Xử nghiêm xe quá tải, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp, bảo vệ bình yên của Nhân dân
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh yêu cầu trên với Cục CSGT và Công an các đơn vị, địa phương tại Hội nghị Tổng kết cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), được Bộ Công an tổ chức chiều 24/10.
Cùng dự hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo Văn Phòng, một số cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến đến Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, cùng với Kế hoạch 229 của Cục CSGT, Bộ Công an đã có Điện số 76 ngày 13/7/2022 chỉ đạo các giải pháp bảo đảm TTATGT, đồng thời bổ sung nội dung, biện pháp cụ thể thực hiện có hiệu quả và yêu cầu chấn chỉnh công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, qua 3 tháng thực hiện cao điểm, bước đầu có thể đánh giá, nhiều đơn vị CSGT của Công an các địa phương đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, tư duy, xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CSGT.
Biểu dương những kết quả, thành tích của Công an các địa phương, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý, trong phần thảo luận, các đơn vị cần tập trung làm rõ những khó khăn, kiến nghị, đề xuất, qua đó ngày càng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, củng cố, xây dựng đẹp hơn hình ảnh của lực lượng CSGT.
Bộ trưởng yêu cầu Cục CSGT rút gọn lại báo cáo, dành nhiều thời gian để Công an các địa phương phát biểu. Bộ trưởng đề nghị Công an các địa phương cần mạnh dạn kiến nghị, đề xuất những giải pháp triển khai hiệu quả những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong Kế hoạch 299 và Điện số 76, nhất là thời điểm cuối năm đang đến gần.
Sau báo cáo tổng kết Kế hoạch 299 thực hiện cao điểm do Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an trình bày, chủ trì tham luận, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long chỉ rõ 4 nhóm lỗi vi phạm CSGT phải tiếp tục tập trung xử lý. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, mặc dù kết quả chung cao, song vẫn chưa xử lý triệt để vi phạm. Nhiều địa phương kết quả xử lý những vi phạm này vẫn còn thấp. Tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng phương tiện cơi nới thành thùng diễn ra phức tạp.
Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, 7 đơn vị Công an các địa phương gồm: Công an tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Kiên Giang, Hà Nội, Gia Lai, Hà Nam, Hồ Chí Minh đã báo cáo kết quả cũng như phương hướng, nhiệm vụ trong công tác xử lý vi phạm đối với các nội dung của cao điểm trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương, nêu bật kết quả của Công an các đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện Kế hoạch cao điểm 299, Điện số 76 của Bộ Công an. Nhiều địa phương đã ban hành những kế hoạch ở cấp tỉnh, cấp huyện, chỉ đạo hệ thống chính trị, công chức, người dân chấp hành những quy định về đảm bảo TTATGT. CSGT đã vận động nhiều doanh nghiệp, công ty tự giác tháo, dỡ, cắt thành thùng phương tiện vi phạm. Phối hợp với các trung tâm đăng kiểm để xử lý triệt để đối với những vi phạm này…
Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, thời gian đầu, nhiều cá nhân vẫn còn mơ hồ, chưa nhận thức đầy đủ về việc xử lý vi phạm quá khổ, quá tải của CSGT. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, những quan niệm này đã được thay đổi bởi thực chất đây là những hành vi gian dối, phá hoại hạ tầng giao thông. Qua đánh giá của người dân, việc xử lý chuyên đề quá khổ, quá tải, nồng độ cồn… của CSGT đã tạo bình đẳng cho các doanh nghiệp, đem lại bình yên cho Nhân dân, cho các gia đình, giảm bớt đi những lo sợ về loại hình vận tải này.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, CSGT đã xử lý trúng, đúng với những nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn liên hoàn, tai nạn nghiêm trọng, những vụ tai nạn mà người dân hoảng hốt, sợ hãi phản ánh là “xe điên”, “hung thần”; không thể để những lái xe này coi thường mạng người, hủy hoại công trình giao thông.
“Chúng ta phải nhìn nhận, việc giảm 239 người chết đồng nghĩa bảo vệ, mang lại 239 niềm vui, hạnh phúc đến cho hàng trăm gia đình, người dân. Những kết quả này đã thể hiện ý chí quyết tâm của lực lượng CSGT phục vụ sự phát triển của đất nước, bảo vệ bình yên cho Nhân dân”- Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương lực lượng CSGT toàn quốc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định: Những kết quả đạt được nêu trên mới chỉ là bước đầu. Các đơn vị vẫn còn thụ động trong đề xuất, báo cáo, giải pháp. Đây là chiến dịch, Công an các địa phương có quyền chủ động, huy động các lực lượng khác tham gia, kết hợp giữa đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường với đảm bảo, xử lý vi phạm TTATGT. Bộ trưởng đặt câu hỏi, trong cao điểm đã có đơn vị nào tăng cường lực lượng xuống cơ sở để xử lý những vi phạm này chưa, kết quả thế nào.
Lực lượng ở cơ sở phát hiện ngay những vi phạm, phối hợp giữa nhiều lực lượng trong tuần tra xử lý. Phải ứng dụng thiết bị, khoa học công nghệ vào kiểm tra, xử lý, hay như “đảo” địa bàn, lực lượng để kiểm tra chéo, tránh sự can thiệp, nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm. Có những đơn vị thừa trang thiết bị nhưng sử dụng vào nhiệm vụ vẫn còn hạn chế, trong khi đó vẫn còn không ít đơn vị báo cáo thiếu trang thiết bị phục vụ cho công tác tuần tra kiểm soát. Việc này phải nhanh chóng được rút kinh nghiệm, thực hiện hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ, phải phản ánh đúng thực tế, không giấu giếm tình hình, tuyệt đối tránh hình thức mới mong chuyển biến tích cực, thực chất, có chiều sâu và mang lại kết quả cao nhất. Chúng ta phải xóa bỏ những quan niệm, ấn tượng xấu của một số người dân về CSGT đâu đó vẫn còn tiêu cực bằng chính việc làm, hành động của CSGT. Trong thời gian qua, rất nhiều những hình ảnh đẹp, tinh thần phục vụ Nhân dân của CSGT được người dân, dư luận khen ngợi. Những kết quả này, các đơn vị, CSGT cần phải nỗ lực tuyên truyền hơn, lan tỏa kết quả, tinh thần, hành động đẹp, hết lòng vì Nhân dân phục vụ.
Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo của một số lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đối với việc thực hiện Kế hoạch cao điểm 299 và Điện số 76 của Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Nếu Thủ trưởng đứng đầu các đơn vị không quyết liệt thì sẽ khó có thể đạt được kết quả cao. Giám đốc Công an các địa phương phải trực tiếp, tập trung tháo gỡ, chỉ đạo, nắm và trị đúng “bệnh” những nội dung vi phạm trong thực hiện kế hoạch trên địa bàn. Đối với các lỗi vi phạm, phải tập trung lựa chọn vào những lỗi là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc và TNGT. Tuy nhiên, kết quả xử lý những lỗi trên vẫn còn thấp, chưa tạo được áp lực dư luận xã hội, gây ra những hệ lụy rất lớn cho xã hội, cộng đồng.
Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, việc phân công, phân cấp, bố trí tuần tra kiểm soát vẫn chưa hợp lý. Nhiều đơn vị, địa phương kết quả xử lý thấp, thiếu nghiêm túc trong xử lý vi phạm. Một bộ phận CSGT vẫn chưa thay đổi tư duy, nhận thức, chưa thực hiện nghiêm những yêu cầu chỉ đạo của lãnh đạo các cấp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhiều địa phương vẫn còn thụ động trong việc triển khai, xử lý chưa triệt để, chính vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung lực lượng làm quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, tạo nên thói quen của người dân đã uống rượu bia là không lái xe. Huy động sức mạnh toàn hệ thống chính trị các cấp vào cuộc. Mục tiêu không chỉ gói gọn trong cao điểm mà phải làm thường xuyên, quyết tâm, tạo nên một văn hóa giao thông đến tất cả người dân.
Nêu bật những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm quán triệt lãnh đạo, chỉ huy lực lượng CSGT các đơn vị, địa phương tuyệt đối không được có tư tưởng “bằng lòng”, thỏa mãn với kết quả trong đợt cao điểm, từ đó buông lỏng, để tái diễn vi phạm. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ về xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, dương tính chất ma túy; xử lý xe quá tải...để phòng ngừa, hạn chế các vụ TNGT, nhất là TNGT rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT, phải xác định lấy người dân làm trọng tâm và là chủ thể của công tác này. Tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT, các vụ TNGT có đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải kiên quyết xử lý hình sự. Chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát điều tra trong các vụ TNGT để đánh giá, phân tích, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh TNGT để có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn TNGT.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu, thông qua hoạt động nghiệp vụ kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong công tác tổ chức giao thông, các “điểm đen” về TNGT để kiến nghị khắc phục; trường hợp đã kiến nghị nhưng không có biện pháp khắc phục mà để xảy ra TNGT phải phối hợp với cơ quan điều tra xác định nguyên nhân và xem xét trách nhiệm của các cơ quan liên quan; chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các cấp chỉ đạo về công tác an ninh, TTATGT; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT. Sử dụng tối đa và có hiệu quả các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm, phòng ngừa TNGT.
“Từng đồng chí lãnh đạo, chỉ huy lực lượng CSGT phải đổi mới về tư duy, nhận thức về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSGT; nghiêm túc, gương mẫu đi đầu trong công việc, chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật, quy trình, chế độ công tác, điều lệnh CAND. Cụ thể hóa trách nhiệm nêu gương với từng vị trí công việc, từng đảng viên, cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy, góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Tất cả CBCS phải đồng lòng, chung sức xây dựng lực lượng CSGT “Kỷ cương, kỷ luật, trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, trách nhiệm, vì Nhân dân phục vụ”. Quyết liệt, thực chất, tạo bước chuyển biến tích cực, không làm theo phong trào”- Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ.
Trong 3 tháng (20/6/2022-20/9/2022) thực hiện Kế hoạch 229 và Điện số 76 của Bộ trưởng Bộ Công an, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 788.607 trường hợp vi phạm TTATGT, trong đó xử lý 110.774 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn; 47.224 trường hợp vi phạm quá tải, quá khổ. Trong 3 tháng cao điểm, trên toàn quốc xảy ra 2.595 vụ TNGT, làm chết 1.406 người, so với thời gian liền kề giảm 360 vụ, 239 người chết và 148 người bị thương.