Thế sự nhân tình trong thơ Bằng Việt

15:06 11/05/2024

Tôi đã đọc thơ Bằng Việt từ những ngày còn là sinh viên đại học. Thời đó thơ ông thường được ngâm trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều bài thơ cho đến nay tôi vẫn thuộc lòng.

Thực ra, nói đọc thôi thì không chuẩn, vì thời đó chúng tôi sơ tán lên tận Đại Từ (Bắc Thái), gần như không có báo để đọc. Những sinh viên yêu thơ như tôi chỉ nghe qua đài, rồi chép vào sổ tay học thuộc lòng. Nhiều bài thơ Bằng Việt dịch từ các nhà thơ Nga cũng được chép vào sổ tay như thế, cùng chuyền nhau ngâm ngợi... Thời đó tôi đã hình dung ông là một nhà thơ tài hoa.

Nhà thơ Bằng Việt.

Hôm vừa rồi, Hội Nhà văn Việt Nam họp tổng kết năm, tôi gặp ông, tôi đưa tặng ông tập thơ và có ý muốn viết đôi điều về ông. Đọc xong tập thơ “Thơ Bằng Việt 1986-2016” ông gửi cho tôi qua email, tôi cảm thấy ông là một nhà thơ công dân thực sự. Cũng phải, vì năm 2013 Bằng Việt đã được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú. Tôi bỗng nhớ tới bài thơ “Trở lại trái tim mình”, bài thơ đã qua hơn 50 năm mà tôi vẫn thuộc lòng. Bài thơ là một khúc tráng ca về Thủ đô Hà Nội thời đó:

... Sông Hồng ơi giông bão chẳng thay màu/ Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp/ Chùa Một Cột đổ lên đầu giặc Pháp/ Lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen/ Dù nhiều điều tôi nhớ tôi quên/ Nhưng Hà Nội trong tôi là vĩnh viễn...

...Dù quân thù bắn phá cuồng điên/ Tim ta đỏ, vẫn nguyên lành Hà Nội/ Ôi trái tim nóng hổi/ Tôi về đây là thêm sức đi xa... (1967).

Thật hào sảng, thật trữ tình, thật nồng say… Nhiều câu thơ trong bài ấy đến bấy giờ vẫn rất gợi, rất mở: Những gác xép bộn bề hy vọng/ Những đầu hồi bóng nắng nhấp nhô…/ ...Cánh bướm màu hạnh phúc cứ bay đôi/ Ve sầu ran điệp khúc những mùa vui... Ôi rất lâu, rất lâu/ Tôi mới lại đi một ngày thong thả/ Thành phố như tim tôi yên ả/ Sau rất nhiều gian lao...

Nhà thơ Bằng Việt (Nguyễn Việt Bằng) sinh ra ở Huế, nhưng quê gốc ở Chàng Sơn, Thạch Thất, Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội. Bài thơ “Bếp lửa” viết từ thời sinh viên của ông được đưa vào sách giáo khoa, đã gợi nhiều chi tiết về vùng quê Xứ Đoài ấy:

...Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói/ Năm ấy là năm đói mòn, đói mỏi/ Bố đi đánh xe khô rạc ngực gầy/ Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu/ Nghĩ lại đến giờ, sống mũi còn cay  ... Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà/ Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa...

Ngoài tám năm thời thơ ấu đi tản cư cùng bà nội và em trai (1946-1954) và dăm năm tình nguyện vào tuyến lửa làm phóng viên mặt trận, đồng thời được phân công ghi chép Sổ vàng truyền thống của Đoàn 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn, từ 1969 đến 1973, dọc tuyến Đường mòn Hồ Chí Minh), thì hầu như trọn cuộc đời, Bằng Việt sống và gắn bó mật thiết với Thủ đô Hà Nội.

Và với danh xưng một luật gia, một nhà thơ, Công dân Ưu tú Thủ đô, Bằng Việt cũng đã từng được dân Thủ đô tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố hai khóa (1991-2000), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố bốn nhiệm kỳ (Khóa 9,10,11,12). Sau đó, ông tiếp tục được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội ba nhiệm kỳ; đồng thời kiêm nhiệm là Ủy viên Đảng Đoàn và Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, rồi Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội của UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch của Ủy ban Hòa bình Việt Nam. Những năm gần đây, ông đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội”.

Tôi vừa đọc chùm thơ của Bằng Việt mới in ở Tạp chí Nhà văn và cuộc sống số 16-2013. “Thế sự nhân tình” vẫn luôn là điều đau đáu trong thơ ông. Khi suy tư về một hoàn cảnh ngỡ chừng rất phi lý mà mọi người đều chấp nhận và thấu hiểu, từ câu chuyện cổ là "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (mà tác giả Lưu Quang Vũ đã từng chuyển thành kịch rất thành công), Bằng Việt lại đã cho nối dài thêm tình tiết “phi lý mà hợp lý” ấy tới tận hôm nay: "...Xác không hồn, đành nhờ hồn Trương Ba đóng thế/ Chuyện trái khoáy nực cười, khiến bi kịch bất ngờ thêm rối ren hơn.. / Nhưng đến thời nay, bi kịch cũ đang hóa thành việc đời phổ biến:/ Sống hai mặt, ở hai lòng, còn hòa nhập làm sao thể xác với tâm hồn!?".

Tác phẩm của nhà thơ Bằng Việt.

Và bài "Nếu băng vẫn tan trên Bắc Cực", cũng ở chùm thơ trên:

Nếu: "...Trận đại hồng thủy xa xưa lộn kiếp trở về...", thì: "Nhân loại sẽ cần hàng triệu con thuyền Nô-ê/ Không phải tên lửa, xe tăng, đầu đạn hạt nhân hay bom nguyên tử/ Không cần các phe nhóm, băng đảng, bất kỳ cánh tả hay cánh hữu/ Không cần cả chủ nghĩa vô thần, mọi học thuyết đòi xé lẻ và thủ tiêu giai cấp/ Không cần cả bè lũ độc tài tham lam, đòi ngồi lên đầu thiên hạ suốt đời!...Vâng, các núi băng vẫn đang tan... trên Bắc Cực!.."..

Các bài thơ luôn lấy cảm hứng rất cụ thể, đậm “chất thế sự” như vậy, toát ra chất triết lý ngay từ bản thân mỗi sự việc thực tế, từ lâu đã có chỗ đứng trong thơ Bằng Việt. Tôi nhớ, hơn 35 năm trước, từ thời bao cấp, một cô ca sĩ khá tài năng, vốn chỉ làm hợp đồng cho Hội Văn nghệ Hà Nội, lúc vừa biểu diễn xong, được mọi người tung hô tán thưởng, thì Bằng Việt đã tưng tửng hạ một câu kết rất thực tế, mà lại chua chát bất ngờ đến mức làm độc giả chúng ta đều chưng hửng (trong bài thơ "Giọng hát hay - 87"): "...Tất cả ùa quanh, cổ vũ, chúc mừng em/ Em chỉ cắn môi, mệt mỏi, dịu dàng:/ - Đã chắc gì em được vào biên chế!!!".

Vậy đó! Dù là một giọng hát hay thật sự, được mọi người yêu mến, tung hô, nhưng cái lo “cơm áo gạo tiền” của mỗi nghệ sĩ đã choán hết cả cảm xúc nghệ thuật... Và được vào biên chế thời đó là một mơ ước không hề dễ dàng gì, dẫu rằng rất có tài đi nữa. Và một hậu quả nữa của thời kỳ đó là cách sống tạm bợ, nay biết nay, mai biết mai, không có điều kiện để hoạch định nổi tương lai cho chắc chắn. Thật buồn, khi: Cái tạm bợ đã thành một đời/ Cái tạm bợ đã thành vĩnh cửu! (Sự tạm bợ).

Sống cạnh luồng tư duy lạc hậu ấy, nhà thơ Bằng Việt ý thức rất rõ là mình không được giậm chân tại chỗ, hay tụt hậu, mà cần dám đổi mới, phù hợp với thời đại: ...Anh không khác ư?/ Thời đã khác rồi... (Thời đã khác rồi). Và: ...Đã qua bao nhiêu suy nghĩ nhất thời/ Qua tất cả những vui buồn bé bỏng/ Thời gian như ngọn sóng/ Lòng ta như đất bồi... (Từ giã tuổi thơ).

Nhìn lại cả một thời tạm bợ, nhiễu nhương, tất nhiên có chút ngậm ngùi, nhưng tâm trạng phải bình tĩnh, tự tin, không bi lụy: "...Nốt ruồi nhỏ bên môi em vẫn thế/ Mà một thời giông bão đã đi qua..".  (Rung động buổi chiều). Dù thời thế đã đổi thay, nhưng lòng ông vẫn luôn đau đáu mọi chuyện nhân tình thế thái, say mê khám phá cái mới đang trải ra vô tận trong đời, và đặt cả vấn đề trách nhiệm của Thơ với Đời: "...Những khám phá nhỏ nhoi sánh đâu tầm vũ trụ/ Ngàn gay cấn rát lòng, thơ vẫn là ngoại trú/ Thơ còn là tri kỷ nữa hay chăng?!" (Lại nghĩ về thơ).

Bây giờ, bước vào thời hội nhập và mở cửa, đôi khi đã có người chủ quan cho rằng thời sáng tác thơ có ý thức công dân là cũ kỹ rồi, lạc hậu rồi! Tôi không nghĩ thế. Thời nào thì mỗi chúng ta đều là con dân đích thực của nước Việt, và không thể đứng ngoài trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân.

Ta phải sống thế nào, yêu thế nào, cảm nhận thế nào, thì mới viết ra được những câu thơ rung động lòng người, mà lại có đầy đủ phẩm chất công dân. Ngoài tài thơ, thì điều này hẳn là một phần cũng còn do trời phú nữa. Nhưng nếu không nỗ lực đạt được tiêu chí ấy, thì thơ chẳng qua vẫn chỉ đóng vai trò một “kẻ ngoại trú” vậy thôi, như nhà thơ Bằng Việt đã viết.

Một thực tế hiện nay, là không ít người viết trẻ của chúng ta xuất hiện rất nhanh rồi vụt tắt! Tôi thiển nghĩ: Một nhà thơ lớn phải là một nhà văn hóa lớn. Họ phải dám sống hết mình, yêu hết mình, dám dấn thân gắn bó hết mình với cộng đồng dân tộc, với quê hương, đất nước. Do vậy, tôi rất tâm đắc với những câu thơ của nhà thơ Bằng Việt đã viết trong bài “Beethoven và âm vang hai thế kỷ”:

...Trái tim lớn mang niềm đau khổ lớn
Trái tim trải những vòng sóng gợn
Lan truyền đi mãi mãi tới tương lai...

Xưa nay, những nghệ sĩ, những nhà thơ lớn đều cần có trái tim lớn, biết rung động và chia sẻ được mọi niềm vui, nỗi khổ của con người... Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu... là như vậy. Ngày nay, nếu chỉ nhân danh “làm mới thơ”, nếu chỉ tỉa tót tỉ mẩn những tình cảm, suy nghĩ vụn vặt, bé nhỏ của riêng mình, thì thơ sẽ còn cần cho ai, tôi thiển nghĩ vậy!

Sóc Sơn 4/2024

Dương Kỳ Anh

Theo dự báo, hiện bão số 3 (bão Yagi) cách Móng Cái 180km, mạnh cấp 14 giật cấp 17 và sẽ đổ bộ vào đất liền vào buổi chiều nay. Do ảnh hưởng hoàn lưu bão, miền Bắc có mưa rất to, nhiệt độ giảm từ 4 - 5 độ. Người dân ở các tỉnh thuộc phạm vi ảnh hưởng của bão cần nghiêm ngặt ở nhà, chờ bão đi qua.

Trong khi lãi suất huy động tiếp tục tăng nhẹ, thì lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp. Các chuyên gia nhận định lãi suất cho vay khó tăng sớm trong bối cảnh tín dụng cần đẩy mạnh để hơn 1 triệu tỷ kịp bơm ra nền kinh tế trong 4 tháng cuối năm.

Mua bán chứng khoán trong những năm qua được nhiều người xem như là một kênh đầu tư hiệu quả nhằm gia tăng lợi nhuận, tài sản. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ kiến thức, thông tin và cả sự cảnh giác trước những chiêu trò, thủ đoạn “lùa gà” ngày càng tinh vi của các “cá mập” chuyên đi săn trên sàn chứng khoán.

Những diễn biến đang diễn ra tại Trung Đông cho thấy quỹ đạo của khu vực này có vẻ đang hướng tới xung đột và bất ổn kéo dài. Để tránh viễn cảnh này, khu vực cần một khuôn khổ an ninh mới có khả năng đáp ứng mối quan tâm của tất cả các bên liên quan. Điều này đòi hỏi hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn và một cam kết rõ ràng từ các tác nhân trong khu vực.

“Công ty đang tích cực hợp tác và tuân thủ mọi yêu cầu từ cơ quan chức năng. VNG cam kết sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo ổn định mọi hoạt động kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tác, cổ đông và các bên liên quan”, thông cáo báo chí của VNG phát đi vào rạng sáng 7/9.

Tình trạng in lậu, làm sách giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách, nhất là sách giáo khoa đang gia tăng dưới nhiều hình thức. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất bản, mà còn tác động tiêu cực đến việc tiếp cận tri thức của các em học sinh và mọi tầng lớp trong xã hội.

Khu vực lòng hồ thủy điện Cần Đơn thuộc địa bàn xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, là nơi mưu sinh của nhiều hộ gia đình Việt kiều Campuchia di dân tự do, hồi hương từ nhiều năm nay.

Theo Tân Hoa Xã, vào thời điểm đổ bộ đảo Hải Nam (Trung Quốc) chiều 6/9, siêu bão Yagi - một trong những cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2024 có sức gió lên tới 234 km/h, thậm chí, Trung tâm Phóng vệ tinh Văn Xương trên đảo có lúc ghi nhận tốc độ gió giật đến 265km/h.

Cục Đào tạo, Bộ Công an vừa công bố điểm chuẩn vào hệ trung cấp CAND năm 2024. Theo đó, điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất hệ trung cấp năm nay là 27,89 điểm đối với nam khu vực phía Bắc, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân (CSND) I. 

Chiều 6/9, tại Bắc Ninh, Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống (08/9/1984 - 08/9/2024), đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và khai giảng năm học mới 2024 -2025. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tại buổi lễ.

Ngày 6/9, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Tâm (SN 1985, ngụ ấp An Thái, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, An Giang) có hành vi mạo danh đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bước đầu đối tượng khai nhận đã lừa đảo nhiều nạn nhân, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文