Xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước
Chiều 20/7, Bộ Công an đã có buổi làm việc với Đoàn kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đồng chủ trì buổi làm việc.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đã cảm ơn sự quan tâm phối hợp, đồng hành của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các mặt công tác công an nói chung, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT những năm vừa qua.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính của Nhà nước; liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng ngày của Nhân dân, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh; được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, những năm qua, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn đặc biệt coi trọng, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đồng bộ, có hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT.
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), có 53 chức danh trong CAND có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, hiện có 66 Nghị định của Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh trong CAND trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Thực tiễn 5 năm gần đây cho thấy, hơn 70% số vụ việc vi phạm hành chính trên toàn quốc do các lực lượng chức năng trong CAND phát hiện, xử lý. Riêng năm 2021, lực lượng CAND đã xử phạt hơn 3,2 triệu vụ vi phạm hành chính, chiếm 74% số vụ vi phạm hành chính bị xử phạt trên toàn quốc. Các vụ việc vi phạm hành chính cơ bản được lực lượng CAND phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng đối tượng, thẩm quyền; trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ANTT.
Thông tin thêm tại buổi làm việc, đại diện một số đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an cũng thừa nhận quá trình thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về các điều kiện bảo đảm thi hành Luật: Nơi bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính, nhất là trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu.
Công tác tuyên truyền về xây dựng văn bản vi phạm hành chính chưa có nhiều đổi mới về hình thức, chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của quần chúng nhân dân; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính chưa được tiến hành thường xuyên. Công tác phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng trong công tác xử lý vi phạm hành chính có lúc, có nơi chưa thường xuyên, kịp thời, thiếu chặt chẽ, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến chức năng, thẩm quyền của nhiều lực lượng mà pháp luật quy định chưa phân định trách nhiệm rõ ràng.
Việc thống kê tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp thủ công, chưa bảo đảm tính liên thông, chính xác, kịp thời trong kết nối, cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình xử lý vi phạm hành chính; chưa đáp ứng yêu cầu thống kê thường xuyên và đột xuất, gây khó khăn trong việc xác định trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm để xem xét là tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm hành chính hoặc tránh các trường hợp bị tạm giữ; tước quyền sử dụng giấy phép, nhất là giấy phép lái xe, đăng ký phương tiện ở địa phương này thì đến địa phương khác xin cấp lại dẫn đến hồ sơ xử lý bị tồn đọng, khó xử lý. Số lượng cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn thiếu, phần lớn được bố trí kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi…
Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Bộ Công an có một số kiến nghị: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm phân công vụ thể trách nhiệm trong việc quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi pham hành chính. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đề nghị Bộ Tư pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính phục vụ việc cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin về xử lý vi phạm hành chính, tránh bỏ lọt các trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần hoặc tái phạm để áp dụng tình tiết tăng nặng trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật…
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho hay, đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp làm việc với Bộ Công an về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, song đã nhận được sư phối hợp rất tích cực. Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, buổi làm việc đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.
Qua kiểm tra trực tiếp một số hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính do các chức danh có thẩm quyền xử phạt tại một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và qua nghiên cứu, đánh giá kết quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT năm 2021 của Bộ Công an, Đoàn kiểm tra Bộ Tư pháp đã đưa ra những đánh gía khách quan, thẳng thắn, đồng thời chỉ ra ưu, nhược điểm trong công tác xử phạt vi phạm hành chính tại các đơn vị cũng như những kết quả đạt được, hạn chế, thiếu sót của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT năm 2021.
Đại diện Bộ Công an cũng đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Đoàn kiểm tra, đồng thời sẽ triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luật kiểm tra theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo Bộ Công an cũng yêu cầu các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Công an các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, thiếu sót, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại đơn vị, địa phương mình; chú trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý.