Nhân đọc tập truyện ngắn “Phận đàn bà”, NXB Hồng Đức, 2024 của nhà văn Y Mùi

Y Mùi với “Phận đàn bà”

14:00 22/11/2024

Thời gian thật nhanh quá! Mới năm nào, 2015, nhà văn, tiến sĩ y học bác sĩ Đào Thị Mùi, bút danh Y Mùi in tập truyện ngắn đầu tiên “Những nẻo đường tu”. Và từ đó đến nay, tác giả đã có các tập: “Lan man buồn”, “Người quê”, “Đường chiều”, “Vụn vặt chuyện nhà”, và năm 2024 tập thứ sáu là “Phận đàn bà”. Không phải là người viết quá khỏe, nhưng trong vòng 9 năm xuất bản được 6 tập sách cũng là đáng kể!

Tập truyện ngắn mới nhất này gồm 15 truyện, trong đó có một vài truyện từng có mặt trong các tập trước. Có lẽ vì tác giả ưng ý, hoặc là vì phù hợp với nhan đề “Phận đàn bà” nên chúng có mặt ở tập này.

Hầu hết các nhân vật trong truyện dù có tên hay không tên đều là phụ nữ, dù đó là người già hay trẻ, thành đạt, hay bình thường, nhưng có thể nói họ đều chung một số phận bất hạnh. Họ đều hy sinh vì chồng, vì con. Lại cũng tột cùng đau khổ vì chồng, vì con. Chỉ có mỗi bà cụ Cội là may mắn có đông con cháu, lại được chúng động viên trở thành “người hiện đại nhất của làng xã”. Thêm vào đó là Mơ trong “Kí ức vụn” vượt cảnh nghèo khó được đi học nước ngoài, nhưng vẫn không nguôi nỗi buồn “Ánh mắt buồn bã, tuyệt vọng của con chó chờ chết cho cuộc vui của gia đình ngày ấy luôn hằn sâu trong tâm trí”. Và một cô “Lan ham vui” may mắn không bị “gả chồng sớm”, nên cô bé Lan nhà quê mới thành giảng viên một trường đại học. Chỉ ít ỏi có ba trường hợp không khổ vì con, vì chồng, vì mẹ chồng. Còn lại thì mỗi người một nỗi khổ, một hoàn cảnh khổ…

Nhà văn Y Mùi.

Đó là bà cụ chủ quán không tên, đã hơn tám mươi vẫn phải mưu sinh trên vỉa hè với quán bún thu nhập ít ỏi và bấp bênh. Chồng già đau ốm, hai con trai nghiện ngập phải đi trại, cô út thì cũng chỉ đủ ăn…(Mẹ người).

Bà cụ khác, bà Ngãi, có con trai là tiến sĩ, được phong hàm giáo sư. Bà góa khi còn trẻ, ở vậy nuôi con thành tài, rồi bán nhà ở quê ra phố trông nom con cháu. Ông con “tiền nhiều như quân Nguyên”. Nhưng nghe vợ, ép bà cụ ăn riêng, rồi đưa về quê. Đến khi cụ gần đất xa trời thì lại cấp tốc đưa cụ trở lại thành phố để làm đám ma, và cái chính là thu tiền phúng viếng. Cụ Ngãi cũng quá khổ vì vợ chồng ông con siêu giàu! (Chuyện nhà người).

Cô Tân giờ đã thành mụ Tân lại khổ kiểu khác. Muốn đổi đời, dồn hết vốn cho chồng đi xuất khẩu lao động. Ở nhà vò võ nuôi con, trả nợ nần. Rồi ông chồng không về đi theo bồ. Mụ Tân từng phải kịch liệt chống trả với sự hành hạ của “con cái bản năng”, “gần trọn cuộc đời không có đàn ông”. Nay già chỉ còn biết kết bạn với ông Toàn để “bầu bạn cho vui” (Mụ Tân).

Một người mẹ không tên, có thằng con “nghịch tử”. Chỉ vì muốn cho nó có bố; chỉ vì sợ tiếng tăm mà chị phải nhắm mắt lấy một người chồng “rất hay nổi cơn điên”. Rồi chị phải bán nhà vì thằng con, chịu sống cuộc đời “niềm vui thì mỏng manh nhưng nỗi phiền muộn lúc nào cũng ăm ắp đầy như nước sông mùa mưa lũ”. Thằng nghịch tử bỏ đi, người mẹ giận, nhưng vẫn thương, vẫn mất ngủ cả đêm để tìm kiếm nó trên mạng (Mộng mị).

Người mẹ khác là bà Thiện, vốn là chị Thiện giỏi giang. Chị cần có chồng, cần có con nên đã “bẫy” được anh kĩ sư Xuân Tươi. Nhưng thằng con là một gánh nợ đời. Anh chồng thì phụ bạc. Thằng Ái phá gia chi tử, đến mức chị phải đuổi nó khỏi nhà. Nó còn làm khổ người mẹ khi sa vào con đường ma túy bị Công an đến khám xét quán cà phê mà mẹ nó nhặt từng đồng tiền lẻ. Người mẹ “đứng như trời trồng”, “không khóc được hay nước mắt đã cạn”. (Bà Thiện)

Khổ đau, bất hạnh cùng cực là người vợ không tên trong truyện “Phận đàn bà”. Hai lần sinh con một mình. Đứa lớn thì không lành lặn vì phải mổ. Đứa sau không sống được vì kíp mổ phải cứu mẹ. Người mẹ chồng nanh ác đã rủa xả, không cho chị vào nhà. Gã chồng sợ mẹ còn nhẫn tâm đánh chị khi chị “cãi” mẹ chồng. Kết cục của truyện là mẹ chồng chết, anh chồng cũng trong tình trạng bệnh nặng. Nhưng chị đã để cho đứa con tật nguyền trở về lo cho bà nội và bố nó. Chị cũng không để con một mình. Một tấm lòng nhân hậu nơi người đàn bà bị đối xử tệ bạc…

Cũng chuyện mẹ chồng, nàng dâu, và chuyện chồng nhưng mức độ dữ dội ít hơn. Đó là chuyện của cô Nụ, anh Thành và bà mẹ chồng chỉ thích ra thành phố chữa bệnh, chỉ thích nằm ở bệnh viện. Còn anh chàng Thành, chỉ vì bữa sáng không vừa ý mẹ mà chửi vợ một cách tục tĩu, thô lỗ... Rồi Nụ quyết định nói dối cơ quan, nói dối mẹ chồng, bỏ về quê trong những ngày cận Tết. “Chuyện sau đó mới thực sự buồn”. Đó là chuyện của Nụ với Thành, với mẹ chồng và gia đình chồng (Chuyện buồn kể cuối năm).

Cũng một tinh thần nhân hậu như người vợ không tên trong “Phận đàn bà”, đó là nhân vật Thơm trong truyện “Nợ từ kiếp trước”. Thơm lấy Hạnh nhưng hầu như không một ngày hạnh phúc. Chờ chồng dằng dặc. Khi chồng về thành thương binh nặng, tính tình thay đổi. “ Như cơm bữa, Thơm luôn bị chồng gây gổ, chửi mắng, đánh đập đến bầm dập”. Thơm đã không chịu đựng nổi,  muốn bỏ chồng, đã than thở với chị gái giọng quyết liệt: “Em khổ quá chị ơi!”; “Em muốn chém cho nó một nhát”; “Em giết người rồi ngồi tù còn hơn là sống thế này”; “Em bỏ nó thôi”…

Người chị khuyến khích: “Bỏ ngay và luôn đi. Đời còn dài lắm". […]

Những tưởng cuộc hôn nhân ấy sẽ tan vỡ. Nhưng bất ngờ, Thơm nói với chị gái mình: “Thương lắm chị ạ. Em chẳng thể cầm lòng. Em quyết định rồi. Em không bỏ anh ấy được đâu chị ạ. Chắc em mắc nợ anh ấy từ kiếp trước nên kiếp này phải trả thôi…”.

“Phù thủy già lan man tự truyện” là một truyện ngắn châm biếm. Một nữ lãnh đạo chẳng có tài cán gì, “ngoài cái áo khoác đẹp là gia đình có công với nước” mà cứ leo dần lên nấc thang quyền lực cao nhất. “Mụ cứ hồn nhiên như cô tiên. Tự tiện “đêm Nam ngày Bắc”, bay vào rồi lại bay ra như người ta dạo chợ cóc mỗi sáng”. Mụ liên miên họp hành, mụ bán ghế, triệt hạ cấp dưới. Rồi người ta giải tán cơ quan “vô tích sự” của mụ. Mụ về vườn, và mụ tiếc thời hoàng kim, mụ trách lũ đệ tự “lom khom” của cơ quan là lũ “ăn cháo đá bát” vì đã quên mất mụ.

Hai truyện có liên quan ít nhiều đến nghề y và công việc văn thơ của tác giả là “Vụn vặt chuyện nghề “ và “Chém gió”. Bác sĩ Hiền với người bệnh nhân có ông chồng “quá thông thái” cái gì cũng đọc trên mạng. “Sự hiểu biết nửa vời làm khổ chính người ham tìm kiếm thông tin và làm hại người thân của mình”. Bác sĩ đã phải dùng bài “dọa nạt” để bệnh nhân an tâm điều trị, không phải “dọa nạt” để moi tiền như số ít đồng nghiệp (Vụn vặt chuyện nghề).

Tác phẩm mới của nhà văn Y Mùi.

Còn “Chém gió” là một truyện vui. Chỉ vì cái ảnh mông má và chùm thơ được đăng báo mà có bao nhiêu cuộc điện thoại. Trong đó có 5 cuộc độc đáo của năm “anh giai” cao tuổi!

Các “anh giai cao tuổi” đều săn đón, khen ngợi, muốn kết bạn, muốn thăm nom, nhưng khi được thông tin “lão bà” đang ở cùng “với chồng, với con” thì đột nhiên ngắt kết nối! Thật đúng kiểu “tình chay” trong thơ của Nguyễn Thị Mai!

Như thế đủ thấy những đề tài đa dạng trong tập truyện liên quan đến “Phận đàn bà”.

Tuy nhiên, có lẽ không ngẫu nhiên mà tác giả đặt tên cho tập truyện này như vậy. “Phận đàn bà” từng vang lên trong ca dao. Và từng nổi tiếng trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du: “Đau đớn thay phận đàn bà!”.

Chúng ta đang sống trong chế độ mới. Chúng ta đang vận động và thực hiện những chính sách hướng đến sự bình đẳng giới. Nhưng dù sao, phụ nữ vẫn còn xa mới đạt được sự bình đẳng, bình quyền hoàn toàn với nam giới. “Phận đàn bà” góp một tiếng nói bênh vực chị em, những người chịu nhiều thiệt thòi, mất mát. Đó chẳng phải là một điều đáng khuyến khích hay sao?

Cần phải nói thêm rằng, trong sáng tác văn hay thơ không phải bao giờ cũng gặp được tập sau hay hơn, tập sau trội hơn tập trước. Trong trường hợp cụ thể với Y Mùi thì tập truyện này đã chứng tỏ độ chín của ngòi bút. Từ cách dựng truyện, cách kể, cách dẫn, cách kết thúc đến lời thoại của nhân vật,…

Tất cả đều chứng tỏ một tay nghề vững, một bút lực sung mãn.

Chúc mừng tập truyện thành công của tiến sĩ, bác sĩ cầm bút Y Mùi!

Hà Nội, mùa Thu 2024

Vũ Nho

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文