Ấn Độ và mối duyên nợ với tiêm kích tàng hình Su-57

08:54 11/03/2025

Ấn Độ từng bỏ lỡ cơ hội tham gia phát triển chung chiến cơ Su-57 với Nga nhưng nay có dấu hiệu cho thấy quốc gia này có thể tái tiếp cận dòng tiêm kích tàng hình tối tân bằng nhiều phương cách khác.

Giám đốc Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga Dmitry Shugayev xác nhận rằng Nga đang xem xét đề xuất sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 trên lãnh thổ Ấn Độ. Ông cũng cho biết việc này có thể mở rộng đáng kể năng lực sản xuất máy bay chiến đấu trong nước của Ấn Độ, đồng thời tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Su-57 lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ trong triển lãm hàng không vũ trụ Air India 2025, khai mạc hôm 10/2. Sau sự kiện đó, đã có thông tin về việc các cuộc đàm phán liên quan đến thương vụ Su-57 đang được tiến hành. Ấn Độ có lịch sử lâu đời trong việc sản xuất máy bay chiến đấu Nga theo giấy phép, đáng kể nhất là việc chế tạo ít nhất 222 chiếc Su-30MKI - dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4+ được coi là tiền thân trực tiếp của Su-57.

Ấn Độ và mối duyên nợ với tiêm kích tàng hình Su-57 -0
Ấn Độ từng mong muốn phát triển chung dòng tiêm kích tàng hình Su-57 với Nga.

Một trong những yếu tố chính từng khiến Ấn Độ lo ngại về Su-57 là sự chậm trễ trong quá trình đưa máy bay vào hoạt động cũng như việc Không quân Nga vẫn chưa có nhiều thời gian vận hành. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng các lô máy bay sản xuất ban đầu có thể gặp phải nhiều khiếm khuyết.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, quy mô sản xuất máy bay đã được Nga mở rộng đáng kể. Su-57 cũng đã trải qua các cấp độ thực chiến, khác biệt hoàn toàn so với các dòng máy bay cùng thế hệ. Trên chiến trường Ukraine, Su-57 đã thực hiện các nhiệm vụ chế áp phòng không, không chiến và tấn công chính xác ngay trong vùng trời đối phương kiểm soát chặt chẽ.

Vì sao Su-57 hấp dẫn người Ấn?

Theo tạp chí Military Watch, một số tính năng của Su-57 khiến nó trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với Không quân Ấn Độ. Máy bay này được tối ưu hóa để hoạt động cùng hệ thống phòng không tích hợp của Ấn Độ, vốn được xây dựng với hạt nhân là tổ hợp S-400 mà Ấn Độ mua từ Nga. Điều này giúp Su-57 có vai trò như một cảm biến nâng cao, cải thiện đáng kể khả năng nhận thức tình huống trên chiến trường.

Ngoài ra, Su-57 còn sở hữu radar chính có kích thước lớn hơn bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào của phương Tây, cùng với 4 radar phụ được bố trí xung quanh khung thân, giúp nó có thể theo dõi đồng thời tới 60 mục tiêu. Hai trong số các radar này được tích hợp ở gốc cánh và hoạt động ở băng tần L (dải tần số trong phổ sóng vô tuyến, có biên độ từ 1 GHz đến 2 GHz), giúp tối ưu hóa khả năng tác chiến điện tử cũng như phát hiện các mục tiêu tàng hình từ khoảng cách xa. Đây là một lợi thế quan trọng trong trường hợp phải đối đầu với máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Trung Quốc hoặc Pakistan, hai đối thủ tiềm tàng của người Ấn.

Su-57 cũng được trang bị tên lửa không đối không R-77M, sử dụng hệ thống dẫn đường bằng ăng-ten mảng pha chủ động, giúp mở rộng "tầm bắn không thể thoát" (khu vực tên lửa có khả năng cao tiêu diệt mục tiêu, ngay cả khi mục tiêu cơ động tối đa để né tránh). Điều này khiến Su-57 trở thành vũ khí lý tưởng để tiêu diệt các mục tiêu có độ cơ động cao, chẳng hạn như tiêm kích J-10C mà Trung Quốc cung cấp cho Pakistan.

Su-57 so kè cùng F-35 tại Triển lãm hàng không vũ trụ Air India 2025.

Ngoài ra, khả năng bay siêu hành trình (bay với tốc độ vượt âm mà không cần sử dụng chế độ đốt sau) cùng tầm hoạt động rất xa của Su-57 cũng giúp máy bay có thể tuần tra gần các khu vực xung đột tiềm tàng, phản ứng nhanh với tình huống bất ngờ dù ở xa căn cứ, đồng thời có thể triển khai từ vùng trung tâm lãnh thổ Ấn Độ, tạo ra chiều sâu chiến lược lớn hơn cho lực lượng không quân nước này. Su-57 cũng được tối ưu hóa để hoạt động từ các sân bay dã chiến, mang lại mức độ linh hoạt cao khi triển khai trong thực chiến.

Gần đây, khi bình luận về khả năng Ấn Độ mua Su-57, chuyên gia quân sự người Mỹ Abraham Abrams lưu ý rằng nhiều khả năng Ấn Độ sẽ mua trước một số lượng nhỏ Su-57 "có sẵn" từ các dây chuyền sản xuất của Nga.

Ít nhất, Ấn Độ có thể sẽ thuê các máy bay chiến đấu do Nga sản xuất để sử dụng tạm thời, trước khi các mẫu được cấp phép sản xuất trong nước được đưa vào biên chế. Ông Abrams nhấn mạnh rằng việc này xuất phát từ tính cấp thiết của việc đưa Su-57 vào hoạt động vào khoảng năm 2029, do vào thời điểm đó, Pakistan dự kiến bắt đầu vận hành các tiêm kích J-35 thuộc thế hệ 5 do Trung Quốc sản xuất.

Su-57 được xem là lựa chọn khả thi duy nhất của Ấn Độ để sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ 5. Trong số 4 loại tiêm kích thế hệ mới đang được sản xuất trên thế giới, hai loại thuộc về Trung Quốc - quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ. Trong khi đó, lựa chọn thứ ba, F-35 của Mỹ, lại bị hạn chế về quyền tự chủ trong vận hành do các quy định kiểm soát chặt chẽ từ Washington. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Washington và Delhi cũng tồn tại nhiều bất ổn, khi Mỹ từng đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Ấn Độ và thường sử dụng sự phụ thuộc của khách hàng vào khí tài quân sự của mình để gây áp lực chính trị.

Ông Abrams cho rằng, ngoài phương án sản xuất theo giấy phép, Ấn Độ có thể tìm cách khôi phục chương trình hợp tác chung với Nga để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, từ đó phát triển một biến thể Su-57 được cải tiến. Biến thể này có thể bao gồm phiên bản hai chỗ ngồi và hệ thống điện tử hàng không do Ấn Độ tự phát triển. Trong giai đoạn tạm thời, các dây chuyền sản xuất có thể tập trung vào một phiên bản Su-57 tiêu chuẩn với một số tùy chỉnh nhỏ, trước khi chuyển sang sản xuất biến thể phát triển chung sau khi quá trình thử nghiệm bay hoàn tất, dự kiến vào những năm 2030.

Trong một bài báo gần đây trên theaviationgeekclub.com, chuyên gia Abraham Abrams đã phân tích ba phương án mà Bộ Quốc phòng Ấn Độ có thể cân nhắc khi mua máy bay chiến đấu thế hệ 5, trong đó Su-57 đang nổi lên như lựa chọn tối ưu trong bối cảnh hiện tại.

3 lựa chọn

Lựa chọn đầu tiên mà Ấn Độ có thể thực hiện để sở hữu Su-57 là mua trực tiếp các máy bay được chế tạo sẵn theo cấu hình xuất khẩu tiêu chuẩn từ Nga, tương tự như cách Không quân Algeria đã làm gần đây. Điều này sẽ giúp Ấn Độ nhận được máy bay nhanh chóng. Phương án này cũng tiết kiệm chi phí hơn so với việc thiết lập một dây chuyền sản xuất trong nước. Những thương vụ mua sắm như vậy có thể đóng vai trò như một giải pháp tạm thời, giúp lấp đầy khoảng trống năng lực chiến đấu cho đến khi tiêm kích thế hệ 5 Advanced Medium Combat Aircraft (AMCA) do Ấn Độ tự phát triển đi vào hoạt động.

Dây chuyển sản xuất Su-57 tại nhà máy hàng không Komsomolsk on Amur, Nga.

Tuy nhiên, ông Abrams lưu ý, máy bay chiến đấu nội địa của Ấn Độ dự kiến chỉ đạt đến giai đoạn nguyên mẫu vào giữa những năm 2030. Thực tế là các chương trình hàng không trước đây của Ấn Độ đã liên tục bị trì hoãn trong nhiều thập kỷ cho thấy Su-57 có thể không chỉ là một giải pháp tạm thời mà còn là một phần quan trọng trong lực lượng không quân nước này. Với việc AMCA có thể chỉ đi vào hoạt động vào khoảng năm 2040 và chính phủ Ấn Độ đang ưu tiên phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa, việc chỉ mua Su-57 theo hình thức nhập khẩu hoàn toàn có vẻ khó xảy ra. Thay vào đó, Ấn Độ có thể sẽ quan tâm đến việc sản xuất loại máy bay này trong nước nhằm tận dụng công nghệ tiên tiến phục vụ các chương trình quốc phòng dài hạn.

Lựa chọn thứ hai mà Ấn Độ có thể xem xét là kết hợp giữa việc mua một số lượng nhỏ Su-57 "có sẵn" như một giải pháp tạm thời, đồng thời nỗ lực thiết lập dây chuyền sản xuất trong nước theo giấy phép để có thể mua sắm với quy mô lớn hơn sau này. "Điều này tương tự như việc Ấn Độ đã mua 18 chiếc Su-30K và 50 chiếc Su-30MKI từ Nga trước khi ký thỏa thuận sản xuất theo giấy phép”, ông Abrams viết.

Việc sản xuất Su-57 tại Ấn Độ phù hợp với chính sách giảm nhập khẩu vũ khí và đẩy mạnh năng lực sản xuất quốc phòng trong nước của chính phủ ở New Delhi. Nếu Ấn Độ chọn con đường này, hợp đồng có thể đi kèm với yêu cầu Nga chuyển giao công nghệ để hỗ trợ ngành công nghiệp hàng không nội địa và chương trình AMCA trong tương lai.

Một điểm quan trọng mà chuyên gia Abrams nhấn mạnh là Ấn Độ có thể tùy chỉnh Su-57 để đáp ứng yêu cầu tác chiến riêng, giống như cách nước này đã từng làm với Su-30MKI. Trong đó, một biến thể Su-57 hai chỗ ngồi là lựa chọn khả thi mà phía Nga từng đề cập. Ngoài ra, để giải quyết nhu cầu cấp bách, Ấn Độ có thể cân nhắc thuê Su-57 từ Nga thay vì mua ngay, trước khi các mẫu sản xuất trong nước đi vào hoạt động.

Ấn Độ có nhiều tiền lệ trong việc sản xuất máy bay chiến đấu của Nga theo giấy phép, điển hình như MiG-21 và MiG-27. Với nhu cầu tiếp nhận công nghệ tiên tiến để phục vụ chương trình AMCA và tăng cường năng lực chế tạo máy bay thế hệ 5, phương án sản xuất Su-57 theo giấy phép được đánh giá là một lựa chọn có tính khả thi cao.

Lựa chọn thứ ba mà Ấn Độ có thể cân nhắc là tái khởi động một chương trình hợp tác với Nga để phát triển một biến thể nâng cấp và tùy chỉnh sâu rộng của Su-57 - có thể mang một tên gọi mới như "Su-60". Phiên bản này sẽ được tích hợp nhiều công nghệ nội địa của Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử hàng không, đồng thời đi kèm với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ sâu rộng hơn và tăng cường tỷ lệ sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, với thời gian phát triển dài, một chương trình như vậy có thể tạo ra khoảng trống năng lực tác chiến trong những năm tới. Vì vậy, Ấn Độ có thể phải xem xét việc mua hoặc thuê một số lượng hạn chế Su-57 được chế tạo sẵn tại Nga để đáp ứng nhu cầu trước mắt.

Ông Abrams nhận định: "Một chương trình hợp tác như vậy sẽ là phương án tối ưu để củng cố ngành công nghiệp hàng không chiến đấu của Ấn Độ, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của chương trình AMCA”.

Ông Abrams cho rằng lựa chọn thứ hai (sản xuất theo giấy phép) và thứ ba (hợp tác phát triển) có thể được kết hợp. Theo đó, trong giai đoạn đầu, Ấn Độ có thể được cấp phép sản xuất một biến thể Su-57 với những tùy chỉnh nhẹ để triển khai nhanh chóng, trước khi chuyển sang phiên bản phát triển chung với nhiều nâng cấp sâu rộng hơn sau khi quá trình thử nghiệm bay hoàn tất, dự kiến vào những năm 2030.

Nguyễn Xuân Thủy

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, hòa bình luôn là khát vọng thiêng liêng và bất tận. Đó không chỉ là trạng thái không có chiến tranh, mà còn là điều kiện tiên quyết để mọi dân tộc phát triển bền vững, để con người có thể sống, học tập, lao động và yêu thương...

Chiều 6/5, để phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ Công an tổ chức buổi làm việc với các đại biểu Quốc hội trong lực lượng CAND. Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy Ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội cùng Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Thứ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì buổi làm việc.

Ngày 6/5, Tổ địa bàn Ba Đình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết vừa điều tra, làm rõ và đã bắt khẩn cấp Nguyễn Việt Duy (SN 1990), trú tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và Nguyễn Trung Hiếu (SN 1996), trú tại huyện Kinh Môn, Hải Dương là hai đối tượng gây ra vụ cướp 16 cây vàng của chủ một nhà nghỉ ở phố Ngọc Hà, phường Đội Cấn (Hà Nội).

Trả lời tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/5, liên quan các vụ sữa giả, thuốc giả và trách nhiệm của ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tình trạng sản phẩm sữa giả, thuốc giả và quảng cáo sai sự thật thực phẩm chức năng là rất nghiêm trọng, đặc biệt khi các sản phẩm bị làm giả liên quan trực tiếp đến trẻ nhỏ, người bệnh - những đối tượng cần dinh dưỡng đặc biệt.

Lực lượng CSGT Thủ đô đã bố trí lực lượng, phương tiện thiết bị nghiệp vụ dẫn đoàn, điều tiết giao thông giữa nắng nóng hơn 36 độ C để đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) được an toàn thông suốt cho các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Chiều 6/5, ĐT nữ Việt Nam có buổi tập đầu tiên tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam để chuẩn bị các giải đấu quan trọng sắp tới trong đó  có Vòng loại giải bóng đá nữ châu Á 2026, Giải nữ Vô địch Đông Nam Á 2025, SEA Games 33. Trong buổi tập này, có sự hiện diện của cầu thủ Việt kiều Canada Nguyễn Hoàng Nam Mi.

Tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp với Công an xã Ninh Nhất, TP Hoa Lư làm nhiệm vụ tại trục đường liên xã thuộc địa bàn thôn Khê Thượng, xã Ninh Nhất, TP Hoa Lư phát hiện xe ôtô nhãn hiệu Mazda CX5 BKS 38A-191.17 đang dừng đỗ ven đường có biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra...

Gần đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng liên tục khởi tố nhiều đối tượng liên quan tới các đường dây huê (hụi/họ) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người chơi, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khó khăn, mất sạch tiền bạc sau nhiều năm làm ăn tích cóp và gây ra những hệ lụy cho xã hội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.