Công tác đấu tranh chống gián điệp, phản động, thiết lập thế trận an ninh liên hoàn trong và ngoài nước
Công tác đấu tranh chống gián điệp, phản động đã góp phần quan trọng xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc trên các địa bàn; thiết lập thế trận an ninh liên hoàn trong và ngoài nước.
Ngày 22/11, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đấu tranh chống gián điệp góp phần phục vụ thắng lợi đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam và Hội nghị Tổng kết công tác đấu tranh chống phản động thời kỳ đổi mới (giai đoạn từ năm 1986 đến nay). Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ và hơn 300 lãnh đạo cốt cán Công an các đơn vị, địa phương…
Tại các Hội nghị, đại diện các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương đã đi sâu thảo luận, phân tích, đánh giá, làm rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân thông qua Cơ quan đặc biệt nước ngoài, các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước.
Các đại biểu cũng thống nhất đánh giá, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, dịch bệnh ngày càng gia tăng, công tác đấu tranh chống gián điệp, phản động đang đứng trước những thách thức mới. Tổng kết công tác đấu tranh chống gián điệp, phản động là hết sức quan trọng, cấp bách nhằm nhận diện đầy đủ, toàn diện âm mưu, phương thức hoạt động chống phá của các loại đối tượng gián điệp, phản động.
Đồng thời, nhận thức rõ những thành tựu, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm làm cơ sở đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia; thống nhất biện pháp, chủ trương, đối sách đấu tranh chống gián điệp, phản động trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030, năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.