Phát huy vai trò, nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc
Chiều ngày 27/6, tại Học viện An ninh nhân dân (ANND), Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới". Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có các đồng chí: TS Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ ngoại giao; PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Nông Thị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo các Cục, đơn vị chức năng của Bộ Công an, Công an một số địa phương và các học viện, trường CAND.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND nhấn mạnh: Bảo vệ An ninh quốc gia (ANQG) là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Cùng với nhiệm vụ quốc phòng, nhiệm vụ bảo vệ ANQG được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là một trong những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm trong chiến lược phát triển của đất nước, đó là: “Phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tỉnh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên".
Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa IX, hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28- NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tỉnh hình mới; 5 năm thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ ANQG, có thể thấy, bảo vệ ANQG đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bảo vệ ANGQ cũng đã và đang gặp không ít khó khăn, xuất hiện những vấn đề phức tạp mới ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Bối cảnh trên đòi hỏi phải có tư duy mới với các giải pháp toàn diện, đồng bộ nhằm bảo vệ vững chắc ANQG. Cùng với đó, nhiệm vụ bảo vệ ANQG cũng đang được mở rộng hơn, bao hàm cả sức mạnh tổng hợp và có khả năng ứng phó linh hoạt trước các mối đe dọa bên trong và bên ngoài nhằm bảo đảm trạng thái bền vững, ổn định của quốc gia, khu vực và toàn cầu. Do vậy, việc trao đổi, nghiên cứu, luận giải, thống nhất nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; quán triệt các quan điểm, phương châm, nguyên tắc của Đảng và chính sách của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Hội thảo quốc gia “Nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới" thu hút được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Quá trình chuẩn bị cho Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 61 bài viết của nhiều đồng chí lãnh đạo trong và ngoài ngành Công an, các chuyên gia thực tiễn và các nhà khoa học.
Đặc biệt, Hội thảo đã được lắng nghe các tham luận giàu ý nghĩa lý luận và thực tiễn như: “Công tác dân vận khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của TS Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; “Công tác tuyên truyền bảo vệ an ninh tư tưởng trong không gian mạng trong tình hình mới” của PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới” của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Các tham luận về “Công tác dân tộc với việc tăng cường khối đại đoàn kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên góp phần đảm bảo ANQG trong tình hình mới” của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; “Yên dân, xây dựng thế trận lòng dân, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vấn đề đặt ra trong bảo vệ ANQG” của Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và Lịch sử Công an; “Tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng chí Thứ trưởng cũng đánh giá cao các bài viết tâm huyết, chất lượng đăng trong kỷ yếu và các ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo đã đánh giá đúng thực trạng triển khai các nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong tình hình mới; nhận diện được những xu hướng, yếu tố tác động tới thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG; từ đó đề xuất các giải pháp căn cơ, trọng tâm, đột phá trong bảo vệ ANQG phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị từ kết quả Hội thảo này, Ban Tổ chức cần tiếp tục nghiên cứu, tập hợp các ý kiến, xây dựng báo cáo tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề quan trọng, đòi hỏi Công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu, quán triệt, vận dụng sáng tạo, hiệu quả các giải pháp được nêu ra tại hội thảo này vào thực tiễn công tác, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới; tiếp tục phát triển lý luận bảo vệ ANQG trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động, tích cực hơn nữa phối hợp với Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.