Xứng đáng là "quả đấm thép" trong phòng, chống tội phạm

12:16 20/02/2023

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Cục Cảnh sát hình sự (22/2/1973 – 22/2/2023), Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã thông tin với báo chí về những kết quả nổi bật và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Cục Cảnh sát hình sự. Báo CAND online trân trọng giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn của đồng chí Thứ trưởng!

Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá về đóng góp quan trọng của Cục Cảnh sát hình sự trong thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc: Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cục Cảnh sát hình sự đã luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, gắn bó máu thịt với Nhân dân; phát huy vai trò nòng cốt, tính “Tư lệnh” xuyên suốt, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, với những “dấu ấn” nổi bật, đó là:

1. Cục Cảnh sát hình sự đã là tốt công tác tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp chiến lược nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm (Chỉ thị số 12 về phòng, chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, Chỉ thị số 21 về phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công văn số 1676/TTg-NC phòng, chống tội phạm giết người...). Chủ động nắm tình hình, nhận diện, kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành nhiều Kế hoạch, Phương án nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, phản ứng nhanh, trấn áp  hiệu quả với từng loại tội phạm, tệ nạn xã hội (Phương án 06, Kế hoạch 131, 506 của Bộ...).

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

2. Phát huy vai trò trong chỉ đạo, hướng dẫn hệ lực lượng triển khai đồng bộ các giải pháp kéo giảm 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với cùng kỳ năm trước, giảm 50% số đối tượng truy nã so với đầu kỳ; điều tra, giải quyết nhiều vụ án có tính chất phức tạp, có nhiều khó khăn vướng mắc trong việc thu thập tài liệu, đánh giá chứng cứ do Công an địa phương báo cáo, thỉnh thị.

3. Luôn sẵn sàng chiến đấu cao, chủ động triệt phá nhiều chuyên án lớn, điều tra khám phá nhiều vụ án có khó khăn vướng mắc, truy bắt nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm. Qua đó, hằng năm, đã kiềm chế hoạt động của các loại tội phạm về trật tự xã hội (năm 2019 giảm 7,39%; năm 2020 giảm 6,8%; năm 2021 giảm 11,33%; năm 2022 giảm 10,86% số vụ so với cùng kỳ năm 2019). Hầu hết, các loại tội phạm phổ biến đều được kéo giảm; các tuyến, địa bàn, tụ điểm phức tạp về tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội cơ bản được kiểm soát và xử lý ngay khi phát hiện; hoạt động của các băng nhóm đã giảm rõ rệt. Xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.

4. Đặc biệt chú trọng làm tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa tội phạm; từng bước nâng cao chất lượng và tổ chức nền nếp công tác nghiệp vụ cơ bản, góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa tội phạm. Nổi bật là, tiếp tục triển khai công tác điều tra cơ bản theo các lĩnh vực, chuyên đề; phối hợp triển khai Hướng dẫn thực hiện một số mặt công tác nghiệp vụ cơ bản phục vụ công tác phòng, chống tội phạm hình sự, ma túy của lực lượng Công an cấp xã; hướng dẫn Công an 63 địa phương thực hiện công tác lập hồ sơ đưa vào Trường giáo dưỡng, Cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

5. Bước đầu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ và nhạy bén trong chuyển đổi trạng thái các mặt công tác của hệ lực lượng hình sự từ “truyền thống” sang “hiện đại”, để chủ động nắm tình hình tội phạm hằng ngày, quản lý vụ án, vụ việc, đơn thư, nghiệp vụ cơ bản, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao...

Phóng viên: Trong bối cảnh hiện nay, Cục Cảnh sát hình sự cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm hình sự, thưa đồng chí?

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc: Trong thời gian tới, tình hình tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, xung kích chỉ đạo hệ lực lượng tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, Tập trung kiện toàn mô hình tổ chức cụ thể của đơn vị và hệ lực lượng tại địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện), bảo đảm tinh, gọn, mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa điều tra và trinh sát trong từng đơn vị cấp Phòng. 

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trao Huân chương Chiến công hạng Nhất tặng Cục Cảnh sát hình sự (ngày 16/4/2021).

Hai là, Chú trọng chuyển đổi trạng thái các mặt công tác của hệ lực lượng từ “truyền thống” sang “hiện đại”, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống tội phạm; tiếp tục đổi mới tư duy thực hiện các mặt công tác và xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa có trình độ nghiệp vụ, vừa có kiến thức về công nghệ, đây là vấn đề cần phải làm ngay, từ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đến việc khuyến khích CBCS tự đào tạo, tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu công tác. Xây dựng đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên công nghệ trên các lĩnh vực, chủ động phòng ngừa tội phạm.

Ba là, Tiếp tục triển khai trong hệ lực lượng các giải pháp, chỉ đạo của Bộ về giảm bền vững 5% số vụ tội phạm về trật tự xã hội và các chỉ tiêu Quốc hội giao trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội. Trong đó, thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các giải pháp đột phá, trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm 3 rõ (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ).

Bốn là, Phát huy vai trò “Tư lệnh”, thực hiện tốt công tác hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đối với lĩnh vực được phân công xuyên suốt đến cấp xã. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện công tác nghiệp vụ cơ bản, nhất là kiên trì và mở rộng công tác Điều tra cơ bản theo lĩnh vực xuyên suốt và các quy trình nghiệp vụ hướng dẫn hệ lực lượng chủ động trong việc nhận diện, phản ứng nhanh, nhận diện từ xa, từ sớm với các hành vi phạm tội, xác định đối tượng, địa bàn phạm tội, tội phạm phức tạp, tội phạm mới để tập trung đấu tranh, có các giải pháp hiệu quả, bài bản bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tình hình tội phạm.

Năm là, qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần chủ động nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Bộ Công an các chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm và hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm; các phương án phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài.

Sáu là, Thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, cấp ủy, người đứng đầu, thủ trưởng Cảnh sát hình sự các đơn vị, địa phương thường xuyên quan tâm công tác chính trị tư tưởng, kịp thời động viên, khen thưởng, tuyên truyền về kết quả, chiến công. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, phát hiện, kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm minh mọi trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm, “bảo kê”, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng, quyết tâm xây dựng lực lượng Cảnh sát hình sự anh hùng, thật sự trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm hình sự.

Lãnh đạo Bộ tin tưởng rằng Cục Cảnh sát hình sự phát huy truyền thống trong 50 năm qua, tiếp tục lập nhiều chiến công xuất sắc, viết thêm những trang sử vẻ vang của Cục Cảnh sát hình sự.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!

PV

Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông, thời gian qua, cả nước đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đáng chú ý, tuyến đường xảy ra tai nạn tập trung nhiều trên các quốc lộ (chiếm tới 35%). Thời gian xảy ra tai nạn nhiều nhất trong khung giờ 18h-24h. Giải pháp nào để giảm TNGT trên các tuyến quốc lộ, là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Thạc sĩ - bác sĩ nội trú Dương Thị Trà Giang (SN 1992), Khoa Đẻ thường, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành tựu như: Giải Nhất lĩnh vực Y - Dược trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Hà Nội (2022-2023); giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022-2023)... Không chỉ cứu nhiều sinh mệnh sản phụ và trẻ sơ sinh bên bờ “cửa tử”, nữ bác sĩ (BS) còn đam mê nghiên cứu khoa học, mang lại lợi ích to lớn cho các bà mẹ. Nữ BS vừa được vinh danh là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023 vào sáng 11/5.

Ngày 12/5, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III (đóng tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, tàu SAR 272 và êkíp đã kịp thời cứu nạn một thủy thủ người nước ngoài bị nạn trên biển vào ngày 11/5.

Lợi dụng chức danh, nhiệm vụ Kế toán trưởng, Trương Ngọc Tùng (SN 1991, trú tại 52 đường Bửu Đình, phường Kim Long, TP Huế, Thừa Thiên Huế) đã sử dụng nhiều thủ đoạn (trong đó có làm giả hàng loạt bộ chứng từ để chiếm đoạt tiền từ ngân hàng, rồi đi vay tiền từ ngân hàng về nhưng không nộp vào quỹ công ty... ) để chiếm đoạt số tiền gần 5 tỷ đồng.

Được biết đến với tính cách hiền lành, mộc mạc, chân chất, Đinh Thanh Trung có thể xem như hình tượng đối với nhiều cầu thủ trẻ Việt Nam. Nhưng ma tuý đã khiến Quả bóng Vàng Việt Nam 2017 sụp đổ.

Theo văn bản số 5490/VP-TNMT của UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị khắc phục sự cố môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải (LHXLCT) Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn) và công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các khu xử lý chất thải tập trung của TP Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文