Tiến tới xây dựng lực lượng kỹ thuật hình sự tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu các đơn vị phải nghiên cứu, quán triệt, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 07 ngày 9/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an và Kế hoạch 484 về tăng cường, hiện đại hóa công tác kỹ thuật hình sự và pháp y CAND trong tình hình mới, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, tiến tới xây dựng lực lượng kỹ thuật hình sự tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025 theo như Đề án trình Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 28/10, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 02-TTg ngày 4/1/1993 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác khoa học hình sự giai đoạn 2012-2022 trong CAND. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự, chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các đơn vị khám nghiệm, kỹ thuật hình sự của Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành có liên quan. Về phía Bộ Công an có đại diện lãnh đạo các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ, Giám đốc Học viện, Hiệu trưởng các trường trong CAND; lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khái quát những kết quả trong quá trình triển khai 10 năm thực hiện Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ. Trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, hiện nay khoa học công nghệ phát triển rất nhanh, thế giới bước vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, tình hình tội phạm đã có nhiều thay đổi với những phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, tận dụng công nghệ để gây án.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá tình hình, những yếu tố trong điều kiện hiện tại ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ tới công tác khoa học kỹ thuật hình sự (KTHS), qua đó nêu các yêu cầu, đòi hỏi đặt ra xây dựng lực lượng KTHS tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025.
Gợi mở những nội dung trọng tâm trong phần tham luận, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu đại diện các đơn vị cần phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, đánh giá đúng bản chất, tồn tại, hạn chế, từ đó nghiên cứu, tham mưu, đề xuất rõ với lãnh đạo Bộ những nội dung sát thực, đáp ứng hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh, tình hình mới.
Cụ thể, đó là những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng mô hình tổ chức, phối hợp, hợp tác giữa các đơn vị trong ngành, ngoài ngành, hợp tác khu vực và quốc tế đối với công tác pháp y, giám định được đồng chí Thứ trưởng đặt ra, yêu cầu các đơn vị tập trung phân tích, làm rõ.
Trình bày báo cáo tổng kết hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an nêu rõ: Từ năm 2012 đến nay triển khai Chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 23, 07 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác pháp y, KTHS của lực lượng CAND; công tác khoa học hình sự của lực lượng CAND nói chung, trực tiếp là lực lượng KTHS đã phát triển, trưởng thành trên mọi phương diện.
Lực lượng KTHS đã có hệ thống 3 cấp từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Bộ Công an đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn cán bộ, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện chế độ, chính sách ưu đãi để thu hút, tăng cường cán bộ làm công tác KTHS và pháp y CAND, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ yên tâm công tác.
Công tác KTHS đã được điều chỉnh bằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý vững chắc để áp dụng trong thực tiễn công tác chuyên môn về khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định KTHS và pháp y. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Công an các cấp quan tâm đầu tư.
Cụ thể, qua nhiều dự án, chương trình mua sắm từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, đến nay, lực lượng KTHS cơ bản đã có đủ về cơ sở vật chất, phương tiện đáp ứng yêu cầu công tác, nhiều trang thiết bị, phương tiện hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới. Công tác chuyên môn ngày càng được nâng cao, số lượng vụ việc ngày càng nhiều, hiệu quả giải quyết nhu cầu trưng cầu, yêu cầu của cơ quan tố tụng và các cơ quan khác trong và ngoài ngành Công an; phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật được nâng lên.
Mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng KTHS với các đơn vị nghiệp vụ của Công an các đơn vị, địa phương, ngoài ngành ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả và đúng quy định, được đẩy mạnh và tăng cường theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tham mưu với lãnh đạo Bộ tổ chức tổng kết nhiều chuyên đề qua đó đề xuất bổ sung, hoàn thiện lý luận liên quan hoạt động của lực lượng KTHS; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ để giải quyết khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra. Công tác hợp tác quốc tế luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, ngày càng đi vào chiều sâu nhằm nâng cao năng lực công tác chuyên môn.
Phát biểu mở đầu tham luận, Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (CSHS) nêu bật mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng CSHS với lực lượng KTHS trong đấu tranh, phòng chống tội phạm. Bên cạnh việc đánh giá kết quả, Trung tướng Trần Ngọc Hà cũng kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong phối hợp giữa hai lực lượng.
Tiếp đó, lần lượt các đơn vị gồm: Cục Tổ chức cán bộ, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, Tư pháp; Học viện Cảnh sát nhân dân, Cục Tài chính; Công an các tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Hà Nội, Yên Bái, An Giang; đại diện Viện Pháp y Quốc gia, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp… đã báo cáo, tham luận về thực tế triển khai công tác khoa học KTHS, khám nghiệm hiện trường tại đơn vị, địa phương. Đồng thời kiến nghị đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hơn công tác phối hợp, chất lượng, năng lực, hiệu quả của CBCS, lực lượng KTHS trong thực thi nhiệm vụ.
Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc biểu dương những kết quả, thành tích của Viện Khoa học Hình sự, các đơn vị thuộc Bộ, Công an các đơn vị, địa phương nhất là lực lượng giám định, KTHS ở các cấp đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá cao những ý kiến tham luận rất tâm huyết, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong và ngoài ngành Công an.
“Chúng ta lấy 10 năm qua là trung tâm đánh giá, báo cáo song trên thực tế việc thực hiện Chỉ thị số 02 của Thủ tướng về tăng cường công tác khoa học hình sự đã được thực hiện gần 30 năm qua. Các đồng chí đã chỉ ra 8 nhóm việc, 7 ưu điểm, 9 tồn tại và nhận diện 9 nguyên nhân dẫn tới những bất cập, vướng mắc. Chính vì lẽ đó trong thời gian tới chúng ta phải triển khai giải quyết hiệu quả đối với từng nhóm việc, phần việc cụ thể, nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu trong giai đoạn mới đấu tranh phòng, chống tội phạm” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Đánh giá cao công tác chủ động tham mưu của Viện Khoa học Hình sự đối với lãnh đạo Bộ trong đó có nhiệm vụ hoàn thiện những quy định của luật pháp liên quan đến giám định, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý các đơn vị cần rà soát lại những nội dung trọng tâm của 7 Thông tư, đặc biệt là 51 quy trình liên quan đến hoạt động khoa học hình sự, giám định, KTHS.
Nhấn mạnh tới vai trò dẫn dắt trong công tác nghiệp vụ, trưởng thành trong công tác KTHS trong 3 cấp ngày càng đáp ứng tình hình, phục vụ được yêu cầu trong những vụ án, chuyên án lớn, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu những kết quả, thành tích này của các đơn vị đạt được cần phải phát huy.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác khoa học hình sự như: Việc đào tạo, con người phục vụ cho nhiệm vụ này vẫn còn xa so với yêu cầu thực tiễn. Công tác quan tâm đến lực lượng, đội ngũ làm khoa học, KTHS của lãnh đạo một số cấp, đơn vị vẫn chưa cao, dẫn tới việc phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng chỉ ra những bất cập trong pháp y, khám nghiệm, đồng thời yêu cầu các đơn vị ở từng cấp trong quá trình thực thi nhiệm vụ phải đảm bảo được tính cân đối, nhấn vào những yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm.
Đánh giá sâu, dự báo sát và có tính chiến lược đối với tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, những nguy cơ tiềm ẩn có thể diễn ra trong thời gian tới cũng như các yếu tố về kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị ở khu vực, thế giới tác động đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh: Không ai khác mà là chính lực lượng Công an sẽ là lực lượng nòng cốt, quan trọng nhất, chịu trách nhiệm cao nhất trong việc kéo giảm tội phạm, đấu tranh trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ bình yên cho Nhân dân. Sự thay đổi của tình hình tội phạm diễn biến nhanh và phức tạp. Nhiều thành phần trong xã hội dễ trở thành tội phạm, đòi hỏi lực lượng Công an phải đáp ứng được những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Đồng tình với 6 nhiệm vụ đã triển khai và những mục đích, yêu cầu, phương hướng nhiệm vụ trong dự thảo của các đơn vị báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu các đơn vị phải hiểu rõ từng nội dung trong các nhiệm vụ này, cụ thể hóa vào kế hoạch, nhiệm vụ công tác. Ngoài cấp huyện, còn phải triển khai mô hình kỹ thuật khám nghiệm ở cấp xã, bởi nơi đó chứa đựng hiện trường, dấu vết ban đầu, nhằm phục vụ hiệu quả quá trình điều tra, làm rõ vụ án, vụ việc.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng yêu cầu các đơn vị phải nghiên cứu, quán triệt, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 07 ngày 9/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an và Kế hoạch 484 về tăng cường, hiện đại hóa công tác KTHS và pháp y CAND trong tình hình mới, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, tiến tới xây dựng lực lượng KTHS tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025 theo như Đề án trình Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài ngành; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trên để hiện đại hóa lực lượng…
Từ năm 2012-2022, lực lượng kỹ thuật hình sự đã tiến hành khám nghiệm hiện trường gần 700.000 vụ án, vụ việc. Trong đó, lực lượng kỹ thuật hình sự Công an cấp huyện khám nghiệm gần 600.000 vụ (chiếm 88,5%), Phòng Kỹ thuật Hình sự khám nghiệm trên 75.000 vụ (chiếm 11,2%), Viện Khoa học Hình sự khám nghiệm trên 2000 vụ việc phức tạp, rất nghiêm trọng và vượt quá khả năng chuyên môn của địa phương (chiếm 0,3%). Nhiều vụ án, vụ việc công tác khám nghiệm hiện trường đã giữ vai trò quyết định trong việc xác định thủ phạm gây án, xác định tính chất vụ án như vụ án nữ sinh giao gà ở Điện Biên, vụ Đinh Công Tráng giết người ở Hưng Yên, vụ giết người phân xác tại TP Hải Dương…