Đường Nguyễn Du phơi lụa trăng tơ
Mỗi lần ai đi qua phố Nguyễn Du đều nhớ tới hàng cây hoa sữa hai bên đường. Đây là những cây hoa sữa lâu đời, cao lớn nên thơm ngát mỗi mùa thu về. Kéo dài từ phố Huế tới đường Lê Duẩn (dài 1.060m) nhưng cung đường hoa sữa đã định hình với cảm xúc mơ màng: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em/ Có lẽ nào anh lại quên em” ("Hoa sữa" - Hồng Đăng). Con phố trở nên xinh xắn bên hồ Thiền Quang thơ mộng.
Ta còn em khuya phố mênh mông
Những câu thơ của Phan Vũ phần nào vẽ lên khung cảnh của đường phố Nguyễn Du xưa: “Em ơi! Hà Nội phố/ Ta còn em khuya phố mênh mông/ Vùng sáng nhỏ/ Bà quán ê a chuyện nàng Kiều” (Em ơi! Hà Nội phố). Bởi lẽ xưa đây là đất của bốn thôn quanh hồ Liên Thủy bên chợ Hàng Cỏ. Họ chính là những người cắt cỏ bán cho binh đoàn kỵ mã trong thành (Cửa Nam).
Diện tích hồ Liên Thủy rộng tới đất phố Trần Quốc Toản và Nguyễn Bỉnh Khiêm (theo bản đồ năm 1831 - Minh Mạng). Khi người Pháp tới chiếm Hà Nội, đã cho lấp hồ Liên Thủy để làm đường phố mới (từ năm 1920). Vì thế, đến một nửa phố Nguyễn Du nằm trên đất lấp hồ. Phần hồ còn lại chừng 5ha kế bên làng Thiền Quang nên được đổi tên.
Phố Nguyễn Du như một cô gái dậy thì xinh đẹp với những ngôi biệt thự bên hồ. Dân của bốn làng dạt về phía nam xuống tận ô Đồng Lầm kiếm kế sinh nhai: “Gánh gồng Hàng Cỏ mỗi chiều/ Nguyễn Du mái phố rong rêu phận người/ Em rao lạc giọng sương rơi/ Tiếng chuông chùa đổ vô hồi hoàng hôn”. (Vọng cảnh Thiền Quang - Mai Đỗ).
Đầu tiên phố Nguyễn Du có tới ba phố gộp lại. Khúc giữa phố nằm dọc hồ kéo tới Trần Bình Trọng còn được đặt tên là Ha Le (Rue Halais). Đây cũng là đoạn đường nổi tiếng một thời gắn với sự kiện “Vụ án Ôn Như Hầu”. Vụ án chấn động vào thời kỳ đầu của chính quyền cách mạng vào năm 1946. Diễn biến xảy ra tại số nhà 7 phố Ôn Như Hầu (nay là Nguyễn Gia Thiều). Đó là những đêm chiến sĩ ta phục kích bên đường Nguyễn Du chờ lệnh tấn công vào trụ sở của Quốc dân đảng ở số 7 Ôn Như Hầu. Những ngôi biệt thự hai phố đều quay lưng vào nhau qua khu sân vườn nên dễ quan sát, theo dõi mọi động tĩnh xảy ra.
Khi đó, Quốc dân đảng được sự hỗ trợ của Pháp âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Quân đội ta đã từ bốn phía đột nhập trụ sở 7 Ôn Như Hầu (12/7/1946). Bọn chúng bị bắt quả tang với kho súng đạn, truyền đơn và những xác chết bí ẩn trong khu vườn. Vụ án phố Ôn Như Hầu là chiến công xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh nhân dân trong thời khắc quyết định bảo vệ vận mệnh chính quyền cách mạng (9/1945).
Sau hòa bình, đường phố Nguyễn Du mỗi ngày một rạng rỡ với sự đổi mới trong kiến trúc xây dựng hiện đại. Nhiều công sở và công ty lớn hiện diện trên đường Nguyễn Du tạo nên nhịp điệu hiện đại sống động. Đó là dãy nhà lớn của Tổng cục Bưu Điện (số 18); Trụ sở Liên Hiệp các Hội Khoa học (số 53); hay Hội chữ Thập đỏ (số 82)… Và còn đó ngôi nhà đặc biệt, Trụ sở Hội Nhà văn đầu tiên ở số nhà 65 (nay là NXB Hội Nhà văn). Đường phố Nguyễn Du đầy quyến rũ với nét sang trọng đài các thân thiện với hình ảnh: “Sóng Thiền Quang cuộn thơm hoa sữa/ Đường Nguyễn Du phơi lụa trăng tơ” vào những đêm rằm thơ mộng.
Ngôi nhà văn chương
Dấu ấn sâu đậm của ngôi nhà số 65 luôn gắn bó với nhiều tầng lớp nhà văn nhà thơ Việt Nam cho tới nay. Đây là trụ sở đầu tiên của Hội Văn Nghệ Việt Nam từ năm 1954. Ba năm sau Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập (4/1957) nhưng vẫn ở lại đây. Trong giai đoạn này đang xảy ra vụ Nhân văn-Giai phẩm rất nóng bỏng. Khởi động từ Giai phẩm mùa xuân (2/1956) cùng các báo Nhân Văn liên tiếp ra đời tại nhà xuất bản Minh Đức (25 Phan Bội Châu). Hầu hết những bài và tác phẩm văn thơ trong các Giai phẩm (Xuân-Thu-Đông) và Nhân văn đều đi ngược với đường lối văn học cách mạng nên đã bị đình bản (12/1956).
Ngay sau khi Hội Nhà văn Việt Nam thành lập đã cho ra đời Tuần báo Văn (10/5/1957). Tuần báo này có nhiệm vụ định hướng đúng đắn cho những nhà văn, nhà thơ và mang dấu ấn phản biện những sai trái của Nhân văn-Giai phẩm mới xảy ra trước đó. Tuy nhiên, Tuần báo Văn phát hành được tới số 36 (10/1/1958) thì bị ngừng vì không hiệu quả. Không khí đấu tranh tư tưởng trong giới văn học nghệ thuật ngày đó thật bùng nổ.
Tới năm 1992, Hội Nhà văn Việt Nam được chuyển về số 9 Nguyễn Đình Chiểu, ngôi nhà số 65 trở thành trụ sở chung Tạp chí Văn (thay cho tạp chí Tác phẩm mới từ năm 1969) và Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Riêng Tạp chí Văn sau một số lần sáp nhập và đổi tên nay là Nhà văn & cuộc sống (hiện trụ sở tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu). Ngôi nhà số 65 trở thành nơi làm việc riêng của NXB Hội Nhà văn. Đây là đơn vị ra đời cùng với thời gian thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957) và tồn tại ở số nhà 65 Nguyễn Du lâu nhất cho tới nay. Mới đây, ngôi biệt thự này dã được sửa chữa nâng cấp nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc Đông Dương xưa, cổ kính và sang trọng. Dường như tác giả nào cũng gắn bó với NXB Hội Nhà văn qua những cuốn sách đầy thử thách trong sự nghiệp văn học của mình.
Gần 70 năm qua, NXB Hội Nhà văn luôn giữ được uy tín nổi bật khi cho ra đời những bộ sách quan trọng nhất trong kho tàng văn học cách mạng. Đồng thời nơi đây còn là nôi nuôi dưỡng và đào tạo nhiều lớp nhà văn trẻ trên khắp đất nước. Biết bao ký ức tràn về mỗi khi chúng tôi tới đây như một gia đình văn chương thân thương.
Đồng thời, những ký ức về con phố Nguyễn Du cũng gắn bó với sự đổi mới và phát triển tinh thần của ngôi nhà 65. Lại nhớ hàng cây hoa sữa đã đem lại nhiều cảm xúc cho những nhà văn nhà thơ khi tới đây. Đặc biệt, nhà thơ Nguyễn Phan Hách (1944-2019) nguyên là Giám đốc NXB Hội Nhà văn gắn bó với số nhà 65 trong vòng 30 năm. Con đường hoa sữa bên hồ Thiền Quang đã đem lại ký ức thầm yêu trộm nhớ một thời trai trẻ trong tâm tưởng ông.
Tên khai sinh của ông là Nguyễn Xuân Hách nhưng đã đổi tên đệm bằng họ Phan của người mình yêu đầu tiên thành bút danh Nguyễn Phan Hách. Cô bé họ Phan đó chợt bừng lên trong nỗi xúc động khi nhà thơ đi trên con đường Nguyễn Du đầy hương thơm. Những vần thơ trào dâng trong cảm xúc yêu thương: “Tuổi mười lăm em lớn từng ngày/ Một buổi sáng bỗng biến thành thiếu nữ/ Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ/ Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ…”.
Sau đó bài thơ đã được hai nhạc sĩ phổ thành bài hát. Trong đó nổi bật là ca khúc “Mối tình đầu” của nhạc sĩ Thế Duy. Bài hát đã đi vào lòng người và phổ cập sâu rộng. Một thời đi đâu ai cũng nghe và thuộc lời ca: “Ngày xưa tôi thầm yêu một nàng thiếu nữ/ Tóc em dài như gió mùa thu/ Ngày xưa khi hoa sữa thơm ven mặt hồ/ Theo năm tháng em lớn từng ngày/ Những kỷ niệm không bao giờ phai…”. Bài hát đã được giải B (Hội Văn nghệ Hà Nội) là một áng tình ca nổi tiếng được yêu thích về Hà Nội.
Tiếng chim hót giấc mộng thu xưa
Có tới mươi quán cà phê nằm vị trí đẹp “mê tơi” trên phố Nguyễn Du trước mặt là hồ Thiền Quang trong xanh. Nhưng có lẽ gắn bó với thực khách nhất vẫn là “Cà phê chim” tại vườn hoa nhỏ bên hồ. Tuy địa chỉ “Cà phê chim” lấy số nhà bên Trần Bình Trọng nhưng toàn bộ cửa hàng hoạt động lại thuộc phố Nguyễn Du. Đó là hệ thống mái che nằm trên đường lát cống thoát nước của thành phố. Những ngày cuối tuần, cộng đồng người chơi chim đều tới để dự cuộc thi chim hót. Phố Nguyễn Du rộn rã và ríu rít trong đam mê âm thanh ngọt ngào ngân vang.
Sự quyến rũ của con phố bên hồ Thiền Quang càng trở nên kỳ thú với hương thơm nồng nàn hoa sữa. Một bản nhạc bên hồ liễu xanh ngân lên qua ô cửa ngôi nhà xinh xắn: “Em ơi! Hà Nội phố!/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Tiếng giày ai ngõ nhịp đường khuya” (Phan Vũ). Tiếng chim ca làm sống dậy khu rừng trúc xưa nơi góc phố. Gió thổi vi vu như tiếng sáo thiên thai cùng những phím dương cầm dạo trên phố thu…