Loạn truyền hình thực tế ở Mỹ

21:27 07/06/2022

Truyền hình thực tế có lịch sử lâu đời hơn nhiều người nghĩ. Ngay từ khi TV trở nên phổ biến hồi cuối thập niên 1940 của thế kỷ trước thì đã xuất hiện các chương trình theo chân những con người trong cuộc sống hằng ngày của họ. Rồi đến đầu thập niên 1980, truyền hình thực tế thực sự trở thành thứ “hái ra tiền” cho các đài truyền hình.

Tại Mỹ, các chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng có thể thu hút cả trăm nghìn khán giả theo dõi mỗi tập. Vậy nhưng ít ai nghĩ tới thiệt hại nghiêm trọng mà “cơn sốt” truyền hình thực tế đã và đang gây ra cho xã hội Mỹ.

Từ trái qua: James, Kathryn và Jacob Stockdale

“Vạch áo cho người xem lưng”

Nhà sản xuất chương trình truyền hình nổi tiếng David Angell từng nói: “Không đạo diễn nào lại đưa một gia đình hòa thuận lên màn hình TV cả!”. Cho dù là phim hay truyền hình thực tế, điều mà người xem mong chờ là những mối xung đột, bất hòa. Vậy nên không khó hiểu khi các đài truyền hình lựa chọn những gia đình “có vấn đề” làm đề tài chương trình thực tế. Gia đình nào càng rắc rối, khán giả lại càng dễ bị cuốn hút bởi câu truyện của họ.

Vậy nhưng nhà sản xuất nhiều khi mải chạy theo tỷ suất người xem đến mức đưa cả những gia đình phải nói là “độc hại” lên trên màn ảnh nhỏ. Ví dụ tai tiếng nhất là gia đình Duggar, ngôi sao của series “19 Kids and Counting”. Chương trình này xoay quanh cuộc sống hằng ngày của cặp vợ chồng Jim Bob - Michelle Duggar cùng 19 đứa con của họ. “19 Kids and Counting” được nhiều khán giả đón nhận nhiệt liệt và kéo dài đến 7 năm với 227 tập phát sóng.

Nhiều chuyên gia về gia đình và giáo dục đã đứng lên chỉ trích cách dạy con của nhà Duggar. Vợ chồng Jim  Bob giáo dục con cái họ theo các phương pháp đã hoàn toàn lỗi thời như không cho đến trường mà dạy ở nhà, không cho xem vô tuyến, không cho kết bạn khác giới,… Hai vợ chồng không ngại đánh đập con ngay trước máy quay nếu những đứa trẻ phá vỡ luật lệ của họ. Lối suy nghĩ cổ hủ của họ xuất phát từ việc cả hai vợ chồng đều là thành viên giáo phái Quiverfull. Tổ chức này tự nhận mình là những người “sống đúng theo lời Chúa”, nhưng trên thực tế họ chỉ muốn duy trì kiểu gia đình gia trưởng ngột ngạt đã hoàn toàn lỗi thời.

Các chương trình truyền hình thực tế có lỗi trong việc khiến tệ nạn đa thê lan rộng ở Mỹ

Lối dạy con của nhà Duggar đã gây ra tai họa cho chính họ. Con trai cả Josh Duggar từng bị bắt vì tội có hành vi dâm ô với 5 trẻ em gái, 4 người trong số đó là các em gái của anh ta. Theo hồ sơ của cảnh sát thì Josh Duggar đã sớm bị “đầu độc” bởi những tư tưởng mang tính gia trưởng trong khi không hề được giáo dục giới tính. Nghiêm trọng hơn, vụ việc xảy ra trước khi “19 Kids and Counting” được lên sóng. Phía nhà sản xuất đã tìm mọi cách giấu nhẹm vụ việc. Phải đến khi báo chí vào cuộc thì họ mới chịu ngừng quay chương trình và lên tiếng xin lỗi.

Đấy không phải lần duy nhất truyền hình thực tế Mỹ tiêm nhiễm tư tưởng độc hại vào đầu người xem. Kể từ năm 2009 đến nay, kênh MTV phát sóng chương trình “Teen Mom” xoay quanh cuộc sống của những cô gái chưa qua tuổi thành niên mà đã có con. Mục đích của chương trình là giảm sự kỳ thị của xã hội đối với các bà mẹ trẻ. Vậy nhưng tác động mà “Teen Mom” đem lại lại đi ngược hoàn toàn với tính toán của nhà sản xuất.

Một thành viên giấu tên trong đoàn làm phim chia sẻ: “Chúng tôi không ngần ngại đưa lên màn ảnh những cái “gai góc” trong cuộc sống của đối tượng như chứng nghiện rượu, bạo hành gia đình, trầm cảm, tự tử,… Vậy nhưng nhiều khi chúng tôi vẫn phải tìm cách “xoay” câu chuyện để có một cái kết có hậu làm vừa lòng khán giả. Kết quả là nhiều người trẻ xem xong “Teen Mom” liền nghĩ rằng, họ cứ có con đi rồi mọi chuyện sẽ ổn cả!”.

Đại gia đình nhà Duggar đáng lẽ ra phải bị lên án thay vì được đưa lên truyền hình

Nhà sản xuất còn cho biết nhân vật gây ra nhiều khó khăn nhất cho đoàn làm phim là Amber Portwood, một bà mẹ trẻ 17 tuổi. Amber thường xuyên bạo hành bạn trai cũng là cha của con gái cô. Sau một lần Amber đánh anh ta đến mức “thập tử nhất sinh”, cô bị cảnh sát tạm giam. Họ còn tìm thấy cần sa trong căn hộ của Amber. Đáng lẽ ra Amber phải chịu mức án 5 năm tù giam, nhưng MTV đã đứng ra bồi thường và trả tiền bảo lãnh cho bị cáo. Amber sau đó vẫn thói “ngựa quen đường cũ”, thường xuyên ra vào nhà tù vì tội bạo hành và tàng trữ ma túy. Người xem phải thực hiện cả một chiến dịch tuyên truyền trên mạng mới khiến MTV cắt hợp đồng với Amber.

Câu chuyện của “Sister Wives” còn có phần tréo ngoe hơn nữa. Chương trình là câu chuyện của Kody Brown và 4 người vợ của anh ta. Gia đình nhà Brown đều theo tôn giáo Mormon, một nhánh của đạo Thiên Chúa cho phép đa thê. Chính phủ Mỹ đã từ lâu dẹp bỏ tục đa thê của giáo dân Mormon, nhưng vẫn còn những cá nhân như Kody Brown và các bà vợ sống chui lủi trốn tránh pháp luật. Con cái họ được sinh ra mà không có giấy tờ nhân thân, không được đi học,… “Sister Wives” nhân danh mục tiêu “chống kỳ thị” của mình mà gạt qua một bên tất cả những vấn đề nói trên. Họ tìm cách khắc họa vợ chồng, con cái nhà Brown cũng bình thường như bao gia đình một vợ, một chồng khác.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi phát sóng, “Sister Wives” đã trở thành chương trình có tỷ suất khán giả cao nhất. Kéo theo đó là một loạt những series khác cũng xoay quanh các gia đình đa thê như “My Five Wives”, “Escaping Polygamy”. Không ít luật gia, nhà xã hội học đã lên tiếng phản đối “Sister Wives” vì “bình thường hóa” hủ tục đa thê. Chương trình tuy vậy vẫn đang được tiếp tục sản xuất và phát sóng.

Cái giá của sự nổi tiếng

Theo một bài báo điều tra trên tờ Rolling Stone, một gia đình tham gia đóng chương trình truyền hình thực tế có thể nhận được từ $41,000 đến $53,000. Chưa hết, nếu series trở nên thành công, các thành viên trong gia đình sẽ trở nên nổi tiếng không thua gì diễn viên chuyên nghiệp. Một số cá nhân còn dựa vào đó mà xây dựng được sự nghiệp, đơn cử như người mẫu nội y Farrah Abraham, ngôi sao chính của “Teen Mom”. Từ chỗ là bà mẹ 16 tuổi phải lặn lội nuôi con một mình vì cha của đứa trẻ mất trong tai nạn xe hơi, nay Farrah đã là người mẫu có tiếng làm việc cho tạp chí Playboy danh giá.

Vậy nhưng cái giá của sự nổi tiếng là gì? Những người tham gia chương trình truyền hình thực tế mất tất cả quyền riêng tư của mình. Lấy ví dụ chương trình “Big Brother”. Kể từ khi bắt đầu phát sóng lần đầu vào năm 2000, “Big Brother” luôn giữ tỷ suất người xem “trong mơ” và đã được nhiều nước khác nhau mua format làm lại. Nội dung chương trình này khá là đơn giản: Các thí sinh sẽ sống trong một căn nhà hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Trong thời gian cuộc thi diễn ra, họ tương tác với nhau và tham gia các trò chơi nhỏ. Toàn bộ hoạt động của họ sẽ bị theo dõi bởi camera ghi hình lắp ở mọi nơi trong nhà, kể cả phòng tắm và nhà vệ sinh. Để giành chiến thắng, thí sinh sẽ phải tìm cách trụ được lại ở căn nhà đến phút cuối cùng mà không bị những người khác bỏ phiếu loại ra từ trước.

Một chiếc camera theo dõi những người tham gia “Big Brother”

Hãng phim sản xuất “Big Brother” tại Mỹ và Úc từng hợp tác để đưa ra gói sản phẩm “có một không hai”: Khán giả trả $500/năm để được theo dõi đường truyền trực tiếp từ hệ thống camera ghi hình trong nhà. Vì camera ghi hình 24/24 nên khi thí sinh đi dự thi đi tắm hay đi vệ sinh cũng bị khán giả theo dõi. Nhiều thí sinh sau khi biết việc này đã đệ đơn kiện nhà sản xuất chương trình nhưng thất bại do trong hợp đồng tham gia “Big Brother” bao giờ cũng có điều khoản buộc người tham gia từ bỏ mọi quyền riêng tư của mình.

Điểm hút khách của “Big Brother” và nhiều chương trình truyền hình thực tế khác là gây thật nhiều áp lực lên người tham gia đến mức họ không thể chịu nổi được nữa mà có những hành động quá khích. Vậy nhưng liệu có điểm dừng cho sự quá khích? Chương trình “Wife Swap” của đài truyền hình ABC (Mỹ) đã từng phải chịu trách nhiệm trước tòa vì gián tiếp gây ra cái chết của hai người tham gia. Nạn nhân là cô Kathryn và người con trai thứ của cô, cháu James mới có 12 tuổi. Đau đớn hơn nữa là họ bị bắn chết bởi người con trai cả Jacob Stockdale.

Nội dung của “Wife Swap” khá là đơn giản: Hai người phụ nữ sẽ “đổi gia đình” lẫn nhau trong vòng hai tuần. Họ phải tìm cách sống hoàn thuận với “gia đình tạm thời” của mình, kể cả khi hai bên có những giá trị sống hoàn toàn khác nhau. Gia đình Stockdale tham gia chương trình và Kathryn “đổi chỗ” cho một người phụ nữ khác trong hai tuần.

Ngay từ những ngày đầu đã xảy ra mâu thuẫn giữa nhà Stockdale và người phụ nữ kia. Kathryn và chồng phải nói là những người lo cho con đến mức phát cuồng. Họ buộc những đứa trẻ phải sống cách ly với thế giới bên ngoài và làm theo những luật lệ rất chi là nghiêm khắc. Việc có người phụ nữ lạ sống trong nhà là cú sốc quá lớn đối với những đứa trẻ. Jacob vì không kiềm chế được bản thân nên đã lấy súng của cha bắn chết mẹ và em trai, sau đó tự tử bất thành. Jacob đã bị thẩm phán kết án 30 năm tù.

Tại sao nhà chức trách Mỹ lại để cho truyền hình thực tế “làm loạn” xã hội đến vậy? Nhà sử học Gary R. Edgeton tại Trường đại học Colombia nhận xét: “Dưới thời cố Tổng thống Ronald Reagan, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đã dỡ bỏ nhiều rào cản liên quan đến nội dung chương trình truyền hình. Không phải điều tình cờ mà chương trình truyền hình thực tế “lên ngôi” vào thời điểm này. Các nhà sản xuất không cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của mình nữa. Họ có thể đưa lên màn ảnh những đối tượng phản văn hóa nhất để dùng cái sự “sốc” thu hút khán giả!”.

Cho tới thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ có hành động “mạnh tay” đối với việc kiểm soát nội dung truyền hình tại Mỹ. Mặt khác, thành công của series “Tiger King” do Netflix công chiếu năm 2020 như một “liều thuốc” tiêm vào lĩnh vực truyền hình thực tế. Các dịch vụ truyền tải đều đang tham gia cuộc chạy đua sản xuất truyền hình thực tế. Chắc chắn rằng sẽ còn nhiều gia đình Mỹ khác bị phá hỏng trong cuộc đua đi tìm nội dung gây sốc.

 Lê Vũ (Tổng hợp)

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文