Xã hội hóa sự kiện thể thao ở Việt Nam: Xu thế tất yếu

10:15 29/09/2022

Những sự kiện thể thao diễn ra tại Việt Nam đang xuất hiện với tần suất ngày một lớn, ở cả quy mô quốc gia và quốc tế. Đi cùng xu hướng đó là sự xuất hiện của những đơn vị tư nhân đứng ra tổ chức với cơ chế mở, tháo gỡ những vướng mắc vốn tồn tại ở cơ quan quản lý nhà nước.

Ngân sách và cơ chế

Ngày 20-9, tại cuộc họp giữa Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT), ông Đặng Hà Việt, tân Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã báo cáo một thông tin bất ngờ: Công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 đang gặp khó khăn bởi kinh phí tổ chức chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Xã hội hóa sự kiện thể thao ở Việt Nam: Xu thế tất yếu -0
Esport là một trong những môn tham dự SEA Games bằng nguồn xã hội hóa.

Câu chuyện Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 chưa được duyệt kinh phí tổ chức diễn ra trong bối cảnh môn thi đấu đầu tiên khởi tranh vào giữa tháng 11. Từ bây giờ đến Đại hội chỉ còn chưa đầy 45 ngày, nhưng những vướng mắc trong kinh phí có thể khiến sự kiện thể thao chỉ có 4 năm một lần không được diễn ra trọn vẹn.

Trước Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, SEA Games 31 cũng phải gấp rút xây dựng nhiều công trình sát giờ khai mạc. Nhiều khán giả hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh của các thành viên đội tuyển Nhảy cầu Việt Nam phải tập cạn suốt hàng tháng trời bởi Cung thể thao dưới nước bị chậm trễ trong quá trình sửa chữa, nâng cấp.

Phải đến sát thời điểm SEA Games 31 chính thức khởi tranh, các công trình cuối cùng của Cung thể thao dưới nước mới được hoàn tất. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến cho giải bơi tiền SEA Games phải hủy. Rất may cho thể thao Việt Nam là chuyện này không ảnh hưởng xấu đến kết quả của các thành viên đội tuyển bơi Việt Nam khi thi đấu chính thức.

Các đơn vị tổ chức sự kiện thể thao theo nguồn vốn xã hội hóa không bị ràng buộc bởi cơ chế.

Có nhiều nguyên nhân khiến kinh phí tổ chức một sự kiện thể thao lớn như Đại hội Thể thao toàn quốc và SEA Games chậm được xét duyệt. Một vấn đề khác khiến những người công tác trong ngành thể thao gặp khó trước những sự kiện lớn là cơ chế liên quan đến duyệt chi ngân sách, bao gồm quy định đấu thầu với những gói chi lớn.

Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước có ghi rõ: Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, chỉ được áp dụng chỉ định thầu với những gói thầu mua sắm có giá không quá 100 triệu đồng. Những gói mua sắm lớn hơn bắt buộc phải chào hàng cạnh tranh.

Quy định trên được đưa ra nhằm ngăn ngừa những trường hợp sử dụng sai ngân sách, hạn chế nguy cơ thất thoát vốn nhà nước. Nhưng ở một góc độ nào đó, nó tồn tại một vài điểm bất cập mỗi khi xuất hiện một sự kiện thể thao lớn.

Xu thế xã hội hóa

Tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam có 2 đội tuyển tham dự bằng nguồn kinh phí xã hội hóa hoàn toàn là Esports và 3 môn phối hợp. Với 90 thành viên tham dự Đại hội (tuyển Esports có 79 người, 3 môn phối hợp là 21 người), việc xã hội hóa kinh phí của 2 đội tuyển nói trên giúp cơ quan quản lý tiết kiệm đáng kể một khoản ngân sách lẽ ra phải chi.

VBA đặt ra quy định chặt chẽ cho đội mới tham dự để tránh những ông bầu bỏ giải như bóng đá.

Trước Esports và 3 môn phối hợp, các đội tuyển Golf, Bóng rổ cũng từng có thời gian tham dự SEA Games bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước. Bên cạnh việc xã hội hóa đội tuyển thể thao, những đơn vị tổ chức sự kiện tại Việt Nam còn không ngại chi tiêu lớn để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất nhằm đăng cai giải đấu.

Thay vì tổ chức tại Hà Nội như dự kiến, môn quần vợt thuộc SEA Games 31 đã diễn ra ở cụm sân quần vợt Hanaka thuộc thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Các đơn vị quản lý đưa đến quyết định này sau khi Tập đoàn Hanaka chủ động đầu tư xây dựng hệ thống sân quần vợt chuẩn quốc tế, giữa bối cảnh việc thi công sân ở Hà Nội gặp khó khăn giữa dịch COVID-19.

Trên thực tế, Việt Nam từng có nhiều sự kiện thể thao lớn được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, thậm chí bằng nguồn vốn tư nhân. Bản thân đơn vị quản lý nhà nước cũng luôn hoan nghênh việc các doanh nghiệp tư nhân, cũng như cá nhân bỏ tiền tổ chức; bởi điều đó giúp họ tiết kiệm đáng kể khoản ngân sách phải bỏ ra.

Dấu ấn lớn nhất của xã hội hóa trong thể thao Việt Nam được thể hiện ở 3 môn bóng: Bóng đá, Bóng rổ và Bóng chuyền. Việc thành lập những giải vô địch quốc gia ở 3 môn thể thao này giúp nâng cao chất lượng đội tuyển quốc gia, tạo thêm món ăn tinh thần cho người hâm mộ, đồng thời giúp những vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài... thực sự sống với nghề của mình.

Những cái khó của xã hội hóa

"Chúng tôi luôn hoan nghênh, tạo điều kiện tối đa cho các liên đoàn thể thao hoạt động bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nhưng thực tế là không nhiều liên đoàn, hiệp hội thể thao ở Việt Nam có nguồn xã hội hóa và kinh phí mạnh nên vẫn phải dựa vào kinh phí nhà nước". Đó là lời giãi bày từ ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, qua đó phần nào phản ánh đúng thực trạng của các Mạnh Thường Quân trong thể thao.

Đại hội thể thao toàn quốc có quy mô lớn hơn nhiều so với SEA Games.

Môn thể thao hiếm hoi có các Mạnh Thường Quân đủ vững chắc về tiềm lực tài chính là bóng rổ. Nhưng trên thực tế, giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam vẫn còn ở quy mô khá nhỏ với 7 đội bóng chuyên nghiệp nằm ở 5 tỉnh thành: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Khánh Hòa. Với VBA, việc siết chặt quy định tham dự là điều cần thiết để tránh xuất hiện những ông bầu bỏ giải như bóng đá.

Bên cạnh câu chuyện tài chính, một vấn đề khác khiến những đơn vị tổ chức sự kiện thể thao gặp khó là thủ tục xin giấy phép, cấp phép. Theo quy định hiện hành, một sự kiện thể thao cần phải xin 2 giấy phép từ Liên đoàn thể thao chuyên trách của môn đó và Sở Văn hóa - Thể thao tại địa phương, nơi sự kiện diễn ra.

Điều kiện lý tưởng nhất với đơn vị tổ chức sự kiện thể thao là môn thi đấu họ xin giấy phép có liên đoàn ở cấp tỉnh thành nơi họ tổ chức. Trong trường hợp địa phương đó không có liên đoàn chuyên trách, họ phải xin giấy phép từ liên đoàn cấp quốc gia. Nếu môn đó chưa có liên đoàn chuyên trách, đơn vị đó sẽ phải xin giấy phép từ Tổng cục TDTT.

Quy định phức tạp về việc cấp giấy phép tổ chức một sự kiện thể thao khiến thủ tục chỉ được hoàn tất trong vòng 2-3 tháng. Việc này khiến cho các sự kiện thể thao được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa khó có khả năng diễn ra trường kỳ. Với những ai đang muốn thực hiện những sự kiện thể thao lớn trong dài hạn, đây là một điểm hạn chế lớn khiến họ không tổ chức được những giải đấu liên tục như giải vô địch quốc gia.

Đại hội thể thao toàn quốc 2022 có quy mô lớn gấp đôi SEA Games 31

Kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 là một trong những sự kiện SEA Games được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với 526 bộ huy chương ở 40 môn thi đấu. Với cương vị nước chủ nhà, đoàn Việt Nam đến SEA Games 31 với 965 vận động viên. Tuy nhiên, những con số kể trên vẫn thua kém nhiều so với Đại hội Thể thao toàn quốc 2022.

Được tổ chức 4 năm 1 lần và ví von như Olympic Việt Nam, Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 có 43 môn thi đấu cùng 941 nội dung tranh chấp huy chương. Nếu như SEA Games 31 chỉ có 11 đoàn của 11 quốc gia Đông Nam Á tham dự, thì Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 có tới 65 đơn vị góp mặt, gồm đoàn thể thao của 63 tỉnh thành và 2 lực lượng Quân đội, Công an nhân dân.

Xét về số vận động viên tham dự, chỉ riêng đoàn Hà Nội đã có lượng vận động viên đến tranh tài ở Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 nhiều hơn số tuyển thủ Việt Nam ở SEA Games 31 khi đoàn Hà Nội dự kiến đưa 1.100 vận động viên đến kỳ Đại hội tổ chức vào cuối năm nay. Nếu tính cả huấn luyện viên, chuyên gia, bác sĩ, cán bộ chuyên trách... nhân sự của đoàn Hà Nội sẽ xấp xỉ 1.500 người.

Nhằm phục vụ mục tiêu đứng nhất toàn đoàn Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, Hà Nội đã cử nhiều đội thể thao đi tập huấn nước ngoài trong thời gian qua. Một số đoàn như Hải Phòng cũng cử vận động viên đi tập huấn tại Thái Lan với mục tiêu chinh phục huy chương vàng Đại hội Thể thao toàn quốc. Những đơn vị có ngân sách thấp hơn thì được du đấu trong nước để tăng cường cọ xát, nâng cao kinh nghiệm thi đấu.

Đơn Ca

Giao tranh ở Dải Gaza đã dừng lại ngày 19/1 khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas có hiệu lực, tạm dừng cuộc chiến kéo dài 15 tháng đã gây ra sự tàn phá và thay đổi chính trị chấn động ở Trung Đông.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng (QLTG, CSGDBB, TGD) đã kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với phạm nhân; đặc biệt là kiểm tra công tác đảm bảo an ninh an toàn trại giam, động viên CBCS và các phạm nhân.

Sáng 19/1, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố việc đặt tên đường gồm: Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 22 và Quốc lộ 50. Quyết định đã được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua tại kỳ họp tháng 12/2024.

TikTok đã ngừng hoạt động tại Mỹ vào tối 18/1 (sáng 19/1 theo giờ Việt Nam), chưa đầy hai giờ trước khi lệnh cấm có hiệu lực, ngăn cản quyền truy cập vào một trong những ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới, được 170 triệu người sử dụng chỉ riêng tại Mỹ.

Tòa án tại Hàn Quốc ngày 19/1 gia hạn lệnh giam giữ Tổng thống Yoon Suk-yeol thêm 20 ngày, với lý do lo ngại ông có thể tiêu hủy bằng chứng trong cuộc điều tra hình sự về tuyên bố thiết quân luật ngắn ngủi của ông vào đầu tháng 12/2024.

Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa ngày 19/1 cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký ban hành Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 17/01/2025 xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 17 năm 2025, đối với 5 di tích trong nước, trong đó có Di tích Kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Ponagar ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.