Bộ Công an và Ban Dân vận TW ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026

12:07 14/04/2022

Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, “Dân vận khéo” thì việc gì cũng thành công, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận, lực lượng CAND luôn xác định công tác dân vận là công tác cơ bản, chiến lược.

"Chất lượng công tác dân vận đóng vai trò quan trọng, quyết định đến công tác bảo đảm ANTT, nhất là trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước của dân, do dân và vì Nhân dân phục vụ" - Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình số 38 giữa Ban Dân vận Trung ương và Bộ Công an về phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2016-2021 và Ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2022- 2026 tổ chức sáng 14/4, tại Hà Nội.

Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị về phía Ban Dân vận Trung ương có các đồng chí: Phạm Tất Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Về phía Bộ Công an có Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an; đại diện các cục chức năng Bộ Công an và Công an TP Hà Nội.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Năm 2016, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Ban Dân vận Trung ương đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2016 - 2021 với Bộ Công an.

Việc ký kết và thực hiện Chương trình phối hợp số 38 về công tác dân vận với Bộ Công an được coi là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đưa nội dung nghị quyết Đại hội Đảng về công tác dân vận của hệ thống chính trị đi vào cuộc sống một cách thực chất và hiệu quả hơn.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Trung ương và Bộ Công an về công tác dân vận đã đạt nhiều kết quả toàn diện trên các nội dung đã ký kết, góp phần giữ vững an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH); tạo môi trường ổn định phục vụ phát triển của đất nước.

Nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, cơ quan hành chính Nhà nước và đội ngũ CBCS, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu về công tác dân vận đã có bước chuyển biến tích cực; công tác dân vận của lực lượng CAND có nhiều đổi mới, hiệu quả; góp phần giữ vững ANQG, đảm bảo TTATXH, xây dựng hình ảnh đẹp về Người CAND “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, “vì nước quên thân vì dân phục vụ”, nhất là qua hơn 2 năm phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại hội nghị.

Công tác phối hợp giữa Ban Dân vận và lực lượng Công an các cấp ngày càng chặt chẽ, nội dung triển khai thiết thực, cụ thể; qua đó đã góp phần nâng cao trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong lực lượng CAND; từng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ Nhân dân; động viên Nhân dân tích cực tham gia sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. 

Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, ANTT, an toàn xã hội của đất nước trong những năm qua.

Hội nghị đã nghe các đại biểu đại diện các đơn vị chức năng của Ban Dân vận Trung ương và đại diện các Cục chức năng Bộ Công an, Công an TP Hà Nội phát biểu tham luận góp phần bổ sung nhằm làm sâu sắc, toàn diện hơn những kết quả chương trình phối hợp giữa lực lượng CAND và Ban Dân vận các cấp đã đạt được thời gian qua; đồng thời kiến nghị bổ sung một số biện pháp để tiếp tục triển khai tốt hơn chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Ban Dân vận Trung ương trong công tác dân vận thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng điều hành tham luận.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng được thể hiện rất rõ trong quá trình lãnh đạo cách mạng của dân tộc.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định:  “Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”, “Dân vận khéo” thì việc gì cũng thành công, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận, lực lượng CAND luôn xác định công tác dân vận là công tác cơ bản, chiến lược, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, làm nền tảng cho việc triển khai các biện pháp công tác Công an.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Bộ Công an đã phối hợp rất chặt chẽ, thường xuyên với Ban Dân vận Trung ương trong công tác chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phối hợp công tác dân vận.

Đặc biệt là Chương trình phối hợp số 38 giai đoạn 2016 – 2021. Những kết quả sau 5 năm thực hiện đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận của lực lượng CAND và Ban Dân vận các cấp trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.

 Bộ trưởng Tô Lâm, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026.

Điểm lại những kết quả nổi bật đã đạt được qua 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 38 giai đoạn 2016 – 2021 giữa Ban Dân vận Trung ương và Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, chất lượng công tác dân vận đóng vai trò quan trọng, quyết định đến công tác bảo đảm ANTT, nhất là trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước của dân, do dân và vì nhân dân phục vụ.

Từ kết quả hoạt động thực tiễn những năm qua cho thấy, Chương trình phối hợp số 38 là một chủ trương đúng đắn, phù hợp, góp phần thực hiện tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Trung ương và Bộ Công an về công tác dân vận trong thời gian tiếp theo, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị lực lượng CAND và Ban Dân vận các cấp cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận.

Xây dựng Kế hoạch triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2022 - 2026 và tham mưu các tỉnh ủy, thành ủy có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, thực hiện các nội dung Chương trình phối hợp từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân; góp phần xây dựng, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” và “nền an ninh nhân dân”, “thế trận an ninh nhân dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Toàn cảnh hội nghị. 

Tăng cường phối hợp tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, những thông tin và luận điệu xuyên tạc, âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, các đối tượng phản động chống đối, cơ hội chính trị; đấu tranh phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Phối hợp vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tổ chức các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc” tạo điểm nhấn, có sức lan tỏa trong toàn xã hội. Triển khai, thực hiện tốt các dự án, kế hoạch, chương trình, hoạt động an sinh, xã hội, từ thiện, xóa đói, giảm nghèo bền vững, đem lại hiệu quả về kinh tế, văn hóa, xã hội, ANTT cho Nhân dân.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị Ban Dân vận và lực lượng CAND các cấp tiếp tục phối hợp ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực hiện công tác dân vận; củng cố vững chắc hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng và phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và các tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT.

Bên cạnh đó, chú trọng củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng CAND và Ban Dân vận các cấp; phối hợp nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, hoàn thiện hệ thống lý luận chính trị về công tác dân vận. Thường xuyên phối hợp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng công tác dân vận cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ CAND và Ban Dân vận các cấp; đặc biệt là lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở và cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức sắp xếp, kiện toàn bộ máy của các cơ quan, đơn vị theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Lực lượng CAND triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm và Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đã ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026.

Tâm Phạm - Hoàng Phong

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文