Sự thật Pharaoh đầu tiên của Ai Cập

09:45 15/11/2024

5.000 năm trước, ở Bắc Phi, một vị vua đầy tham vọng, ngày nay được gọi là Narmer, đã thống nhất hai vùng đất Thượng Ai Cập ở phía Nam và Hạ Ai Cập ở phía Bắc thành lãnh thổ vĩ đại đầu tiên trên thế giới - Ai Cập. Nhưng cho đến nay, nguồn gốc của nền văn minh Ai Cập vẫn còn khá mơ hồ. Những gì còn sót lại về vị Pharaoh đầu tiên của Ai Cập chỉ là cái tên.

Bảng đá Narmer

Cho đến nay, dù các nhà Ai Cập học đã đồng nhất Narmer với vị pharaoh thuộc Vương triều đầu tiên của Ai Cập, song danh tính của vị vua này vẫn gây nhiều tranh cãi vì không đủ bằng chứng để khẳng định chắc chắn. Nguyên do là vì, nguồn tư liệu chính cung cấp thông tin về hệ thống vương quyền ở Ai Cập là đá Palermo - một phiến đá granit đen khắc tên các vị vua Ai Cập cho đến Vương triều thứ 5 lại bị thất lạc phần khắc tên vị vua đầu tiên và vị vua thứ hai của Vương triều thứ nhất.

Tượng đầu vị vua đầu tiên của Ai Cập, người đã thống nhất hai vùng đất Thượng Ai Cập ở phía Nam và Hạ Ai Cập.

Kết luận về vai trò của Narmer chỉ được dựa vào tấm bảng đá Narmer mà trên đó cho thấy Narmer là người đã thống nhất Ai Cập và hai con dấu nghĩa địa từ Umm el-Qa'ab, Abydos cho thấy ông là vị vua đầu tiên của Vương triều thứ nhất. Niên đại xấp xỉ của Narmer được ước tính là vào thế kỷ 31 hoặc thế kỷ thứ 32 trước Công nguyên. Người Ai Cập cổ đại có một hệ thống chữ viết tượng hình.

Tên của Narmer bao gồm hai chữ tượng hình, cá trê (được đọc là Nar) và một cái đục (Mer). Thay vì kết hợp cả hai chữ tượng hình, tên của Narmer thường được thể hiện dưới một dạng viết tắt chỉ bằng biểu tượng cá da trơn, đôi khi được cách điệu hóa, thậm chí trong một số trường hợp chỉ được thể hiện bằng một đường ngang.

Hai cách viết thay thế khác cho tên của Narmer cũng đã được tìm thấy. Trên một dấu niêm phong bằng bùn từ Tarkhan, biểu tượng tượng trưng cho con chim Tjay đã được thêm vào hai biểu tượng tượng trưng cho Narmer bên trong serekh. Nó được hiểu với nghĩa là "Namer, người đàn ông". Ngoài ra, hai dấu niêm phong từ Danh sách vua Abydos được khắc trên tường ngôi đền tang lễ của Seti I lại thể hiện tên gọi này theo một cách dị thường: cái đục được thể hiện ở vị trí thường thuộc về cá da trơn.

Biểu tượng này được một số học giả giải thích như là một tấm da động vật. Đó có thể là một con cá da trơn với một cái đuôi bò, tương tự như hình ảnh của Narmer trên tấm bảng đá Narmer, mà trong đó ông được thể hiện mặc shendyt, một loại váy xếp li hoặc khố đặc trưng của tầng lớp thống trị và đeo một chiếc đuôi bò như là một biểu tượng của quyền lực, tượng trưng cho sức mạnh cần thiết để cai trị đất nước sông Nile.

Tư liệu hoàng gia từ thời Narmer rất khan hiếm và không đầy đủ. Mặc dù có một số “danh sách vua” ghi lại tên của các pharaoh và những người kế vị, nhưng những tư liệu còn nguyên vẹn có niên đại từ thời kỳ đầu là rất ít. Hai trong số những tư liệu quan trọng nhất đã được các nhà nghiên cứu từ Viện Khảo cổ học Đức tìm thấy ở Cairo (Ai Cập) vào những năm 1980. Họ đã phát hiện ra hai dấu ấn hình trụ trong lăng mộ của pharaoh Den.

Những con dấu này - vẫn là danh sách vua được ghi chép lâu đời nhất cho đến nay - liệt kê những người cai trị và những người kế vị của Vương triều thứ nhất. Một con dấu có niên đại vào giữa Vương triều thứ nhất đã nêu tên 6 người cai trị. Con dấu còn lại có niên đại gần cuối Vương triều thứ nhất thì nêu tên 8 vị vua. Cả hai danh sách đều bắt đầu bằng Narmer.

Nhưng danh sách hoàng gia được tạo ra hàng thiên niên kỷ sau đó, trong thời kỳ Vương quốc mới đã có sự nhầm lẫn. Một trong những danh sách đầy đủ nhất là Danh sách vua Abydos, được khắc trên tường của ngôi đền tang lễ của Seti I (thế kỷ 13 trước Công nguyên) cho thấy, vị vua đầu tiên được liệt kê trên những hàng hộp khắc tên các pharaoh trong quá khứ của Ai Cập là Menes, không phải Narmer.

Turin Papyrus - một danh sách vua khác cùng thời với Seti I cũng ghi tên vị vua đầu tiên là Menes chứ không phải Narmer. Thay vì được khắc trên đá, danh sách này được viết trên giấy cói và là một trong những danh sách vua chính xác, đầy đủ nhất, bao gồm các triều đại từ thứ 1 đến thứ 19. Nhiều thế kỷ sau đó, các tác giả cổ điển, chẳng hạn như nhà sử học Hy Lạp Herodotus vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, khi đến thăm Ai Cập để thu thập tên của các vị vua, đã viết rằng Menes là người thống nhất Ai Cập. Vấn đề là, Herodotus đã thực hiện chuyến hành trình của mình vào Ai Cập trong thời kỳ cuối của Ai Cập, tức là khoảng 2.500 năm sau khi Narmer/Menes sống. Hơn nữa, các pharaoh Ai Cập đã sử dụng nhiều tên trong suốt cuộc đời của họ. Nhưng đến thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, vị tư tế trong đền thờ ở Heliopolis, Manetho cũng liệt kê Menes là vị vua đầu tiên.

Không có bằng chứng nào chứng minh được Menes và Narmer là cùng một người. Nhưng cuối cùng, nhà Ai Cập học người Anh William Matthew Flinders Petrie đã đưa ra lý thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất rằng: Narmer là tên khai sinh của vị pharaoh đầu tiên thuộc Vương triều thứ nhất và Menes là một danh hiệu tôn kính.

Trước khi Ai Cập được thống nhất, hình ảnh các vị vua ở vùng Thượng và Hạ Ai Cập thể hiện các nghi lễ khác nhau. Những người cai trị Thượng Ai Cập đội một chiếc vương miện trắng, cao gọi là hedjet, trong khi ở Hạ Ai Cập, các vị vua đội một chiếc vương miện đỏ, ngắn gọi là deshret. Nhưng Narmer đã thay đổi tất cả. Bắt đầu từ Narmer, Ai Cập phát triển phong cách thị giác đặc biệt của riêng mình để truyền tải quyền lực, sức mạnh và sự thống nhất trong nhiều thiên niên kỷ. Narmer đã đặt làm một bảng đá phiến sét cầu nguyện điêu khắc hình ảnh các vị thần, quái thú để dùng trong nghi lễ cầu nguyện.

Các nhà khảo cổ học người Anh James Quibell và Frederick Green đã phát hiện ra bảng đá này trong đống đổ nát của một ngôi đền ở Hierakonpolis (Nekhen), phía Nam Luxor, vào năm 1897-1898. Vật thể hình khiên này có niên đại khoảng năm 3.200-3.000 trước Công nguyên. Có vẻ như người cai trị đã hiến tặng bảng đá này cho ngôi đền của vị thần đầu chim ưng Horus, biểu tượng của quyền lực vũ trụ và chính trị.

Biểu tượng định dạng về Narmer từ Umm el-Qa'ab, Abydos cho thấy ông là vị vua đầu tiên của Vương triều thứ nhất.

Bí ẩn về cái chết

Chi tiết chính xác về cuộc đời của Narmer đến nay vẫn khó xác định. Người ta tin rằng ông đến từ Hierakonpolis. Ông được cho là người đã tổ chức vương quốc thống nhất mới của mình thành khoảng 40 vùng, được gọi là nomes. Ông đã kết hôn và tên người vợ của ông là Neithhotep, theo tên của một nữ thần sáng tạo, Neith. Narmer cũng xây dựng một ngôi đền dành riêng cho vị thần sáng tạo Ptah tại Memphis - thành phố cổ đại quan trọng của Ai Cập. Narmer cũng đã thành lập thành phố Hierakonpolis, được gọi là Nekhen trong thời cổ đại Ai Cập, nơi ông thành lập giáo phái Horus, giáo phái tôn giáo đầu tiên trên toàn quốc.

Việc thành lập các thành phố là một phần quan trọng của việc trở thành một pharaoh Ai Cập. Theo nghi lễ, nhà vua sẽ đánh dấu nơi định cư bằng cách vạch một vết lún trên vùng đất gần sông Nile. Sau đó, những người xây dựng sẽ bắt đầu thiết lập nền móng của các tòa nhà chính thức như đền thờ và cung điện hoàng gia. Người ta cũng xây dựng một kho thóc để tích trữ ngũ cốc quý giá nhằm phân phối trong trường hợp hạn hán hoặc thiên tai.

Các tài liệu còn sót lại, bao gồm cả Herodotus và Manetho thì mô tả Narmer là một thủ lĩnh quân sự lão luyện. Các vương quốc Hạ và Thượng Ai Cập đã chiến đấu trong nhiều thế kỷ trước khi bị Narmer khuất phục và áp đặt quyền cai trị của mình lên toàn bộ thung lũng sông Nile. Các hiện vật như bảng đá Narmer, đầu chùy Narmer (bản thân nó là một vũ khí) và một số dòng chữ khắc, con dấu và tấm bia ngà voi cho thấy ông giết kẻ thù không thương tiếc. Các nhà Ai Cập học hiện nay còn cho rằng, Narmer đã đến Palestine, vì một số serekh có tên Narmer đã được tìm thấy ở miền Nam Israel.

Hai thế kỷ nay, các nhà khảo cổ học vẫn loay hoay tìm vị trí chôn thi thể Narmer. Các pharaoh Ai Cập thời kỳ đầu từng xây dựng một loại lăng mộ gọi là mastaba, một công trình bằng gạch bùn được đặt theo tên tiếng Arab có nghĩa là băng ghế. Mọi vị vua trong vương quốc cổ đại đều được chôn cất bên trong một mastaba, cho đến cuối Vương triều thứ 3, khi họ bắt đầu xây dựng kim tự tháp. Vì vậy, người ta đưa ra giả thuyết rằng, Narmer được chôn cất trong một trong nhiều mastaba trên các cánh đồng mastaba ở Saqqara. Nhưng vì không có ngôi mộ nào mang tên Narmer nên điều này chưa bao giờ được chứng minh.

Sau đó, các nhà Ai Cập học đã phát hiện thêm một cánh đồng lớn các ngôi mộ hoàng gia thời tiền triều đại và thời kỳ đầu triều đại ở Umm el-Qaab, một địa điểm gần Abydos. Chính Giáo sư Werner Kaiser thuộc Viện Khảo cổ học Đức là người đã xác định tên Narmer trong một dòng chữ khắc được tìm thấy ở Umm el-Qaab vào năm 1964. Tuy nhiên, địa điểm này đã phải chịu nhiều xáo trộn nghiêm trọng và nạn cướp mộ trong suốt 5.000 năm qua và các hiện vật mang tên Narmer được tìm thấy rải rác khắp địa điểm, khiến người ta không thể biết được vị trí chính xác ngôi mộ của Narmer ở đâu.

Cho đến ngày nay, các nhà khảo cổ học và nhà Ai Cập học vẫn không thống nhất về việc Narmer được chôn cất ở Saqqara hay ở Umm el-Qaab và câu hỏi này chắc chắn sẽ không có lời giải chừng nào thi thể của pharaoh đầu tiên của Ai Cập vẫn còn mất tích.

Huyền Chi

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文