Những truyện ngắn xinh xắn nhưng không bằng phẳng

14:15 23/12/2022

Truyện ngắn của Đoàn Thị Phương Nhung thường ít truyện có cái kết viên mãn, có hậu; phần nhiều có cái kết dở dang, để dành cho độc giả, mỗi người tự hiểu và nhận định theo sự phán đoán của mình và nó cũng phù hợp với không gian, hoàn cảnh mà các nhân vật hoạt động cũng đầy tính bất định.

Hẳn nhiều độc giả còn nhớ, vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, công cuộc đổi mới đất nước đã tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật phát triển. Chỉ riêng Trung ương đoàn thanh niên, ngoài những tờ báo có sẵn, đã liên tiếp cho ra những ấn phẩm mới: Hoa học trò, Mực tím dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, khích lệ cho sự xuất hiện hàng trăm cây bút viết văn, làm thơ tuổi học trò. Có thể nói chưa khi nào trên dải đất hình chứ S thân yêu của chúng ta lực lượng cầm bút tuổi hoa xuất hiện đông đảo đến thế.

Về sau, tờ Hoa học trò phải ra thêm Phụ san Hương đầu mùa, tờ Mực tím ra thêm Phụ san Áo trắng chỉ để chuyên đăng tải những sáng tác …dành cho lứa tuổi này. Báo Tiền phong thì ra thêm tờ Tiền phong chủ nhật để có "đất" đăng văn chương cho giới trẻ. Bên Hội Nhà văn, ngoài tờ Văn nghệ còn cho ra Phụ san Văn nghệ trẻ cũng mang ý nghĩa như vậy. Những tờ báo ấy đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Trong số hàng trăm tác giả viết cho các tờ báo này, cái tên Đoàn Thị Phương Nhung đã dần trở nên quen thuộc thông qua những truyện ngắn của cô, bắt đầu từ khi Nhung là học sinh THPT ở Thái Nguyên, rồi sau là sinh viên đại học. Những năm sau này khi cơ chế thị trường phát triển mạnh lên, kinh tế tiêu dùng cuốn hút rất nhiều "nhà văn tương lai" không còn sắt son với ngòi bút nữa thì Đoàn Thị Phương Nhung vẫn gắn bó với văn chương dù cô biết rằng thành công trong lĩnh vực này không hề dễ dàng, trên đường đi gặp nhiều chông gai hơn là hoa hồng.

Tốt nghiệp THPT, Nhung làm hồ sơ thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Ra trường, Nhung xin vào Điện ảnh Công an làm biên kịch và biên tập, rồi trở thành Phó giám đốc Điện ảnh Công an. Hiện nay Đoàn Thị Phương Nhung mang quân hàm Thượng tá, giữ cương vị Phó trưởng ban chuyên đề Truyền hình Công an nhân dân - ANTV.

Trong lĩnh vực Điện ảnh - Truyền hình, Đoàn Thị Phương Nhung đã có những đóng góp. Một thí dụ gần đây nhất: Nhung tham gia viết kịch bản cho bộ phim ca nhạc "Nắng lên bên mẹ" giành giải vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2020. Công việc bận rộn nhưng chưa khi nào Nhung sao nhãng niềm say mê sáng tác văn học. Nhung đã xuất bản các tập truyện ngắn "Cánh hoa hình dấu hỏi" (2006), "Sự giận dỗi của đêm" (2013) và tập truyện ngắn mà tôi viết lời giới thiệu có tên là "Khoảng riêng em". Ngoài ra, Nhung còn in chung trong các tập "Các cây bút trong lực lượng Công an" (2001), "Các cây bút trong lực lượng Công an" (2002), "5 tác giả trẻ" (2004), "Truyện ngắn lãng mạn" (2005), "Truyện ngắn hay về đề tài an ninh" (2006), "Truyện ngắn hay về tình yêu" (2007), "Truyện ngắn đặc sắc" (2009), "Truyện ngắn dành cho bạn trẻ" (2010), "Truyện ngắn đặc sắc" (2011), "Yêu thử, yêu thật" (2011)…

Tác phẩm mới của Đoàn Thị Phương Nhung.

"Khoảng riêng em" gồm 19 truyện, hầu hết viết về tình yêu và hôn nhân của con người thời hiện đại. Cái thời mà khoa học công nghệ chi phối, đời sống tiêu dùng được tôn vinh, khoa học nhân văn có vẻ bối rối, chậm chạp, trì trệ. Cái tình, cái nghĩa phu thê bền chặt như trong ca dao, tục ngữ ít được nhắc đến. Con người trở nên thực dụng, ích kỷ, nhiều tham vọng. Tham vọng cả trong tình yêu và hôn nhân. Nhiều cặp yêu nhau đã không giữ được mối tình đầu trong trắng cho đến ngày kết hôn. Kết hôn rồi cũng không giữ trọn vẹn một vợ, một chồng.

Có hàng trăm nguyên do để các cuộc tình, các cuộc hôn nhân tan vỡ. Sự khác biệt về văn hóa gia đình. Sự khác nhau về những ký ức cá nhân. Cuộc sống xô bồ, không đủ tĩnh tâm "nhìn sâu vào trong mắt nhau" để thấy vẻ đẹp tiềm ẩn của nhau mà biết cách yêu thương và trọng thị nhau. Có khi chỉ là sự khác biệt về những thói quen nho nhỏ trong sinh hoạt cũng trở thành một vết rạn, nếu không biết cách thể tất và thiện chí hàn gắn nó cũng làm đổ vỡ một cuộc hôn nhân (truyện ngắn "Lựa chọn"). Có khi tình yêu mau đến, rồi lại mau tan. Hợp và tan chẳng vì một điều gì rõ ràng. Con người không lý tưởng, tẻ nhạt, không cá tính (truyện "Cuối mùa hoa gạo", truyện "Nguyệt và tôi").

Có những cặp nếu có nhau hẳn sẽ có hạnh phúc tròn đầy nhưng họ lại vô tình đi lướt qua nhau để rồi về cứ ân hận mãi (truyện "Nếu ta không gặp nhau)". Có cặp yêu nhau với đủ những điều kiện để xây dựng một gia đình hạnh phúc, nhưng khi một trong hai người thiếu một chút lòng nhân cũng đủ làm mầm họa đẩy họ đến tấn thảm kịch (truyện "Hoa trâm bầu"). Có những cặp yêu nhau lại mang theo những vết thương trong quá khứ, nếu không biết cách làm lành vết thương hoặc biết cách quên đi, đến một lúc nào đó nó tấy lên hóa thành khối u độc hại có khả năng phá tan hạnh phúc mới (truyện "Một câu chuyện cũ").

Đổ vỡ vì tham vọng là nhiều nhất. Tham vọng được thể hiện qua nhiều nhân vật, nó muôn hình vạn trạng. Vì tham vọng mà coi tình yêu, hôn nhân như những cuộc thể nghiệm, như một trò đùa, nhưng thảm bại trong cuộc đời thì lại rất thật (truyện "Người đàn bà nhẹ dạ"). Vì thiếu thiện chí, thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng nhau mà gây ra cho nhau quá nhiều thương tích, đau đớn, ê chề, nếu hàn gắn lại được thì cũng khó hạnh phúc trọn vẹn (truyện "Sắc màu nỗi nhớ").

Cũng có những tình yêu đích thực như trong truyện "Nhan sắc cũ", đó là chuyện của hai người bạn cùng học chung một lớp ngày xưa, khi gặp lại họ đều đã đủ từng trải, đủ vốn liếng văn hóa để cảm nhận họ sinh ra trên cõi đời là để dành cho nhau, nhưng liệu họ có giữ được hạnh phúc đến trọn đời không khi mà một trong hai người đã có một quá khứ như một vết sẹo không dễ xóa nhòa? Và mối tình chênh lệch lứa tuổi, như Chị với Em trong truyện "Người đàn ông đa cảm" cho dù họ yêu nhau mãnh liệt, đằm thắm, nhưng vẫn có những hoài nghi, liệu có giữ được sự bền chặt, dài lâu?...

19 truyện ngắn trong tập thì có tới 15 truyện  nói về tình yêu và hôn nhân. Mỗi cuộc tình, cuộc hôn nhân, Đoàn Thị Phương Nhung lại phát hiện ra một cung bậc, một sắc thái, một điều muốn nói. Tác giả đặt tên cho cả tập là "Khoảng riêng em" thấy khá hợp lý. Tác giả như muốn nói với bạn đọc rằng: những truyện ngắn trong tập này  là góc nhìn của riêng chị, với những chuyện rất riêng tư, không có gì đao to búa lớn cả. Tuy thế bạn đọc vẫn nhìn thấy một thông điệp: tình yêu và hôn nhân là cái chuyện mệnh hệ của kiếp người. Tình yêu, hôn nhân của con người Việt Nam thời hiện đại, không có bom rơi đạn nổ, cái đói không còn là điều đáng sợ, nhưng có gì đó bất định, khắc khoải, có một lỗ hổng nào đó về văn hóa, tinh thần?

Đoàn Thị Phương Nhung không né tránh những đớn đau, khắc khoải, chia ly, nhưng văn chương của chị ấm áp, nhân hậu, nhằm cảnh báo, thức tỉnh con người, nâng đỡ tinh thần họ hơn là lên án và nhất là không đẩy họ ngã xuống vực thẳm. Câu văn của Đoàn Thị Phương Nhung thường ngắn gọn, hàm súc, dồn nén, không có những câu thừa, câu độn và nồng nàn hơi thở cuộc sống, con chữ gắn kết như keo mật, cột chặt niềm tin của độc giả vào nội dung tác phẩm. Nhưng không vì thế mà văn của Nhung ít tính lãng mạn, bay bổng. Những trang văn mô tả thiên nhiên các mùa hay những đoạn mô tả tâm lý nhân vật ở những trạng thái phức tạp, lắt léo nhất đã chứng tỏ sự đa thanh, đa sắc trong văn của chị.

Truyện ngắn của Đoàn Thị Phương Nhung thường ít truyện có cái kết viên mãn, có hậu; phần nhiều có cái kết dở dang, để dành cho độc giả, mỗi người tự hiểu và nhận định theo sự phán đoán của mình và nó cũng phù hợp với không gian, hoàn cảnh mà các nhân vật hoạt động cũng đầy tính bất định.

Thường thì mỗi khi đọc một tập truyện ngắn, cái điều mà tôi lo ngại nhất đó là sự trùng lặp - trùng lặp về cốt truyện, trùng lặp về ý tưởng, về dạng nhân vật, về không gian truyện, về kết cấu… Tôi càng lo khi xem mục lục tập "Khoảng riêng em" của Đoàn Thị Phương Nhung có tới 19 truyện, nhiều như thế tránh sao không trùng lặp? Nhưng khi đọc, tôi thấy mừng vì điều mình lo ngại đã không xảy ra.

Lê Hoài Nam

Chiều 9/12, phát biểu thảo luận tại tổ HĐND TP Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu quan tâm đến tình trạng "thổi giá" trong các buổi đấu giá đất nền ở các huyện ngoại thành, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, giá khởi điểm đất đấu giá ở TP hiện nay có nơi chỉ 1,7 triệu đồng/m2, trong khi đó các bước đấu giá nhảy hỗn loạn.

Thời gian gần đây, hiện tượng một số cá nhân và tổ chức sử dụng chiêu trò đấu giá đất cao rồi bỏ cọc không chỉ làm méo mó thị trường bất động sản mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật. Hành vi này, dù có vẻ như là “trò đùa” với quy định pháp lý, thực chất đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến cả thị trường và xã hội phải trả giá đắt. Các tập thể, cá nhân gây ra “trò đùa” đó cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!

Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Thân Thị Hường (SN 1970, trú tại thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) về tội “Buôn lậu” và Thân Thị Thành (SN 1977, trú tại xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Chiều ngày 9/12, Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng Võ Ngọc Khánh (SN 1981; HKTT tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) d0 có hành vi vi phạm về tham gia giao thông đường bộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文