Để đấu giá không bị biến thành trò đùa
Ngày 3/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ đối với Phạm Ngọc Tuấn cùng 4 người khác trong nhóm tham gia đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn và trả giá tới 30 tỉ đồng/m², để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản".
Tuy nhiên, từ thực tế đấu giá đất trong thời gian gần đây, cần xử lý hình sự những kẻ cố tình phá rối để lập lại trật tự trong đấu giá đất nói riêng, đấu giá tài sản công nói chung…
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm việc ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất diện tích 90m² - 224m² với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m², tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng/ lô. Tuy nhiên, ở vòng trả giá thứ 5, đã có người trả tới 30 tỉ đồng/m² đất rồi bỏ cuộc.
Tại cơ quan điều tra, Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân khai, ban đầu xác định mức giá chỉ khoảng hơn 30 triệu đồng/m² thì có thể bán chênh được, nên đã bàn cách khống chế kết quả đấu giá qua 6 vòng bắt buộc. Theo kế hoạch, nếu đến vòng 4 mà mức giá được các nhà đầu tư trả cao hơn 30 triệu đồng/m² thì vào vòng 5 nhóm này sẽ "đưa ra một mức cao đột biến để thắng áp đảo".
Tại vòng 5, Phạm Ngọc Tuấn trả 30 tỉ đồng/m² cho 3 thửa đất; Ngô Văn Dương trả giá 101,4 triệu đồng/ m² cho 13 thửa đất; Nguyễn Thế Quân và Nguyễn Thế Trung trả giá 98,4 triệu đồng/m² cho 10 thửa đất. Khi đến vòng 6, cả nhóm thống nhất không tham gia nữa. Việc phá rối này khiến kết thúc phiên đấu giá, chỉ có 22/58 thửa đất được đấu giá thành công với giá trúng thấp nhất 32,4 triệu đồng/m²; cao nhất 50,4 triệu đồng/m²; tổng số tiền theo kết quả trúng đấu giá của 22 thửa đất là 112,2 tỉ đồng…
Đấu giá là hình thức bán tài sản công khai, minh bạch, hiệu quả, giúp tăng giá trị tài sản đấu giá. Tuy nhiên, thời gian qua đã có tình trạng một số đối tượng cố tình phá các vụ đấu giá đất. Tại phiêu đấu giá đất ở huyện Mê Linh (Hà Nội) cuối năm 2023, có trường hợp "trả giá nhầm" lên đến 4,28 tỉ đồng/m², gấp 142 lần giá khởi điểm. Thế nhưng, ngay sau buổi đấu giá, người này đã trao đổi lại với đơn vị tổ chức về việc "ghi nhầm mức giá do lần đầu tham dự, tâm lý căng thẳng". Ông này cũng xin cơ quan chức năng cho nhận lại tiền cọc hơn 600 triệu đồng và được chấp thuận.
Gần đây nhất, ngày 10/8/2024, cuộc đấu giá 68 thửa đất ở thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai có số lượng kỷ lục trên 4.200 hồ sơ với hơn 1.500 người tham dự. Lô thấp nhất được trả giá 52 triệu đồng/m². Lô đất được trả giá cao nhất có giá lên tới 100,5 triệu đồng/m². Mức giá trên đều gấp từ 5 - 8 lần so với giá khởi điểm từ 8,6 đến 12,5 triệu đồng/m². Ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá, nhiều thửa đất đã được chào bán với mức chênh từ 200 - 600 triệu đồng. Có thửa đất đã được mua đi bán lại, nhưng chủ yếu là diện tích nhỏ, trả giá thấp. Điều đáng nói là do tạo sốt ảo qua đấu giá và lướt sóng không thành công, 55 trường hợp trúng đấu giá đã bỏ cọc khi đến hạn nộp tiền.
Từ thực tế "vỡ trận" các phiên đấu giá đất thời gian qua cho thấy tình trạng trả giá rất cao rồi bỏ cọc, hoặc đẩy giá đến mức phi thực tế gây ảnh hưởng rất lớn đối với việc đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất, ảnh hưởng quá trình phát triển kinh tế của địa phương.
Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản. Theo đó hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản thì ngoài bị phạt tiền còn có thể bị phạt tù đến 2 năm. Trong trường hợp phạm tội có tổ chức thì có thể bị phạt tiền tới 1 tỉ đồng hoặc phạt tù đến 5 năm.
Trường hợp hành vi cản trở khiến cho hoạt động đấu giá không thể tổ chức hoặc tổ chức không thành công và bị xác định gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù...
Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2025 đã bổ sung các chế tài xử lý vi phạm với người tham gia đấu giá. Theo đó, người tham gia đấu giá có hành vi thông đồng, móc nối với người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hiện Cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ để xử lý nhóm đối tượng vi phạm trong vụ đấu giá đất ở Sóc Sơn. Tuy nhiên, để ngăn chặn việc tương tự, cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp điều chỉnh kịp thời khi phát hiện những dấu hiệu bất thường; xem xét, điều chỉnh về cơ chế, chính sách, có những quy định chặt chẽ hơn để khắc phục những vấn đề tồn tại, bất cập trong đấu giá đất để ổn định thị trường bất động sản và đảm bảo an ninh trật tự ở các địa phương.