Một thế giới diệu kì của tự nhiên
Cô bé 5 tuổi, chạy một mạch vào rừng, nhìn thế giới bằng đôi mắt hồn nhiên của tuổi ngây thơ. Những tán cây cao vút, xanh rờn, rì rào ngân nga tiếng hát của gió mùa hè. Khi hai cây ở sát bên, chúng sẽ dần ôm lấy nhau, để rồi cùng sinh sôi, tràn đầy sức sống và bén rễ mạnh mẽ trên nền đất nâu khô cằn.
Bài học thích ứng
“Tại sao những cái cây kia lại vững chắc đến vậy hả mẹ”, cô con gái của Lauren Walker tò mò hỏi khi đang đứng trước “một cặp sinh đôi”. Nữ bác sĩ nhớ lại từng trải nghiệm với thế giới tự nhiên, để lấy cảm hứng nhiều cuốn sách về nghị lực sống, tình yêu và niềm tin đặt vào cõi đời nhiều trắc trở này.
Ở thung lũng nơi dãy núi Alp cao nhất châu Âu, cây cối không đơn độc mà quấn quýt như anh chị em, đôi khi chúng quấn lấy nhau tựa đôi nhân tình thuở đang mặn nồng. Những bông hoa bé nhỏ, thật lạ kì, vươn lên từ khe đá nhỏ, tô điểm cho không gian xám u ám một sắc vàng đỏ yêu đời.
Như ta đang đứng giữa rừng sâu, trong tâm nghĩ về một thế giới mặt trời không thể chạm đến. Bất chợt một nhành cây non mới nhú, hay bông hoa uốn mình trong gió trên vách đá dạy ta rằng sự sống ở khắp muôn nơi, dưỡng chất luôn tồn tại ở vạn vật.
Ngay cả ở khe đại dương sâu nhất hành tinh, rãnh Mariana, còn khiến ta phải ngỡ ngàng trước dấu hiệu sự sống có một không hai ở một nơi khắc nghiệt và tối tăm. Cái phong phú độc nhất vô nhị ở thế giới tự nhiên là cách tất cả các sinh vật đều đã tiến hóa một cách kỳ lạ để thích nghi được với môi trường sống, có thể định nghĩa không gì khác là năng lực tư duy, thậm chí là tư duy cực kỳ sáng tạo.
Trong “Năng lượng chữa lành cuộc đời”, Lauren Walker tin rằng, thiên nhiên đã dạy cho loài người bài học đầu tiên để tồn tại: sống cùng nhau, thì đừng bỏ đồng loại. Chúng ta đều là con của mẹ thiên nhiên, đều xứng đáng có một vị trí trên mặt phẳng địa cầu này, luôn nhận được ánh sáng sự sống mỗi ngày cùng tình thương yêu để sinh tồn.
Nhớ lại những năm trước khi COVID-19 gõ cửa từng quốc gia, và trên mọi trang báo đều chạy mấy dòng tin cách ly, chết chóc. Khi ấy, chỉ có tinh thần thích ứng với biến cố trong cuộc sống (resilience) mới giúp con người vượt qua được những thời khắc khó khăn bất ngờ.
Giới tự nhiên quả thực là bậc thầy thích ứng. Cứ nhìn cái cách Trái Đất “điều chỉnh” vạn vật để tự cân bằng khiến ta thực sự kinh ngạc. Chuỗi thức ăn tự thay đổi, nhiều thỏ thì sói và cáo tăng, mà thức ăn suy giảm thì lũ đi săn cũng ít dần.
Tưởng tượng một ngày, chúng ta không còn đưa những độc chất vào không gian, những công trình bê tông biến mất, mẹ thiên nhiên sẽ rất vui và lành lặn những vết thương sâu trong lòng, để lấy lại sự đa dạng, cá tính nguyên bản cùng vẻ đẹp sơ khai thuở ban đầu.
Con người giống loài khác, cũng được tạo nên từ những nhân tố nhỏ bé đã mang sự sống đến Trái Đất, có liên hệ mật thiết với hành tinh xanh. Những đại dịch lớn hay chiến tranh trong lịch sử cho thấy chúng ta luôn cần biết cách thích ứng, tiếp tục đón nhận dưỡng chất của mẹ thiên nhiên để rồi quay về với nhịp sống hòa bình mỗi ngày.
Khác với chủ nghĩa khắc kỷ (stoicsm) chấp nhận bỏ mặc những thứ không thuộc quyền quyết định của mình, chúng ta cần chấp nhận những thay đổi, đồng thời lan tỏa tinh thần sẻ chia cùng tư duy kiên định để nhìn xung quanh, và giúp đỡ đồng loại trong lúc hoạn nạn.
Những sợi nấm bé nhỏ
Vạn vật xung quanh luôn ẩn chứa những điều kì diệu, và chính Lauren Walker đã tìm thấy một “kho báu”. Câu chuyện về chàng tiều phu nói lắp Paul Stamets trở thành nguồn cảm hứng đến từ thiên nhiên, là cách nữ bác sĩ vực dậy tinh thần cho bất cứ bệnh nhân nào luôn trong trạng thái mặc cảm vì bệnh tật.
Không thể nói hoàn chỉnh một câu, Paul Stamets lúc nào cũng cúi gầm mặt để tránh mọi ánh nhìn rò xét xung quanh. Nhưng chính khoảnh khắc “hướng mắt về đất” như thế khiến chàng trai nhận ra cả một thế giới bé nhỏ đang sinh sôi nảy nở dưới bàn chân mình.
Chúng ta thường có xu hướng giấu kín mọi đau khổ, bệnh tật, trốn chạy đến nơi không còn ánh mắt coi thường. Mẹ thiên nhiên rộng lượng, dang rộng vòng tay đón từng cá thể sống vào lòng, để ta đạt được ước nguyện. Trong thời điểm hòa mình với tự nhiên ấy, chúng ta bất giác tìm thấy giải pháp cho mình: ấy là khi những cây nấm bé nhỏ mang trong mình sợi chứa đựng tác dụng thú vị.
Từ những sợi ấy, chúng phát triển lan rộng sau cơn mưa, như gợi nhắc cho ta về ý niệm mạnh mẽ sinh tồn. Lịch sử y khoa còn nhắc tới tác dụng tuyệt vời của sợi nấm giúp những kẻ nghiện rượu hay tâm lý bất ổn cảm thấy dễ chịu. Nhưng vì văn hóa, chiến tranh rồi cả tá những chiêu trò chính trị mà chúng ta quên mất thế giới nấm nhỏ bé ấy.
Với Lauren Walker, sợi nấm được coi như “đấng kiến tạo và khởi nguồn” của vạn vật, một thực thể sống lâu đời nhất, và cũng tinh xảo nhất mà loài người chưa thể hiểu rõ. Trong nhiều thế kỷ, các nền văn hóa trên thế giới đã khám phá các thành phần độc đáo của nấm để làm thuốc trị bệnh.
Thời nay, khoa học hiện đại cũng công bố nhiều công trình đầy hứa hẹn về công dụng của một số loại nấm, với rất ít tác dụng phụ được báo cáo đối với hầu hết loại nấm dược liệu phổ biến. Không chỉ đang “giải độc” cho tự nhiên, trên cơ thể chúng ta, có thể nấm cũng giúp phần nào tăng cường miễn dịch, hỗ trợ trị bệnh, làm giảm triệu chứng Alzheimer và đầy hứa hẹn đảo ngược sự lão hoá.
Nhiều người chỉ trích rằng, thế giới bây giờ như một vòng xoắn ốc bê tông, lạnh lùng, “triệt” mọi đường sống của sinh vật. Tự nhiên, vì thế mà suy thoái, đơn giản chẳng còn chỗ mà dung thân, mà phát triển. Chúng ta bỏ quên tự nhiên vì tham vọng đô thị hóa, đến mức chỉ ít người sẵn sàng coi lại nội dung của “Thế giới nấm diệu kì”.
Bộ phim tài liệu mở ra cánh cửa thay đổi suy nghĩ cho bất kì ai: sợi nấm, và tất cả thảm thực vật từ lúc địa cầu này hình thành đến giờ, luôn “giao tiếp” với chúng ta. Chúng đan xen thành những mạng lưới khổng lồ, vô hình hay hữu hình, tựa mạng máy tính, tựa liên kết neuron trên não bộ. Biết đâu đó, khám phá chúng đưa khoa học đến gần hơn với lời đáp cho bí ẩn về ý thức thì sao?
Hạnh phúc đích thực
Đối diện tổn thương tinh thần, đi kèm với tâm lý bất ổn, nhiều người chúng ta tìm cách “xả” stress bằng tiệc tùng, mua sắm, chi tiêu thỏa thích cho những cuộc chơi xa xỉ. Đó là xu hướng chung thời nay, ám thị não bộ rằng ta cần xoa dịu bản thân, tìm lại sự cân bằng trong nhịp sống hối hả đầy náo nhiệt.
Tuy nhiên, “có bao giờ chúng ta nghĩ việc thong dong giữa một cánh rừng xanh mát hay lặng nhìn mặt nước trong xanh sẽ có tác dụng gấp nhiều lần?”, Lauren Walker nói với bệnh nhân bên trong căn phòng trị liệu tâm lý.
Chúng ta bận rộn với gia đình, đôi ba công việc mưu sinh chiếm trọn quỹ thời gian của ngày, rồi ca đêm mỏi mệt đến mức cơ thể chỉ muốn đổ gục vào tấm nệm. Nhưng chúng ta không bị ngăn cách với tự nhiên, dù nhà ở trên cao của một khu chung cư nhiều tầng.
Chỉ một cái chạm vào bông hoa ven đường, thoáng nhìn xa xăm tới những cây xanh nơi góc phố hay ngước nhìn bầu trời ban đêm và hít thật sâu, chúng ta sẽ bất giác tìm thấy khoảng lặng cần thiết cho tâm trí được nghỉ ngơi.
Đừng nghĩ rằng thành phố sẽ hoàn toàn bế tắc. Lauren Walker từng kể về “Trị liệu cái cây” ở chốn đô thị phồn hoa nhộn nhịp kiểu New York hay Denver. Tìm lấy cho mình một cái cây, tháo giầy, chân trần trên đất ngồi vắt vẻo trên cành vững chãi và tự thưởng cho mình một chút nước trái cây để ngắm nhìn xung quanh. Ta tựa mình vào thân cây, chạm lấy lớp vỏ ngoài xù xì để thấy sự thô ráp, tập trung lắng nghe nhịp đập trái tim trong lồng ngực để sống chậm lại.
Như cách Lauren Walker dạy con gái: gieo mầm cây trong chậu đất, tự tưới nước mỗi ngày và nhìn một mầm xanh vươn lên dưới ánh nắng mặt trời. Đó là lúc ta dần nhận ra bản chất của sự sống không thể tách rời tự nhiên, và tự nhiên cũng cần chúng ta.
Con người vốn được sinh ra từ thiên nhiên, từng tế bào dù vô cơ hay hữu cơ đều có thể xuất hiện trong bất cứ thực thể nào. Thiên nhiên luôn ở bên cạnh, giúp xoa dịu những thương tổn trong cảm xúc đang rối bời, bởi tâm trí không còn bị phiền toái từ tiếng tàu xe inh ỏi, hay mùi khói bụi đầy ô nhiễm.
Vậy nên, đắm mình trong tự nhiên là tìm đến cội nguồn của chữa lành tinh thần. Ở giữa những rừng cây, chúng ta tìm thấy cơ hội để gợi lên cảm xúc tích cực, thoát khỏi nỗi tù túng giữa rừng bê tông cốt thép lạnh lùng. Chúng ta nhận về sự an yên, khi chậm rãi hít thở bầu không khí và cảm nhận sự tĩnh lặng từ bên trong tâm hồn.
Đó cũng chính là thông điệp mà bộ phim “Về với tự nhiên” (2007) muốn nhắn gửi: thoát khỏi thành thị, đối diện với thiên nhiên bao la giữa những hoang dại để cảm nhận hạnh phúc đích thực của đời người...