Hiến tế - nhìn từ hôm nay!

15:56 02/01/2025

Qua những chứng cứ khảo cổ học mới nhất, giới nghiên cứu phương Tây khẳng định tục hiến tế người sống có ở nền văn minh Maya - một trong những nền văn minh rực rỡ và đầy bí ẩn của nhân loại.

Tin rằng hạn hán là do thủy thần nổi giận, họ đưa đến giếng thánh cô gái đồng trinh để làm người hầu của thần, để được ăn ngon mặc đẹp, sung sướng, an nhàn. Nay vẫn còn, tại giếng thánh này, người dân bản địa vẫn tái diễn lễ hiến tế ấy. Nhưng không chỉ có ở nền văn minh Maya, tục hiến tế có ở mọi nơi.

Vì nước là tài sản quý giá của tự nhiên không thể thiếu với con người. Hết nước tức là cạn kiệt sự sống. Thế nên sản sinh quan niệm chung ở đâu có nước, ở đó có thủy thần, sông ngòi, biển cả, thậm chí cả giếng nước… Câu tục ngữ Việt “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”, thì “Hà bá” là thủy thần, tương đương với thổ công

. Truyện ngụ ngôn “Ba chiếc rìu” của Aesop kể anh chàng đốn củi đánh rơi chiếc rìu sắt xuống sông. Dưới dạng một ông lão, thủy thần hiện lên cầm hai chiếc rìu bằng vàng, bạc hỏi xem rơi chiếc nào. Anh ta nói chỉ rơi chiếc rìu sắt. Thủy thần cho luôn cả ba chiếc rìu vàng, bạc, sắt. Thì ra người thật thà sẽ luôn gặp “quý nhân phù trợ”.

Người Nga có cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng” (được Pushkin viết lại) kể ông lão xin con cá vàng cái gì cũng được, nhưng nghe lời bà vợ quá tham lam là xin cho vợ làm vua dưới biển, thì con cá mất dạng. Hiểu theo truyện này thì dưới biển có vua (Long vương). Chẳng cứ người Nga, hầu như dân tộc nào cũng đều có “Long vương”, “Hải vương”… tức vị thủy thần của riêng họ và cùng chung đức tin có ba vị vua, đại để trên trời là Ngọc Hoàng, dưới biển là vua Thủy Tề, trên mặt đất là vua người trần… Trong cổ tích “Thạch Sanh” của Việt Nam, vua Thủy Tề còn tặng Thạch Sanh cây đàn thần!

Giếng thánh nơi hiến tế của người Maya cổ xưa.

Hiến tế ra đời từ thời tối cổ, khi con người chưa hiểu tự nhiên, tin rằng có thần linh, mong muốn có được cuộc sống tốt lành, hạnh phúc. Đó là việc dâng đồ ăn thức uống, vật quý, con vật hoặc người đang sống cho thần linh, thể hiện sự sùng mộ, thành kính mong được ban cho những điều như ý. Như vậy, cái lõi của tục này là nhân văn. Nhưng tại sao ở thời văn minh hôm nay, con người vẫn “hiến tế”, dĩ nhiên theo hình thức khác, ví như chuyện cúng bái mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã với ngựa xe, nhà lầu, thậm chí cả máy bay…? Đấy thuộc về vấn đề khác, nhưng chắc có một lý do là con người vẫn tin có lực lượng thần linh bên cạnh cuộc sống trần gian!? Nhưng tại sao “hiến tế” thủy thần là nhiều nhất, ở nhiều nước, vật tế, thường là trâu?

Xin kể lại một vài huyền thoại của ta. Thời Lý Nhân Tông, có người tên Vũ Phục, cùng vợ nhảy xuống nơi giao nhau giữa sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hiến mình cho thủy thần để “ngài” không dâng nước, nhờ vậy thành Thăng Long vẫn yên ổn. Dân bèn lập đền thờ (tức đền Chiêu Ứng thờ Chiêu Ứng Đại vương Vũ Phục thuộc Yên Thái - Tây Hồ nay).

Sử ghi năm 1425, khi quân Lam Sơn qua biển Nghệ An, một đêm Lê Lợi mộng được thần báo xin một thiếp sẽ âm phù việc đánh giặc. Bà Ngọc Trần tự nguyện. Ngày đó nhằm 24 tháng 3, trở thành ngày giỗ của bà… Sách “Công dư tiệp ký” (của Vũ Phương Đề) kể đời Trần có Yết Kiêu (quê Hải Dương, ngày ấy là vùng biển), đêm ấy thấy hai con trâu nước chọi nhau liền dùng đòn gánh mà phang, trâu lặn xuống biển mất tích. Trên đòn gánh còn dính vài sợi lông trâu, bèn nuốt vào bụng, từ đó có tài bơi lặn. Về sau ông giúp Hưng Đạo Vương đuổi giặc Nguyên.

Trong truyện cổ tích “Thạch Sùng” của ta, nhân vật Thạch Sùng cũng nhìn thấy đôi trâu chọi nhau trong đêm trăng mà đoán sắp có lụt to. Chùm truyền thuyết về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đều có chi tiết hai con trâu từ dưới biển lồng lên rồi chọi nhau. Sách “Đồng Khánh địa dư chí lược” (đời Nguyễn thế kỷ 19) ghi lễ hội này có nguồn từ thần tích “Tước Điểm đại vương” - vị thần râu tóc bạc phơ (màu của sóng biển) chăn hai con trâu. Lễ hội diễn ra mùng 9 tháng 8 âm lịch, thường có mưa gió, tức thời điểm thủy thần hiển linh…

Không chỉ có ở nước ta mà có ở khắp vùng văn minh lúa nước châu Á và miền ven biển Tây Thái Bình Dương, lễ hội chọi trâu thể hiện tín ngưỡng nông nghiệp (cầu mưa, cầu phúc,...), sự yêu mến, quý trọng con trâu. Căn cứ vào thời điểm tổ chức (thường vào dịp trăng sáng) người ta thấy có mối liên hệ giữa trâu với trăng và thủy triều (sừng trâu cong như trăng khuyết, vỏ sừng có các lớp ngấn hình thủy triều; vai, hông có khoáy biểu trưng cho sấm chớp, mưa gió…). Trăng gắn liền với thủy triều (do lực hút của trăng) nên lễ hội chính là một cách tiếp thêm sinh lực cho vũ trụ và con người.

Có ý kiến (GS Trần Lâm Biền) cho rằng hình ảnh hai con trâu chạy từ dưới biển lên rồi chọi nhau tượng trưng cho thủy triều lên, chạy xuống biển tượng trưng cho thủy triều rút. Như vậy gần như có thể khẳng định lễ hội chọi trâu là ánh xạ của quy luật tự nhiên gần gũi mà bí hiểm: thủy triều!

Khoa học hình sự ngày nay còn chứng minh trăng liên quan đến yếu tố tội phạm. Qua khảo sát người ta thấy các hành động phạm tội thường gia tăng vào những đêm trăng sáng - thời điểm tội phạm bị kích thích tâm lý hành động, lại thường không quan tâm tới việc bị phát hiện hay không… Liệu vấn đề này có liên quan tới tục hiến sinh thường tổ chức vào cữ trăng sáng từ thời nguyên thủy, mà “mảnh vỡ” của nó còn “văng” về hôm nay: cúng ngày Rằm (cũng là một dạng hiến tế)!?

Một nghi lễ hiến tế của người Ai Cập cổ đại.

Một đặc trưng của nghi lễ hiến tế là tính thiêng. Vật hiến tế càng quý đồng nghĩa với sự khẳng định tính tối linh của vị thần. Mà thiêng nhất có gì hơn cái chết đâu. Trong muôn loài, có gì quý hơn con người đâu. Thế nên hiến tế người sống (thời tối cổ) mang tính thiêng cao nhất dành cho các vị thần cao nhất, có quyền lực nhất. Trong nhiều truyền thuyết có chi tiết người sống tự nguyện “hiến sinh”, đó là sự cống hiến tuyệt đối. Dần dần vật hiến tế được thay thế bằng con vật, đồ vật… Cả người chủ tế và “vật tế thần” hẳn nhiên được thiêng hóa, phải được chọn lựa, được “thanh tịnh hóa”...

Dễ hiểu có những đền thờ, miếu thờ những người đã “hiến sinh” con người họ vì cộng đồng. Tất nhiên có nhiều sự hiến tế bắt buộc, như vào thời phong kiến hà khắc, tàn nhẫn, phi tần, mỹ nữ bị chôn theo vua… Trong văn hóa Việt, có lẽ chịu ảnh hưởng Phật giáo mà “hiến tế” nhẹ nhàng hơn, là “hiến tế” bằng “cái tâm”, tức lòng thành trong sáng. Thời trước, ngày rằm, ngày giỗ các cụ ta có khi chỉ cúng tổ tiên bằng một nén hương thơm, một quả trứng gà luộc và chén nước lã!

Theo truyền thuyết Việt, vị thủy thần đầu tiên chính là Lạc Long Quân, giống Rồng kết duyên cùng Âu Cơ giống Tiên sinh ra giống nòi Âu Lạc. Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển. Với tâm thức Việt, biển như là cội nguồn tạo sinh ra một “văn hóa biển” rất phong phú. Phù hợp với tâm lý, tính cách và phong tục tập quán cư dân lúa nước, con trâu đi vào văn hóa Việt trở thành hình ảnh quen thuộc, một mã văn hóa cơ bản...

Tượng trâu đất nung được tìm thấy trong các di chỉ Đồng Đậu (niên đại hơn ba nghìn năm). Là tài sản quý (vật chất) lại gần gũi (tinh thần) nên trâu được thiêng hóa thành vật hiến sinh trong các nghi lễ, hội hè... Hình ảnh lễ hội chọi trâu của người Việt cổ được khắc chạm trên trống đồng. Vì thế, hình ảnh trâu từ dưới biển đi lên, cũng không lạ, như là một biểu tượng bước ra từ ngôi nhà văn hóa vậy!

Ở miền núi cũng rất cần trâu, để giúp cày bừa, kéo gỗ, lấy thịt... Như trên đã nói, “vật tế” phải được thiêng hóa, nên con trâu “tế” cũng được coi như một vị thần. Nét nhân văn sâu đậm của lễ tục phát sáng nhất ở điểm này, nhưng ở thời hiện đại hầu như bị bỏ qua nên tục thiêng bị nhìn méo mó, chỉ còn là sự “vô cảm”, “dã man”,… Tây Nguyên có tục đâm trâu, người Thái Tây Bắc có lễ cúng trâu để xin thần linh cho mưa thuận gió hòa bản mường an bình. Ngày thường chăm trâu như người, ngày tế phải đi ba vòng, vừa đi vừa châm đuốc vào trâu (để cúng) với cái ý xua đốt sên, muỗi…, vảy nước vào mình trâu với ý tắm cho trâu sạch sẽ, để thần linh ưng lòng.

Chiểu theo những ý hiểu trên thì lễ tục (hiến tế) không nên cấm mà chỉ nên biến đổi hình thức cho phù hợp. Như một dòng chảy đã có từ ngàn đời, văn hóa có quán tính rất mạnh, không thể ngăn được, chỉ có thể hướng dòng chảy ấy về phía nào có ích hơn, nhân văn hơn mà thôi!

Nguyễn Thanh Tú

Bộ Công an khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong hệ thống quản trị toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xây dựng trật tự thế giới dựa trên pháp luật quốc tế và Hiến chương LHQ; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới.

Ngày 5/1, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Thị Thảo (SN 1996, trú tại Lào Cai) và Lin Kai Yuan (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”; khởi tố bị can đối với Dương Thị Như Hồng (SN 2000, trú tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) về tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Theo Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm nước tiểu của nữ bệnh nhân 67 tuổi ở Thanh Hoá vào nhập viện trong tình trạng hôn mê phát hiện chất độc strychnin. Chất độc này cũng được tìm thấy trong gói bột thuốc người bệnh sử dụng.

Tôi về quê vào những ngày cuối năm, trên chuyến xe chật ních những người, lòng dâng lên một cảm xúc xốn xang, bồi hồi khó tả. Bao nhiêu năm trôi qua với niềm nhớ thương da diết, Tết quê nhà trong tim tôi vẫn luôn dung dị, bình yên với khói chiều cuối năm bảng lảng, ngày cuối Chạp bóng nắng hắt lên lũy tre làng xanh biêng biếc, bầy chèo bẻo đậu trên nhánh cây bạch đàn tao tác gọi bạn.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2023; chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023; chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hoạt động giai đoạn 2021-2023 của các cơ sở y tế công lập tỉnh Khánh Hòa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文