Kia
Mobifone

Đằng sau cuộc khủng hoảng container toàn cầu

Thứ Hai, 06/12/2021, 20:44

Trong nhiều tháng qua, các hãng vận tải biển và các doanh nghiệp phải chật vật với tình trạng thiếu container rỗng trong khi nhu cầu hàng hóa của thế giới tăng cao và đại dịch COVID-19 gây sức ép dai dẳng lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giá một container vận chuyển dài 40 feet (khoảng 12 mét) tăng từ 1.700 USD vào cuối năm 2019 lên 6.000 USD vào cuối năm 2020 và gần 11.000 USD vào giữa năm 2021. Tương tự, container dài 20 feet (hơn 6 mét) hoặc loại tương đương được sử dụng rộng rãi cho tuyến đường giữa châu Á và châu Âu cũng phải chịu các mức giá cao.

Mất cân bằng toàn cầu

Tháng 11-2021, Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) đã công bố báo cáo có tiêu đề “Đánh giá Vận tải hàng hải 2021”.Theo báo cáo, giá cước vận tải container đã tăng lên kể từ nửa cuối năm 2020, đồng thời cho biết tình trạng tắc nghẽn cảng do thiếu container và thiếu lao động là nguyên nhân gây ra sự chậm trễ trong hoạt động vận tải. Báo cáo ước tính nếu tình trạng giá vận tải container leo thang này tiếp diễn, thì từ nay đến năm 2023, giá nhập khẩu toàn cầu có thể tăng 10,6% và giá tiêu dùng tăng 1,5%.

Đằng sau cuộc khủng hoảng container toàn cầu -0
Ngành vận tải biển đang chật vật với tình trạng thiếu container rỗng.

Nhiều gã khổng lồ trong ngành vận tải biển như Maersk (Đan Mạch) và Hapag-Lloyd (Đức) đã bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng thiếu hụt     container toàn cầu. Hapag-Lloyd đã tăng 25% thời gian làm đầy và làm rỗng container so với bình thường để đảm bảo tối ưu hóa việc sử dụng các container. Bên cạnh đó, công ty cũng xem xét việc tái sử dụng các container cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Theo ông Rolf Habben Jansen - Giám đốc điều hành của hãng tàu Hapag-Lloyd, do sự tắc nghẽn của mạng lưới, hãng vận tải hiện cần thêm 11% container để chở cùng một lượng hàng hóa như trước đây.

Trong khi nhu cầu tăng cao, việc các nhà máy chế tạo container tạm dừng hoạt động lắp đặt kéo dài do đại dịch đồng nghĩa các hãng vận tải đang phải phụ thuộc nhiều hơn vào các công ty cho thuê để đáp ứng các yêu cầu cung cấp container khẩn cấp. Trong báo cáo thu nhập quý II-2021, Triton - công ty dẫn đầu thị trường cho thuê container - cho biết, họ đang tập trung vào việc kéo dài thời hạn của các hợp đồng thuê container mới và đã qua sử dụng với các hãng tàu. Hãng cho thuê container này ghi nhận thời hạn thuê trung bình là 14 năm trong quý II-2021, tăng so với mức trung bình 10 năm trong quý I-2021 và gần gấp đôi mức trung bình trong lịch sử của ngành. Không chỉ đồng ý các hợp đồng thuê nguyên chiếc dài hơn nhiều với các hãng vận tải, mà họ còn thương lượng với mức giá hàng ngày cao hơn cho các giao dịch mới.

Nguyên nhân khủng hoảng

Công ty tư vấn vận tải biển Vespucci Maritime có trụ sở tại Đan Mạch đã theo dõi tình trạng thiếu container ngay từ khi đại dịch bùng phát lần đầu tiên vào đầu năm 2020. Khi đó, nhu cầu tiêu dùng đã sụt giảm, các hãng tàu đã hủy bỏ nhiều tuyến vận chuyển giữa châu Á và Bắc Mỹ. Khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng trở lại trong mùa hè năm 2020, hàng nghìn container rỗng đã bị mắc kẹt ở Mỹ và các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc phải chờ đợi rất lâu mới thu hồi được số   container này để tiếp tục vận chuyển hàng hóa.

Tình trạng thiếu hụt    container là một lý do khiến chi phí mua và đặt container đang tăng lên chóng mặt. Nhưng đây không phải là lý do duy nhất. Các công ty sản xuất container, chủ yếu ở Trung Quốc, đã phải chịu chi phí nguyên vật liệu thô gia tăng. Container phần lớn được làm từ một loại thép đặc biệt có thể chống ăn mòn, và giá vật liệu này đã tăng mạnh, bên cạnh sự gia tăng trong chi phí tiền lương cho công nhân.

Christa Sys, chuyên gia về vận chuyển và Giáo sư tại Đại học Antwerp (Bỉ), tổng kết rằng sự kiện nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, rồi đại dịch COVID-19 đã góp phần khiến giá     container tăng cao.Các sự kiện như vụ tắc nghẽn tàu container trên kênh đào Suez hồi tháng 3, việc đóng cửa các cảng container lớn của Trung Quốc hồi tháng 5, tháng 6 và tháng 8 khiến khoảng 350.000     container trong tình trạng nhàn rỗi và một khối lượng lớn các container khác mắc kẹt tại các cảng ở Mỹ và châu Âu đã làm tình hình thêm căng thẳng.

Chi phí và giá cả leo thang

Cuộc khủng hoảng thiếu container đang khiến các nhà nhập khẩu phải đối mặt với các khoản phí phát sinh và thời gian chờ đợi lâu hơn. Sự chậm trễ liên tục tại các cảng như Felixstowe - cảng container bận rộn nhất nước Anh, nơi xử lý 48% lượng hàng container của Anh, hay cảng Los Angeles - cửa ngõ thương mại lớn nhất khu vực Bắc Mỹ, đã dẫn đến tình trạng tồn đọng sản phẩm chờ được giao, làm tăng thời gian vận chuyển các container.

Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng đã đẩy chi phí vận chuyển tăng cao. Theo số liệu từ công ty tư vấn nghiên cứu đường biển Drewry, một năm trước cước vận chuyển bằng một container 40 feet trên một tuyến đường tiêu chuẩn từ Trung Quốc sang châu Âu chỉ mất khoảng 1.920 USD, còn bây giờ con số này đã tăng hơn gấp sáu lần lên hơn 14.000 USD.

Người thua thiệt nhất thường là người tiêu dùng. Lấy ví dụ, trong một container 20 feet có thể để được khoảng 4.000 hộp giày. Nếu giá gốc của giày là khoảng 40 xu một đôi thì sau vận chuyển, giá thành lên đến gần 3 euro.Chi phí vận tải tăng cao sẽ kéo giá tiêu dùng sản phẩm tăng vọt. Tác động càng lớn hơn khi liên quan đến những vật cồng kềnh hơn, chẳng hạn như xe đạp, màn hình phẳng, ô tô, đồ nội thất...

Cơ quan thương mại của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng sự gia tăng của giá cước vận tải container như hiện nay có thể đẩy giá nhập khẩu trên toàn cầu lên gần 11% từ nay đến năm 2023 và tác động đến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cảnh báo: “Cho đến khi hoạt động vận tải biển trở lại bình thường, việc giá cước tăng như hiện nay sẽ tác động sâu sắc đến thương mại và khiến sự phục hồi kinh tế xã hội bị suy yếu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển”.

Bích Hạnh (Tổng hợp)

.