Nhiều doanh nghiệp chậm hoàn thổ sau khai khoáng, không chịu đóng cửa mỏ

06:52 09/07/2023

Dù hết hạn cấp phép khai thác mỏ tài nguyên khoáng sản nhưng một số doanh nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên-Huế chậm thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ.

Trong khi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương liên tiếp kiểm tra, ra văn bản nhắc nhở, thậm chí có quyết định xử phạt hành chính nhưng chủ doanh nghiệp vẫn phớt lờ lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, chậm hoàn thổ mặt bằng sau khi hoàn thành khai khoáng.

Mới đây, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều thiếu sót, tồn tại trong công tác khai thác tài nguyên khoáng sản và việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại Công ty CP Khoáng sản Thừa Thiên-Huế. Trong đó đáng chú ý, các mỏ khai thác khoáng sản ở các xã Phong Hải, Điền Hải, Điền Hòa (huyện Phong Điền) và mỏ ở xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) được cơ quan chức năng cấp cho Công ty CP Khoáng sản Thừa Thiên-Huế hết hạn từ tháng 4/2014.

Công ty CP Khoáng sản Thừa Thiên-Huế hoàn thổ mặt bằng sau khai khoáng.

Nhưng phải nhiều năm sau, công ty này mới tiến hành các thủ tục đóng cửa mỏ đối với những mỏ khoáng sản trên, vi phạm quy định của Luật Khoáng sản. Đặc biệt, trong công tác phục hồi môi trường sau khi khai thác, đóng cửa mỏ, công ty này đã trồng nhiều diện tích cây keo lá liềm với chiều cao khoảng 0,7m đến 1m. Tuy nhiên, hiện một số diện tích trồng cây keo đã chết nhưng chưa được trồng dặm lại, một số vị trí đã hoàn trả mặt bằng nhưng chưa tiến hành trồng cây như cam kết hoàn thổ.

Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế còn chỉ rõ, Công ty CP Khoáng sản Thừa Thiên-Huế chưa kê khai, quyết toán thuế tài nguyên đối với sản lượng tồn kho 4.198 tấn quặng titan tổng hợp trong năm 2021, dẫn đến số thuế kê khai thiếu trong năm 2021 là hơn 2 tỷ đồng; chưa kê khai, quyết toán thuế tài nguyên đối với 1.675 tấn quặng titan tận thu tồn kho trong năm 2015.

Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành quyết định thu hồi số tiền hơn 2 tỷ đồng do Công ty CP Khoáng sản Thừa Thiên-Huế kê khai, nộp thiếu thuế tài nguyên đối với quặng titan tổng hợp trong năm 2021.

Hiện Công ty này đang thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục theo kết luận thanh tra, trong đó tiếp tục trồng dặm và trồng rừng sau khi hoàn thổ mặt bằng theo mùa vụ và trồng rừng vào mùa mưa năm 2023 tại các vị trí đã khai thác khoáng sản.

Một số doanh nghiệp khác ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng có nhiều vi phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản. Như mới đây, vào cuối tháng 6/2023, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long (gọi tắt Công ty Việt Long, trụ sở đóng tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) về việc yêu cầu doanh nghiệp này khẩn trương lập đề án đóng cửa mỏ đối với khu vực khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực đồi Kiền Kiền, xã Phong Thu, huyện Phong Điền.

Đồng thời yêu cầu lập báo cáo tình hình thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường đến thời điểm đóng cửa mỏ.

Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Công ty Việt Long được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ đất khu vực đồi Kiền Kiền vào ngày 3/3/2015 với thời hạn 5 năm để làm vật liệu san lấp.

Sau khi giấy phép khai thác mỏ đất hết hạn, ngày 6/3/2020, Sở TN&MT đã có công văn đề nghị Công ty Việt Long thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường.

Do sai phạm trong việc đóng cửa mỏ, khai thác khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường nên vào tháng 7/2021, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Việt Long tổng số tiền 575 triệu đồng, đồng thời buộc nộp lại số tiền thu bất hợp pháp là 141,428 triệu đồng.

Dù đã bị xử phạt và các cơ quan chức năng nhiều lần có văn bản nhắc nhở nhưng đến nay, giấy phép khai thác mỏ đất hết hạn kéo dài hơn 3 năm nhưng Công ty Việt Long vẫn chưa lập hồ sơ đóng cửa mỏ, chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực mỏ khai thác khoáng sản.

Trong khi đó, Công ty TNHH Xây dựng Bảo Thái (có trụ sở đóng ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) được cơ quan chức năng cấp mỏ khai thác khoáng sản là đất làm vật liệu san lấp tại khu vực đồi Phường Hóp (xã Phong An, huyện Phong Điền).

Tuy nhiên quá 12 tháng trở lên kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực nhưng doanh nghiệp này không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định nên lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ký quyết định xử phạt doanh nghiệp 130 triệu đồng và yêu cầu thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đóng cửa mỏ.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 66 mỏ khoáng sản được cấp phép hoạt động khai thác. Ngoài ra, có 7 khu vực đã được đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp đang hoàn thành hồ sơ để được cấp phép khai thác với tổng diện tích 137ha, tổng trữ lượng khai thác 28 triệu m3 được phân bố tại khu vực đồi Kiền Kiền, xã Phong Thu (huyện Phong Điền); khu vực thôn 4, xã Phú Sơn, khu vực đồi Trốc Voi 1, phường Thủy Phương và khu vực vùng đồi 1, phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy); khu vực 1 núi Mỏ Diều và khu vực núi Cảnh Dương, xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc).

Ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, qua công tác kiểm tra, ngoài các doanh nghiệp chấp hành đúng quy định pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản thì vẫn còn một số doanh nghiệp vi phạm ở lĩnh vực này.

Đối với các doanh nghiệp hết hạn cấp phép khai thác khoáng sản nhưng không thực hiện đóng cửa mỏ, ngoài xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ Điều 73 và Khoản 1, Điều 74 của Luật Khoáng sản năm 2010, Sở sẽ yêu cầu những đơn vị này khẩn trương lập đề án đóng cửa mỏ đối với khu vực khai thác khoáng sản với đầy đủ hồ sơ và báo cáo tình hình thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường đến thời điểm đóng cửa mỏ.

Qua công tác kiểm tra thực tế một số khu vực khoáng sản ở địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Quý Phương đã yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan liên quan rà soát lại các quy định pháp lý liên quan đến các khu vực khai thác khoáng sản để đánh giá cụ thể số liệu các khu vực mỏ khoáng sản nằm trong quy hoạch.

Đồng thời đề nghị các cơ quan chuyên môn, đơn vị, địa phương nêu cao trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Anh Khoa

Sau khi Đề án "Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030" được Ban thường vụ Tỉnh ủy thông qua, UBND thành phố Bắc Ninh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, hiện trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê có những chuyển biến theo hướng tích cực, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường nâng cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn đang trong quá trình thực hiện, cần sự quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng và sự chấp hành nghiêm túc của người dân.

Tuổi trẻ CAND và tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương đã thể hiện rõ nét tinh thần tiên phong, xung kích đi đầu không chỉ trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà còn để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay.

Dự án Nhà máy Sản xuất bánh kẹo, đồ dùng gia dụng Tân Tiến Phát tại Hà Tĩnh có tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng được chấp thuận chủ trương từ 7 năm trước nhưng đến nay vẫn án binh bất động. Trong khi đó, người dân có đất bị thu hồi “kêu trời” vì không có đất sản xuất, trong khi tiền đền bù chưa được chi trả.

Với chủ đề “Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng 2024”, Chương trình “Giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024” đã được Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại TP Nha Trang tối qua (17/10).

Có tới 49 mỏ đất, cát đã được khảo sát để phục vụ dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô, nhưng mỏ ở gần chưa thể khai thác, mỏ ở xa thì giá cao do phát sinh chi phí vận chuyển. Bởi nhiều lý do, cho đến thời điểm này, vấn đề vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô vẫn đang là những khó khăn cần tiếp tục được tháo gỡ.

Sau gần 1 tháng xét xử sơ thẩm, ngày 17/10, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm trong “đại án” Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Trong vụ án này, các bi cáo bị truy tố về các tội danh “Lừa đảo chiềm đoạt tài sản” “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố cả 3 tội danh trên.

Ngày 31/10/1974, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định được thành lập. Với vai trò nòng cốt bảo vệ ANTT, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, 50 năm qua, những thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định luôn chủ động phòng ngừa và tích cực đấu tranh trấn áp tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên thị trường trong nước và cả hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này cho thấy, vấn đề này vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

Ngày 17/10, nhiều du khách và người dân Đà Nẵng được tận mắt chứng kiến 5 chuyên cơ của hãng máy bay lừng danh thế giới Gulfstream tập kết tại sân bay Đà Nẵng. Đây là những chiếc máy bay thuộc hãng phi cơ sang trọng và đắt đỏ bậc nhất hành tinh, có hơn 60 năm thống trị ngành hàng không cao cấp với hơn 3.000 chuyên cơ phục vụ các tỷ phú đang được vận hành trên toàn thế giới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文