Công an các đơn vị, địa phương phía Nam cam kết giải ngân hết số vốn đầu tư được giao trong năm 2024
Chiều 7/3 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị giao ban thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2024. Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo một số cục nghiệp vụ cùng lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương khu vực phía Nam…
Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cho rằng, trong điều kiện vốn đầu tư còn hạn hẹp, việc hoàn thành mục tiêu, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư sẽ góp phần tăng cường trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an cả nước. Do đó, trong năm 2023, Bộ Công an đã triển khai 7 hội nghị giao ban nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư.
Đồng chí Thứ trưởng cho biết, đã sắp hết quý 1, nhưng Công an các đơn vị, địa phương khu vực phía Nam mới đạt tỷ lệ vốn giải ngân ở mức khá thấp, có những địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí nhiều địa phương chưa giải ngân được đồng vốn nào. Do đó, Công an các đơn vị, địa phương phải tập trung phân tích, nêu ra các khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân vốn đầu tư, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai; Công an các đơn vị, địa phương cam kết như thế nào về mục tiêu giải ngân vốn đầu tư đã được giao… Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cũng lưu ý, không vì cam kết giải ngân vốn đầu tư với Bộ Công an mà thực hiện thiếu chặt chẽ về mặt thủ tục pháp lý trong đầu tư và giải ngân vốn đầu tư.
Lãnh đạo Cục Kế hoạch và Tài chính, Bộ Công an cho biết, tổng vốn đầu tư Bộ Công an được giao năm 2023 là 11.577 tỷ đồng, trong đó đã thanh toán, giải ngân được 10.486 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 92,98%. Theo đánh giá của Cục Kế hoạch và Tài chính, khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới và thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành đối với các dự án chuyển tiếp còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Người đứng đầu ở một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; chưa coi trọng nhiệm vụ công tác giải ngân. Trong khi đó, một số chủ đầu tư, nhà thầu còn hạn chế về năng lực, công tác chuẩn bị dự án chưa kỹ đã làm chậm tiến độ dự án. Đơn vị chức năng còn chậm thẩm định dự án và chưa kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Công an các đơn vị, địa phương.
Năm 2024, Bộ Công an được giao tổng số vốn 9.458 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ cho các đơn vị là 8.082,9 tỷ đồng. Số vốn còn lại đang chờ điều chỉnh kế hoạch trung hạn 2021-2025 và hoàn chỉnh thủ tục đầu tư. Tính cả số vốn kế hoạch 2023 đang đề xuất chuyển sang, tổng số vốn toàn ngành cần giải ngân trong năm 2024 là 10.243 tỷ đồng. Đến ngày 6/3 vừa qua, các dự án chuyển tiếp mới giải ngân đạt tỷ lệ 2,16% so với kế hoạch vốn đã phân bổ và đạt 1,8% so với kế hoạch.
Trong khi đó, theo Kế hoạch ngày 26/12/2023 về việc thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCA ngày 21/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an, đến ngày 31/3 năm nay, các dự án chuyển tiếp phải giải ngân đạt ít nhất 20% vốn được giao. Riêng với các đơn vị, địa phương ở khu vực phía Nam, tính cả số vốn kế hoạch 2023 đang đề xuất kéo dài, thì tổng số vốn phải giải ngân trong năm 2024 là hơn 955 tỷ đồng. Nhưng đến ngày 6/3 vừa qua, tỷ lệ giải ngân mới đạt 5,47%, đây là con số khá thấp so với mục tiêu đề ra.
Để khắc phục, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư năm 2024, Cục Kế hoạch và Tài chính đề nghị các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các đơn vị, địa phương cần chủ động rà soát, khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục và điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai thực hiện, giải ngân vốn ngay từ những tháng đầu của năm. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường để chấn chỉnh các tồn tại, bất cập, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Lãnh đạo Cục Kế hoạch và Tài chính lưu ý Công an các đơn vị, địa phương lựa chọn nhà thầu đủ năng lực kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm nhằm triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng dự án, công trình. Yêu cầu nhà thầu ký cam kết về tiến độ thực hiện dự án theo từng tháng, quý; có phương án đảm bảo nguồn lực để tổ chức thi công trong các ngày lễ, tết, nhất là đối với các dự án trọng điểm. Đối với dự án được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, các đơn vị địa phương cần nhận thức, xác định công tác chuẩn bị đầu tư là nhiệm vụ quan trọng, điều kiện căn bản quyết định tính khả thi, hiệu quả của dự án.
Điều hành phần thảo luận tại hội nghị, đồng chí Thứ trưởng đã đề nghị các đơn vị chậm giải ngân hoặc chưa giải ngân vốn đầu tư phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công đối với từng công trình, dự án. Đại diện một số đơn vị, địa phương cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an. Trước các kiến nghị, đề xuất này, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đã đề nghị lãnh đạo cục nghiệp vụ giải thích rõ.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Thứ trưởng đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn và cam kết của lãnh đạo các đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Văn Tuyến, cần tránh tình trạng cam kết nhưng cuối năm không thực hiện được. Cho rằng chuyên môn về đầu tư dự án rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong khi năng lực trình độ của cán bộ phụ trách dự án có hạn, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đánh giá đây cũng là một trong những khó khăn đối với việc triển khai dự án. Việc phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Bộ với đơn vị, địa phương nhiều khi còn chưa tốt.
Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đề nghị các cục nghiệp vụ cần trao đổi, hướng dẫn đơn vị, địa phương ngay khi nhận hồ sơ. Những đơn vị không thể triển khai, phải rà soát, báo cáo ngay để Bộ điều chỉnh. Ngoài ra, các chủ đầu tư cần giao ban hàng tuần để đánh giá về công tác giải ngân vốn đầu tư. Đối với dự án chuyển tiếp, cần khẩn trương đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai. Với các dự án khởi công mới, cần khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu và khởi công chậm nhất trong quý 2 năm nay.
Đồng chí Thứ trưởng đề nghị các cục nghiệp vụ phải duy trì việc xếp hạng giải ngân hàng tháng; rà soát lại quy trình, thủ tục trong công tác thẩm định hồ sơ, rút ngắn thời gian thẩm định, phân cấp, phân công trách nhiệm cán bộ phụ trách, tránh tình trạng không rõ trách nhiệm giải quyết hồ sơ. Ngoài ra, cần tập hợp lại đề xuất của Công an các đơn vị, địa phương và phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong việc đôn đốc các đơn vị, địa phương trong thẩm định, phê duyệt quyết toán. Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đề nghị, các đơn vị phải quyết liệt với nhiệm vụ của mình để việc giải ngân vốn đầu tư đạt mục tiêu, kế hoạch của Bộ và cam kết của từng đơn vị, địa phương.