NASA phóng tàu vũ trụ thám hiểm sự sống trên vệ tinh của Sao Mộc
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng một tàu vũ trụ từ bang Florida ngày 14/10 (giờ địa phương), trong nhiệm vụ nhằm kiểm tra xem vệ tinh Europa của Sao Mộc có đủ điều kiện để hỗ trợ sự sống hay không.
Tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA đã được phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral trên một tên lửa SpaceX Falcon Heavy. Tàu thăm dò chạy bằng năng lượng mặt trời này dự kiến sẽ đi vào quỹ đạo quanh Sao Mộc vào năm 2030 sau khi di chuyển khoảng 2,9 tỷ km trong 5 năm rưỡi. Vụ phóng này đã được lên kế hoạch vào tuần trước nhưng đã bị hoãn lại vì Bão Milton.
Đây là tàu vũ trụ lớn nhất mà NASA chế tạo cho một sứ mệnh khám phá hành tinh, dài khoảng 30,5 m và rộng khoảng 17,6 m, nặng khoảng 6 tấn với mảng pin mặt trời có kích thước lớn hơn một sân bóng rổ.
Mặc dù Europa, vệ tinh lớn thứ tư trong số 95 vệ tinh được công nhận chính thức của Sao Mộc, chỉ bằng một phần tư đường kính của Trái Đất, nhưng đại dương nước mặn rộng lớn được phát hiện tại Europa có thể chứa gấp đôi lượng nước trong các đại dương của Trái Đất. Các đại dương của Trái Đất được cho là nơi khai sinh ra sự sống trên hành tinh của chúng ta.
Europa, có đường kính khoảng 3.100 km, bằng khoảng 90% đường kính của Mặt Trăng, được coi là môi trường sống tiềm năng cho sự sống ngoài Trái Đất trong Hệ Mặt trời. Lớp vỏ băng của nó được cho là dày 15-25 km, nằm trên một đại dương sâu 60-150 km.
Trợ lý quản trị viên NASA Jim Free phát biểu trong một cuộc họp báo rằng Europa là một trong những nơi có môi trường hứa hẹn nhất cho sự sống trong Hệ Mặt trời, ngoài Trái Đất. Ông cũng lưu ý rằng nhiệm vụ này sẽ không phải là tìm kiếm bất kỳ sinh vật sống thực sự nào.
“Những gì chúng ta khám phá được trên Europa sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với nghiên cứu về sinh học vũ trụ và cách chúng ta nhìn nhận vị trí của mình trong vũ trụ”, ông Jim Free nói.
“Các nhà khoa học tin rằng Europa có các điều kiện phù hợp bên dưới bề mặt băng giá của nó để hỗ trợ sự sống. Các điều kiện đó bao gồm nước, năng lượng, hóa học và sự ổn định”, Sandra Connelly, một quan chức NASA cho biết.
Các mục tiêu của sứ mệnh này bao gồm đo lường đại dương bên trong và lớp băng bên trên, lập bản đồ thành phần bề mặt và tìm kiếm các luồng hơi nước có thể thoát ra từ lớp vỏ băng giá của Europa.
Sao Mộc được bao bọc bởi một từ trường mạnh hơn từ trường Trái đất khoảng 20.000 lần. NASA đã tạo ra một hầm chứa bằng titan và nhôm bên trong Europa Clipper để bảo vệ các thiết bị điện tử khỏi bức xạ này.
“Một trong những thách thức chính của sứ mệnh Europa Clipper là cung cấp một tàu vũ trụ đủ bền để chịu được sự tấn công dữ dội của bức xạ từ Sao Mộc nhưng cũng đủ nhạy để thu thập các phép đo cần thiết để nghiên cứu môi trường của Europa”, bà Connelly cho biết.
NASA cho biết Europa Clipper được tải hơn 2.750 kg nhiên liệu để đưa nó đến Sao Mộc.
Tàu vũ trụ sẽ không đi theo đường thẳng đến Sao Mộc. Thay vào đó, nó sẽ bay qua Sao Hỏa, sau đó quay trở lại Trái Đất, sử dụng lực hấp dẫn của mỗi hành tinh để tăng động lượng của nó giống như một chiếc ná cao su.