Hoàn thiện pháp luật trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự
Chiều 29/8, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Phiên họp lần thứ nhất của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban soạn thảo 2 dự án luật chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập 2 dự án luật, đại diện các bộ, ngành, một số đơn vị trong CAND.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm đã nêu một số vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm khẳng định, việc xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là cần thiết và là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công an trong năm 2024. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập phát huy trí tuệ, trách nhiệm, làm việc thật khẩn trương, nghiêm túc để hoàn thành tốt các mục tiêu, nội dung đã đề ra.
Tại phiên họp, Thượng tá Ngô Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp báo cáo về những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú và Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú gồm 13 chương, 92 điều (tăng 19 điều so với Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam), trong đó sửa đổi, bổ sung nội dung 53 điều, xây dựng mới 21 điều, bỏ 2 điều; điều chỉnh về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú; chế độ quản lý giam giữ; chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; thi hành quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú; khiếu nại tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú. Dự thảo luật sẽ sửa đổi cơ bản các quy định trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam hiện hành nhằm giải quyết những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong công tác thi hành án tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) gồm 17 chương, 224 điều, quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.
Tại phiên họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tham gia ý kiến về dự thảo Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập và dự thảo Kế hoạch xây dựng các dự án luật. Đại diện các bộ, ngành, thành viên Tổ biên tập, Ban soạn thảo đều thể hiện sự ủng hộ Bộ Công an xây dựng hai dự án luật này; đồng thời, cho ý kiến về các quan điểm, định hướng sửa đổi một số quy định của Luật Thi hành án hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam còn vướng mắc, bất cập và chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành; việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ-thông tin; việc giám sát đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng; việc thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm yêu cầu cơ quan thường trực giúp việc Ban soạn thảo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo văn bản. Riêng đối với dự thảo Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập và dự thảo Kế hoạch xây dựng các dự án luật, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm đề nghị các đơn vị tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện ngay dự thảo văn bản trình Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo duyệt, ký ban hành và gửi đến thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập để triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm cũng đề nghị các thành viên Ban soạn thảo thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Ban soạn thảo, tạo điều kiện và chỉ đạo thành viên Tổ biên tập thuộc cơ quan, đơn vị mình thực hiện nhiệm vụ của Tổ biên tập, đặc biệt là tạo điều kiện về thời gian để các thành viên có điều kiện tham gia các hoạt động của Tổ biên tập. Tổ biên tập và thường trực Tổ biên tập phải chủ động, có kế hoạch cụ thể, có lộ trình phù hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự án Luật; làm việc mang tính thường trực, duy trì tốt mối quan hệ với các bộ, ngành và thành viên Ban soạn thảo, thành viên Tổ biên tập để việc xây dựng các dự án luật bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ đề ra.
Văn phòng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền về nội dung sửa đổi của các dự án luật nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân, cũng như tranh thủ ý kiến tham gia để hoàn thiện các dự án luật.