Ước mơ giản dị của người vợ lấy chồng tâm thần

08:03 07/12/2016
Là người phụ nữ bình thường nhưng chị lại quyết định lấy một người tâm thần, nguyện cả đời chăm sóc anh, làm chỗ dựa tinh thần cho anh. Câu chuyện đầy nhân văn giữa chị Nguyễn Thị Hằng và anh Nguyễn Đức Đăng (thôn Văn Hội, xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) khiến không ít người phải rơi nước mắt. Người phụ nữ khốn khổ ấy chỉ có một mơ ước duy nhất, các con của mình biết chữ, biết viết tên của con mình sau này.


Đám cưới của một người tâm thần và một người "hâm"

Vừa bước đến cổng nhà, một người mẹ đang ẵm đứa con trên tay, vội vàng chạy giục đứa con gái lớn bê dẹp cái mâm lèo tèo mấy cái bát vào xó nhà.

Trên nền nhà ướt nhớp nháp bùn đất, bằng giọng điệu ú ớ, chị giải thích: "Tôi mới đi bắt cua, ốc về, chân tay chửa kịp rửa chạy vào nhà bế con. Cô chú xem, tôi không ở nhà thì mọi thứ cứ lung tung lên". Thấy nhà có người lạ, anh Đăng chồng chị cứ ngồi bệt trên nền nhà mà cười tủm tỉm.

Ba đứa con của chị Hằng.

Trước đây, anh Đăng là một thanh niên khỏe mạnh, hoạt bát. Năm 1975 anh nhập ngũ, cho đến năm 1978 được điều chuyển sang chiến trường Campuchia. Chiến đấu được  hơn 1 năm thì mắc chứng bệnh tâm thần. "Chú Đăng là tinh ranh nhất nhà đấy, từ lúc bị một trận ốm sinh tử, khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì bệnh thần kinh càng ngày càng nặng.

Mỗi khi lên cơn, cứ nhảy múa, đập phá, chạy ra đường la hét đánh người, có khi bỏ nhà đi hàng tháng trời, tỉnh thì lại tha thẩn tự mò về nhà" cô Le, chị dâu anh Đăng tâm sự. Chạy chữa khắp nơi không đỡ, không còn tiền tiếp tế và thăm nom, cả nhà quyết định cho anh về xích vào chân giường và bàn tính chuyện tìm người chăm sóc anh.

Chị Hằng là người làng bên, từ khi sinh ra đã thiếu tình thương của mẹ. Nhà nghèo, sống cảnh con chồng nên tuổi thơ chị lang thang khắp nơi. Không chịu được cảnh gà trống nuôi con, bố chị quyết định đi bước nữa. Cuộc sống chị Hằng vốn khổ cực nay càng cay đắng hơn.

Không có tình yêu của người mẹ đẻ, người dì ghẻ đày đọa, cuộc sống của chị chìm trong tủi nhục. Không được đi học như chúng bạn, Hằng hằng ngày phải ở nhà đi mò cua bắt ốc. Thế rồi thời gian cứ thế bẵng đi, chị quên luôn cả việc lấy chồng.

Chị kể, trước đây, bộ đội có đến đóng quân tại làng, cũng có một vài người đến hỏi cưới vì thấy chị hiền lành, chịu khó. Nghĩ thân phận hẩm hiu của mình nên chị chẳng để ý đến ai, chị nghĩ sẽ ở vậy đến hết đời.

Một lần đến xã Văn Hội gặt lúa cho cô em, trong lúc giải lao, mọi người đùa vui, gán ghép chị với anh Đăng. Chị chỉ cười và nói, đời mình chẳng bao giờ nghĩ sẽ nên duyên chồng vợ với một người đàn ông có đầu óc không bình thường.

Thế nhưng, ông trời run rủi thế nào để chị gặp người đàn ông không bình thường ấy. Thấy anh Đăng hiền khô, ngồi chơi như một đứa trẻ khiến người phụ nữ quá lứa ấy mủi lòng.

Chị đã rơi nước mắt nhìn vào đôi mắt của anh, chẳng hiểu sao trong phút giây ấy chị lại muốn chăm sóc anh, muốn làm chỗ dựa cho anh đến cuối đời. Biết được chị Hằng có tình cảm với em mình, cô Le quyết định ngỏ lời muốn chị Hằng về bên này để cùng sống và chăm sóc em. Đến cô Le cũng không thể ngờ được, chỉ gợi ý thôi nhưng chị Hằng gật đầu mà chẳng cần suy nghĩ.

Cô Le, xúc động nhớ lại những ngày đi tìm vợ cho anh: "Tôi là tôi nghĩ đến cho bố mẹ già và em nó, mà chú ấy là đàn ông, có người vợ chăm nom cũng đỡ hơn. Thế là tôi liều một phen đi hỏi thử. Không ngờ khi hỏi cô Hằng ở làng bên, cô ý lại gật đầu ngay".

Cả nhà vừa mừng vừa lo, liệu rằng người con gái ấy có theo được anh không? Rồi những lúc trái nắng trở trời, chẳng đỡ đần được gì lại làm khổ vợ con. Hoàn cảnh ấy không biết vợ chồng sống với nhau được mấy ngày?

Sau nhiều băn khoăn, hai gia đình cũng đi đến quyết định để họ về ở với nhau. Đám cưới vội vã được hai họ chuẩn bị vỏn vẹn trong 10 ngày. Dù tổ chức không được linh đình, phần vì gia đình khó khăn phần vì anh chồng không được mạnh khỏe như người ta. Vậy mà, đám cưới ấy lại đông người đến dự nhất làng.

Ai cũng thương cho anh Đăng, cảm phục chị Hằng mà đến chúc phúc cho họ. Cô Le kể: "Đám cưới đông lắm, nhiều người thương cho cả hai nên đến chúc phúc. Họ hàng, làng xóm mỗi người cho một ít những mong họ vượt qua được khó khăn''.

Chị Hằng chỉ mong các con được đi học thành người.

Nhìn cái cách mà chị Hằng chăm sóc chồng con mới thấy nghị lực phi thường của người phụ nữ ấy lớn thế nào. Chị chỉ lặng lẽ nói: "Cái số em nó khổ, chứ em được nhà anh Đăng hỏi là em mừng lắm. Chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng, có nhà mà cứ phải lang thang không được về. Hơn 30 tuổi đầu không lấy được chồng, lại mù chữ…", nói đến đây, chị bỏ lửng không nói tiếp.

Lấy được anh Đăng, chị có một mái nhà để về, thêm một người để yêu thương. Những ngày anh lên cơn, chị khổ lắm, phải xích anh ở nhà không lại chạy ra đường đánh người, hay đi mất tích.

Thế mà dần dần qua bàn tay chăm sóc của chị, bệnh tình anh đỡ hẳn, giờ chỉ ngồi một chỗ không bỏ đi nữa. Một năm sau, bé Hiểu Ly ra đời, căn nhà có một người tâm thần, một người hơi hâm hâm ngày càng ấm áp.

"Phải cho con học để sau này biết viết tên của chính con mình"

Nhìn quanh quất nhà chị Hằng, chỉ có ngôi nhà mới xây là còn sáng màu sơn mới. Tất cả vật dụng trong nhà đều cũ kĩ sứt mẻ. Khi chúng tôi mới vào nhà, chị giục con bé lớn chạy sang hàng xóm mượn ghế để ngồi. Rồi chị nói: "Nhà chẳng có gì đáng giá, ngoài cái xe đạp cà tàng đi chợ, còn căn nhà này năm ngoái được bên xã cho 20 triệu, nên nó không còn hụt trước trống sau. Đồ đạc toàn là đồ thải của bà con cho đấy".

Mù chữ nên chị Hằng không có nghề, ngoài 1 sào ruộng, hàng ngày dù nắng hay mưa chị vẫn tha thẩn ở bờ kênh, con rạch bắt cua, bắt ốc.

Sức khỏe anh ngày càng yếu dần, dù những cơn điên giờ ít nổi hơn nhưng anh chẳng thể giúp chị được gì. Nhà nghèo lại càng nghèo hơn khi có thêm Hiểu Ly. Mấy năm trước, bố mẹ chồng chị lại chạy đôn chạy đáo khi chị sinh đứa thứ hai.

Những lúc tỉnh là anh Đăng vẫn có thể ngồi ôm đứa con nhỏ để cho vợ ra đồng. Tiền thuốc thang, học hành của anh và con đều chờ chị kiếm về.

Chị Hằng nói trong tiếng nấc: "Giấy tờ của nhà, bị anh ý xé hết, hai năm trước mới xin được cái giấy xác nhận hộ nghèo, các bệnh viện bảo phải viết đơn xin hỗ trợ thuốc cho anh Đăng, mà tôi không biết chữ, đã nghèo lại còn nghèo hơn".

Cuộc sống khó khăn thế mà chị vẫn kiên cường cho đến tận bây giờ cũng chỉ vì con cái. Ước mơ của chị Hằng là cái Ly được đi học và biết cái chữ, để nó không phải giống như chị. Giờ nó học cấp 2 cũng  giúp đỡ chị phần nào, biết quét cái nhà, trông em…

Được bà con chỉ dẫn, chị cũng biết mua nguyên liệu làm vàng mã về kiếm thêm. Sống trong thiếu thốn và ảnh hưởng bệnh thần kinh của bố nên Hiểu Ly không được tinh ranh. Mỗi ngày rảnh rỗi không đến trường, em cũng biết ngồi giúp mẹ dán giấy vàng.

"Một ngày cháu làm được 500 đồng cho mẹ cháu cô nhé. Cháu biết nhà cháu nghèo, bố lại bị bệnh nên cháu chỉ biết cố gắng phụ mẹ việc nhà, giúp mẹ kiếm thêm thu nhập để nuôi bố và các em"- Ly tươi cười khoe.

Anh Đăng nhiều lúc không tỉnh táo.

Hỏi chuyện học ở lớp, con bé Hiểu Ly chỉ cười và không nói gì. Chị Hằng bùi ngùi: "Nó học không khá lắm, ở nhà có ai dạy nó đâu. Các cô giáo thương còn chú ý đến nó. Hình như ở trên lớp, cũng hay bị các bạn trêu ghẹo nên nó càng ngày càng nhát".

Chị Bùi Thị Thanh Hường, cô giáo của bé Ly kể: "Ở trường cũng biết đến hoàn cảnh của Ly, nhà trường cũng hết sức tạo điều kiện cho em đi học. Miễn giảm toàn bộ các khoản đóng góp, học phí cũng chỉ đóng một nửa.

Ly là học sinh đặc biệt của tôi. Em có sức khỏe kém, học sinh chậm phát triển trí tuệ, nhưng có ý thức học tập và ý chí vươn lên. So với các em học sinh khuyết tật thì Ly xếp loại khá theo từng năm tiến bộ".

Chia tay chúng tôi, bé Ly nói khẽ, sau này muốn làm bác sĩ để kiếm tiền nuôi mẹ, chữa bệnh cho bố. Nghe được câu nói của con gái, chị Hằng khóc không thành tiếng: "Sống chết gì tôi cũng phải cho hai đứa học đến nơi đến chốn, để chúng nó có thể viết được tên cho chính những đứa con của mình cô chú ạ".

Phong Anh

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Chiều 5/5, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự đối với Biện Văn Cường (SN 1982, ngụ thị xã Hoà Thành) và Khấu Văn Thum (SN 1986, ngụ Kiên Giang) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Ngày 5/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đinh Vũ Đức Anh (SN 2008), trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và Dương Trung Kiên (SN 2008), trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để điều tra làm rõ về hành vi cướp tài sản. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文