về giá trị thật, ngăn chặn thiệt hại quỹ bảo hiểm xã hội.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Tiếp theo, qua công tác nắm tình hình, Cục Cảnh sát kinh tế phát hiện giá sản phẩm kit test COVID-19 của Công ty Việt Á là 470.000 đồng/kit có sự chênh lệch khá cao so với sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất. Đặc biệt, mức giá này là căn cứ để Bộ Y tế công bố giá xét nghiệm PCR tối thiểu là 734.000 đồng/cá nhân/xét nghiệm. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của nhân dân và kinh phí phòng, chống dịch tại các đơn vị, doanh nghiệp, có nhiều dấu hiệu các đối tượng thông đồng nâng giá để trục lợi. Điều này đã thôi thúc Cục Cảnh sát Kinh tế quyết tâm, khẩn trương tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để chứng minh, làm rõ hành vi sai phạm của Công ty Việt Á và các đối tượng liên quan.

Quá trình triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng xác định Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã chỉ đạo các đối tượng liên quan sử dụng các công ty thuộc hệ thống Công ty Việt Á ký hợp đồng, xuất hóa đơn mua bán lòng vòng với nhau nhằm tạo dòng tiền ảo, nâng khống giá trị hàng hóa, nguyên vật liệu, vật tư y tế đầu vào phục vụ sản xuất kit test trước khi bán vào các cơ sở y tế công (CDC, bệnh viện công các tỉnh, thành phố). Để trúng thầu cung cấp kit test COVID-19 cho các cơ sở y tế công, Phan Quốc Việt đã “thông đồng” với các đối tượng trong cơ sở y tế lợi dụng mặt hàng kit test COVID-19 để tổ chức theo hình thức “chỉ định thầu rút gọn” và sẽ chi tiền chiết khấu ngoài hợp đồng theo tỷ lệ từ 20% - 30% giá trị gói thầu, cá biệt có trường hợp lên đến 40%. Quá trình đấu thầu, Phan Quốc Việt và đồng bọn sử dụng pháp nhân các công ty trong cùng hệ thống làm “quân xanh”, lập báo giá cung cấp cao hơn giá chào hàng của Công ty Việt Á để Công ty Việt Á “đủ điều kiện” được “chỉ định thầu”. Qua tài liệu thu thập về Báo cáo nội bộ thể hiện doanh thu bán hàng kit test COVID-19 của Công ty Việt Á từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2021 là gần 4.000 tỷ đồng, số tiền chiết khấu lên đến hàng trăm tỷ đồng cho các đơn vị y tế trên 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.  

Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, khối lượng công việc rất lớn, hoạt động đối phó của các đối tượng tinh vi, CBCS Cục Cảnh sát Kinh tế không quản hiểm nguy, vất vả, tiến hành rà soát hàng trăm tài khoản liên quan đến các đối tượng vì đây là “điểm đột phá” của vụ án.  Sau nhiều ngày tháng thu thập tài liệu, Cục Cảnh sát Kinh tế đã xác định “điểm đột phá” trong chuyên án là hành vi chuyển “chiết khấu” hơn 30 tỷ đồng cho Giám đốc Trung tâm CDC trong 5 gói thầu mua kit test COVID-19 trị giá hơn 150 tỷ đồng tại Trung tâm CDC Hải Dương. Ngày 10/12/2021, Cục Cảnh sát Kinh tế chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an huy động gần 400 CBCS đồng loạt triển khai khám xét 19 địa điểm, triệu tập trên 30 đối tượng tại Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Cần Thơ… Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an các địa phương đã khởi tố hơn 60 bị can liên quan đến kit test Việt Á. Trong đó, hai bị can từng giữ chức vụ cao nhất là nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Qua công tác điều tra các vụ án, Cục Cảnh sát Kinh tế đã làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm, đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương để kiểm tra dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm về mặt Đảng đối với tổ chức Đảng, cá nhân sai phạm với phương châm “ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”. CBCS Cục Cảnh sát Kinh tế đã quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực  là: “xử lý một vài người để cứu muôn người”.

Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, Cục Cảnh sát Kinh tế đã trực tiếp phát hiện, điều tra, làm rõ 653 vụ án, 1.514 bị can về tội tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; trong đó khởi tố, điều tra 95 vụ án, 774 bị can thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo (chiếm 80% tổng số vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ khi tái thành lập năm 2013 đến nay); thu hồi tài sản cho Nhà nước với tổng trị giá gần 100.000 tỷ đồng; Quá trình điều tra các vụ án đã nhận diện, xác định đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu để tập trung đấu tranh, triệt phá, làm rõ, xử lý nghiêm minh, có tác dụng lan tỏa phương châm “Xử lý một vụ có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. 

Thuỷ Anh

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

Đến trưa 27/12, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vẫn đang phong tỏa hiện trường vụ cháy xảy ra tại dãy nhà trọ cao 5 tầng trong hẻm 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức để làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 2 người tử vong, 8 người bị thương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文