Tăng cường phối hợp, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm về môi trường
Chiều 2/1, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã dự, chỉ đạo tổng kết công tác năm 2023, triển khai công tác năm 2024 của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường.
Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường chủ trì hội nghị.
Năm 2023, bám sát chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã kịp thời tham mưu, triển khai nhiều chủ trương, kế hoạch, biện pháp công tác và đạt được kết quả quan trọng. Nổi bật là nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, chỉ đạo, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc Công an các địa phương về công tác nghiệp vụ, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, đảm bảo vai trò “Tư lệnh” của toàn hệ lực lượng.
Trong đó, Đảng ủy, lãnh đạo Cục đã tham mưu với Bộ chỉ đạo, tập trung triển khai Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050"; tham mưu, chỉ đạo giải quyết tình trạng ô nhiễm trên các hệ thống thủy lợi lớn, lưu vực sông; xây dựng 41 văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ để tham mưu, đề xuất giải quyết các vấn đề nổi lên; ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, điện chỉ đạo triển khai các chuyên đề công tác.
Công tác phòng ngừa tội phạm, nhất là công tác nghiệp vụ cơ bản được triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả hơn. Công tác phòng ngừa xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm đẩy mạnh, tạo sự lan tỏa, tác động đến ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong nhân dân.
Công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm tiếp tục có chuyển biến tích cực; tỷ lệ xử lý hình sự được nâng cao, toàn lực lượng đã khởi tố 606 vụ, với 698 đối tượng, tỷ lệ khởi tố tăng 2,54% so với năm 2022. Trong đó, Cục đã trực tiếp ra quyết định khởi tố 9 vụ án hình sự, đạt 300% chỉ tiêu Bộ giao.
Ghi nhận những kết quả công tác của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường, năm 2023, 12 lượt tập thể, 119 lượt cá nhân đã được các cấp, ngành biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, năm 2023, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngoài ra, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho 1 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 3 cá nhân...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, những kết quả nêu trên của Cục Cảnh sát PCTP về môi trường và toàn hệ lực lượng thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, bản lĩnh, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của toàn lực lượng CAND cũng như sự nghiệp bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam về bảo vệ môi trường với cộng đồng quốc tế.
Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá cao những nỗ lực, chủ động, đổi mới của CBCS Cục Cảnh sát PCTP về môi trường và hệ lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã đạt được trong năm 2023.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu, năm 2024, công tác PCTP về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, cần tiếp tục bám sát, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước; các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án của Chính phủ cũng như các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường phải chủ động nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, để nhạy bén trong tham mưu, xử lý các tình huống có thể phát sinh phức tạp. Đồng thời, nhận diện được những vấn đề mới, các mối nguy cơ cao đe dọa đến môi trường, sự cố môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an toàn thực phẩm... có thể phát sinh phức tạp, nảy sinh tội phạm để tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an báo cáo, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong quá trình hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời để phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, cần tiếp tục làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, xác định đây là nền tảng căn cơ, vũ khí cốt yếu để đấu tranh PCTP, gìn giữ ANTT một cách bền vững. Nhất là từ nay đến cuối năm, trước, trong và sau Tết, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn thực phẩm sẽ càng phức tạp, nguy cơ sẽ khó kiểm soát, nếu các lực lượng không phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ.
“Lực lượng đấu tranh tội phạm về lĩnh vực này ở địa phương hiện nay thuộc quản lý của Cục Cảnh sát PCTP về môi trường và Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Bởi vậy, cả hai lực lượng cần có quy trình phối hợp để đảm bảo triển khai đấu tranh ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực này một cách nhuần nhuyễn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.