Chim cuốc nhìn từ "liên văn hóa"!

15:38 22/08/2021

Ai từng sống ở nông thôn đều được nghe tiếng kêu thảng thốt tội nghiệp của con chim cuốc. Từ đầu hè đến cuối thu, trong đêm thanh vắng hoặc lúc chiều tà tiếng “cuốc, cuốc” cứ vang lên khắc khoải làm người ta nếu vào lúc đang phải lo nghĩ thì càng thêm ưu tư, thăm thẳm da diết buồn. Trẻ em nhà quê từng trông thấy con cuốc và biết ngay thế nào là “nhanh như cuốc lủi”. Một vài người được ăn thịt con chim hoang dã hiền lành, nhút nhát cứ thắc thỏm mãi “Ngon như chim cuốc”!!!

Tên khoa học là Amaurornis phoenicurus chinensis, thuộc họ gà nước Rallidae, bộ sếu Gruiformes, chim cuốc chỉ nhỉnh hơn chim bồ câu tí xíu nhưng cao hơn, lưng và cánh màu nâu sẫm, phía dưới cổ và bụng lông trắng, đuôi ngắn nâu đen. Chim thường sống ở những vùng có nước, trong các lùm cây, bụi rậm, bờ ao, ruộng lúa,  bờ tre. Thức ăn là các loại côn trùng, cá nhỏ, nhái, cào cào, hạt cỏ... Bơi lặn rất nhanh, rất cảnh giác nên hiếm khi bắt được, may ra bằng cách giăng lưới...!!!

Tiếng cuốc (còn gọi là chim đỗ quyên) kêu vọng vào lịch sử văn hóa đã hàng ngàn năm với tư cách là một hình tượng nghệ thuật hầu như chỉ có ở một số nước phương Đông mà không thấy có ở văn hóa phương Tây. Chắc là do quy định bởi địa văn hóa văn minh lúa nước. Vang lên nhiều hơn trong thơ vốn là lãnh địa của trữ tình tâm trạng chứ ít thấy trong văn xuôi lý trí tỉnh táo. Hình tượng cũng đi vào tranh họa, thành hoa văn trang trí khảm vào các đồ gỗ, mỹ nghệ…nhưng không thấy xuất hiện ở đình, chùa, càng không có ở nơi cung đình. Có lẽ vì xuất thân “nhà quê”, nhất là ý nghĩa biểu hiện trong điển cố, truyền thuyết, huyền thoại...

Con chim cuốc. 

Bước vào thế giới cách mạng 4.0, phê bình văn hóa/văn chương trên thế giới đang coi “liên văn hóa” vừa là con đường đi vừa là một thủ pháp. Theo nghĩa rộng, thuật ngữ liên văn hóa (intercultural) là sự mở ra giao tiếp với các nền văn hóa khác. Văn hóa bao giờ cũng tiềm ẩn sức mạnh nội sinh, nên trước khi đặt ra vấn đề “liên văn hóa”, người ta rất chú ý tìm hiểu mối quan hệ theo chiều dọc truyền thống/hiện đại, tức những giao tiếp nội văn hoá (intracultural communication).

“Liên văn hóa” không chỉ là sự tiếp xúc mà còn là sự xuyên thấm, tương tác, đối thoại lẫn nhau giữa các nền văn hóa, chú ý tới sự phân tích, chọn lựa, tiếp thu những tri thức mới tạo ra các giá trị văn hóa mới. Về điểm này ta thấy “điển cổ” mà văn chương trung đại hay dùng là một “liên văn hóa”. Đây không phải là câu chuyện “nệ cổ” hay “sùng ngoại” như từng hiểu một cách cực đoan hẹp hòi mà là kết quả của một sự giao thoa văn hóa.

Bài viết xin xem xét hình tượng ở “nội văn hóa” và liên văn hóa Việt Nam - Trung Hoa.

Văn hóa Trung Hoa (sách “Hoàn vũ ký”) có cổ mẫu (mẫu gốc) nổi tiếng tên Thục Đế hay Đỗ Quyên. Chuyện rằng vua trị vì nước Ba Thục hồi đó là Đỗ Vũ nhưng không làm tốt công việc trị thủy nên để dân tình oán thán. Đỗ Vũ bèn nhờ đến Miết Linh tài năng. Tận tâm tận lực, Miết Linh thành công. Đất Ba Thục trở nên thịnh vượng, hạnh phúc. Noi gương vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, Đỗ Vũ chủ động mời Miết Linh làm vua thay mình.

Lên ngôi, Miết Linh lấy đế hiệu Khai Minh, xưng là Tùng Đế. Đỗ Vũ về ẩn cư nhưng trong lòng vô cùng sầu muộn. Không chỉ thế, trong dân gian còn xuất hiện hoang ngôn rằng Đỗ Vũ nhường ngôi là do xấu hổ về chuyện từng tư thông với vợ Miết Linh. Càng thêm đau khổ, khi chết hồn ông hóa thành con chim có tiếng kêu bi thương như gọi hồn đất nước.

Người dân thương Đỗ Vũ hiền hậu bèn đặt tên cho loài chim đó là đỗ quyên. Từ đó điển cố này có nhiều tên gọi: vọng đế, vọng đế hồn, đỗ vũ, đỗ vũ hồn, thục đế hồn, thục điểu, thục phách, thục hồn, thục quyên... nhưng nội dung chỉ là một.

Theo thời gian ngôn từ kết thành một thành ngữ “Vọng đế đề quyên” nói về tiếng kêu khắc khoải của chim đỗ quyên giữa đêm khuya. Theo quy luật “nội văn hóa” tất có các thành ngữ phái sinh “Đỗ quyên đề huyết”, “Tử quy đề huyết”... để chỉ trạng thái buồn đến chảy máu mà chết!!!

Một truyền thuyết khác (trong sách “Cầm kinh”) thì lý giải thiên về tập quán của chim. Bề tôi Miết Linh được Đỗ Vũ (tức Vọng Đế) tin dùng cho làm tướng quốc. Miết Linh cướp ngôi. Đỗ Vũ chết hóa thành con chim ngày đêm kêu “Quốc! Quốc!”. Ông tiên hiện lên mắng: “- Tin người để mất nước, kêu ca cái nỗi gì?”. Chim cả thẹn lủi nhanh vào bụi cây, từ đó cứ thấy bóng người là “lủi”, nhưng vẫn cứ còn kêu “Quốc! Quốc!”...

Câu chuyện buồn nên dẫn đến sự “kỵ húy” là tất nhiên. Văn nhân xứ Trung Hoa vẫn còn truyền một phương ngữ như là phương châm sống và sáng tác: “Đương vi hoa trung chi huyên thảo/ Vô vi điểu trung chi đỗ quyên” (Làm cỏ huyên trong loài hoa/ Không làm đỗ quyên trong loài chim). “Cỏ huyên” còn gọi là “vong ưu thảo” tức loại cỏ quên buồn đau. Điều này lý giải hình tượng chim quốc không có nơi lầu son gác tía, nơi hoàng gia phú quý!

 

Hạt giống cổ mẫu Trung Hoa rơi vào mảnh đất văn hóa Việt, nảy nở rồi lớn lên thành những cây văn chương dáng vẻ, màu sắc riêng!

Ai qua Đèo Ngang vào buổi hoàng hôn hẳn sẽ đồng cảm với câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”. Ở đây, nghệ thuật chơi chữ phát huy cao nhất để tạo ra một tâm trạng hoang hoải buồn: chữ “quốc” nghĩa là “nước” cũng đọc cùng âm với “cuốc” chỉ con chim cuốc. Chữ “gia” nghĩa là nhà cũng đọc cùng âm với “gia” chỉ con chim đa đa...

Tài hoa nhất là Nguyễn Du tả tiếng đàn Thúy Kiều có vỏ âm thanh khắc khoải của tiếng cuốc kêu vừa gợi một điển cố: “Khúc đâu đầm ấm dương hòa/ Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh/ Khúc đâu êm ái xuân tình/ Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên?”. Tiếng đàn của Kiều trong màn đoàn viên sum họp vẫn da diết, day dứt buồn!

Phan Huy Vịnh dịch “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị đã Việt hóa gần như triệt để. Câu thơ tài hoa vẫn lột tả được ý nguyên tác, rất mực trữ tình trong sáng: “Tiếng chi đó nghe liền sớm tối/ Cuốc kêu sầu, vượn hót nỉ non”. Như hình dung thấy một chủ thể trữ tình với tâm trạng cô đơn não nề sống nơi thâm sơn cùng cốc, hoang vắng, lẻ loi!

Cái âm thanh buồn bã ấy pha thêm một chút cay đắng trong “Cuốc kêu cảm hứng” của Nguyễn Khuyến thật sinh động: “Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ/ Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ?/ Năm canh máu chảy đêm hè vắng/ Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ/ Có phải tiếc xuân mà đứng gọi/ Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?/ Thâu đêm ròng rã kêu ai đó?/ Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ”! Một tâm trạng bàng hoàng, tủi hổ, phẫn uất vì mất nước!

Tất nhiên, trong văn hóa Việt cũng có những cổ mẫu riêng. “Sự tích chim quốc” (người Kinh) kể Nhân và Quắc cùng là học trò mồ côi nghèo rất thân thiết. Về sau Nhân làm rể một phú thương và trở nên giàu có. Nhân bèn tìm và mời Quắc về ở cùng. Nhưng vợ Nhân thì trọng của hơn người, thấy thế khó chịu. Quắc nhiều lần từ giã xin đi nhưng Nhân cố giữ. Lần ấy, Nhân vắng nhà, bị vợ Nhân xúc phạm, Quắc bèn bỏ đi. Nhân đi sâu mãi vào trong rừng tìm bạn. Đi mãi, đi mãi, chàng gục xuống nhưng tiếng kêu gọi bạn “Quắc ơi! Quắc ơi! Quắc! Quắc!” vẫn vọng dồn vào vách núi. Chàng hóa thành con chim cuốc... Câu chuyện minh họa cho câu ca dao: “Bạn bè là nghĩa tương tri/ Sao cho sau trước một bề mới nên”.

Truyện “Sự tích chim quốc” (người Mường) cắt nghĩa người họ Bạch ở Hòa Bình kiêng ăn thịt chim quốc vì với họ chim là hồn vua Thục An Dương Vương, vì mất nước mà hóa thành chim kêu “Quốc! Quốc!”. Cổ tích xứ Nghệ lại có chuyện khác hẳn: có chàng trai sang đất Thục cưới vợ rồi ở luôn đó. Một lần phải về rồi không sang được, nhớ vợ mà chết hóa thành chim kêu “Thục quốc! Thục quốc!”.

Cổ tích nhiều dân tộc vùng Đông Bắc lại gắn với chủ đề mẹ ghẻ con chồng: Một hôm mẹ ghẻ bảo cả con đẻ con chồng mỗi đứa cầm túi vừng lên núi vãi, khi nào hạt nẩy mầm mới được về. Người em (con đẻ) thấy túi người anh nhẹ bèn đổi. Vãi rồi, đợi mãi hạt của người em không nảy mầm (vì mẹ đã rang khô, nên nhẹ). Cả hai đợi nhau đều chết. Mẹ ghẻ đi tìm hóa thành con chim quốc mà kêu: “Khổ quá! Khổ quá! Mẹ đồ chín vừng làm hại con!”.

Như vậy có một quy luật: văn chương dân gian có một sức sống nguyên thủy rất riêng để biểu hiện lối sống, tâm lý, tập quán (cùng hình tượng chim quốc nhưng chỉ chung quanh chuyện tình nghĩa). Văn chương bác học tiếp biến văn hóa Trung Hoa rõ hơn, nhưng ảnh hưởng để làm giàu có thêm sắc thái văn hóa bản địa. Giả sử không có môtip “Thục đế, Đỗ quyên” sẽ không có những biểu hiện tâm trạng cổ điển mà tinh tế ở trên!

Nguyễn Thanh Tú

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương đã có buổi khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp trong CAND nhiệm kỳ 2025-2030 tại Đảng bộ Cục An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB).

Ngày 5/1, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ thành công 1 đối tượng về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 6 bánh heroin và 12 nghìn viên ma túy tổng hợp.

Chiều 6/1, đoàn xe đón đội tuyển bóng đá Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, sau đó di chuyển qua nhiều tuyến phố, rất đông người hâm mộ đón chào thầy trò HLV Kim Sang Sik. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm an ninh trật tự và TTATGT cho lộ trình đón đoàn từ sân bay Nội Bài về Văn phòng Chính phủ.

Năm 2025, các ngân hàng và các chuyên gia kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ ổn định đi ngang do quá trình hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang bắt đầu và sẽ tiếp diễn; mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa.

Ngày 6/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Hòa (Phú Yên) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam 10 đối tượng trong một đường dây tội phạm. Các đối tượng không chỉ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mà còn tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá cược bóng đá, ghi số lô đề với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Đêm 5/1, sau khi trận bóng đá chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 với chiến thắng thuyết phục của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan và lên ngôi vô địch, hàng chục vạn người Hải Phòng đã xuống đường ăn mừng. Tuy nhiên có một bộ phận quá khích gây ảnh hưởng đến ANTT, TTATGT đã bị lượng Công an kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý.

Ngày 6/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Việt Cường (SN 2005, ở huyện Thường Tín, Hà Nội) và tuyên phạt bị cáo 13 năm tù về tội giết người. Tổng hợp với bản án 20 tháng tù treo về tội gây rối trật tự công cộng trước đó, Cường phải thi hành hình phạt chung là 14 năm 8 tháng tù. Bị hại trong vụ án là đồng chí Đ.V.N, công tác tại Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文