Chế Lan Viên và mấy vấn đề về tiếp nhận văn học
Chế Lan Viên là nhà thơ lớn của nền Văn học Việt Nam thế kỷ XX, với trên 50 năm cầm bút, nhà thơ đã để lại cho nền văn học nước nhà một sự nghiệp đồ sộ với nhiều thể loại gồm thơ, văn, tiểu luận, phê bình…
Đóng góp về thơ của Chế Lan Viên vô cùng phong phú, đa dạng tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết nhỏ này chúng tôi chỉ điểm lại những suy ngẫm về thơ của ông, tức là những vấn đề mang tính lý luận văn học được ông đặt ra qua những bài thơ, câu thơ tiêu biểu nhằm bổ sung cho bạn đọc những khía cạnh mang tính lý luận văn học trong quá trình tiếp nhận thơ Chế Lan Viên và văn học nói chung với mấy vấn đề dưới đây.
Mối quan hệ giữa Hiện thực cuộc sống - Nhà văn - Tác phẩm
Nhiều nhà nghiên cứu phê bình đều thống nhất cho rằng Chế Lan Viên là người viết nhiều những câu thơ, đoạn thơ về thơ nhất, chưa kể đến các cuốn sách mang tính tiểu luận, phê bình như: “Suy ngẫm và bình luận”, “Phê bình văn học”, “Nghĩ cạnh dòng thơ”.
Trước Cách mạng tháng Tám, Chế Lan Viên đã nổi tiếng với tập thơ “Điêu tàn”, khi ông mới 17 tuổi, còn đang đi học nhưng giọng thơ của một người già trước tuổi, tiếc thương cho một vương quốc Chiêm Thành huy hoàng, than khóc cho những bóng ma Hời ảo não. Nhưng Cách mạng tháng Tám đã làm thay đổi nhà thơ, đem đến cho nhà thơ nguồn sống mới để ông “sáng mắt sáng lòng”, đi từ “thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”.
Sự bắt nhịp của nhà thơ với thời đại mới được thể hiện rõ nhất trong những năm 60 của thế kỷ XX, tiêu biểu trong đó là tập thơ “Ánh sáng và phù sa”. Ngay từ nhan đề tập thơ đã cho ta thấy nguồn năng lượng mới, nguồn sống mới đã bồi đắp tâm hồn nhà thơ đồng thời ông cũng xác định rõ trách nhiệm của nhà thơ, của người nghệ sĩ trước cuộc đời nhất là trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới khi ấy. Tuy nhiên những vấn đề mang tính lý luận mà Chế Lan Viên đặt ra đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Người nghệ sĩ phải là người gắn bó với cuộc đời, phải mở lòng mình đề đón nhận cuộc đời, phải rút ngắn khoảng cách cuộc đời và nghệ thuật…
Tập thơ “Ánh sáng và phù sa” ra đời năm 1960, trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc, cùng với các tập “Trời mỗi ngày lại sáng” của Huy Cận, “Sông Đà” của Nguyễn Tuân, “Mùa lạc” của Nguyễn Khải… Tuy nhiên Chế Lan Viên có hướng đi riêng với những vần thơ giàu cảm xúc và triết luận. Trong đó không thể không kể đến bài thơ “Tiếng hát con tàu”, một bài thơ xuất sắc nhất của tập thơ và cũng tiêu biểu cho phong cách thơ Chế Lan Viên. Bài thơ thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ khi đến với cuộc đời, nhất là những vùng xa xôi của Tổ quốc và chỉ có thể đến đó “Khi lòng ta đã hóa những con tàu”, hình ảnh con tàu hay chính là tiếng gọi của Tổ quốc, của trái tim, tiếng gọi của sự hòa nhập và lên đường như ngay trong lời Đề từ của bài thơ:
Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu
Bài thơ đặt ra bằng những câu hỏi tu từ, hay đó là cách nhà thơ tự hỏi mình để thể hiện sự nhận thức về mối quan hệ cuộc đời - nghệ thuật, chỉ có hiện thực cuộc sống phong phú mới là ngọn nguồn của nghệ thuật chân chính. Chế Lan Viên dùng các hình ảnh: gió ngàn đang rú gọi, những vành trăng, đất nước mênh mông… để nói đến một miền Tây Bắc hay miền xa xôi của Tổ quốc, chính những hình ảnh đó mới đem lại cảm hứng sáng tác mới mẻ cho nhà thơ, cho người nghệ sĩ chân chính bởi “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”.
Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?
Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia
Trong bài thơ còn rất nhiều lần Chế Lan Viên khẳng định Tây Bắc và hiện thực cuộc sống phong phú nơi đây chính là mẹ của hồn thơ, là ngọn nguồn của mọi cảm hứng sáng tạo.
Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?
Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ
Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga
…
Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ
Mười năm chiến tranh, vàng ta đau trong lửa
Nay trở về, ta lấy lại vàng ta.
Bên cạnh bài thơ “Tiếng hát con tàu”, còn rất nhiều bài thơ trong các tập thơ khác Chế Lan Viên cũng đề cập đến mối quan hệ cuộc sống và nghệ thuật hay để “Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng” chứ không thể là những lời trống rỗng. Người nghệ sĩ phải gắn bó chan hòa với cuộc sống, phải thấy sức mạnh từ cuộc sống, phải buồn vui cùng với những nỗi buồn vui của nhân dân, phải có cách nhìn đời, nhìn người đa diện, nhiều chiều:
Phá cô đơn ta hòa hợp với người
Lấy cái vui cuộc đời đánh bại mọi đau thương
Xưa tôi hát mà nay tôi tập nói
Chỉ nói thôi mới nói hết được đời.
Nhà thơ luôn trăn trở phải “Phát giác sự việc ở bề chưa thấy” hay ở bề sâu, bề xa . Ông cũng không cho phép mình viết những câu thơ hời hợt, dễ dãi, mỗi câu thơ phải là “Muối lắng ở ô nề và thơ đọng ở bề sâu”(Đối thoại mới).
Mối quan hệ Nhà văn - Tác phẩm - Bạn đọc
Cùng với mối quan hệ Hiện thực cuộc sống - Nhà văn - Tác phẩm như chúng tôi đề cập trên, Chế Lan Viên cũng rất quan tâm đến vấn đề tiếp nhận của người đọc, đó là điểm đáng lưu ý ở Chế Lan Viên so với nhiều nhà thơ cùng thời. Chế Lan Viên có nhiều bài thơ, tập thơ thể hiện sự quan tâm đó của mình như: “Nghĩ về thơ”, “Sổ tay thơ”, “Thơ và bạn đọc”, “Nghề chúng ta”, “Thơ về thơ”… Sự hình thành và phát triển của lý thuyết tiếp nhận nhằm khẳng định hoạt động văn học với các khâu “Nhà văn- Tác phẩm - Bạn đọc” ngày càng được chú ý đúng mức.
Sự ra đời của lý thuyết tiếp nhận cho thấy sự dịch chuyển vị trí trung tâm từ tác phẩm sang người đọc, từ đó có thể nhận thấy lịch sử văn học không chỉ đơn thuần là các tác giả, tác phẩm mà cả lịch sử tiếp nhận của người đọc cũng phải được quan tâm đúng mức, nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn cho rằng: “Nói đến việc tạo nghĩa một tác phẩm văn học, nếu chỉ nói đến tư tưởng, ý đồ sáng tạo, chủ đích của tác giả vẫn chưa đủ. Nếu không có người đọc với toàn bộ kiến thức, sự lịch lãm, với quan điểm đạo đức, thẩm mỹ riêng tiếp nhận văn bản tác phẩm thì văn bản đó vẫn không có hiệu lực của văn bản nghệ thuật: lý thuyết tiếp nhận xuất hiện. Với lý thuyết tiếp nhận, người đọc được đặt đúng địa vị của mình; hành động đọc là hành động tạo nghĩa cho văn bản”.
Nhà văn sáng tạo ra tác phẩm mới chỉ là hệ thống kí hiệu trên giấy, khi nào có sự tiếp nhận tác phẩm mới có đời sống thực sự của nó. John Dewey phân biệt sản phẩm nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật, tương ứng với sáng tác của nhà văn và tiếp nhận của người đọc, “chỉ khi nào được công chúng thưởng thức, tiếp nhận thì mới trở thành tác phẩm nghệ thuật”. Bên cạnh đó nhiều nhà lý luận rất đề cao vai trò của bạn đọc, họ coi đó là quá trình đồng sáng tạo, một số nhà văn còn để ngỏ kết thúc của tác phẩm hoặc đưa ra các phương án kết thúc để người đọc lựa chọn. Từ những tiền đề trên, lý thuyết tiếp nhận ra đời nhằm khẳng định vai trò quan trọng của người đọc trong cả quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, điều đó được Chế Lan Viên thể hiện rất rõ:
Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi,
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy.
Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá.
Nó không là anh, nhưng nó là mùa.
(Sổ tay thơ)
Nghệ sĩ là người nào biết giãn cách họ với ta bằng tác phẩm
Đem tất cả cái Bên Trong tạo hình thức Bên Ngoài.
(Tạo hóa tạo hình)
Cho đến những năm tháng cuối đời, mặc dù phải đấu tranh với bệnh tật nhưng Chế Lan Viên luôn trăn trở về trách nhiệm của người cầm bút đồng thời qua “Di cảo thơ” ông cũng mong mỏi sự đồng cảm của người đọc, sự tiếp nhận của bạn đọc trong tương lai: “Nhìn trang sách biết mình hữu hạn” và “Một nghìn câu thơ thì chín trăm câu dang dở, và ai đón thơ anh ở cuối con đường” hay “Đừng đuổi thơ tôi, vì một chiều tà nào ngả bóng/ Hãy kiên lòng, sẽ thấy nắng mai lên”.
Mặc dù đã hơn ba mươi năm nhà thơ đi xa cõi thế nhưng những gì Chế Lan Viên nêu ra về thơ đến nay chúng ta vẫn cần phải tiếp tục suy nghĩ có như vậy việc tiếp nhận di sản thơ đồ sộ mà ông để lại cũng như văn chương nói chung mới có ý nghĩa thực sự. Để khép lại bài viết nhỏ này tôi xin dẫn lại lời tâm sự của ông với bạn đọc, với cuộc đời: Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể/ Để mặn lòng những kẻ muốn vô tư.
8/2024