Bộ Công an đồng hành, hỗ trợ tỉnh Ninh Bình trong triển khai hiệu quả Đề án 06
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, Bộ Công an cam kết đồng hành, hỗ trợ giúp đỡ tỉnh Ninh Bình trong việc triển khai hiệu quả Đề án 06, trước mắt tập trung thực hiện 24 mô hình điểm về phát triển dịch vụ công trực tuyến, liên thông, chuyển đổi số.
Sáng 5/5, Đoàn Công tác Đề án 06 của Chính phủ do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ làm Trưởng Đoàn, đã có buổi làm việc tại tỉnh Ninh Bình về tình hình triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Tiếp và làm việc với Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh Ninh Bình.
Về phía Đoàn công tác Đề án 06 Chính phủ có Trung tướng Tô Ân Xô, Trợ lý đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - Người phát ngôn của Bộ Công an; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh Văn phòng Bộ Công an, cùng một số thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Sau khi nghe báo cáo của tỉnh Ninh Bình về triển khai thực hiện Đề án 06, chủ trì tham luận, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá cao những kết quả, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình trong việc thực hiện Đề án 06. Cụ thể, cùng với những Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình, Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh Ninh Bình đã thành lập Tổ công tác Đề án 06 ở các cấp; có 1679/1679 thôn, xóm, tổ cộng đồng về công nghệ được thành lập.
“Số liệu phản ánh trong báo cáo cho chúng ta thấy, công tác triển khai và trách nhiệm của lãnh đạo các cấp là cơ bản. Chúng ta có bộ khung hoạt động chắc chắn, triển khai đồng bộ các bước. Muốn để người dân, doanh nghiệp và xã hội dùng những dịch vụ, sản phẩm của Đề án 06 thì phải có cơ sở pháp lý, hạ tầng công nghệ đảm bảo, dữ liệu kết nối, chia sẻ thì người dân, doanh nghiệp mới có thể kết nối, sử dụng được”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Đồng chí Thứ trưởng cũng đánh giá, khi người dân kết nối, sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ không phải thực hiện những thủ tục hành chính mà lâu nay người dân, doanh nghiệp phải xếp hàng, dùng giấy tờ giấy. Thứ trưởng chỉ rõ, có 4 phần tồn tại, 2 đề xuất trong báo cáo của tỉnh Ninh Bình đều nằm trùng với nhiệm vụ, điều kiện chính quyền trang cấp cho người dân công cụ để thực hiện hiệu quả Đề án 06.
Định hướng những nội dung thảo luận, trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đi thẳng vào những tồn tại, hạn chế, nêu xuất các giải pháp thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá về thực trạng tình hình công nghệ, kho dữ liệu hiện nay của tỉnh Ninh Bình đang “ở đâu, mức nào” và cần những gì để đưa vào kho hồ sơ trên môi trường điện tử giúp các sở, ngành khai thác?”.
Đối với Sở Tư pháp, đồng chí Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 gợi mở cần tập trung rà soát, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật như thế nào, để chuyển từ giấy tờ giấy sang điện tử, trong đó có những khó khăn, vướng mắc, chịu trách nhiệm như thế nào, để từ đó nhận diện ra phương pháp tháo gỡ, giải quyết.
Đối với Công an tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu báo cáo công tác đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. “Công an tỉnh Ninh Bình có kiến nghị gì? Các ngành kết nối, xác thực được không, có chính xác không?”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đặt câu hỏi. Về nhiệm vụ của Sở Tài Nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị đại diện lãnh đạo sở tập trung đánh giá sâu về biến động đất đai, nhà đất, thực hiện hướng dẫn của Bộ Tài Nguyên và Môi trường như thế nào?
Trước báo cáo của lãnh đạo Sở Tư pháp, đồng chí Thứ trưởng tiếp tục đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Tư pháp Ninh Bình, số hóa dữ liệu hộ tịch triển khai như thế nào? Việc đồng bộ dữ liệu tư pháp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai ra sao và hiện tỷ lệ đó được bao nhiêu %? Những văn bản quy phạm pháp luật đã được thay đổi như thế nào nhằm giúp người dân, cán bộ cơ sở thuận lợi khi chuyển từ môi trường thủ công sang công nghệ, và còn bao nhiêu văn bản chưa được rà soát, chỉnh sửa? Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu Sở Tư pháp phải rà soát ngay, xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các sở, ngành thực hiện.
Sau phần báo cáo của Đại tá Đặng Trọng Cường, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đặt câu hỏi, Công an tỉnh Ninh Bình phát huy vai trò thường trực của Tổ công tác 3 cấp như thế nào để đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”? Với kết quả các lãnh đạo sở, ngành vừa nêu, Công an tỉnh Ninh Bình đã có những đánh giá về nguy cơ cũng như từ đó tham mưu, đề xuất với sở, ngành giải quyết như thế nào? Đối với báo cáo tham luận của Sở Tài Nguyên và Môi trường, Thứ trưởng đặt câu hỏi và nhận được phản hồi hiện vẫn chưa có xã nào được xây dựng làm hình mẫu, điểm trong thực hiện Đề án 06. Biến động về dữ liệu tài nguyên, đất đai, môi trường hiện vẫn chưa có quy trình để “nuôi sống” dữ liệu.
Đề cập đến vấn đề tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị và gợi mở giúp Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành cần xây dựng, bố trí phương án, kế hoạch cụ thể trong đầu tư, trang cấp các thiết bị phục vụ Đề án 06. Việc đầu tư ban đầu là bao nhiêu để hệ thống có thể “chạy được” trên tổng mức đầu tư công.
Trực tiếp giải đáp, tháo gỡ, hướng dẫn các sở, ngành của tỉnh Ninh Bình thực hiện hiệu quả Đề án 06, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc giao các thành viên, chuyên gia của Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ phân tích, đánh giá những phần việc, nhiệm vụ cấp bách cấp sở, ngành cần phải thực hiện; giới thiệu triển khai ứng dụng những mô hình, cách làm hay, sáng tạo hỗ trợ tỉnh Ninh Bình trong thực hiện hiệu quả Đề án 06, chuyển đổi số.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, thành viên đoàn công tác đã đánh giá kết quả thực hiện Đề án 06 của tỉnh Ninh Bình, đặc biệt biểu dương những kết quả, thành tích tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong quá trình thực hiện đề án.
Khái quát lại quá trình triển khai những dự án liên quan đến thu thập, sản xuất, cấp CCCD, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06 của Chính phủ được Chính phủ giao Bộ Công an thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá cao với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và chính quyền các cấp của tỉnh Ninh Bình đối với lực lượng Công an tỉnh khi triển khai các dự án, nhiệm vụ trên. “Bộ Công an trân trọng những đóng góp của lãnh đạo, chính quyền các cấp đối với những dự án được Bộ Công an triển khai, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá.
Điểm lại những dấu mốc đặc biệt quan trọng liên quan đến việc xây dựng, tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện Luật Cư trú, bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, lực lượng Công an các địa phương trong đó có Công an tỉnh Ninh Bình dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND các cấp đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ này.
Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06 đối với sự phát triển văn minh của xã hội, đồng thời nhắc lại những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tại các hội nghị tổng kết Đề án 06 được tổ chức gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá: Với quyết tâm chính trị lớn, những tiện ích của Đề án 06 đã nêu, nhiệm vụ chúng ta đang triển khai cũng là những phần việc mà các nước trên thế giới chuyển động, thực hiện. Dù đi sau nhiều nước trên thế giới về chuyển đổi số, song chúng ta đã đáp ứng được những nguyên tắc hết sức cơ bản, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; tận dụng, tích lũy kinh nghiệm, phát huy những giá trị của thế giới, áp dụng sáng tạo, khoa học vào Việt Nam, nhiều kết quả chúng ta đạt được đã vượt so với những nước tiên tiến trên thế giới.
Đối với tỉnh Ninh Bình hiện đứng thứ 6 trong cải cách thủ tục hành chính trên cả nước; đứng thứ 32 trong đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, theo đồng chí Thứ trưởng, những kết quả của Ninh Bình đạt được trên là rất đáng ghi nhận và có thể nâng mức thứ hạng này bằng Đề án 06
Đồng tình với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh Ninh Bình trong thực hiện Đề án 06 thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ, nếu không có những bước đi đột phá, căn cơ, kiên trì thì sẽ vất vả trên hành trình đến đích. Đồng chí Thứ trưởng đề nghị, tỉnh Ninh Bình cần phải rà soát lại những kế hoạch, phần việc phải hoàn thành theo lộ trình cụ thể đã đặt ra trong Đề án.
Lấy ví dụ về những dịch vụ công liên thông trực tuyến, khai sinh, khai tử, đăng ký trực tuyến thi đại học, ngân hàng, bảo hiểm, y tế…đang được triển khai hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc hướng dẫn các sở, ngành của tỉnh Ninh Bình biện pháp phát triển trên nền tảng số. “Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ và kỳ vọng ở các bộ, ngành, địa phương. Chúng ta phải rà lại theo Đề án 06, Chỉ thị 05 đã đặt ra từ đó áp những nhiệm vụ, phần việc của tỉnh trong cả lộ trình thực hiện Đề án để thực hiện hiệu quả”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ.
Với nền tảng hạ tầng công nghệ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lấy hình ảnh ẩn dụ về ngôi nhà và đề nghị phải “xây dựng và bảo vệ nền tảng dữ liệu như bảo vệ ngôi nhà chúng ta đang ở”. Muốn ngôi nhà công nghệ, chuyển đổi số hiện đại thì phải có dữ liệu bên cạnh hạ tầng được đầu tư phát triển, chia sẻ, kết nối với người dân, doanh nghiệp và muốn thực hiện được cần hoàn thiện cơ sở pháp lý. Nhiệm vụ này thuộc về trách nhiệm của các bộ, sở, ngành, địa phương.
Về câu chuyện nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, Đề án 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, việc này giải quyết không khó, đồng thời gợi mở những tầng, nấc bố trí, phân định rõ nhiệm vụ của từng cấp, từng bộ phận, hỗ trợ tỉnh Ninh Bình thực hiện, giải quyết bài toán trên.
Thông tin về những kết quả cũng như việc Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý các sở, ngành, địa phương của tỉnh Ninh Bình trong quá trình triển khai cần thực hiện hiệu quả trên tinh thần “đồng bộ, hiện đại, bảo mật cao, chống lãng phí”.
“Những thông báo, nhiệm vụ của Đề án 06 là không thể lùi được. Nơi nào không thực hiện được hoặc triển khai thiếu hiệu quả thì nơi đó phải xin lỗi người dân, bởi người dân, xã hội có quyền đòi hỏi và được thụ hưởng các tiện ích của Đề án 06 mang lại”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định và phân tích sâu 3 lợi ích rất lớn của xã hội khi thực hiện Đề án 06, đó là tạo văn minh xã hội; đem lại lợi ích phục vụ kinh tế - xã hội; phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm.
Lấy ví dụ trên lĩnh vực du lịch, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc gợi mở khi tỉnh Ninh Bình phân tích dữ liệu về khách du lịch, biến động dân cư, sẽ xây dựng được kế hoạch, phương án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đưa tỉnh Ninh Bình trở thành những địa phương đứng đầu về chỉ số cạnh tranh, sự hài lòng của du khách, người dân, doanh nghiệp…
Đồng chí Thứ trưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Công an tỉnh Ninh Bình, đó là rà lại những kết luận của đồng chí Bộ trưởng, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, trong đó phát huy nổi bật vai trò của Công an các cấp thực hiện đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”; trong tháng 5 phải hoàn thành, cấp tối đa định danh mức độ 2 để nhân dân ứng dụng VNEID, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; dựng lên sơ đồ hướng dẫn người dân thực hiện; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò thường trực của Công an 3 cấp trong tổ đề án 06, tham mưu hiệu quả, kịp thời những nhiệm vụ trên cơ sở nhìn nhận rõ nguy cơ, trách nhiệm, phần việc phải thực hiện của từng ngành, từng bộ phận; tạo lập nên công cụ, điều kiện để người dân thực hiện Đề án 06.
Mỗi cấp xã, thôn thành lập những điểm thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Những tổ cộng đồng trực tiếp hướng dẫn, vận hành được dịch vụ công ở các điểm dịch vụ công này. Việc nhận diện, quy trình, kiểm tra và thực hiện trên lĩnh vực này phải được nâng cao hơn, hỗ trợ tối đa phục vụ nhân dân.
“Với trách nhiệm của tổ công tác Đề án 06, Bộ Công an, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ cam kết với tỉnh Ninh Bình sẽ đầu tư, song hành, hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Ninh Bình thực hiện hiệu quả Đề án 06, chuyển đổi số, trước mắt tập trung triển khai 24 mô hình hoạt động phát triển dịch vụ công liên thông trực tuyến, chuyển đổi số”- đồng chí Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục đầu tư trụ sở Công an cấp xã cũng như hạ tầng, quản lý, điều trị người nghiện, công tác cai nghiện tại cộng đồng, các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Lực lượng Công an cũng tập trung giải quyết đầu “cung”, đó là những ổ nhóm, đường dây tội phạm ma túy…
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và các thành viên của đoàn công tác Đề án 06 Chính phủ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đánh giá cao những gợi ý, mô hình, cách làm được Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và các thành viên của đoàn công tác gợi mở, định hướng, đặc biệt là sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Công an, Tổ công tác Đề án 06 dành cho tỉnh Ninh Bình trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cũng khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ đặt ra trong lộ trình thực hiện đề án; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết hiệu quả phần việc, nhiệm vụ nhất là giải quyết những nguy cơ chậm, muộn có thể xảy ra trong quá trình thực hiện đề án, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của địa phương; khẳng định và cam kết tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ đối với lực lượng Công an xã, công tác quản lý người nghiện, cai nghiện…