Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Minh Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an (17/12/1922 - 17/12/2022):

Hồi ức về Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến qua lời kể của phu nhân và con gái

07:27 16/12/2022

Chỉ còn ít ngày nữa là đến dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Minh Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), tôi đến thăm ngôi nhà của bà Lê Phương - phu nhân cố Thứ trưởng ở phố Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội và kính cẩn thắp hương tưởng nhớ đồng chí. Dù ở độ tuổi "xưa nay hiếm", sức khoẻ giảm sút nhưng bà vẫn còn minh mẫn hồi tưởng lại những câu chuyện về công việc, cuộc sống của ông như thuở ban đầu...

Cuốn hồi ký đặc biệt phát hành sau 28 năm

Trong căn phòng khách ấm cúng, được bày biện hài hoà với hình chân dung cố Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến, ảnh gia đình, công việc của đồng chí lúc đương thời..., bà Lê Phương và chị Nguyễn Thị Thục, người con gái cả lần giở những cuốn album chứa chan kỷ niệm và kể cho tôi nghe về ông.

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến tên thật là Nguyễn Công Trân, sinh ngày 17/12/1922, tại Phúc Xá, thôn Trung Hà, xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Khi tham gia kháng chiến, ông lấy tên là Nguyễn Minh Tiến và bí danh này được sử dụng lâu dài cho đến khi nghỉ hưu.

Cố Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến.

Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha là công nhân Nhà máy hỏa xa Gia Lâm, mẹ làm nghề trồng dâu nuôi tằm ở bãi giữa sông Hồng. Năm 1939, ông đỗ tú tài trường Bưởi, rồi vào Đại học Đông Dương, Ban Khoa học tự nhiên. Ông là một trong những người đầu tiên tham gia phong trào thanh niên phản đế ở Phúc Xá, Gia Lâm, Hà Nội và làm công tác vận động thanh niên, học sinh trong phong trào phản đế.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia Ủy ban giải phóng dân tộc Phúc Xá rồi làm Bí thư Việt Minh khu Phúc Xá, kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ, sau là Ủy ban kháng chiến - hành chính Đặc khu Phúc Xá, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc Liên khu I, Hà Nội. Đầu năm 1947, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến quận 4, Hà Nội. Từ đó, ông liên tục tham gia cách mạng, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trên nhiều cương vị lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội và ngành Công an cho tới lúc nghỉ hưu...

Con gái ông, Đại tá Nguyễn Thị Thục, nguyên là cán bộ Cục Bảo vệ an ninh kinh tế, nay là Cục An ninh kinh tế cho biết, hoạt động của ông chủ yếu trên hai lĩnh vực: Trinh sát kỹ thuật nghiệp vụ và đại diện về đối ngoại của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn.

 "Bố là người truyền cảm hứng và truyền lại cho tôi những kiến thức về nghiệp vụ rất nhiều, ông kể về những vụ án từ trước những năm 1960 ở Gia Lâm, hay những thành tựu nổi bật của lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ, như "Căn cước rồng xanh" để giúp lực lượng biệt động thâm nhập vào Sài Gòn, sản xuất những loại phương tiện, vũ khí phục vụ cho biệt động, an ninh miền Nam...", chị chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến (ngoài cùng bên trái) cùng các đại biểu đón đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thăm công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời gian từ năm 1960 đến 1972, với chủ trương của Bộ trưởng là phát triển lực lượng trinh sát kỹ thuật thì ông đã thực hiện rất thành công chủ trương này, từ việc xây dựng mô hình đến việc phát triển nhân lực, lựa chọn mua sắm phương tiện kỹ thuật. Lực lượng trinh sát kỹ thuật nghiệp vụ đã đóng góp nhiều thành tích quan trọng đối với các hoạt động phản gián, chống biệt kích xâm nhập và nhất là nắm được kế hoạch của Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, đánh bom B52 Hà Nội.

Kể về quãng đời suốt từ năm 1952 đến năm 1991 ông chỉ toàn tâm toàn ý với ngành Công an, Đại tá Nguyễn Thị Thục cho biết, ông là một trong những người xây dựng nên toàn bộ hệ thống kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ Công an, đồng thời có quá trình 26 năm tham gia hoạt động đối ngoại. "Đặc biệt, ông là một trong những người từng trực tiếp tham gia "phục vụ phái đoàn Chính phủ ta đi dự Hội nghị Genève" và góp phần vào thành công của Hội nghị", chị nói và đưa tôi xem cuốn hồi ký "Hội nghị Genève về Đông Dương năm 1954 - Góc nhìn của người trong cuộc" do cố Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến viết từ năm 1994 nhưng chưa kịp xuất bản thì ông đã ra đi trên giường bệnh (năm 1998).

Tháng 10/2022 vừa qua, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp gia đình xuất bản cuốn hồi ký để hướng tới kỷ niệm 70 năm Hội nghị Genève (1954-2024), ghi nhận, tôn vinh công lao và sự đóng góp to lớn của thế hệ ngoại giao cha anh đã làm nên những thắng lợi đi vào sử sách dân tộc và giành được sự ngưỡng mộ của bạn bè khắp năm châu. Cuốn hồi ký tái hiện bối cảnh lịch sử, diễn biến của Hội nghị Genève, tổng kết những bài học làm giàu thêm truyền thống ngoại giao của dân tộc, ôn lại lịch sử khó khăn, thuận lợi khi đất nước bước vào Hội nghị này, đồng thời giúp các thế hệ cán bộ đối ngoại tham khảo, có thêm kiến thức, bản lĩnh và kinh nghiệm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

Tháng 8/1952, tại Tuyên Quang, đồng chí Trần Quốc Hoàn, lúc này là Ủy viên Trung ương Đảng được Trung ương cử sang làm Giám đốc Nha Công an Trung ương thay đồng chí Lê Giản.

Đầu năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141 đổi tên Nha Công an Việt Nam thành Thứ bộ Công an; đồng thời, cử đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ chức Thứ trưởng Thứ bộ Công an. Tiếp đó, tháng 8/1953, Hội đồng Chính phủ ra quyết định đổi Thứ bộ Công an thành Bộ Công an thì đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến (thứ hai từ phải qua) cùng Đoàn công tác làm việc tại Cộng hoà Dân chủ Đức.

"Tháng 3/1954, nhận nhiệm vụ của Trung ương, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chỉ đạo cha tôi lên đường dự Hội nghị Genève. Ông đi đường bộ sang Trung Quốc để đi tàu sang Moskova, rồi bay sang Genève. Đoàn bảo vệ có hai người thì ông Lê Hữu Qua bảo vệ tiếp cận cho đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng, còn cha tôi bảo vệ chung và làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn ", Đại tá Nguyễn Thị Thục kể.

Một điểm đặc biệt khác là đồng chí Thứ trưởng rất đam mê nghiên cứu, đọc nhiều sách. Sinh thời, ông mở ra thư viện gia đình, thời điểm cao nhất có 5.000 đầu sách. Mối quan tâm về mặt tri thức của ông rất phong phú, đủ thể loại từ chính trị, khoa học, xã hội, lịch sử... Đọc và nghiên cứu nhiều tạo cho ông khả năng bao quát, tổng hợp tốt.  Phải chăng, đó cũng là lý do mà ông vinh dự được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chọn làm Thư ký, cho đến lúc làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, vẫn nhiều lần ông được Bộ trưởng gọi về tham vấn ý kiến.

"Ông là cán bộ mẫn cán với công việc. Đôi khi chúng tôi nghĩ, Bộ Công an mới thực sự là gia đình của ông, được ông dành toàn tâm, toàn ý, còn chúng tôi là gia đình nhỏ bên cạnh gia đình lớn ấy", cựu cán bộ Cục An ninh kinh tế chia sẻ. Ngoài hoạt động nghiệp vụ, ông cũng lãnh đạo các đơn vị phụ trách tham gia nhiều nhiệm vụ ý nghĩa khác, đơn cử như năm 1971 chỉ đạo Cục Kỹ thuật nghiệp vụ đi chống lụt ở vùng Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh... Đối với cấp dưới, ông đối xử như ruột thịt, quý mến, thăm hỏi anh em như người trong nhà. Do đó, ông cũng thu hút được nhiều tinh hoa nhân sỹ, trí thức trở thành cán bộ nòng cốt tham gia, cống hiến trong ngành.

Cuộc hôn nhân do Bộ trưởng "se duyên"

Lật giờ từng trang cuốn album ảnh gia đình với hàng chục bức ảnh đen trắng từ khi Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến còn trẻ, trong những chuyến công tác Đông Âu, hay hình chụp ngày cưới, những hoạt động công tác sau này, bà Lê Phương rơm rớm xúc động khi bao nhiêu kỷ niệm về ông lại ùa về: "Khoảng năm 1946, khi tôi 18 tuổi, thoát ly gia đình đi theo kháng chiến, được giao phụ trách công tác phụ nữ. Chiến tranh xảy ra, tôi phụ trách tất cả nữ dân quân quận 4, làm nhiệm vụ nấu cơm tiếp tế cho các mặt trận, cứu thương, băng bó cho cán bộ... Lúc này ông là Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính quận 4, Hà Nội, thường xuyên xuống thăm dân quân du kích Phúc Xá".

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an thăm hỏi gia đình cố Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 - 19/8/2022).

"Chúng tôi biết nhau nhưng nào đâu để ý gì, vì chiến tranh lúc bấy giờ ác liệt, không ai nghĩ chuyện riêng tư", bà Lê Phương lý giải. Khoảng năm 1952, khi đồng chí Trần Quốc Hoàn là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông được điều động làm Chánh Văn phòng BCH Đảng bộ Hà Nội, Thư ký cho đồng chí Bí thư Thành ủy thì bà cũng được giao phụ trách phụ nữ quận ngoại thành.

"Một hôm, buổi chiều đồng chí Trần Quốc Hoàn gọi tôi lên báo cáo, do chiều muộn mà viết chưa xong nên tôi được bố trí ở lại cơ quan để tiếp tục làm báo cáo, ở cùng một cán bộ nữ tên Hải Phương. Chúng tôi ở trong nhà sàn dài, buổi tối đèn dầu tù mù, chỉ thấy rõ đầu hồi bên này chị Hải Phương và tôi ngồi, đầu bên kia là ông Tiến đang đọc gì đó"..., bà nhớ lại.

"Hôm sau nộp báo cáo, đồng chí Trần Quốc Hoàn hỏi tôi, hôm qua anh Tiến có nói chuyện gì không? Tôi báo cáo, không. Đồng chí lại hỏi anh Tiến là tôi có nói chuyện gì không, anh ấy cũng trả lời là không nói gì. Rồi đồng chí bảo, hai anh chị biết nhau lâu rồi, mọi người cứ nghĩ, "khi nào kháng chiến thành công mới lập gia đình, nhưng chờ thế thì biết đến bao giờ, mà như Bác Hồ nói, trường kỳ kháng chiến mới giành thắng lợi. Như tôi này, có gia đình mọi việc vẫn ổn, có khi hai người động viên nhau công tác còn tốt hơn". Thế rồi lời "se duyên" của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã trở thành sự thật, ông bà cưới nhau ngay sau đó.

Phu nhân Lê Phương và con gái cả Nguyễn Thị Thục xem lại những bức ảnh kỷ niệm về cố Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến.

"Tôi còn nhớ mãi đó là ngày 5/7/1972, và tên thật của tôi Nguyễn Thị Sâm, chữ cái đầu là S giống số 5, tên ông Nguyễn Công Trân chữ cái đầu là T hao hao số 7, ông đã dựng phông lồng ngày 5/7 thành chữ S&T. Đám cưới tại đình Ngọc Trạo, Bái Re, Thanh Hoá, không có nến mà đốt bằng dầu có nhựa cây gì đấy cho sáng lên. Anh tiếp tế đi mua kẹo bột, mấy chị khéo tay làm bánh, đĩa bằng lá chuối, bát bằng ống bương, kê trên bàn dài ghép bằng ống bương như cái chõng...", bà Lê Phương kể lại kỷ niệm ngày cưới giản dị, đơn sơ với niềm xúc động trào dâng.

Đến bây giờ, bà vẫn ấn tượng với đời sống lành mạnh, giản dị của ông, chân thực với mọi người tận tụy với công việc. "Sinh hoạt giản dị đến mức,  những ngày đầu đi công tác nước ngoài ông toàn bắt tôi chuẩn bị cơm nắm mang đi, một lọ vừng rang, một lọ nước mắm chưng. Giờ giấc làm việc rất nghiêm túc, Tết nhất cũng như ngày thường, cứ 5h là thức dậy, đánh răng rửa mặt xong ăn sáng, làm việc. Ngày nghỉ, ông đọc báo, đọc bản tin, không bao giờ rời công việc", bà nói. Đi công tác, trong túi ông luôn có một quyển sổ con con, một cây bút, và có thể vì duy trì thói quen ghi chép hằng ngày như vậy nên khi nghỉ hưu năm 1991 ông đã viết hồi ký gần 100 trang chữ viết tay về Hội nghị Genève như vậy.

"Trong gia đình, ông luôn dạy con cháu, muốn làm việc gì từ bé đến lớn đều phải có kế hoạch, đặt ra đích đến và xây dựng kế hoạch cụ thể cho công việc. Khi xây dựng kế hoạch như thế là xây dựng được các "đường găng" - tức là làm sao để làm được việc đấy nhanh nhất. Ví dụ, đề ra kế hoạch 5 năm nhưng đồng thời tìm cách để hoàn thành nhanh nhất việc đó, giảm thiểu thời gian, công sức. Đây là điều không bao giờ cũ mà lớp trẻ bây giờ vẫn cần học tập ông. Thứ hai, ông yêu cầu con cái rèn luyện đạo đức, tư cách nghiêm túc...", Đại tá Nguyễn Thị Thục chia sẻ thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, với hơn 30 năm công tác trong lực lượng CAND, trong đó 15 năm làm Thứ trưởng Bộ Công an, đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến đã có nhiều cống hiến, đóng góp cho cách mạng nói chung và lực lượng CAND nói riêng. Đồng chí được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tin cậy giao cho trọng trách xây dựng lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ CAND, đồng thời là một trong những người đã đặt nền móng xây dựng lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ CAND, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, phát hiện, đấu tranh và phòng, chống các loại tội phạm. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Nhất, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, năm 2012, Bộ Công an đã trân trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước truy tặng cố Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Quỳnh Vinh

Công an TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn vừa phát hiện, bắt giữ đối tượng Đào Văn Chinh, SN 1988, trú tại Tổ 2, khối 9, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc để điều tra làm rõ về các hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

“Tôi đã được gặp rất nhiều người từng tiếp xúc và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện xúc động và những kỷ niệm đã nằm lòng về Người. Qua câu chuyện của họ, tôi thật sự ngưỡng mộ Bác Hồ. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo của riêng Việt Nam, ông còn là nhà lãnh đạo của những người bị nô lệ trên toàn thế giới”, nhà văn người Mỹ Lady Borton nói.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, khoảng đêm 18 và ngày 19/5, vùng hội tụ gió trên cao khả năng hoạt động mạnh trở lại. Và từ ngày 19-23/5, miền Bắc sẽ có mưa dông, có nơi mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ngày 17/5, ông Nguyễn Tân Hiếu, Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, trong đợt tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng mới đây của đơn vị, tại các tiểu khu 638S và 642 nằm trên địa bàn xã Hướng Sơn thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, đã phát hiện nhiều loại bom đạn sót lại sau chiến tranh vẫn còn nguyên ngòi nổ.

Ngày 17/5, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và tạm giữ Dương Quốc Quân (SN 1997), Dương Triệu Phú (em ruột Quân, SN 2004, cùng ngụ huyện Lấp Vò) và Tiêu Thái Hưng (cậu vợ Quân, SN 1993, ngụ huyện Lai Vung) để điều tra về hành vi tổ chức đánh bạc qua mạng Internet.

Ngày 17/5, Cơ quan CSĐT Công an quận Hải An (TP Hải Phòng) cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Hoàng Thị Tha (SN 1958, trú phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng), để điều tra về hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文