Chuyện tình đẹp của chàng sinh viên và cô gái... không tên
- Chuyện tình đẹp ở làng phong Quy Hòa
- Chuyện tình đẹp của chàng trai bỏng toàn thân với cô gái 9X
- Một chuyện tình đẹp như cổ tích của chàng trai khiếm thị và cô sinh viên sư phạm
Tai họa từ một lần hỏa hoạn
Tiếng cười đã rộn rã trong căn phòng trọ chật chội, nhuộm đầy nước mắt trước kia của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (47 tuổi, ngụ phường Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh) khi họ được trở lại chính danh. Phượng đã có giấy Chứng minh nhân dân, gia đình đã có sổ tạm trú và những đứa trẻ đã có giấy khai sinh... Những loại giấy tờ tùy thân tưởng như đơn giản nhất, nhưng lại là khao khát tột cùng của những con người này.
Bốn anh chị em Nguyễn Thị Kim Phượng (23 tuổi) phải sống lang thang đầu đường xó chợ. Mẹ bán hàng rong, ba chạy xe xích lô lê lết từ tháng này qua năm nọ. Nhà đông anh chị em, miệng ăn núi lở, ba mẹ không thể cáng đáng nổi nên chúng phải tỏa nhau ra đường xin tiền, xin ăn rồi bán vé số, lượm ve chai.
Cuộc sống chợ trời kéo dài theo năm tháng, tương lai của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương tối tăm mù mịt. Lớn hơn một chút, những đứa con trong gia đình ấy tứ tán khắp nơi làm thuê làm mướn kiếm sống...
Bà Hương kể, tuổi thanh niên bà từng theo mẹ đi vùng kinh tế mới ở Bình Phước. Ngày đó nghèo khổ, nhà nào cũng dựng tạm một túp lều tranh tre ở và trong một lần do đốt nương làm rẫy, căn nhà của gia đình bị cháy rụi. Khi "bà hỏa" đi, chỉ để lại một đống tro tàn, mọi thứ tan thành khói bụi.
Từ đó, bà Hương và những người trong gia đình trở thành người "vô danh". Bà Hương quay trở về TP Hồ Chí Minh lấy chồng rồi sinh con đẻ cái. Vì không có tiền, cũng không có bất cứ một loại giấy tờ gì chứng minh danh phận, bà Hương đã âm thầm ôm con trốn viện.
Cả bốn đứa con của bà đều "đào thoát" trót lọt bằng cách đó. Chúng cứ thế lớn lên, hồn nhiên băng qua quãng đời tuổi thơ ở lề đường, chiếu chợ, đói ăn, mù chữ, không tên tuổi.
Không ai dám chứa chấp cảnh tứ cố vô thân của gia đình bà Hương. Họ sợ liên lụy, sợ đói nghèo và sợ đủ thứ trên đời... Cuối cùng, có một người tốt đã "nhắm mắt" cho mượn căn phòng nhỏ để những đứa trẻ có nơi ngủ ấm áp mỗi khi đêm về.
Chị em của Phượng lớn lên, khao khát đến trường học chữ nhưng tất cả đã tắt lịm vì mang thân phận "không tên". Chỉ duy nhất cô chị cả Nguyễn Thị Kim Phượng được đến lớp học tình thương và biết được con chữ "cắn làm đôi" rồi cũng phải dừng lại đi kiếm cơm.
6 năm trời, Hưng dắt tay Phượng đi tìm lại tên cho cả gia đình. |
Khi những khó khăn và sóng gió vẫn dồn dập ùa về gia đình nhỏ thì người cha đột nhiên qua đời vì lao lực cộng với bệnh tật dồn nén lâu ngày không được chữa trị. Chị em Phượng như chim vỡ tổ, lạc giữa bầu trời đầy giông tố.
Bà Hương cũng không còn nước mắt để khóc chồng. Sự ra đi quá trẻ của người đàn ông trụ cột trong nhà để lại gánh nặng cho người vợ. Bốn đứa con còn quá non dại, nhưng đã "thẩm thấu" được nỗi đau mất cha là quá khủng khiếp.
Nhớ lại quãng thời gian khủng hoảng ấy, bà Hương xót xa: "Chồng mất không có tiền lo hậu sự phải nhờ vào lòng hảo tâm của hàng xóm. Suốt những ngày sau đó, mấy mẹ con tôi ngồi ôm nhau khóc, nhìn về tương lai mà thấy toàn màu đen".
Căn phòng trọ chật chội của gia đình Phượng. |
Cái kết đẹp như cổ tích
Niềm vui đã đến với gia đình khi Nguyễn Thị Kim Phượng gặp được chàng trai khôi ngô tuấn tú Mai Tấn Hưng (24 tuổi, ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh). Hưng lúc này đang là sinh viên, nhà ở gần quán cơm Phượng làm thuê. Một vài lần ngồi ăn cơm, Hưng để ý thấy cô gái có mái tóc dài chấm lưng, khuôn mặt bầu bĩnh xinh xắn nhưng đôi mắt lúc nào cũng u buồn. Lần sau ghé quán, Hưng đã mang li nước ép trái cây đến tặng Phượng để sau khi rửa chén xong cô có thể uống lấy lại sức.
Ngập ngừng mãi Hưng mới dám xin số điện thoại của Phượng. Và sau mỗi đêm học bài căng thẳng, chàng sinh viên lại nhắn tin hỏi thăm cô gái rửa chén. Phượng khi ấy còn quá hồn nhiên để nhận ra tình cảm của chàng trai, lại tủi phận là con nhà nghèo nên cô không dám mơ ước dù chỉ là một điều bình dị.
Những tin nhắn của Hưng ngày càng gần gũi, quan tâm đến Phượng nhiều hơn. Khi biết về hoàn cảnh của Phượng, Hưng đã thật sự "sốc" và không tin trên đời lại có những phận người éo le đến vậy. Hưng cố giấu cảm giác của mình trước mặt Phượng. Anh càng thương cô gái mồ côi cha nhiều hơn. Lúc đầu biết tình cảm của Hưng, Phượng mặc cảm không dám tiến tới, sau thấy chàng trai nhiệt tình và rất đỗi chân thành, Phượng đã gật đầu đồng ý hẹn hò.
Phượng đi rửa bát thuê cho một quán cơm ở quận 12. |
Và cũng từ đây, Hưng bắt đầu "cuốn" mình vào hành trình đi tìm danh phận cho người yêu. Hưng dắt Phượng gõ cửa khắp nơi, tới bệnh viện, nơi Phượng được sinh ra dò tìm manh mối nhưng ở đây người ta nói đã quá 20 năm, hồ sơ không còn nữa. Hưng nhờ luật sư tư vấn về luật cũng như giúp tìm ra hướng đi trên hành trình vô cùng gian khó và mù mịt này, nhưng góc khuất lớn nhất ở đây là cả ba thế hệ nhà Phượng đều không ai có một mảnh giấy tùy thân. Bà Hương chỉ nhớ mang máng nơi mình sinh ra, còn quê cha mẹ ở đâu lại không biết. Bà sinh bốn đứa con thì cả bốn lần nhảy rào trốn viện nên không đứa nào có giấy khai sinh.
Dù đã cố gắng hết sức nhưng nút thắt chưa được gỡ, Hưng càng đi tìm lời giải thì càng rối rắm, không biết phải làm sao. Mỗi lần trở về Phượng lại khóc vì quá chán nản và mệt mỏi. Hưng phải động viên, an ủi người yêu thật nhiều. Anh giải thích cho Phượng hiểu, trên hành trình này, không chỉ có Phượng mà phía sau còn tương lai của những đứa cháu, chúng không thể kế thừa di sản đói nghèo, mù chữ của cha mẹ được. Phượng cho biết, nếu không có Hưng có lẽ cô đã buông bỏ và chấp nhận sống cuộc đời vô danh cho đến lúc chết.
Thương người yêu, Hưng không nản chí. Ngoài giờ làm hoặc những ngày được nghỉ, Hưng tiếp tục cuộc hành trình và dành thời gian dạy chữ cho Phượng. Xuất phát điểm là cô gái "trắng như tờ giấy", Hưng đã miệt mài, kiên trì dạy Phượng đánh vần từng chữ cái. Đến nay Phượng đã có thể tự ghi được đầy đủ tên của mình.
Ba mẹ Hưng phản đối kịch liệt con trai yêu cô gái nghèo, không tên tuổi. Họ cho rằng đó là chuyện tình không có tương lai. Bạn bè cũng không hiểu nổi Hưng, chàng trai được học hành đàng hoàng, tương lai và sự nghiệp xán lạn trước mắt lại "buộc mình" vào một gia đình quá khó khăn.
Hưng mặc kệ người đời dè bỉu, cười chê, chấp nhận đương đầu với thử thách, bởi tình yêu Hưng dành cho Phượng đã vượt trên tất cả. 6 năm yêu nhau thì cũng ngần ấy thời gian Hưng cùng Phượng trải qua những gian khó, vất vả nhất của cuộc sống. Hưng thường xuyên ghé căn phòng trọ "ổ chuột" của Phượng, cùng ăn những bữa cơm chỉ có rau và nước mắm, những khi hết gạo thì húp mì tôm cũng vẫn cười, vẫn vui vẻ. Hưng muốn cưới Phượng làm vợ, nhưng không thể. Có những lúc vì không thể làm được gì thêm, Hưng đã nghĩ đến việc làm giấy tờ giả để thực hiện lễ cưới, chỉ với mục đích cho Phượng trở thành người vợ chính danh. Ba mẹ Hưng rất buồn khi biết chuyện. Gia đình Hưng nổi tiếng gia giáo, từ trước đến nay chưa làm gì trái với pháp luật. Bố Hưng khuyên: "Con được học hành đàng hoàng, hiểu biết pháp luật rõ ràng, đừng làm gì ảnh hưởng đến tương lai và danh dự bản thân".
Cuối cùng, câu chuyện đi tìm tên của Phượng cùng những gian nan trong tình yêu với Hưng được nhiều người biết tới, cả xã hội quan tâm, tiếp sức. Trong đó có sự giúp đỡ tận tình của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hồ Chí Minh; Công an phường Tân Định (quận 1), Công an quận 12 (TP Hồ Chí Minh).
Thượng tá Trần Văn Tâm, Phó trưởng Công an quận 12 chia sẻ: "Biết được những hoàn cảnh như vậy, chúng tôi đã tiến hành xác minh và có trách nhiệm giúp đỡ họ làm các thủ tục cần thiết. Niềm hạnh phúc của nhân dân cũng chính là niềm vui của chúng tôi".
Ngày nhận được sổ đăng ký tạm trú, giấy khai sinh... cả gia đình Phượng đã vỡ òa hạnh phúc. Đây có lẽ là món quà lớn nhất cuộc đời mà họ nhận được. Riêng Phượng, từ nay sẽ là vợ Hưng một cách đàng hoàng, danh chính, không còn là giấc mơ nữa.