Nên duyên từ nỗi đau da cam

09:59 06/04/2017
Chỉ quen nhau một tuần và đám cưới của đôi vợ chồng da cam khiến nhiều người rơi nước mắt. Hơn 13 năm qua, bằng nghị lực của bản thân, họ đã xây dựng được mái ấm hạnh phúc để bao người nể phục.

Chúng tôi tìm về căn nhà của vợ chồng anh Ngô Xuân Bình và chị Phan Thị Yến ở xóm 2, xã Hưng Chính (TP Vinh, Nghệ An) vào một chiều cuối tháng 3/2017. Trong căn nhà cấp 4 lợp bằng mái fibro xi măng nằm bên con đường bê tông giữa làng từ lâu chỉ có hình bóng người phụ nữ làm trụ cột gia đình. Ít ai biết rằng, suốt hơn năm qua, chị Phan Thị Yến vừa lo kiếm tiền nuôi gia đình, vừa chăm sóc chồng, con từ những việc nhỏ nhất.

Nỗi đau da cam

Không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa, lúc sinh ra, chị Phan Thị Yến, 38 tuổi, quê ở Hưng Tân (thành phố Vinh, Nghệ An) bị hở hàm ếch, trí não chậm phát triển. Bố mẹ chị đưa con chạy chữa khắp nơi, bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Sau khi xuống bệnh viện tỉnh, người cựu chiến binh Phan Đình Minh (bố của chị Yến) và vợ như ngã quỵ khi hay tin đứa con gái út của mình bị nhiễm chất độc da cam từ bố.

Thấy con gái út của mình thiệt thòi, kém may mắn, người cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam nhiều đêm trăn trở. Những mong cứu chữa hình hài đứa con gái bé bỏng, ông Minh cùng vợ đã chạy vạy khắp nơi để vay mượn tiền bạc đưa Yến đi phẫu thuật.

Cuối cùng, nhờ những lần can thiệp bằng dao kéo, vết hở môi của Yến được thu hẹp lại. Tuy vậy, đến nay khiếm khuyết ấy vẫn không trở lại được bình thường.

Nói đến đây, chị Yến hồi tưởng lại: “Hồi nhỏ môi bị hở, giọng nói ngọng nên chị hay bị bạn bè trêu chọc nên rất tự ti, sống khép mình, ít giao tiếp với bạn bè. Vì thế, chị chỉ học xong lớp 4 rồi nghỉ, không muốn đi học nữa. Cuộc sống của chị từ đó rất buồn tủi, thiệt thòi đủ thứ”.

Mái ấm hạnh phúc của đôi vợ chồng da cam.

Khi hỏi cơ duyên để hai vợ chồng cùng cảnh ngộ tìm đến với nhau, chị Yến cười hiền nhớ lại: “Bố của mình và bố của anh Bình (chồng chị bây giờ) từng là đồng đội ở chiến trường xưa. Trong những lần vào sinh ra tử, hai người đồng chí, đồng đội ấy chẳng may bị nhiễm chất độc da cam. Cùng cảnh ngộ lại là đồng đội nên hai gia đình, hai người cựu binh rất hiểu rõ hoàn cảnh của nhau. Đồng cảm vì hai bên đều có con bị di chứng chất độc da cam nên hai người lính già đã mai mối cho chị và anh ấy nên duyên vợ chồng”.

Chồng chị Yến là anh Ngô Xuân Bình, 41 tuổi, quê ở xóm 2, xã Hưng Chính (thành phố Vinh, Nghệ An). Anh là con đầu trong gia đình có 5 anh em. Bị di chứng chất độc da cam từ người cha nên Bình lúc mới sinh ra thân hình cũng không lành lặn. Trong gia đình anh, một người em trai cũng bị di chứng chất độc da cam hiện bị câm điếc, tâm thần khiến cuộc sống của gia đình càng thêm chật vật. Do bị bệnh nặng hơn nên anh Bình không làm được việc gì kể cả vệ sinh cá nhân. Hai chân bị liệt nên việc di chuyển của anh cũng rất khó khăn.

Dù được gia đình hai bên mai mối và làm công tác tư tưởng rất kỹ nhưng khi gặp mặt, chị Yến vẫn không ngờ rằng người mình sẽ lấy làm chồng lại bị tàn tật nặng như vậy. Khi ấy, đầu Bình nghiêng hẳn sang một bên, hai tay cong queo, đôi chân teo tóp nên mỗi khi đi cần phải có người dìu. Do khuôn mặt bị kéo xệch nên việc phát âm của anh Bình rất khó nhọc nên khó khăn trong việc giao tiếp.

“Sau lần gặp ấy, bản thân mình cũng suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Không lo lắng sao được khi cả hai đều kém may mắn, sức khỏe yếu liệu rồi lấy nhau về, làm gì để nuôi nhau? Nhưng rồi, mình chấp nhận cuộc hôn nhân này. Bởi qua ánh mắt, mình có thể cảm nhận được tình cảm chân thành mà anh ấy dành cho mình”, chị Yến nhớ lại.

Cuộc hôn nhân ấy cũng rất đặc biệt. Chỉ sau một tuần quen và tìm hiểu nhau, cả hai quyết định về chung một nhà. Tháng 10/2004, một đám cưới đặc biệt của hai mảnh đời da cam đã diễn ra. Đó là một bữa tiệc nho nhỏ nhưng ấm cúng được bà con lối xóm chung tay tổ chức.

Chị Yến luôn nỗ lực lao động để trang trải cuộc sống.

Hạnh phúc đơm hoa

Ngày ấy, hình ảnh cô dâu Phan Thị Yến rạng rỡ trong bộ váy cưới màu trắng, hai tay đẩy chú rể Ngô Xuân Bình co quắp trên chiếc xe lăn lên hôn trường khiến những người chứng kiến không cầm được nước mắt.

“Khi đó nỏ yêu, nỏ hẹn hò chi hết. Cả hai tự nhủ về cùng một nhà thì thương nhau, đùm bọc nhau mà sống. Ngày vợ chồng tôi cưới, mọi người đến dự rất đông và nhiều người đã khóc. Người ta cưới thì chú rể dắt vợ ra mắt họ hàng, còn ở đây thì mình phải dùng xe đẩy chú rể đi”, chị Yến bộc bạch.

Lúc mới cưới, cuộc sống của hai mảnh đời da cam gặp rất nhiều khó khăn. Chị Yến cho biết, để có tiền trang trải cuộc sống, bản thân chị phải xoay xở nhiều nghề. Sẵn có nghề may, chị thường nhận may, sửa quần áo cho bà con lối xóm kiếm thêm đồng tiền để trang trải. Với chiếc máy may, hàng ngày chị nhận sửa đồ cho bà con trong vùng, mỗi ngày kiếm được 50 – 60 ngàn đồng. Số tiền ít ỏi ấy cũng giúp chị trang trải bớt những chi phí hằng ngày. Với những người kém may mắn như chị, nghề sửa quần áo tuy khó có thể làm giàu, nhưng chịu khó thì cũng kiếm được đồng ra, đồng vào.

Sau đó, chị Yến được nhận vào làm ở một cơ sở sản xuất hoa tươi tại thành phố Vinh. Thu nhập dựa vào lượng sản phẩm hàng ngày chị bán được, dù không dư giả song cũng đủ giúp chị có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống.

Rồi hạnh phúc cũng mỉm cười với hai mảnh đời kém may mắn. Một tháng sau, chị Yến mang thai đứa con đầu lòng. Lúc đó, vợ chồng chị lo nhiều hơn vui vì sợ sau này con sinh ra cũng bị di chứng như bố mẹ lại càng thêm khổ. May sao, đứa con của anh chị chào đời rất khỏe mạnh, bụ bẫm. Cháu bé có tên Ngô Xuân Hoàn (12 tuổi), hiện đang học lớp 6.

Nhắc đến đứa con trai đầu lòng cũng là duy nhất của vợ chồng chị lúc này, đôi mắt chị Yến ánh lên niềm hạnh phúc: “Thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình, Hoàn luôn chăm ngoan, vâng lời cha mẹ và đặc biệt là cháu học rất giỏi. Nhiều năm liền, cháu luôn đứng đầu lớp. Ngoài thời gian học tập, cháu còn đỡ đần được mẹ việc nhà rất nhiều”. Đứa con ấy như tiếp thêm động lực để chị Yến làm việc, nuôi gia đình, chăm sóc chồng con.

Hơn 13 năm qua, chị Yến là chỗ dựa để anh Bình thấy cuộc sống có ý nghĩa.

Vươn lên từ gian khó

Càng ngày, sức khỏe của anh Bình càng yếu đi. Sáu năm trở lại đây, đôi chân của anh bị liệt, phải ngồi xe lăn. Từ đó, mọi sinh hoạt, ăn uống, tắm giặt của anh đều cậy nhờ người vợ. Năm 2009, các cấp chính quyền, đoàn thể, anh em họ hàng chung sức xây dựng cho anh chị ngôi nhà tình nghĩa rộng 65 m².

Năm 2013, chị Yến may mắn được tham gia lớp học làm hoa lụa và hoa đá do Hội Phụ nữ thành phố Vinh tổ chức dành riêng cho những người phụ nữ kém may mắn. Nhờ sự chăm chỉ, cần mẫn, nỗ lực học hỏi, cộng với chút khéo tay, chị đã tạo ra những lẵng hoa đẹp được nhiều người tấm tắc khen ngợi. Chưa hết, chị còn là điểm tựa cho những người không may mắn bị khuyết tật tìm đến học hỏi, dạy nghề.

Những năm gần đây, do thị hiếu của người dùng thay đổi, sản phẩm hoa đá, hoa lụa làm ra không còn được ưa chuộng, tổ sản xuất hoa lụa của những người phụ nữ khiếm khuyết trên địa bàn dừng hoạt động. Chấp nhận khó khăn, chị Yến vẫn bám trụ với nghề.

Trước tình thế đó, chị Yến tự đứng ra nhập nguyên liệu rồi làm hoa bán cho khách. Bằng đôi bàn tay khéo léo, những sản phẩm hoa đá, hoa lụa do người phụ nữ khuyết tật làm ra vẫn được nhiều người ưa chuộng. Nhìn chị thoăn thoắt đôi tay thêu những bông hoa lụa khiến ai cũng phải trầm trồ. Chị Yến khoe, dịp lễ 8/3, chị được nhiều người đặt hàng làm quà cho người thân. Với chị, đó là niềm hạnh phúc khi được khách hàng tin tưởng, đón nhận.

“Với người bình thường họ cố gắng một thì tôi phải nỗ lực gấp mười lần. Nhiều khi cũng đuối sức nhưng nhìn cảnh chồng ngồi một chỗ, đứa con nhỏ hồn nhiên chơi đùa, tôi lại tự động viên mình nỗ lực phấn đấu hơn nữa để kiếm tiền lo cho chồng, cho con”, chị Yến trải lòng.

Nãy giờ ngồi lặng im trên chiếc xe lăn nghe vợ nói chuyện, anh Bình nhìn người vợ hiền tảo tần với đôi mắt trìu mến, biết ơn. Bằng giọng nói khó nhọc, anh Bình bộc bạch: “Từ ngày có cô ấy ở bên, tôi mới có thêm nghị lực để sống và thấy cuộc sống này không hề vô nghĩa. Tôi nợ vợ tôi rất nhiều. Chính cô ấy đã mang đến cho tôi một cuộc sống mới, một gia đình bé nhỏ mà ấm áp, yêu thương”.

Do đều bị di chứng của chiến tranh nên hoàn cảnh kinh tế không như những vợ chồng khác, song chị Yến luôn biết lèo lái gia đình qua giai đoạn khó khăn nhất. Sự hy sinh và nghị lực của chị là gương sáng cho nhiều người noi theo.

Thạch Văn

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Do lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình quan tâm chăm sóc nhưng đồng chí Đặng Thị Cẩm Thúy đã từ trần hồi 15h 20 ngày 01/5/2024 (nhằm ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn) tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an.

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Vào khoảng 2h30 ngày 2/5, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn một kho chứa phế liệu rộng khoảng 500 m2 tại ấp An Hoà, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文