Nghẹn lòng nghe kể chuyện tình yêu của vợ chồng tuổi "bát thập" ở xóm chạy thận

08:11 28/10/2015
Từ nhiều năm nay, các y bác sĩ và bệnh nhân khoa chạy thận BV Bạch Mai đều quen với cảnh vợ chồng ông bà Sơn Lệ dìu nhau vào viện. Trong khi bà nằm lọc máu, ông lại đôn đáo xách phích nước ra bán mấy chén trà nóng kiếm thêm đồng tiêu vặt...


“Tôi là người hạnh phúc nhất xóm này rồi. Bệnh tật, tuổi già được ở cùng nhau, nhìn thấy nhau mỗi ngày thì hạnh phúc không gì sánh nổi. Hạnh phúc của một người cũng là niềm vui, niềm vui động viên lớn nhất của cả xóm. Chúng tôi không có sức khỏe, không giàu về tiền, nhưng chúng tôi lại có một tấm lòng, một tình thương vô biên...”.

Đó là lời chia sẻ của bà Đinh Thị Lệ 78 tuổi (Từ Sơn, Bắc Ninh) 5 năm gắn bó với bệnh thận như một "tuyên ngôn" của xóm chạy thận: Ở đây không có gì, nhưng tình người thì vô biên.

Hà thành cuối Thu vẫn ngột ngạt và bỏng rát. Chúng tôi tìm đến xóm chạy thận ở 121 Lê Thanh Nghị (Hà Nội). Xóm hiện có khoảng 130 người, nằm lọt thỏm giữa cuộc sống tất bật, náo nhiệt của chốn thị thành. Đây là nơi trú ngụ của dân tứ xứ nhưng đều giống nhau ở một điểm, đó là mắc bệnh suy thận. Đôi "uyên ương" cao niên nhất của xóm chạy thận là vợ chồng ông Sơn bà Lệ. Ông Nguyễn Hồng Sơn (chồng bà Lệ) năm nay đã bước sang tuổi 85.

Đang loay hoay nấu bữa cơm trưa, quay sang chúng tôi, ông hóm hỉnh: “Các cụ nói con chăm cha không bằng bà chăm ông. Bà ấy bệnh 5 năm rồi, sức khỏe yếu không tự lo được nên tôi xuống chăm, bầu bạn với nhau. Có tôi, bà ấy có thêm động lực để chiến đấu với căn bệnh, quên đi nỗi đau bệnh tật”.

Vợ chồng bà Đinh Thị Lệ.

Căn phòng chưa đầy 10 mét vuông của ông bà thuê mỗi tháng 1,1 triệu đồng. Căn phòng trọ đơn sơ, trống trải chẳng có đồ đạc gì ngoài chiếc bếp ga mini và nồi cơm điện nhưng lại nơi rộn ràng, đông vui nhất xóm. Vì đây là căn phòng trung tâm, mỗi khi chạy thận về, mọi người lại tụ tập nói chuyện, kể cho nhau nghe những câu chuyện của đời, của người rồi của chính mình...

Đôi mắt nhìn xa xăm, ông Sơn trải lòng: "Chúng tôi kết hôn từ hồi tôi còn trong quân ngũ cũng được gần 60 năm rồi. Tôi đi bộ đội, mình bà ấy ở nhà nuôi dạy 4 cô con gái. Trước đây bà ấy vẫn khỏe lắm, vẫn lội ruộng phăm phăm. Mấy sào ruộng ở nhà đều do một tay bà ấy chăm lo. Nhưng năm 2010, tự nhiên bà ấy cứ kêu mệt, sụt cân nhanh chóng, có lần ngất phải đi cấp cứu. Lúc đó, bác sỹ cho hay bà bị suy thận cấp, cần phải điều trị ngay”.

Giống như bao người bị bệnh, bà Lệ chuyển khẩu về cái xóm chạy thận nghèo xác xơ, nhưng đầy ắp tình người. Bà bảo, lúc mới bệnh, tôi cứ sợ không sống nổi vì bi quan và mặc cảm bệnh tật. Nhưng giờ tới đây, ai cũng như ai, sống lại có tình có nghĩa lắm. Có hôm cả xóm nấu cơm chung, hay những buổi có đoàn từ thiện về, cả xóm rộn ràng, quây quần. Nhìn cảnh mọi người cùng nấu nướng, cùng kể nhau nghe câu chuyện của nhiều vùng miền, họ quên đi cái sự thật nghiệt ngã, quên đi căn bệnh hiểm nghèo đang hành hạ bản thân.

Chỉ vào cánh tay lồi lõm sẹo, bà Lệ không giấu được nước mắt: “Thoáng một cái mà 5 năm rồi, thời gian cướp đi hết sức khỏe của tôi. Những ngày đầu lên đây chữa bệnh, cứ 1 tuần 3 lần tôi tự mình đi vào viện chạy thận, tự lo ăn uống, sinh hoạt. Lúc khỏe, tôi còn đi nhặt chai lọ, bán hàng rong kiếm thêm chút trang trải cuộc sống. Làm một buổi thì nghỉ 3 buổi nên cũng không thấm vào đâu cô ạ”.

Bà còn kể, đã có lúc bà định từ bỏ vì mệt mỏi, vì những cơn đau hành hạ. Con cái đều bận công việc nên ông Sơn giao hết cửa nhà, ruộng vườn cho các con để lên Hà Nội chăm vợ. Ông bảo, ngày nào tôi cũng phải động viên bà ấy, luôn nhắc nhở: “Đây là căn bệnh không hẹn ngày về, rời bệnh viện là chết ngay. Bà phải gắng ăn uống, lấy sức khỏe chiến đấu với nó. Nhớ nhà quá thì về chơi với con cháu 1, 2 hôm rồi lại lên”.

Nhìn cảnh ông Sơn chăm vợ mà ai nấy đều thán phục. Ông cười, chòm râu trắng như cước rung rung: “Người bệnh đã khổ, người đi chăm còn khổ gấp mấy lần. Chăm bà khổ nhất vì phải làm sao chiều cho vừa ý bà. Lúc muốn cái này, lúc ưng cái kia”. 

Từ nhiều năm nay, các y bác sĩ và bệnh nhân khoa chạy thận BV Bạch Mai đều quen với cảnh hai ông bà dìu nhau vào viện. Tuổi già, mang bệnh nên khó ngủ, nhiều đêm bà con trong xóm chạy thận còn thấy ông bóp chân, bóp tay cho vợ, rồi ông còn ngồi thầm thì hát ru cho bà ngủ. Mùa đông, gặp hôm rét mướt, ông vẫn hì hụi đun từng phích nước nóng, tự tay pha nước cho bà tắm rửa...

Cô Việt, hàng xóm của ông bà cho hay: “Từ ngày có bạn già lên chăm sóc, bà Lệ khỏe ra mấy phần. Trong xóm này chẳng có mấy người có người nhà lên chăm sóc, bà Lệ hạnh phúc nhất đấy. Già cả, bệnh tật 2 ông bà vẫn được nhìn thấy nhau mỗi ngày”.

Những lần đi chạy thận về, bà mệt nằm ra giường, mọi chuyện cơm nước đã có ông lo. Ông Sơn tuy đã già nhưng vẫn còn minh mẫn và tráng kiện. Ông sống tình cảm, gần gũi, cả xóm nghèo này ai cũng quý mến ông. Ai có việc cần giúp, ông sẵn sàng. Ai tâm sự với ông, ông lắng nghe, khuyên giải. 

“Cả xóm đều là bệnh nhân, tuy già nhưng hóa ra tôi lại là người khỏe nhất trong xóm, hễ ai cần tôi giúp ngay. Đi chợ, sửa chữa đồ, tôi thạo hết...”, ông Sơn cười đùa. Chỉ tay về những dãy trọ, ông bảo ở đây người già có, người trẻ có. Trẻ thì nằm ở phòng xem điện thoại, tivi, già như chúng tôi thì tụ lại nói chuyện tiếu lâm, đánh cờ, đọc báo, nói chuyện "thời sự"...

Hướng cái nhìn trìu mến về người “bạn già” của mình, bà Lệ nghẹn ngào: “Tôi là người hạnh phúc nhất xóm này. Cuộc đời của ông ấy là của tôi; già yếu, bệnh tật chúng tôi vẫn có nhau bên cạnh...”. Nhìn thân phận 130 con người ở xóm nghèo chạy thận và tình cảm họ dành cho nhau, bỗng dưng mắt tôi cay xè...

Hoàng Hòa

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文