Ai tiếp tay cho việc phân lô, lập dự án “ma” ở thành phố Bảo Lộc?

07:45 30/10/2021

Vài năm trở lại đây, tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) bỗng nổi lên phong trào “hiến đất làm đường” với quy mô cực lớn. Tuy nhiên, thực tế đây chỉ là “chiêu” để các đối tượng hợp thức hóa việc phân lô, tách thửa, lập nên những dự án bất động sản trái phép. Hậu quả của việc này là hàng trăm ha đất nông nghiệp bị hủy hoại, bỏ hoang…

Nở rộ chiêu hiến đất làm đường

Từ năm 2018 tới nay, giá đất ở TP Bảo Lộc tăng mạnh theo phong trào bỏ phố về quê. Nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác đã đổ lên Bảo Lộc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích lớn, sau đó cho cá nhân đứng tên. Để thu hút được nhiều người mua, ngoài tên gọi cho dự án bất động sản thật mỹ miều, các chủ đầu tư phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giao thông, đường điện, nước sinh hoạt.

Sau hiến đất làm đường là một dự án bất động sản trái pháp luật hình thành.

Một điều kiện không thể thiếu ở những dự án bất động sản này chính là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng cho từng lô. Do hầu hết các dự án đều vẫn là đất nông nghiệp nên việc phân lô, tách ra từng thửa nhỏ không phải là dễ. Theo quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng, đối với đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu để tách thửa là 500m2, ngoài ra còn phải thỏa mãn các điều kiện bắt buộc, trong đó có đường giao thông đấu nối với các trục đường, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

Để chia nhỏ các thửa đất thành từng lô tại những dự án bất động sản, chủ đầu tư đã nghĩ ra chiêu “hiến đất làm đường” dưới sự tiếp tay của một số cán bộ tại các cơ quan chức năng. Chỉ trong thời gian ngắn, tại TP Bảo Lộc nổ ra phong trào hiến đất làm đường với quy mô lớn chưa từng thấy. Chỉ tính riêng tại phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, gia đình ông Nguyễn Đức Hưng hiến hơn 20.000m2, hộ bà Nguyễn Ngọc Anh Thư hiến 18.865m2, hộ ông Trần Văn Canh hiến 4.484m2, gia đình ông Vũ Văn Toàn hiến 1.346m2, hộ ông Nguyễn Văn Hùng xin hiến 1.148m2... Sau khi hiến đất làm đường, hộ ông Vũ Văn Toàn được Sở Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) tỉnh Lâm Đồng cho tách thành 62 thửa, hộ ông Trần Văn Canh tách thành 49 thửa, hộ ông Nguyễn Văn Hùng tách thành 31 thửa, gia đình ông Cù Ngọc Hòa tách thành 49 thửa...

Sau chiêu trò hiến đất làm đường, hàng trăm thửa đất nông nghiệp được chủ sử dụng chia nhỏ, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gây hoang hóa đất đai…Trước sự bức xúc, nghi ngờ của dư luận, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phải chỉ đạo Thanh tra tỉnh này vào cuộc tiến hành thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc trong công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, giai đoạn 2018-2020.

Có dấu hiệu tiếp tay cho sai phạm

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng khẳng định, bản chất của việc hiến đất làm đường ở TP Bảo Lộc là nhằm mục đích phân lô, tách thửa, phục vụ lợi ích cá nhân, không phải phục vụ lợi ích công cộng, không thuộc đối tượng được Nhà nước khuyến khích.

Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, thực tế trong Luật Đất đai hiện nay chưa có quy định về hiến đất mà chỉ có quy định người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất, quy định về tặng, cho quyền sử dụng đất. Tại TP Bảo Lộc, người sử dụng đất không lập thành văn bản tặng, cho quyền sử dụng đất mà chỉ có đơn xin hiến đất và được UBND xã, phường ghi “kính chuyển các cơ quan giải quyết”, nên không xác định được bên nhận tặng, cho là tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư nào.

Đặc biệt, không ít trường hợp mặc dù không đủ điều kiện để được tách thửa nhưng vẫn được Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng cho tách thành nhiều thửa nhỏ bất chấp các quy định của pháp luật. Từ việc tách thành nhiều thửa này các đối tượng đã rao bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức dự án bất động sản trong thời gian dài.

Việc phân lô, tách thửa đất nông nghiệp tràn lan đã hình thành các dự án bất động sản “ma”

Cụ thể, trong đơn xin hiến đất của bà Phùng Thị Nga, đề ngày 23-11-2020, được UBND xã Đạm Bri, TP Bảo Lộc xác nhận: “Hiện trạng có đường đã rải đá, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ theo quy định. Kính chuyển các cấp xem xét”.

Như vậy, việc xây dựng cơ sở hạ tầng chưa hoàn thành, tức chưa đủ điều kiện nhưng cũng trong ngày 23-11-2020, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký  đất đai TP Bảo Lộc vẫn tiếp nhận hồ sơ, thực hiện các thủ tục tách thửa. Ngày 16-12-2020, Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị UBND TP Bảo Lộc cho ý kiến đối với việc chia, tách và hiến đất làm đường của bà Phùng Thị Nga nhưng cũng chính trong ngày này (16-12-2020), Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng đã ký cấp 5 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi chia tách thửa.

Một trường hợp chia tách đất thành nhiều thửa nhỏ khác là hộ ông Cù Ngọc Hòa, ngụ phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc. Đơn xin hiến đất làm đường của ông Hòa không được gửi tới UBND phường Lộc Phát, không có xác nhận của UBND phường Lộc Phát mà được gửi thẳng tới Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Bảo Lộc nhưng vẫn được Sở TN-MT Lâm Đồng thẩm định, chấp nhận hồ sơ, thực hiện tách thành nhiều thửa nhỏ cho ông Hòa.

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng nhận định, hành vi trên của Sở TN-MT Lâm Đồng là trái quy định của pháp luật, vì cơ quan nhận đơn xin hiến đất là cơ quan thực hiện thủ tục hành chính, không phải là cơ quan nhận chuyển quyền sử dụng đất. Việc làm này của Sở TN-MT Lâm Đồng đã tước luôn quyền công tác quản lý về đất đai của chính quyền địa phương cấp xã.

Đơn xin hiến đất làm đường của ông Trịnh Ngọc Bích, cùng vợ là bà Phạm Thị Trang chỉ có bà Trang ký tên nhưng vẫn được Chi nhánh Văn phòng Đăng ký  đất đai TP Bảo Lộc lập hồ sơ, Văn phòng Đăng ký đất  đai tỉnh Lâm Đồng thẩm định và Sở TN-MT Lâm Đồng tách thửa, cấp thành nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, việc làm trên của các cơ quan chức năng liên quan trong việc chia tách, cấp sổ cho bà Trang là vi phạm pháp luật vì trong hồ sơ không có chữ ký, ý kiến của ông Trịnh Ngọc Bích. Điều này còn rất dễ dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện quyền sử dụng đất.

Rất nhiều hồ sơ xin hiến đất làm đường sau đó phân lô, tách thửa của người dân được Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận đã có văn bản đề nghị UBND TP Bảo Lộc cho ý kiến về từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, tại các văn bản trả lời của UBND TP Bảo Lộc mặc dù chưa thể hiện rõ những nội dung theo đề nghị của Sở TN-MT Lâm Đồng nhưng vẫn được sở này thực hiện thủ tục chia, tách thành nhiều thửa nhỏ và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Chính việc làm này của nhiều cán bộ có liên quan, nhất là Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, đã khiến các đối tượng phù phép những thửa đất nông nghiệp có diện tích lớn thành hàng chục thửa đất nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phân lô, chuyển nhượng đất nông nghiệp dưới hình thức dự án bất động sản, đánh lừa nhà đầu tư thứ cấp. Chính vì thế, số hồ sơ xin tách thửa tại TP Bảo Lộc tăng chóng mặt trong những năm qua. Năm 2018 TP Bảo Lộc có 738 hồ sơ xin tách thửa với hơn 1,5 triệu mét vuông đất, năm 2019 có 902 hồ sơ xin tách thửa với gần 3 triệu mét vuông đất và năm 2020 tăng lên 1.162 hồ sơ xin tách thửa với hơn 4 triệu mét vuông đất.

Hậu phong trào hiến đất làm đường là đã băm nát đất nông nghiệp thành hàng nghìn thửa nhỏ tại TP Bảo Lộc; cùng với việc siết chặt quản lý của cơ quan chức năng đã khiến các doanh nghiệp đầu tư bất động sản núp bóng dưới hình thức cá nhân, hộ gia đình đang lâm vào cảnh chết yểu. Hàng trăm người trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đã trở thành nạn nhân của những dự án bất động sản “ma”. Cùng với đó, đất đai ở Bảo Lộc trước đây vốn màu mỡ, cây trồng (cà phê, chè...), sau phong trào hiến đất làm đường và lập nên những dự án bất động sản trái pháp luật, không những cây trồng lâu năm bị chặt hạ, san phẳng mà hàng trăm héc ta đất đai nay đã bị chủ sử dụng đất bỏ hoang hóa, cỏ dại um tùm.

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng khẳng định, Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về công tác quản lý Nhà nước về đất đai nhưng đã thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn, không rà soát hồ sơ, thủ tục đối với các trường hợp hiến đất mở đường dẫn đến việc phân lô, tách thửa tràn lan trên địa bàn TP Bảo Lộc.

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Bảo Lộc có dấu hiệu buông lỏng việc kiểm soát trình tự, thủ tục, tính pháp lý khi lập hồ sơ thẩm định, tham mưu cho Sở TN-MT Lâm Đồng các thủ tục tách thửa, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi tách thửa là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm về sử dụng đất sai mục đích, vi phạm về trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, có dấu hiệu của hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

Trước hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm  Đồng để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm đối với cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trong việc chỉ đạo, thực hiện các trình tự, thủ tục, liên quan đến sai phạm trong việc hiến đất, ghi nhận hiện trạng đường giao thông để giải quyết hồ sơ tách thửa, cấp thành nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Bảo Lộc.

Khắc Lịch

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, chiều 25/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, Luật Quảng cáo 2012 cũng như dự thảo luật chủ yếu điều chỉnh các hình thức quảng cáo truyền thống trên báo chí, truyền hình mà chưa có quy định cụ thể về quảng cáo trực tuyến hiện đại, như quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, Tik Tok..., khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong xử lý vi phạm.

Ngày 25/11, tổ công tác của Phòng CSGT Hà Nội phối hợp với Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Cục CSGT); Công an và chính quyền quận Hoàn Kiếm ra quân kiểm tra, chấn chỉnh trật tự, an toàn giao thông đường sắt (TTATGTĐS) tại khu vực “phố cafe đường tàu” đoạn từ Trần Phú đến Phùng Hưng.

Đến 17h chiều nay 25/11, tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn có mưa to, có nơi mưa rất to. Hai hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền và hồ chứa Tả Trạch vẫn đang cấp tập điều tiết xả lũ khiến nhiều vùng thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên Huế ngập lụt.

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu về nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã vinh danh 100 tập thể, cá nhân đoạt giải.

Ngày 25/11, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Thành An Hà Nội, Công ty Thiết bị y tế Danh, Công ty Thiết bị y tế Tràng Thi và các đơn vị liên quan. Ngoài hệ thống kế toán thuế công khai để nộp ngân sách, ba công ty trên còn lập hệ thống nội bộ, theo dõi thu, chi thực tế; mua bán hóa đơn, làm giảm tiền thuế phải nộp, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 743 tỷ đồng.

Ngày 25/11, tại Công an tỉnh Bình Thuận, Cụm thi đua số 8 - Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2024. Đại tá Lê Quang Nhân - Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận và Thượng tá Lương Đức Minh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng chủ trì Hội nghị.

Sau quá trình tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh bảo lưu quan điểm đề nghị án tử hình như bản án sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”.

Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo xuất hiện trên mạng xã hội vừa được Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cảnh báo tới người dân.

Sau một tuần miệt mài tăng giá, kim loại quý bất ngờ quay đầu ngay khi mở cửa phiên giao dịch tuần mới, mất tới 50 USD/ounce.

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文