Chuyển đổi số là “cú hích” để doanh nghiệp an toàn thông tin mạng phát triển
Ngày 25/11, Hội thảo - Triển lãm Quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021 với chủ đề “An toàn thông tin trong chuyển đổi số - thách thức và giải pháp” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức đã diễn ra bằng hình trực tuyến.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cho biết, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển, đã sớm xây dựng và ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Để chuyển đổi số thành công, an toàn thông tin (ATTT) cần phải được đặc biệt quan tâm, phải được coi là yếu tố quan trọng, không thể tách rời trong quá trình chuyển đổi số. “Việc đẩy nhanh chuyển đối số cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan, doanh nghiệp trong vấn đề đảm bảo ATTT, đòi hỏi cộng đồng ATTT phải cùng chung tay nhận diện, đề ra các giải pháp xử lý hiệu quả trong quá trình thực hiện” - Chủ tịch VNISA chia sẻ.
Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực ATTT, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ATTT cũng chia sẻ các thách thức và những giải pháp đảm bảo ATTT trong chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo ông Phúc, hàng loạt giải pháp đã và sẽ được các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT triển khai như: 100% hệ thống thông tin triển khai phương án bảo đảm ATTT theo cấp độ ngay từ bước thử nghiệm; Yêu cầu nhân sự phát triển phần mềm có kỹ năng ATTT; 100% Bộ, ngành, địa phương hằng năm tổ chức tối thiểu 1 diễn tập thực chiến; xây dựng hệ thống tái hiện tấn công mạng và thu thập chứng cứ số; nền tảng số công khai chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân; doanh nghiệp ICT thực hiện quy trình phát triển phần mềm an toàn, phát triển ứng dụng bảo vệ thiết bị đầu cuối…
Ông Mika Lauhde, Phó Chủ tịch toàn cầu về An ninh mạng và bảo mật tại Tập đoàn công nghệ Huawei đã đưa ra những tín hiệu lạc quan của sự hồi phục kinh tế thời hậu COVID-19 thông qua báo cáo “Giá trị của nền kinh tế dữ liệu và dự báo đến năm 2025” của The European Data Stratergy. Theo đó, dự báo giá trị thị trường dữ liệu toàn cầu có tỉ lệ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2019-2025 sẽ là 47,9% với giá trị dự đoán lên đến 7.480 triệu USD vào năm 2025. Dự kiến đến năm 2025, sẽ có 40 tỷ thiết bị thông minh cá nhân được sử dụng với hơn 100 tỷ kết nối.
Các công nghệ thông minh sẽ phủ sóng ở mọi ngành, 85% ứng dụng doanh nghiệp sẽ được chuyển vào đám mây vào năm 2025 và việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đạt 86%. Khi đó, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) sẽ là nền tảng chính cho cả quá trình chuyển đổi số thông minh.
“Đầu tư vào ICT là giải pháp quan trọng để đẩy nhanh chương trình số hoá, tuy nhiên, việc gia tăng hàng trăm tỷ kết nối, chia sẻ thông tin rộng rãi và chuỗi cung ứng được toàn cầu hóa khiến việc bảo vệ an ninh mạng và quyền riêng tư của cá nhân trở thành một thách thức lớn, và là điều quan trọng sống còn của mọi quốc gia, mọi công ty và mọi cá nhân” - ông Mika Lauhde nhấn mạnh.
Đại diện Huawei cũng đưa ra những đề xuất về vai trò của chính phủ trong quá trình số hóa để nắm bắt giá trị nền kinh tế dữ liệu và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Khẳng định An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Muốn an toàn thì phải có các sản phẩm an toàn thông tin Make in Vietnam. Chuyển đổi số quốc gia là toàn dân và toàn diện, là tất cả các ngành, các lĩnh vực và mọi người dân.
Đây cũng chính là thị trường vô cùng rộng lớn, là cơ hội cho các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng phát triển. “Bảo vệ Việt Nam thì tốt nhất vẫn là vũ khí Việt Nam và theo cách Việt Nam. Người Việt Nam có cảm thấy an toàn khi chuyển đổi số hay không là phụ thuộc vào các nền tảng số Việt Nam có độ an toàn cao, phụ thuộc vào sự bảo vệ của các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam. Muốn an toàn thì mọi phần mềm, mọi nền tảng số quốc gia phải được phát triển an toàn, được đánh giá an toàn và được sử dụng an toàn.
An toàn phải được xuất hiện trong mọi khâu, từ phát triển đến đánh giá và đến sử dụng, không được coi nhẹ ở bất cứ khâu nào. Tất cả các khâu này phải tuân theo các chuẩn về an toàn thông tin. Muốn an toàn thì phải hợp tác quốc tế bởi vì, internet, không gian mạng là toàn cầu. Chỉ có sự chung tay toàn cầu thì không gian mạng mới an toàn” - Bộ trưởng chia sẻ.