“Phạm húy” - Một thời ám ảnh!

13:56 25/05/2023

Ngày xưa giới văn nhân sợ nhất bị “phạm húy” tức khi viết/nói vô tình lặp lại tên vua hay tên anh em họ hàng, lăng tẩm đền đài của vua. Có người vô tình đặt tên con trùng với tên cháu của vua cũng mắc tội… Điều ấy nói lên một tính chất cực kỳ phi dân chủ của xã hội phong kiến xưa.

Xin bắt đầu bằng những tên gọi. Tên húy là gì? Là tên cha mẹ đặt cho từ lúc còn nhỏ, tức tên tục, tên khai sinh. Tên tự đặt ra để kiêng gọi tên húy, tên tục. Tên hiệu tự đặt cho mình để gọi cho nhã, cho đẹp. Thường những ai thành danh, tên tuổi, tiếng tăm mới có tên hiệu. Tên thụy còn gọi là tên hèm, tên cúng cơm là tên được đặt cho những người đã chết, thường là vua chúa, quan lại, thầy học… Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên húy là Nguyễn Văn Đạt, tự là Hạnh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ…

Vì sao phải kiêng tên húy? Điều này có lý do văn hóa. Người phương Đông xưa quan niệm tên gọi gắn với linh hồn. Ma quỷ rất thích tên đẹp, tên hay nên thấy đứa trẻ nào có tên như thế chúng sẽ bắt. Do vậy các bậc cha mẹ kiêng gọi tên tục của con mà phải đặt một tên khác, tức tên tự để ma quỷ nhầm lẫn. Người ít chữ nghĩa thì gọi tên con quê mùa xấu xí, người biết chữ đặt tên cho khác lạ mà vẫn có ý nghĩa… Dần dần trở thành một tập quán bị nhà nước phong kiến lợi dụng để tăng cường thêm quyền uy.

Một hình phạt “trượng” (đánh bằng gậy) của Trung Quốc cổ xưa!

Đây là những chuyện có trong lịch sử Trung Quốc. Thời vua Chu Nguyên Chương (tức Minh Thái Tổ 1328 -1398) viên quan Hứa Nguyên làm bài biểu tấu ca ngợi triều đình, trong đó có tám chữ “Thể càn pháp khôn, tảo sức thái bình” (Thể chế như trời phép tắc như đất, trau chuốt làm đẹp cảnh thái bình). Nhưng nhà vua lại hiểu hai chữ “pháp khôn” không là phép tắc trời đất mà là “hình phạt cạo trọc đầu” và đọc “Tảo sức thái bình” thành “Tảo thất thái bình”, có nghĩa “sớm sẽ gặp binh đao loạn lạc”. Hứa Nguyên liền bị lôi ra xử tùng xẻo. Đời Thanh, nhà thơ Tử Tuấn chỉ vì viết hai câu thơ: “Minh nguyệt hữu tình hoàn cố ngã/ Thanh phong vô ý bất lưu nhân” (Trăng sáng có tình còn nhìn ta/ Gió mát vô ý không giữ người lại) mà mắc án chém vì bị hiểu “Thanh phong” là ám chỉ nhà Thanh, “minh nguyệt” là ám chỉ triều Minh…

Hầu hết các triều đình phong kiến Trung Quốc đều áp dụng các hình phạt tàn bạo đối với người phạm “quốc húy” tức nói tên hoàng đế, vì thế là mắc “đại tội bất kính”. Theo luật khi viết tên vua phải dùng cách “khuyết bút” tức phải bỏ nét và cách “khiếm trung” tức bên cạnh chữ “vua” không được viết những chữ “hôn” (tối tăm) “sát” (giết)... Nhưng vẫn có chuyện xảy ra và hậu quả rất thảm thương. Năm 1777, một viên quan văn tên Vương Tích Hầu viết tên Càn Long mà không dùng khuyết bút (bỏ nét) nên bị trọng tội “tru di cửu tộc” và tịch biên toàn bộ tài sản… Người xưa gọi đó là “ngục văn tự”, cố mà tránh!

Ở ta, tiểu thuyết “Lều chõng” của Ngô Tất Tố kể chuyện thí sinh Đào Vân Hạc học rất giỏi thi đỗ Hội nguyên nhưng vì phạm húy trong kì thi Đình nên bị giam hai ngày và bị truất khoa cử. Chuyện “phạm húy” này có khi chỉ là chuyện “dùng phải những chữ trùng với tên lăng, tên điện của nhà vua”. Trong tác phẩm có câu nói của ông chủ nhà trọ khi nghe các thí sinh giải thích về “phạm húy”: “-Thôi! Tôi xin lạy cả nón. Phúc tổ nhà tôi, làm sao lúc học dốt quá, đành phải bỏ học đi cày. Nếu như tôi sáng dạ một chút, mà cố theo đuổi để được cắp quyển vào trường với các ngài, thì chắc suốt đời bị tội”. Câu này có sức tố cáo nhà nước phong kiến cực kỳ ích kỷ, rẻ rúng thậm chí thủ tiêu tài năng chỉ vì những lý do không đâu.

Theo sử sách nước ta thì lệnh kiêng húy sớm nhất có ở đời Trần, thời vua Trần Thái Tông năm 1232. Nhà Trần lệnh những ai mang họ Lý phải đổi sang tên họ khác. Lý do là ông tổ nhà Trần tên Trần Lý nên ai mang tên này, họ này là “phạm húy”. Có lẽ đây chỉ là cái cớ, sâu xa hơn, nhà Trần không muốn để một ai trong họ Lý nuối tiếc quá khứ mà có tư tưởng làm phản. Vì nhà Trần vừa “tiếm ngôi” nhà Lý một cách “hòa bình”.

Đến thời vua Lê Thái tổ lệnh kiêng húy được đưa vào “luật” và phổ biến rộng rãi với các loại húy là quốc húy, tên húy, gia tộc húy và dân gian húy. Quốc húy là kiêng tên vua. Thời Lê Trung hưng do kiêng tên vua Lê Trang Tông là Lê Ninh, nên các địa danh có chữ Ninh đều phải đổi (huyện Vĩnh Ninh đổi thành Vĩnh Phúc, tức huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa nay). Vua Lê Thế Tông tên thật là Duy Đàm, nên huyện Thanh Đàm phải đổi thành Thanh Trì gần nghĩa nhau (“trì” là cái ao, “đàm” là cái đầm). Vua Lê Chân Tông tên là Duy Hựu, nên huyện Thuần Hựu phải đổi thành Thuần Lộc, nay là huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.

Trước thời Lê có dãy núi Tùng ở huyện Thụy Nguyên (nay là huyện Thiệu Hóa), sau này vì kiêng tên húy của chúa Trịnh Tùng mà dãy núi không còn tên nữa. Chúa Trịnh Tạc (1657 - 1682), được vua Lê phong cho tước Tây vương nên một loạt địa danh có chữ Tây đều phải đổi tên. Như huyện Tây Chân xứ Sơn Nam hạ đổi thành huyện Nam Chân. Đến thời Nguyễn đổi thành Nam Trực (“chân” và “trực” cùng nghĩa là ngay thẳng). Sơn Tây đổi thành xứ Đoài. Hồ Tây (Thăng Long) lại gọi là Đoài hồ. Cách đổi này dựa vào một cung trong Bát quái, “Đoài” chỉ hướng Tây.

Văn nhân mắc tội lưu đày!

Luật “dân gian húy” vẫn còn rơi rớt đến giữa thế kỷ XX. Ai đã trên dưới 50 tuổi đều thấy ở nhà quê người ta kiêng đặt tên con trùng với tên cụ kỵ, ông bà, bố mẹ… Thậm chí kiêng đặt tên con cháu trùng tên hàng xóm láng giềng, vì quan niệm khi gọi hay khi chửi con cháu là chửi cụ kỵ, bố mẹ… người ta. Thành ra chuyện chẳng đâu vào đâu mà sinh ra mâu thuẫn, mất đoàn kết, có khi kiện cáo rất vô lối. Kỵ húy trong dân gian được nhiều nơi quy định cụ thể, chi tiết trong “hương ước”, tức lệ làng. Có làng quy định về việc kỵ húy tên thành hoàng. Ai vi phạm sẽ bị phạt…

Đến thời nhà Nguyễn, lệnh kiêng húy còn khắt khe hơn, thể hiện sự mất dân chủ đến dã man. Sĩ tử đi thi mang tâm lý rất nặng nề. “Khinh húy” (phạm húy nhẹ) tức phải kiêng tên cha mẹ chú bác, đền đài, lăng tẩm… của nhà vua. “Trọng húy” là kiêng tên của vua. Ai phạm khinh húy trong bài thi thì bị đóng gông phơi nắng ba ngày, suốt đời bị cấm đi thi. Phạm trọng húy thì bị bỏ tù và thầy dạy học cũng bị phạt vì đã để cho trò phạm lỗi. Ai đang làm quan mà viết văn bản phạm trọng húy cũng bị phạt như giáng cấp, nặng thì tù đày, bị đánh 80 trượng (theo Luật triều Gia Long). Thí sinh Đào Vân Hạc trong “Lều chõng” là phạm vào “khinh húy”. Năm 1841 dưới thời vua Thiệu Trị, nhà thơ Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Khi chấm bài thấy một số bài văn hay nhưng phạm húy, tiếc cho người có tài mà chịu thiệt thòi, ông bàn với một vài giám khảo lấy muội đèn làm mực chữa bài thi từ trượt thành đỗ. Vụ việc bị phát giác, ông bị phạt rất nặng…

Hậu quả nặng nề của “phạm húy” không chỉ con người đương thời phải chịu mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới ngôn ngữ sau này. Nhất là việc xác định danh từ riêng đích thực trong các văn bản cổ. Vì mỗi triều đại quy định cách “kỵ húy” riêng nên có tên nhân vật lịch sử hay địa danh phải chữa đi chữa lại có khi đến ba bốn lần thành ra có tên nhân vật phải đối chiếu, tra cứu rất nhiều văn bản mà cũng không chính xác.

Ví như một nhân vật nổi tiếng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu là Nguyễn Hữu Kính, do kiêng húy không được gọi thẳng tên nên viết/ đọc trại ra là Cảnh (tức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh). Đến thời triều Nguyễn, kiêng tên hoàng tử Cảnh, nên viết/ đọc trại một lần nữa từ Kính thành Kiếng. Vì lý do này người Nam bộ gọi (cái) “kính” là “kiếng”, “cung kiếng” thay cho “cung kính”, “kiếng lễ” thay cho “kính lễ”… Điều này lý giải vì sao một nhân vật mà có hai cách viết.

Vì kiêng húy tên vua Tự Đức là “Thì” mà Ngô Thì Nhậm thành Ngô Thời Nhiệm. Kiêng húy tên “Chu”, tức chúa Nguyễn Phúc Chu mà Phan Chu Trinh thành Phan Châu Trinh… Húy kỵ thời Nguyễn được nâng lên thành “Quốc luật”. Vẫn áp dụng lối tránh kỵ húy giống các triều đại bên Trung Quốc như dùng lối “khuyết bút”, “khiếm trung” nên câu chữ văn bản thay đổi, phải thêm nét, bớt nét, đọc chệch âm hay dùng từ đồng nghĩa. Ví như kiêng húy chữ “Tông” (tên húy của vua Thiệu Trị) mà các tên vua thời trước phải đọc chệch âm, Lý Thánh Tông đọc lại là Lý Thánh Tôn… Chỉ là tên gọi thôi nhưng quả thật vô cùng rắc rối, phiền toái, phức tạp!

Nguyễn Thanh Tú

Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch đã trao bằng công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Vụ cháy xảy ra tại nhà cho thuê trọ cao 9 tầng, địa chỉ số 269 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực xảy ra cháy ở trong trục kỹ thuật điện thông tầng từ tầng 5 đến tầng 9 của công trình, nên đã phát sinh nhiều khói, khí độc hại.

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文