Nhiều kết quả nổi bật trong thí điểm 19 mô hình chuyển đổi số tại Hà Nội

07:29 30/09/2024

Trong năm 2024, ngoài các nhiệm vụ chung được giao, TP Hà Nội đã xung phong thí điểm 19 mô hình thúc đẩy Đề án 06 của Chính phủ, đạt được những kết quả rất lớn, làm tiền đề vững chắc và quan trọng để nhân rộng ra toàn quốc.

Tập trung hướng về người dân, doanh nghiệp

Thông tin với PV, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Ngay từ đầu năm 2024, trên cơ sở các nhiệm vụ công tác, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND thành phố và sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của Tổ công tác 06 của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội đã nỗ lực phát huy những điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy các nhiệm vụ của Đề án 06.

Cho đến nay, Hà Nội đã đạt một số kết quả nhất định trong chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, tiếp tục là địa phương được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ giao triển khai thí điểm một số nội dung nhiệm vụ của Đề án 06 làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng ra toàn quốc.

Người dân đăng ký khám, chữa bệnh sử dụng sinh trắc học tại kiosk tự phục vụ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh minh họa: CTV.

Một trong những kết quả và là “điểm sáng” của TP Hà Nội đó là triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử. Theo đồng chí Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đơn vị đã thực hiện kết nối liên thông, cập nhật dữ liệu khám chữa bệnh từ năm 2021 của 850 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập lên hệ thống hồ sơ sức khỏe (HSSK) điện tử TP Hà Nội theo định dạng quyết định của Bộ Y tế. Đã khởi tạo được gần 10,4 triệu đối tượng người dân sinh sống trên địa bàn thành phố từ các nguồn dữ liệu tiêm chủng vaccin phòng COVID-19.

Hơn 18,6 triệu lượt khám chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm Quản lý Khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh lên hệ thống HSSK của thành phố. Khoảng 7,5 triệu người dân có 21/73 thông tin so với Quyết định số 110/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội; hơn 2,26 triệu người dân được tạo lập với 46/46 trường thông tin theo QĐ số 1332/QĐ-BYT của Bộ Y tế và 66/73 thông tin theo Quyết định số 110/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Đã chuẩn hoá, cập nhật được hơn 4,55 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế, chuẩn hóa cập nhật được hơn 6,38 triệu người có CCCD/Số định danh cá nhân.

Ngoài ra, thành phố đã hoàn thành việc kết nối chính thức hệ thống HSSK thành phố vào mạng số liệu chuyên dùng CPNet và chính thức thực hiện kết nối hệ thống HSSK thành phố với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác minh, làm sạch dữ liệu người dân. Đến tháng 8/2024 đã xác minh được gần 5,4 triệu người dân trên toàn thành phố.

Đến nay, TP Hà Nội đã tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả triển khai thí điểm kiosk tự phục vụ tại Bệnh viện Xanh Pôn (5 kiosk) và Bệnh viện Đống Đa (1 kiosk). Trung bình mỗi ngày tiếp đón khoảng 1.600 bệnh nhân qua các kiosk. Hiện, thành phố tiếp tục triển khai tại Bệnh viện Hòe Nhai và Bệnh viện Ba Vì. Hà Nội cũng triển khai quyết liệt học bạ số, trước mắt thực hiện thí điểm 100% cơ sở giáo dục tiểu học, tiến tới mở rộng ở cấp THCS và THPT tại 100% cơ sở giáo dục phổ thông.

Tính đến hết tháng 7/2024, có 27.533/29.093 giáo viên, nhân viên ở các trường tiểu học đã được trang bị ký số cá nhân đạt tỉ lệ 94,64%. Học sinh từ khối 1 đến khối 4 được tạo lập Học bạ số thành công đạt tỉ lệ 97,6%. Hà Nội cũng là đơn vị triển khai toàn diện, dẫn đầu cả nước về triển khai Học bạ số cấp Tiểu học. Ngày 12/8, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thí điểm Học bạ số cấp Tiểu học và chính thức phát động việc triển khai Học bạ số cấp Trung học năm học 2024-2025.

Thành phố giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị có liên quan nghiên cứu các giải pháp như xây dựng tỷ lệ chi trả cho tổ chức dịch vụ chi trả; tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân mở tài khoản và nhận chi trả không dùng tiền mặt. Tính đến tháng 8, tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố là 291.744 người, đồng thời đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng không dùng tiền mặt. Điều này đã giúp không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà còn minh bạch các hoạt động liên quan đến tài chính.

Thúc đẩy các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Công an TP Hà Nội cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng được ứng dụng mạnh mẽ đến các lĩnh vực trong đó có hoạt động trông giữ phương tiện. Đến ngày 16/8, đã bố trí 102 điểm trông giữ phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thuộc 8/30 quận, huyện, thị xã  gồm: Hoàn Kiếm (49 điểm), Đống Đa (12 điểm), Cầu Giấy (11 điểm), Nam Từ Liêm (10 điểm), Tây Hồ (8 điểm), Hai Bà Trưng (6 điểm), Bắc Từ Liêm (4 điểm), Ba Đình (2 điểm). Đã có 424.409 lượt giao dịch với tổng số tiền là 4.489.867.567 đồng.

Việc triển khai các kiosk khám chữa bệnh tại bệnh viện giúp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và quản lý chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Hiện, thành phố đã chấp thuận cho Sở Giao thông vận tải được thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành để lập Đề án “Triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn TP Hà Nội” và ban hành quy trình thanh toán tạm thời đối với việc thực hiện ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn thành phố.

Từ ứng dụng của Đề án 06, TP Hà Nội cũng triển khai hiệu quả công tác thu thuế khoán hộ kinh doanh cá thể và đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Hiện thành phố quản lý 224.514 hộ kinh doanh (tăng 6,4 % so với cùng kỳ 2023); thu 2.193 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ 2023). Số cơ sở kinh doanh đăng ký mới 3.208 cơ sở (2.574 doanh nghiệp, 634 hộ kinh doanh), vượt chỉ tiêu đề ra là 2.996 cơ sở kinh doanh, đạt 107% so kế hoạch năm 2024.

Ngày 5/8, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ triển khai công tác triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn, giao chỉ tiêu triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho UBND quận, huyện, thị xã phấn đấu đạt 100% cơ sở kinh doanh thuộc diện triển khai đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền năm 2024. Cục Thuế Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử tại các cơ sở kinh doanh, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống. Mục tiêu năm 2024 bổ sung thêm 2.996 cơ sở kinh doanh thuộc diện triển khai, minh bạch hóa việc thu chi, tránh thất thu thuế cũng như hỗ trợ tối đa cho các hộ kinh doanh phát triển.

Về đánh giá khả tín khách hàng vay phục vụ cho vay an sinh xã hội, hiện các cơ quan, đơn vị đang triển khai phối hợp Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an phát 10.000 tờ rơi giới thiệu về sản phẩm cho vay tín chấp phục vụ tuyên truyền đến người dân. Ngày 28/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 12/2024/TT-NHNN quy định về khoản cho vay có mức giá trị nhỏ không vượt quá 100 triệu đồng, không bắt buộc khách hàng phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi.

Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ nhanh chóng, thuận lợi và dễ dàng hơn, qua đó góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Thời gian qua, Công an TP Hà Nội thường xuyên phối hợp Ngân hàng Vietin Bank tổ chức tuyên truyền, phổ biến các sản phẩm cho vay tín chấp tại khu nhà ở dành cho người lao động Khu công nghiệp Thăng Long.

Cùng với đó, Hà Nội cũng là một trong hai địa phương đầu tiên của cả nước thí điểm triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước có cơ chế hỗ trợ người dân trong thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, đây là cơ sở quan trọng để Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ nghiên cứu, triển khai nhân rộng mô hình đến các địa phương trên cả nước. Từ ngày 22/4 đến ngày 20/8/2024, đã tiếp nhận 62.820 hồ sơ đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp, trong đó, qua hệ thống dịch vụ công là 19.264 hồ sơ, qua VNeID là 43.556 hồ sơ. Tỷ lệ đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID gấp 2,26 lần so với qua Cổng dịch vụ công.

Hiện, Hà Nội cũng đang quyết liệt đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của thành phố đạt 11,7%. Triển khai quy trình điện tử liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai giữa cơ quan công chứng - Văn phòng đăng ký đất đai - Thuế.

Đến nay, đã triển khai thí điểm liên thông thuế điện tử - thanh toán nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống TTHC thành phố tại 5 quận, huyện (Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, huyện Thanh Trì). Từ ngày 15/7 đến ngày 8/8, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã hướng dẫn công dân đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công và tiếp nhận được tổng số là 2.514 hồ sơ. Tổng số tiền thu được khi thanh toán qua Cổng dịch vụ công là 6.093 tỉ đồng.

Hoàng Phong

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, trong đó lần này đặc biệt nhấn mạnh di sản văn hóa là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản trước sự thúc ép phát triển hạ tầng đô thị tại nhiều địa phương và sự nhận thức chưa thực sự đầy đủ, trách nhiệm của các bên liên quan.

Từ các cuộc thăm dò ý kiến ​​đến các cuộc vận động tranh cử, mọi con mắt đều đổ dồn vào cuộc đối đầu giữa hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump vào ngày 5/11 vừa qua, có thể nói, cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ thu hút sự chú ý toàn cầu trong suốt năm 2024.

Sáng 30/12, Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Công an tỉnh đang phối hợp với Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an tiến hành giám định xác định nguyên nhân vụ 2 người nước ngoài tử vong tại một biệt thự du lịch trên địa bàn xã Cẩm Thanh, TP Hội An.

Ngày 16/1/2025, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Hội đồng xét xử gồm 5 thành viên do Thẩm phán Trần Nam Hà làm Chủ tọa phiên tòa, ngoài ra còn có các thẩm phán và hội thẩm nhân dân dự khuyết. 

Trước lệnh cấm sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá điện tử có hiệu lực từ 1/1/2025, nhiều cửa hàng và cá nhân kinh doanh ồ ạt thanh lý hàng tồn kho. Trên mạng xã hội, các bài đăng bán thuốc lá điện tử với mức giá giảm sâu xuất hiện dày đặc, từ các trang cá nhân đến hội, nhóm mua bán. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn rủi ro lớn về sức khỏe và pháp lý, đòi hỏi người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng.

Từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau, Gia Lai bước vào mùa đẹp nhất với những con đường trải đầy sắc vàng hoa dã quỳ hoặc được bao phủ bởi màu trắng tinh khôi của bạt ngàn hoa cà phê. Phố núi Tây Nguyên hiện lên quyến rũ đến lạ thường, nhất là khi các hoạt động văn hóa truyền thống được hòa quyện và phát triển cùng các tour du lịch cộng đồng đặc sắc, mang những nét rất riêng không nơi nào có được.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文